Pháp luật quy định như thế nào về tội phạm?

Tội phạm – Một cụm từ không quá xa lạ trong pháp luật hình sự. Khi hành vi thực hiện gây nguy hiểm cho xã hội, có đủ các dấu hiệu của tội phạm thì người thực hiện sẽ bị xử lý hình sự theo đúng khung hình phạt của tội phạm đó. Hiện nay, vẫn có nhiều cá nhân không hiểu rõ tội phạm là gì, nhầm lẫn giữa tội phạm hình sự và vi phạm hành chính. Hãy cùng NPLAW tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn các quy định hiện hành về tội phạm nhé!

I. Tội phạm là gì?

Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”

Tuy nhiên, đối với những hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác

1. Các loại tội phạm hiện nay

Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

Loại 1: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

Loại 2: Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

Loại 3: Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

Loại 4: Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phân biệt tội phạm hình sự và vi phạm hành chính theo các tiêu chí nào?

Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thì: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.”

Định nghĩa trên hoàn toàn khác với khái niệm tội phạm hình sự được Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tại Điều 8. Tuy nhiên vẫn có nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm này với nhau. Dựa vào các tiêu chí dưới đây để phân biệt hai khái niệm trên.

Thứ nhất, mức độ nguy hiểm: Tội phạm hình sự có mức độ gây nguy hiểm cho xã hội cao hơn vi phạm hành chính.

Thứ hai, dựa vào chủ thể phạm tội:

  • Tội phạm hình sự: cá nhân và pháp nhân thương mại.
  • Vi phạm hành chính: cá nhân và tổ chức.

Thứ ba, dựa vào khách thể:

  • Tội phạm hình sự: Các hành vi phạm tội hình sự được điều chỉnh trong Luật Hình sự.
  • Vi phạm hành chính: Các hành vi vi phạm hành chính được điều chỉnh trong các văn bản, nghị định về xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ tư, dựa vào hình thức lỗi:

  • Tội phạm hình sự dựa vào từng trường hợp lỗi, tính chất, hành vi mà chia thành 04 hình thức lỗi, bao gồm:
  • Lỗi cố ý trực tiếp: Tức là người phạm tội nhận thức rõ ràng hành vi của mình, biết được đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, thấy được hậu quả có thể xảy ra của hành vi đó, mong muốn hậu quả đó xảy ra và thực hiện hành vi phạm tội của mình.
  • Lỗi cố ý gián tiếp: Là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ về hành vi của mình, gây nguy hiểm cho xã hội, biết trước hậu quả có thể xảy ra của hành vi đó, mặc dù không mong muốn nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội để mặc cho hậu quả xảy ra.
  • Lỗi vô ý vì quá tự tin: Đây là trường hợp mà người phạm tội thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể gây nguy hại cho xã hội, tuy nhiên người phạm tội cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
  • Lỗi vô ý do cẩu thả: Trường hợp này người phạm tội không biết trước được hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
  • Vi phạm hành chính gồm 02 hình thức lỗi: cố ý và vô ý.

Thứ năm, dựa vào chế tài áp dụng:

– Tội phạm hình sự: Căn cứ Điều 32, Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định các hình phạt cho tội phạm hình sự như sau:

  • Đối với người phạm tội thì hình phạt chính gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Và hình phạt bổ sung gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, tịch thu tài sản, phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính.
  • Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Và hình phạt bổ sung gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
  • Lưu ý: Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội/ pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

– Vi phạm hành chính: Căn cứ Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất. Mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.

II. Làm thế nào để chứng minh tội phạm?

Dựa vào tính chất, yếu tố lỗi của từng trường hợp cụ thể để xác định khung hình phạt đối với mỗi tội. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất là làm sao để chứng minh tội phạm?

Chứng minh tội phạm là việc thu thập, kiểm tra, đánh giá các chứng cứ có được từ vụ việc để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Thông thường trách nhiệm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hình sự và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì việc chứng minh tội phạm chính là đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi sau:

Thứ nhất: Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội như thế nào?

hanh vi nguy hiem cho xa hoi bi coi la toi pham duoc quy dinh tai bo luat hinh su la vi pham

Thứ hai: Xác định ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội?

Thứ ba: Xem xét có những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo không?

Thứ tư: Xem xét tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra như thế nào?

Thứ năm: Nguyên nhân và điều kiện phạm tội là gì?

Thứ sáu: Có những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay không?

1. Dựa vào đâu để xác định tội phạm?

Khi xảy ra một vụ việc, để xác định tội phạm, thông thường dựa vào các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, dựa vào dấu hiệu hành vi thuộc yếu tố mặt khách quan của tội phạm; tức là những gì tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của con người. Mặt khách quan của tội phạm thông thường là hành vi nguy hiểm cho xã hội; hậu quả nguy hiểm cho xã hội; Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; Các điều kiện bên ngoài khác của tội phạm như công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm… thực hiện phạm tội.

toi pham la gi min

Thứ hai, dựa vào dấu hiệu lỗi của tội phạm; đây là yếu tố mặt chủ quan, xét đến hành vi, nhận thức và mong muốn của người thực hiện hành vi phạm tội để xem xét thuộc lỗi nào trong 04 hình thức lỗi mà pháp luật hình sự quy định.

Thứ ba, dựa vào dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi thuộc yếu tố chủ thể của tội phạm. Tức là dựa vào chủ thể thực hiện hành vi phạm tội để xác định tội phạm.

2. Một số thắc mắc về chủ đề tội phạm

a) Tố giác tội phạm ở đâu?

Theo Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; và cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

b) Không tố giác tội phạm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Theo khoản 1 Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội không tố giác tội phạm có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Cụ thể như sau:

“Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Như vậy, không tố giác tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

c) Hành vi tố giác tội phạm, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị xử phạt như thế nào từ ngày 01/9/2022?

Theo Điều 9 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/9/2022 do Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội ban hành quy định mức phạt đối với hành vi tố giác tội phạm, báo tin về tội phạm sai sự thật như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này:

a) Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

Như vậy, hành vi tố giác tội phạm, báo tin về tội phạm sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng cùng với hình phạt bổ sung tùy vào hành vi phạm tội.

d) Có hành vi nào có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa phải là tội phạm theo quy định không?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Như vậy, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện. Còn những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì chưa phải là tội phạm.

Trên đây là bài viết tham khảo về tội phạm, nếu bạn còn vướng mắc cần giải đáp hoặc có nhu cầu tư vấn pháp lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đừng ngần ngại liên hệ ngay NPLAW nhé!

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn