Giấy xác nhận dân sự xin ở đâu? Nơi cấp giấy xác nhận dân sự

1. Giấy xác nhận dân sự là gì?

Giấy xác nhận dân sự là văn bản được dùng để chứng minh và xác nhận việc công dân không vi phạm các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật và không có tiền án, tiền sự.

Qua đó, căn cứ vào đơn này, các cơ quan, các nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin về nhân thân của ứng viên trước khi quyết định có tiếp nhận người lao động vào làm việc hoặc tiếp nhận lao động đi xuất khẩu nước ngoài hoặc thực hiện bất cứ giao kết nào liên quan đến nội dung xác nhận.

2. Giấy xác nhận dân sự xin ở đâu? Nơi cấp giấy xác nhận dân sự

Thông thường, cá nhân sẽ gửi Đơn xin xác nhận dân sự thường đến cho cơ quan công an cấp xã vì cơ quan này có nhiệm vụ, chức năng nắm tình hình, xác minh và kiểm tra an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Dựa trên nội dung mà cá nhân muốn xác nhận được ghi trong Đơn xin xác nhận dân sự, cơ quan công an sẽ tiến hành xác nhận vụ việc dân sự của cá nhân. Do đó, việc soạn thảo Đơn xin xác nhận dân sự làm sao cho đầy đủ, ngắn gọn, xúc tích có vai trò nhất định trong việc vừa giúp cá nhân muốn xác nhận dân sự trình bày, thể hiện được toàn bộ nội dung, vấn đề mà mình muốn xác nhận, vừa giúp cơ quan công an có được những thông tin cơ bản, cần thiết của cá nhân và nắm bắt được toàn bộ mong muốn của người làm đơn để có thể tiến hành các bước xác nhận.

3. Hướng dẫn cách điền mẫu giấy xác nhận dân sự

Hiện nay, do chưa có mẫu giấy xác nhận dân sự thống nhất cụ thể nên có thể tham khảo thêm các mẫu có sẵn do địa phương cung cấp hoặc do địa phương hướng dẫn.

Tuy nhiên, trong đơn, công dân cần trình bày nguyện vọng xác nhận thông tin nhân thân, cư trú của mình một cách ngắn gọn, xúc tích, đầy đủ và chính xác gồm các thông tin cần xác nhận: Chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật…

Thông thường, giấy xin xác nhận dân sự sẽ bao gồm các thông tin:

– Họ và tên cùng địa chỉ thường trú hoặc tạm trú của người xin xác nhận;

– Họ và tên cùng địa chỉ thường trú hoặc tạm trú của bố, mẹ; của vợ/chồng (nếu có).

– Phần nội dung xin được cam đoan hoặc xác nhận.

– Phần thông tin xác thực của cơ quan công an địa phương có thẩm quyền.

Giấy này có thể được công dân viết tay hoặc đánh máy sẵn nhưng cần ít nhất các thông tin nêu trên để thuận tiện cho việc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Thủ tục xin giấy xác nhận dân sự

4.1 Khi nào cần xin giấy xác nhận dân sự?

Đơn xin xác nhận dân sự thường được sử dụng cho các mục đích:

– Làm hồ sơ xin việc hoặc xác nhận lý lịch của cá nhân công dân;

– Làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động;

– Làm hồ sơ kết nạp Đảng;

– Làm hồ sơ tốt nghiệp…

Đặc biệt, trong thực tế, khi đi xuất khẩu lao động và khi ứng tuyển vào một số vị trí tại các doanh nghiệp, nhiều nơi yêu cầu xác nhận dân sự.

Đây được coi là căn cứ để doanh nghiệp tuyển dụng người lao động. Đồng thời, tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… những thị trường có nhu cầu về nhân lực lớn cùng với chính sách về con người cũng khắt khe hơn nên yêu cầu về giấy tờ này thường là bắt buộc.

4.2 Xin giấy xác nhận dân sự cần giấy tờ gì?

Về hồ sơ, giấy tờ cần có khi xin giấy xác nhận dân sự, người yêu cầu cần chuẩn bị:

– Đơn xin xác nhận dân sự để cơ quan có thẩm quyền ký tên, đóng dấu xác nhận kèm theo ảnh 4×6.

– Giấy tờ nhân thân của công dân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hiệu lực);

Ngoài ra, một số địa phương có thể yêu cầu giấy xác nhận cư trú sau khi sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú giấy đã bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, chỉ tại các địa phương không thể khai thác được thông tin cư trú của người dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia như Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hoá, Bắc Kạn, cán bộ mới được yêu cầu giấy xác nhận cư trú để cung cấp thông tin về cư trú.

Riêng các địa phương còn lại, cán bộ phải sử dụng phương thức khai thác thông tin về cư trú trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Chỉ khi không thể khai thác được bằng các biện pháp này mới yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận cư trú.

4.3 Giấy xác nhận dân sự xin ở đâu?

Hiện nay, hồ sơ, thủ tục xin xác nhận dân sự chưa được quy định cụ thể, chính xác trong bất cứ một văn bản pháp luật nào.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, người có nhu cầu có thể thực hiện xin xác nhận dân sự tại cơ quan Công an xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, công dân cũng có thể xin xác nhận dân sự tại Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, công dân mang các giấy tờ này đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc UBND xã, phường nơi công dân cư trú.

Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông tin giấy tờ của người nộp đơn. Sau đó, tìm thông tin trên hệ thống thông tin của họ để xác nhận vào giấy những thông tin yêu cầu.

Cán bộ ghi xong thông tin thì ký và xác nhận đóng dấu, người yêu cầu ký và xác nhận rõ họ và tên.

Lưu ý: Có một số địa phương, công an không xác nhận vào đơn xin xác nhận dân sự. Do đó, tuỳ vào mục đích của bản thân, công dân có thể làm đơn xin xác nhận thông tin mà mình mong muốn.

Ví dụ: Thay vì xác nhận dân sự, công dân có thể xin xác nhận phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc phiếu lý lịch tư pháp số 2 để xác nhận mình không có án tích, không vi phạm pháp luật đến mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự và chịu án phạt tù.

4.4 Xin giấy xác nhận dân sự đóng phí bao nhiêu?

Do giấy này cũng không phải là giấy tờ được quy định trong các văn bản pháp luật mà do yêu cầu của một số ngành nghề, lĩnh vực nên không có mức phí hoặc lệ phí cụ thể khi xin giấy xác nhận dân sự.

Do đó, tuỳ từng địa phương, công dân đi xin xác nhận sẽ phải nộp mức phí khác nhau. Thậm chí có nhiều người có thể miễn phí xác nhận dân sự cho công dân.