Giấy quyết định nghỉ việc có thời hạn bao lâu?

Quy định về giấy quyết định nghỉ việc hiện nay

Giấy quyết định thôi việc là một văn bản hành chính cơ bản và có hiệu lực pháp lý, chính vì vậy, cấu trúc của một giấy quyết định thôi việc phải đảm bảo đầy đủ các nội dung sau:

  • Quốc hiệu, tiêu ngữ
  • Tên quyết định, căn cứ và trích lục
  • Họ và tên của người có thẩm quyền và trực tiếp ra quyết định thôi việc
  • Nội dung của quyết định thôi việc:
    • Quyết định hướng tới cá nhân hay tổ chức nào? Chức vụ hiện tại và thời gian quyết định thôi việc
    • Tên của bộ phận và người có thẩm quyền trực tiếp thực thi quyết định thôi việc
  • Chữ ký
  • Nơi gửi, nơi nhận

Giấy quyết định nghỉ việc có thời hạn bao lâu?

Hiện nay pháp luật nước ta không có quy định cụ thể về việc trong thời hạn bao nhiêu lâu cũng như trách nhiệm của công ty phải ra quyết định thôi việc cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng.

Pháp luật chỉ quy định thời hạn người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Thời hạn thông báo khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là phải báo trước cho người lao động một khoảng thời gian nhất định trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng vì lý do người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng và vì lý do người lao động tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng, cụ thể như sau:

– Phải báo trước ít nhất là 45 ngày nếu giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Phải báo trước ít nhất là 30 ngày nếu giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng – 36 tháng;

– Phải báo trước ít nhất là 03 ngày làm việc nếu giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn mà có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng là người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị trong một khoảng thời gian nhất định nhưng vẫn chưa phục hồi được sức khỏe;

– Đối với một số các ngành, nghề hoặc một số công việc mang tính chất đặc thù thì thời hạn người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ do Chính phủ quy định.

Trách nhiệm bồi thường khi doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được xác định là việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà không đúng theo các quy định về lý do chấm dứt hợp đồng, quy định về thời hạn báo trước nêu trên.

Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì sẽ phải chịu các trách nhiệm đối với người lao động và bồi thường với mức bồi thường được quy định tại Điều 41 Bộ luật lao động năm 2019, cụ thể như sau:

Trường hợp nhận lại người lao động vào làm việc:

Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật trong trường hợp này bao gồm:

– Người sử dụng lao động sẽ phải có trách nhiệm nhận lại người lao động vào làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết giữa các bên;

– Người sử dụng lao động sẽ phải thanh toán các khoản tiền lương, phải tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong những ngày mà họ không được làm việc;

– Bồi thường một khoản tiền có giá trị bằng với ít nhất hai tháng tiền lương dựa trên hợp đồng lao động cho người lao động.

– Nếu không còn vị trí việc làm, công việc mà các bên đã giao kết trong hợp đồng lao động đồng thời người lao động vẫn muốn làm việc cho người sử dụng lao động thì hai bên tiến hành việc thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết.

Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục ở lại làm việc:

Nếu người lao động không muốn tiếp tục ở lại làm việc cho người sử dụng lao động thì lúc này hợp đồng lao động sẽ chấm dứt, người sử dụng lao động sẽ phải có các trách nhiệm sau:

– Chi trả các khoản tiền nêu trên tương tự như trường hợp nhận lại người lao động vào làm việc;

– Chi trả khoản tiền trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và có sự đồng ý của người lao động:

Nếu người lao động đồng ý với phương án không tiếp tục thực hiện hợp đồng của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động sẽ phải có các trách nhiệm sau:

– Chi trả các khoản tiền cho người lao động tượng tự như đối với trường hợp phải nhận người lao động vào làm việc lại nêu trên;

– Người sử dụng lao động phải bồi thường thêm cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận với nhau nhưng ít nhất phải bằng hai tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết.

– Chi trả khoản tiền trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật lao động năm 2019.