Thơ như nói
Dường như Xuân Diệu cũng có những bài thơ dễ dãi, nhất là trong những năm 1960, 1970, nhưng ta thử đọc một đoạn thơ đơn sơ này, viết vào năm 1962: “Một buổi chiều trong bếp nấu cơm – Má đang lặt rau, lửa nhè nhẹ cháy – Một buổi chiều trong vườn sạch lá – Đất còn mang dấu chổi quét ban mai” (Một buổi chiều).
Những câu thơ thơm mùi đất, mùi bếp lửa, mùi của yêu thương có thể không bao giờ còn trở lại. Đơn sơ, giản dị khác với dễ dãi là vậy!
Xuân Diệu có tập thơ mang tựa đề Gửi hương cho gió, thì những câu thơ như vừa trích chính là mùi hương của thơ ông “hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya” , nó nhẹ nhàng mà khiến ta day dứt, nó đọng lại đâu đó trong ta khi gió đã ngừng và những ồn ào đã bặt.
Xuân Diệu có thể viết những bài thơ lộng lẫy, ngân vang như Nguyệt cầm, lại có thể viết những bài thơ giản dị như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Ông là một trong những nhà thơ Việt có ý thức làm thơ “như nói” từ khá sớm: “Theo ý má, con là hơn tất cả/Ánh mặt trời, má cũng gửi vào con/Bánh con cho, má để dành lại đã/Con ăn cùng, má mới thấy quà ngon/”(Thơ tặng má). Những ngắt nhịp của đoạn thơ khiến người đọc cảm thấy như tác giả đang một mình trò chuyện với mẹ mình, trong im lặng.
Còn đây là một ngắt nhịp khác, như tiếng kêu thốt hồn nhiên của những đứa trẻ, trong bài Cho chú xin một quả si:
Xem thêm : Trả lời câu hỏi: Mặt nạ lòng đỏ trứng gà có tác dụng gì?
“Mấy cháu trai cầm những nhành lá mượt tươi/Điểm những trái nhỏ, vàng, tròn, chín, mập/Một cháu hãy còn ngửa đầu tiếp tục/Nhón gót lên với bẻ những cành la…”.
Đó cũng là sự kín đáo của kỹ thuật “thơ vắt dòng” mà bây giờ một số người đang khuếch trương tới mức nống lên.
Xuân Diệu, ngay từ thời Thơ Mới, đã có ý thức du nhập “kỹ thuật” thơ phương Tây, đến nỗi nhiều người kêu ông làm thơ “Tây quá”. Thực ra, nếu chỉ đơn thuần dùng kỹ thuật thơ phương Tây, dù là kỹ thuật tân kỳ, Xuân Diệu cũng không thể chinh phục được người đọc như ông đã chinh phục.
Chính hồn Việt, hồn phương Đông, ngất ngây trong đạm bạc, giàu có trong tiết giản đã khiến thơ Xuân Diệu được người Việt yêu thích. Và sự chân thành đến tận cùng, đến không sợ những câu chữ có thể bị coi là ngây ngô, đã khiến thơ Xuân Diệu đặc biệt gần gũi với đời thường.
Bài thơ Đêm ở Thái Bình đã khiến không ít người phải ngạc nhiên: “Mấy thân cau, vài dăm bụi tre cao/Vạn tiếng côn trùng trong đất xôn xao/Một mặt ao cây vối nghiêng sát nước/Thỉnh thoảng ếch kêu trội hơn tiếng khác/Nhất là chó sủa văng vẳng hay hay/”.
Thế cũng là thơ ư? “Nhất là chó sủa văng vẳng hay hay” là một câu thơ ư? Hồi ấy người ta hỏi nhau vậy. Bây giờ, khi thơ đã tự giải phóng cho mình bao ràng buộc, đọc lại đoạn thơ này, tôi càng cảm phục Xuân Diệu: Ông đã đi một bước trước. Quả thật, đó là những câu thơ tuyệt hay. Và hiện đại. Là người có kiến văn rất rộng, và rất nhạy cảm, Xuân Diệu đã cùng lúc cho thơ mình chạy trên hai đường băng – thơ và đời – ấy. Không phải ai cũng phối hợp được sức đọc và sức cảm để có những tác phẩm đầy cá tính.
Xem thêm : TRUNG TÂM Y TẾ QUẬN 5
Xuân Diệu là người suốt đời khao khát, suốt đời thiếu hụt. Tôi đã không ít lần được ngắm nhìn Xuân Diệu… ăn. Ông ăn ngon lành và mê say như thể không còn được ăn một lần nữa. Bây giờ thì tôi hiểu: Ông “đói” đời sống, cái đời sống cụ thể, tươi mởn, tràn trề, sinh động kia, ông “vội vàng” vì bị cái cảm thức “trôi qua” đe dọa. Chính từ cái chênh vênh giữa tồn tại và hư mất ấy, mà ông làm thơ.
Thèm đời sống
Thèm đời sống là cái thèm đặc trưng trong thơ Xuân Diệu. Có lẽ nên đọc ông bắt đầu từ đó.
“Cay sống mũi như là ăn rau cải” (Lệ).
Tôi chưa thấy ai có một so sánh đột ngột như thế, cái cảm giác “cay sống mũi” lúc muốn khóc lâm li hơn cái cảm giác “cay sống mũi” khi ăn rau cải cay hay mù tạt chứ ạ! Thơ Xuân Diệu đã vượt qua sự “lâm li” truyền thống ấy để nói với ta một điều: cảm giác là cảm giác. Và khi là cảm giác về đời sống, của đời sống thì tất cả đều có thể tương đồng. Dường như Apollinaire cũng đã ngợi ca một cách cảm nhận về cảm giác như thế. Trong bài thơ Xoài thanh ca Bình Định Xuân Diệu đã đi tới tận cùng cái cảm giác của một đứa trẻ ăn xoài như thế này: “Má gọt thịt cho ăn/Đến khi lưa cái hột/Vẫn ôm lấy cạp hoài/Bởi cứ còn thơm ngọt/”. Đó không chỉ là “cạp” trái xoài. Đó là “cạp” chính đời sống đấy! Đã lắm, những câu thơ như thế!
Sau ngày giải phóng, nhà thơ về quê Gò Bồi thăm chị Bốn, được chị mình cho “Quả trứng gà ấp dở/Chị nướng lên cho em/Mùi trứng nướng thơm phức/Đến già em chẳng quên/”. Món quà tình quà nghĩa chị Bốn cho nhà thơ ăn sau mấy mươi năm xa cách, nó tích hợp được cái “ngon” của đời sống và cái “thương” cái “tình” của thơ. Đó là sự tương tác giữa thơ và đời thường thấy trong thơ Xuân Diệu.
Ngày trước, trong một chủ trương “văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa” đầy tính quan phương và bất trắc, Xuân Diệu lại biết tìm cho thơ mình một lối đi riêng mà quan chức văn nghệ thì khen ông “làm thơ đúng đường lối”, còn dân tình đọc thơ thì thấy gần gũi, còn bây giờ, giữa sự cởi mở ta lại nhận ra thơ ấy đích thực là… thơ hay. Bởi cái “cảm giác chủ” khi làm thơ là cảm giác thèm đời sống. Không thèm đời sống thì làm sao ra thơ? Đến thơ Thiền, thơ thoát tục cũng là thơ thèm đời, chỉ cách thèm là khác thơ trần tục mà thôi. (còn tiếp)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp