Pháp luật quy định như thế nào về vay tiền bằng giấy viết tay

Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay luôn coi trọng tình cảm, do đó đôi khi dẫn đến câu chuyện vì “cả nể”, vì tình nghĩa mà cho vay, cho mượn không cần ghi lại, hoặc chỉ cho vay tiền bằng giấy viết tay. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cho vay tiền bằng giấy viết tay đã có rất nhiều rủi ro vì không đòi được nợ. Bằng bài viết này, NPLaw sẽ cùng Quý độc giả tìm hiểu các quy định pháp luật về vay tiền bằng giấy viết tay.

I. Thực trạng vay tiền bằng giấy viết tay

Thực tế hiện nay, việc vay mượn tiền bằng giấy viết tay không phải là câu chuyện hiếm gặp. Đa phần các trường hợp này xảy ra giữa những người quen biết nhau, bên cho vay có sự tin tưởng nhất định vào uy tín cá nhân và mối quan hệ với bên vay. Các thỏa thuận vay nợ không cần xác lập cơ sở pháp lý cứ thế diễn ra và ngày càng có nhiều vụ vỡ nợ tiền tỷ cũng xuất phát từ nguyên nhân này.

II. Quy định pháp luật về vay tiền bằng giấy viết tay

1. Hình thức của hợp đồng vay tiền bằng giấy viết tay

Căn cứ quy định về hợp đồng vay tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Như vậy, pháp luật hiện hành không ràng buộc hình thức hợp đồng vay tài sản. Do đó, việc các bên lập văn bản viết tay để ghi nhận hành vi vay và cho vay tài sản là việc làm phù hợp quy định pháp luật.

2. Điều kiện hợp đồng vay tiền bằng giấy viết tay có hiệu lực.

Hiện nay, pháp luật không ràng buộc hợp đồng vay tài sản phải được thể hiện ở hình thức nào hoặc phải được thực hiện các thủ tục như công chứng, chứng thực.

Căn cứ quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng là một trong các hình thức của giao dịch dân sự. Do đó, điều kiện để hợp đồng vay tiền viết tay có hiệu lực là việc đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Theo các quy định trên, giấy viết tay là một hợp đồng vay tài sản, khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì giấy viết tay có hiệu lực pháp luật và phát sinh sự ràng buộc quyền và nghĩa vụ với các bên.

3. Điều kiện để giao dịch vay tiền bằng giấy viết tay có hiệu lực là gì?

Giấy vay tiền viết tay phải đảm bảo các quy định về giao dịch dân sự có hiệu lực theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Theo các quy định trên, nếu giấy vay tiền viết tay có đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì hoàn toàn có hiệu lực.

III. Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến vay tiền bằng giấy viết tay

1. Hợp đồng vay tài sản và giấy mượn tiền viết tay có gì khác nhau?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”.

Về bản chất, hợp đồng vay tài sản và giấy mượn tiền viết tay đều ghi nhận việc một bên cho bên còn lại vay một tài sản nhất định. Tuy nhiên, hợp đồng vay tài sản và giấy mượn tiền viết tay có các nội dung khác nhau như sau:

Về đối tượng:

Như đã phân tích ở trên, tài sản có thể là tiền hoặc các hình thức khác. Do đó, hợp đồng vay tài sản có phạm vi, đối tượng cho vay rộng hơn. Đó là thể là vay tiền, vay vật hoặc vay giấy tờ có giá,…

Trong khi đó, giấy mượn tiền viết tay đã ghi nhận cụ thể đối tượng giao dịch được đề cập chỉ bao gồm tiền.

Như vậy, đối tượng giao dịch của hợp đồng vay tài sản rộng hơn giấy mượn tiền viết tay.

2 min(15)

Về hình thức:

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 119 về hình thức giao dịch dân sự của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Hợp đồng vay tài sản có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Trong khi đó, tên gọi “Giấy mượn tiền viết tay” đã thể hiện rõ giao dịch này có hình thức văn bản.

Về giá trị pháp lý:

Hợp đồng vay tài sản được pháp luật thừa nhận và quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hợp đồng vay tài sản. Trong khi đó, giấy mượn tiền viết tay, mặc dù không bị pháp luật cấm nhưng cũng không phải nội dung được thừa nhận trong các văn bản pháp luật.

Do đó, Hợp đồng vay tài sản và giấy mượn tiền viết tay có sự khác nhau về đối tượng giao dịch, hình thức và sự ghi nhận của pháp luật hiện hành.

2. Căn cứ khởi kiện đòi nợ khi cho vay bằng giấy viết tay.

Như đã trình bày ở trên, nếu giấy vay tiền viết tay có đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì Giấy vay tiền viết tay đó hoàn toàn có hiệu lực.

Theo quy định tại Điều 116 về Giao dịch dân sự, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đến hạn trả nợ mà bên vay không trả tiền vay, bên cho vay có thể xác định bên vay đã xem phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình để khởi kiện tranh chấp đòi tài sản.

Như vậy, trên cơ sở các quyền, nghĩa vụ dân sự ràng buộc giữa các bên tham gia giao dịch dân sự (vay tiền bằng giấy viết tay), các bên vẫn có thể căn cứ vào Giấy viết tay vay tiền để khởi kiện đòi nợ.

3. Trong hợp đồng vay tiền bằng giấy viết tay thì các bên có được quyền tự do thỏa thuận về lãi suất cho vay hay không?

Căn cứ quy định về lãi suất tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. …

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Như vậy, trong trường hợp vay tiền bằng giấy viết tay thì các bên vẫn có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay, nhưng không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến vay tiền bằng giấy viết tay

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) về vay tiền bằng giấy viết tay. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, … hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Ngọc Phú để được tư vấn tận tình và nhanh chóng.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn