Ảnh hưởng của Mỹ tại các quốc gia Đông Nam Á hải đảo hiện nay

Đông Nam Á hải đảo bao gồm các quốc gia: Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Timor Leste và Philippines. Các quốc gia này nằm ở vị trí địa chiến lược kết nối hai đại dương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, các nước Đông Nam Á hải đảo luôn được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nói chung và tham vọng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á nói riêng. Đây là điều tương phản với Đông Nam Á lục địa (có thể được hiểu là Tiểu vùng sông Mê Kông), nơi đối thủ của Mỹ là Trung Quốc vẫn đang chiếm ưu thế về tầm ảnh hưởng. Để thực hiện chiến lược kiềm chế Bắc Kinh, Washington đã, đang và sẽ tiếp tục có những nỗ lực duy trì tầm ảnh hưởng tại các nước Đông Nam Á hải đảo và biến nơi này thành “bàn đạp” cho tham vọng ngăn chặn đà trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực. Vậy tầm ảnh hưởng của Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo hiện nay được biểu hiện như thế nào? Điều đó đang tác động như thế nào đối với khu vực này?

SoutheastAsiaIslands
Khu vực Đông Nam Á hải đảo

Hiện trạng quan hệ của Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo

Philippines là một quần đảo được tạo thành từ 7.107 hòn đảo, nằm ở vị trí giao thoa giữa Biển Đông và Thái Bình Dương tạo cơ hội cho thương mại quốc tế, vận chuyển hàng hải, đầu tư trong khu vực và còn là cửa ngõ quan trọng của Mỹ và các nước phương Tây vào khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Mỹ và Philippines từ lâu đã có mối quan hệ sâu sắc. Tại nước Mỹ có hơn bốn triệu người gốc Philippines, trong khi đó có gần 300.000 công dân Mỹ cư trú tại Philippines, người Philippines nổi tiếng thân Mỹ[1]. Philippines là quốc gia nằm trong nhóm đồng minh mà Mỹ thành lập ở châu Á- Thái Bình Dương cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và cũng là một mũi nhọn trong chính sách mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này. Mặc dù dưới thời Tổng thống Duterte, mối quan hệ dường như “rạn nứt” do những chính sách “tách rời” liên minh của Philippines, tuy nhiên mối quan hệ gắn bó hơn 70 năm, kể từ khi hai nước ký Hiệp ước phòng thủ chung và sự gắn bó về mặt xã hội đã tạo ra những lợi ích ràng buộc thắt chặt mối quan hệ của hai quốc gia.

Singapore nằm ở vị trí giao lộ của các tuyến đường thương mại quan trọng giữa các châu lục và khu vực, là một trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu. Singapore thành công trong việc chuyển mình từ một quốc đảo nhỏ bé với nhiều hạn chế về diện tích, dân số, tài nguyên thiên nhiên để “hóa rồng” và nâng cao vị thế trong khu vực nói riêng và trên trường quốc tế nói chung. Singapore đã “cất cánh thần kỳ” trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với mức thu nhập bình quân đầu người cao, là trung tâm tài chính – dịch vụ, thương cảng của thế giới. Trong những năm qua, Singapore vận dụng chiến lược ngoại giao mềm dẻo, đã thực hiện được chính sách vay mượn sức mạnh quân sự, chính trị của Mỹ để làm tiền đề cho sự phát triển “vũ bão” như hiện tại, còn đối với Mỹ, Singapore là một trong những “con rồng” châu Á giúp Mỹ có được vị thế vững chắc hơn, có khả năng thắng thế trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cũng giống như tham vọng đặt căn cứ quân sự của mình tại Philippines, thậm chí Singapore còn quan trọng hơn với Mỹ ở khía cạnh về hợp tác quốc phòng song phương trong những thập kỷ gần đây, để triển khai quân sự trong khu vực[2].

Indonesia là một quốc gia quần đảo nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở một vị trí chiến lược dọc theo các đường biển lớn kết nối Đông Á, Nam Á và châu Đại Dương. Indonesia là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới, quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, nền kinh tế lớn thứ bảy tính theo sức mua và là nước dẫn đầu trong ASEAN[3]. Indonesia giáp Biển Đông, nơi có các tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới – lượng hàng hóa trị giá hơn 5 nghìn tỷ USD và có tới 50% tàu chở dầu của thế giới đi qua Biển Đông mỗi năm[4]. Indonesia là một đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Dưới thời Chính quyền Obama, quan hệ Indonesia – Mỹ đang ở thời kỳ “vàng son”. Mối quan hệ này được tạo điều kiện thuận lợi nhờ tầm nhìn của chính phủ Indonesia trong việc trở thành điểm tựa hàng hải toàn cầu và sự tái cân bằng của Hoa Kỳ sang châu Á. Tuy nhiên, sang nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và Indonesia có dấu hiệu đứt gãy và không có bước tiến nào đáng chú ý. Đến chính quyền của Tổng tống Joe Biden, ông đã và đang thực hiện các bước để đảo ngược tiến trình, từng bước hàn gắn mối quan hệ, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực then chốt giữa hai quốc gia.

Malaysia nằm ở trung tâm của Đông Nam Á và có vị trí địa lý thuận lợi, gần với các thị trường quan trọng như Trung Quốc và Ấn Độ, điều này mang lại lợi thế trong việc thương mại, vận chuyển và đầu tư quốc tế. Malaysia là một nền dân chủ đa dạng và là đối tác quan trọng trong mối quan hệ của Mỹ với khu vực Đông Nam Á[5]. Chính vì vậy, Malaysia đang trở thành một nước quan trọng trong chính sách của Mỹ nhằm tái khẳng định vai trò tại khu vực.

Nằm ở vị trí địa lý đắc địa, giáp biển phía Bắc của đảo Borneo, Brunei tham gia thương mại quốc tế hiệu quả và phát triển nhanh ngành công nghiệp hàng hải. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Brunei có một môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi với chính sách hỗ trợ và các ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và kích thích phát triển kinh tế. Đối với Mỹ, Brunei chưa phải là những đối tác chiến lược hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung, nhưng vẫn có những sự nỗ lực hợp tác của hai bên trên một số lĩnh vực và khía cạnh nhất định để duy trì mối quan hệ giữa hai nước.[6]

Nhìn chung, Washington có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với từng quốc gia Đông Nam Á hải đảo với chủ đích cốt lõi nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, tạo thế cạnh tranh chiến lược cũng như kiềm chế đà trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ đã có sự quan tâm nhất định đối với các nước Đông Nam Á lục địa thông qua nhiều cơ chế, sáng kiến… Nhưng khi những mối quan tâm không còn nhiều những điểm tương đồng, cùng với đó là sự khác nhau về điều điều kiện kinh tế, đặc điểm văn hóa – xã hội, tình hình an ninh, quan điểm chính trị… Đông Nam Á hải đảo sẽ trở thành trọng tâm ưu tiên chiến lược hàng đầu của Mỹ thời Tổng thống Joe Biden.

Đông Nam Á đang là tâm điểm mới của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ và phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á hải đảo

Sau đại dịch Covid 19, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các nước Đông Nam Á hải đảo đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng. Bên cạnh những nỗ lực hồi phục nền kinh tế là những nỗ lực giải quyết những thách thức tạo ra bởi sự tranh giành ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Mỹ và Trung Quốc, các thách thức đó đang gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với sự phát triển của các quốc gia này. Hầu hết các quốc gia trên đều đang hướng tới sự “cân bằng” để có thể tận dụng tốt các nguồn lực bên ngoài giúp hồi phục nền kinh tế quốc gia.

Sau đại dịch Covid 19, cũng là thời điểm ông Ferdinand Marcos Jr tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 17 của Philippines, thay thế người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Mặc dù ông không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về đối sách với các cường quốc, nhưng dường như ông Ferdinand Marcos Jr đang lựa chọn chính sách trung hòa và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Tổng thống Marcos Jr từng tuyên bố rằng: “Bất kể các siêu cường có đang cố gắng làm gì, chúng ta vẫn phải làm việc vì lợi ích của Philippines. Chúng ta không thể cho phép mình trở thành một phần trong chính sách đối ngoại của nước khác. Chúng ta phải có chính sách đối ngoại của riêng mình”[7]. Phần nhiều, ông Marcos muốn tận dụng sự cạnh tranh ảnh hưởng của 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc nhằm tìm kiếm các lợi ích về địa chính trị, quân sự nhưng vẫn giữ mối quan hệ hài hòa giữa các bên. Việc Mỹ ngày càng coi trọng và đặt các nước trong khu vực Đông Nam Á ở vị trí ưu tiên hơn trong chính sách đối ngoại đã gia tăng vị thế, vai trò của các nước này như một chủ thể có ảnh hưởng trong an ninh và định hình trật tự khu vực trong “ván cờ” của các nước lớn, nhất là Mỹ. Bên cạnh đó, ông Marcos cũng có những động thái mãnh liệt với chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông (Manila gọi là Biển Tây Philippines). Ông từng phát biểu rằng: “Manila sẽ không nhượng một inch vuông cho bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, nhưng sẽ tiếp tục tham gia và nỗ lực vì lợi ích của quốc gia chúng tôi”[8], khác với sự nhún nhường, có phần nao núng trước những vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia của người tiền nhiệm Duterte (khi phải mất đến 4 năm mới thừa nhận phán quyết của trọng tài). Điển hình là chuyến thăm Trung Quốc của ông Marcos vào ngày 04/01/2023 sau khi tiếp đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào ngày 22/11/2022. Chuyến thăm đến Trung Quốc của ông Marcos tập trung vào tình hình trên Biển Đông, thúc đẩy thăm dò dầu khí ở các khu vực không tranh chấp và hai bên đã nhất trí “tiếp tục xử lý đúng đắn các vấn đề hàng hải thông qua tham vấn thân thiện”[9]. Đó cũng chính là mong muốn của Philippines sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến thăm đảo Palawan của Philippines, nằm cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 320km và là nơi xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. Bà đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải” đồng thời tái khẳng định cam kết “không lay chuyển” của Mỹ về việc bảo vệ Philippines nếu tàu thuyền hoặc máy bay của Manila bị tấn công ở Biển Đông[10]. Nhận được sự ủng hộ của Mỹ, sự quan tâm đặc biệt của bà Harris và động thái thăm hòn đảo nơi xảy ra tranh chấp, là bàn đạp giúp Philippines “cân bằng thế” khi đứng trước Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Có thể thấy rằng, việc tận dụng sức mạnh của Mỹ đã giúp Philippines kìm hãm phần nào sự “hung hăng” của Trung Quốc. Tuy nhiên nhìn từ khía cạnh khác, sau chuyến thăm của bà Harris, chuyến thăm tới Trung Quốc của ông Marcos dường như muốn giữ “sự cân bằng” và để chứng minh rằng Philippines “không chọn phe” trong chính sách quan hệ nước lớn.

Đối với Singapore, một quốc đảo có sự “vượt bậc thần kỳ” về kinh tế, tuy hạn chế về mặt diện tích nhưng là một trong những đối tác mà cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn “chinh phục”. Singapore – vốn là một quốc gia đang theo đuổi và có khả năng về một nền kinh tế hiện đại, những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao và cần vốn để có thể phát triển. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch Covid 19, môi trường năng động của Singapore đã thu hút rất nhiều các nhà đầu tư và doanh nghiệp đến từ Mỹ (hơn nữa đây cũng là nơi tập trung trụ sở chính tại châu Á của các doanh nghiệp Mỹ lớn như Microsoft và Google). Về mặt an ninh, do quân đội Singapore có quy mô nhỏ với khả năng phòng vệ chưa đủ mạnh, lại nằm ở khu vực trọng yếu, Singapore cần vũ khí hiện đại và bảo trợ của cường quốc quân sự. Trong khi đó, Mỹ cần duy trì sự hiện diện quân sự của mình tại Đông Nam Á để gia tăng sức ảnh hưởng đối với Trung Quốc, chính vì vậy Singapore vẫn dành những sự ưu tiên nhất định trong quan hệ đối tác với Mỹ. Bên cạnh đó, Singapore được hưởng lợi từ sức mạnh hải quân Mỹ, giúp đảm bảo mức độ tự do thương mại và hàng hải cao ở các vùng biển châu Á. Tuy nhiên, Singapore vẫn đảm bảo một “khoảng cách” vừa đủ để không khiến Trung Quốc cảm thấy “bất an” và có những đối sách đáp trả với Trung Quốc một cách khôn khéo, làm hài hòa và cân đối hai bên (ví dụ Thỏa thuận trao đổi quốc phòng và hợp tác an ninh năm 2018, sau đó được nâng cấp vào năm 2019).

Hiện nay, Singapore sử dụng những chính sách tương tự nhau để phản ứng với sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 23/9/2019, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí kéo dài hiệp ước phòng thủ then chốt, cho phép quân Mỹ sử dụng các căn cứ hải quân và không quân của Singapore thêm 15 năm, tức cho tới năm 2035, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74 tại New York. Thủ tướng Lý Hiển Long trong một phát biểu ngắn gọn trước khi ký kết nói rằng: “Bản ghi nhớ phản ánh sự hợp tác rất tốt trong các vấn đề quốc phòng giữa Mỹ và Singapore, cũng như sự hợp tác rộng lớn hơn mà chúng tôi có trong nhiều lĩnh vực khác – về an ninh, kinh tế, chống khủng bố hay văn hóa và giáo dục. Vì vậy, chúng tôi rất hài lòng với mối quan hệ của mình”[11]. Chỉ một tháng sau, tháng 10/2019, Singapore và Trung Quốc đã cập nhật bản Thỏa thuận hợp tác an ninh và trao đổi quốc phòng tăng cường (ADESC) nhằm tăng cường các cuộc tập trận quân sự song phương, cung cấp hỗ trợ hậu cần lẫn nhau và thiết lập các cuộc đối thoại thường xuyên giữa các bộ trưởng quốc phòng của hai nước. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore cho biết thỏa thuận không để quốc gia này trở thành “mục đích của bất cứ điều gì” trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung. Đồng thời, ông cũng nói thêm rằng, Singapore muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước và đã cùng với Trung Quốc “chia sẻ quan điểm về một nền kinh tế ổn định và toàn diện khu vực, đặc biệt là về vấn đề an ninh”[12]. Phát biểu cho thấy rằng Singapore đang duy trì tất cả các mối quan hệ an ninh để đảm bảo sự ổn định và an toàn cho quốc gia, không phải là “chiến trường” tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Không chỉ liên quan đến hợp tác chính sách về an ninh quốc phòng mà ngay cả các chuyến thăm cấp cao của Sinagpore đến Mỹ và Trung Quốc cũng nằm trong quy luật đó. Ngày 27/3/2023, ông Lý Hiển Long đáp xuống thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc bắt đầu chuyến thăm đại lục kéo dài 6 ngày. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Lý Hiển Long kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, sau 1 năm chuyến thăm của ông tại Mỹ trong vòng 7 ngày, từ ngày 26/3/2022 đến ngày 02/4/2022, với hai điểm dừng chân là thủ đô Washington và New York[13].

Không chỉ Philippines, Singapore mà Indonesia, Malaysia tuy có những chính sách đối ngoại riêng do thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế – xã hội và mức độ quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ khác nhau, nhưng điểm chung là các nước đều đang hướng tới sự cân bằng. Những năm gần đây, những cuộc gặp gỡ cấp cao không chỉ cũng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa Indonesia và Mỹ trong nhiều lĩnh vực như về an ninh (biên bản ghi nhớ (MoU) về việc gia hạn hợp tác hàng hải từ năm 2021 đến năm 2026, cơ chế đối thoại 2+2 giữa các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước), về giáo dục (các chương trình giao lưu nhân dân và các MoU về giáo dục), về kinh tế, về hợp tác phát triển… mà còn đề cao, mong chờ sự hỗ trợ của Mỹ với nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm G20, đồng thời hy vọng Mỹ có thể trở thành một trong những đối tác quan trọng trong các dự án hợp tác cụ thể của G20 dành cho các nước đang phát triển. Đối với Trung Quốc cũng tương tự, sau chuyến thăm của Tổng thống Indonesia đến Bắc Kinh ngày 26/7/2022, hai bên đã có những cam kết nhằm tăng cường quan hệ thương mại và ủng hộ Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2023[14]. Ngày 27/7/2023, trong chuyến thăm Trung Quốc kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Indonesia – Trung Quốc, Tổng thống Joko Widodo đề nghị Trung Quốc hỗ trợ tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Đông Á và hỗ trợ triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân Trung Quốc tại Diễn đàn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được tổ chức vào tháng 9 tại Jakarta[15]. Như vậy, Indonesia đang tích cực vận động và có những chính sách hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các cường quốc để gia tăng vị thế và nhận sự ủng hộ tích cực từ các bên trong các diễn đàn và tổ chức khu vực khi Indonesia liên tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của G20 hay ASEAN.

Về phía Malaysia, do vướng phải nhiều tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông đối với Trung Quốc, nhưng thay vì đối đầu trực tiếp như Philippines hay các quốc gia Đông Nam Á khác thì Malaysia lại lựa chọn chính sách “ngoại giao hai mặt”: không công khai đối đầu với Trung Quốc và cũng tránh bất cứ sự hợp tác công khai nào về mặt chiến lược đối với Mỹ. Tuy nhiên, Malaysia lại âm thầm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên biển Đông và âm thầm củng cố quan hệ quốc phòng với Mỹ. Malaysia tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đồng thời gửi công hàm lên Liên Hợp quốc bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Bên cạnh đó, hải quân Malaysia tham gia cuộc tập trận thường niên Hợp tác và Đào tạo Đông Nam Á với Mỹ và 20 quốc gia khác, còn không quân Malaysia tiến hành tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Malaysia cũng tăng cường mua bán vũ khí và trang thiết bị của các cường quốc lớn như Mỹ, Nga để củng cố nền quốc phòng trước những tình huống tồi tệ có thể xảy ra. Như vậy, đối với Malaysia chính sách ngoại giao mềm dẻo, thầm lặng 2 chiều đã giúp nước này tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc để tận dụng sự hợp tác về kinh tế, giáo dục, văn hóa – xã hội,.. một mặt tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ để củng cố vị thế của Malaysia ở Biển Đông.

Brunei là một trong “5 nước, 6 bên” tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông (5 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Brunei) và một vùng lãnh thổ – Đài Loan. Vốn dĩ, Brunei là một quốc gia khá kín tiếng và hiếm có bất kỳ hành động liên quan đến vấn đề Biển Đông đối với Trung Quốc. Tuy nhiên 20/7/2020, Brunei đã tuyên bố “Các vấn đề cụ thể cần được giải quyết song phương bởi các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình”. Brunei nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán như vậy về Biển Đông cần được giải quyết theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và các quy tắc, nguyên tắc của luật pháp quốc tế, chỉ vài ngày sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, khi ông nhấn mạnh Washington phản đối các yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh nằm chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Brunei. Có thể thấy rằng, nhờ sự ủng hộ của Mỹ và các nước Phương Tây trước những hành động phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, đã khiến Brunei có những quan điểm và hành động rõ ràng hơn trước những tranh chấp lãnh thổ trên vùng biển. Tuy nhiên, Brunei vừa muốn giữ chủ quyền trên Biển Đông vừa muốn tiếp tục mối quan hệ có phần bền chặt và sâu sắc với Trung Quốc nên đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp mà quốc gia này ưu tiên là cơ chế song phương. Việc sử dụng cơ chế này, dễ khiến cường quốc như Trung Quốc chèn ép và gây ra áp lực cho các quốc gia. Tuy nhiên nhìn theo hướng tích cực hơn, sự đồng thuận của tất cả các quốc gia ASEAN về tôn trọng chủ quyền trên biển đã giúp cho những nỗ lực ngăn chặn những hành động có phần “hung hăng” của Trung Quốc.

Như vậy, trong giai đoạn này, Mỹ và Trung Quốc đang liên tục gây ra những sức ép lớn hơn cho các quốc gia Đông Nam Á hải đảo. Đối với Mỹ, họ hướng tới việc đặt các căn cứ quân sự cũng như hỗ trợ đầu tư, phát triển kinh tế, nâng cao nền quốc phòng an ninh cho các quốc gia nhằm gia tăng sự hiện diện ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Còn Trung Quốc hướng tới việc mở rộng vùng lãnh thổ trên biển theo yêu sách “đường 9 đoạn” của mình đồng thời gia tăng sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia vào nền kinh tế của Trung Quốc. Tuy mỗi cường quốc sẽ tạo ra những thách thức khác nhau, nhưng đối với các quốc gia Đông Nam Á hải đảo nói riêng và toàn khu vực Đông Nam Á nói chung, trong giai đoạn các nền kinh tế cần nhiều sự hỗ trợ từ các cường quốc lớn, đây có thể là cơ hội cho các nước tận dụng lợi thế của mình để nâng cao sức mạnh cũng như giúp hồi phục và phát triển một cách nhanh chóng, nhưng cũng có thể là “cạm bẫy” nếu các quốc gia không thể tự chủ và không có những đối sách phù hợp đối với các bên.

Tác động tới khu vực và cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Đông Nam Á

Hiện nay, Đông Nam Á đang là trọng điểm cạnh tranh của các cường quốc trên thế giới. Một môi trường an toàn cho các quốc gia trong khu vực và môi trường cân bằng quyền lực để đảm bảo lợi ích kinh tế chính trị. Ngược lại, môi trường nguy hiểm là môi trường chuyển giao quyền lực lớn như Mỹ và Trung Quốc buộc các quốc gia bị phụ thuộc. Có thể nói rằng, khi dung hòa lợi ích các bên, không ngả về phe của các cường quốc lớn một cách thận trọng, khéo léo và biết tận dụng hợp lý các điểm cân bằng trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo động lực cho nền kinh tế của các quốc gia ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc Mỹ gia tăng ảnh hưởng ở các nước Đông Nam Á hải đảo, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, cũng gây ra những tác động tiêu cực trên nhiều phương diện tới các nước nói riêng và toàn khu vực nói chung.

Đánh giá về triển vọng Đông Nam Á do Ngân hàng Phát triển Châu Á và Quỹ tiền tệ quốc tế công bố 2023: Đông Nam Á là khu vực nhiều triển vọng và dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trong 2 năm tới. Các nền kinh tế Đông Nam Á khác nhau với đa dạng thể chế, không đồng nhất cách thức mà các quốc gia ứng phó cơ hội và thách thức về địa chính trị hiện tại. Một số quốc gia sẽ tiềm năng hơn trong việc tận dụng tốt từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuyển đổi đầu tư của các cường quốc[16].

Singapore với 5,5 triệu dân, giàu nhất Đông Nam Á, thu nhập bình quân đầu người 91,1 nghìn Đô La Mỹ[17], liên tục được xếp hạng là 1 trong những nước phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới với 333% và phụ thuộc nhiều nhất vào đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy Singapore dễ bị tổn thương bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, suy thoái đầu tư. Ngược lại, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, với gần 278 triệu dân, thu nhập 4,3 nghìn Đô La Mỹ, là nước xuất khẩu hàng hóa lớn, theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế và có thị trường nội địa rộng lớn. Nền thương mại nước này chỉ chiếm 40% GDP, thấp hơn trung bình chung 52% của toàn cầu, hơn nữa vốn FDI chỉ chiếm 1,8% GDP. Nên Indonesia ít bị tổn thương hơn trước các cuộc chiến thương mại và suy thoái đầu tư. Malaysia đều hội nhập cao vào chuỗi cung ứng khu vực và do đó phụ thuộc nhiều vào thương mại tương tự như Singapore. Philippines có tỷ lệ phụ thuộc thương mại là 64%, mức độ ảnh hưởng từ các cuộc chiến thương mại có phần thấp hơn so với Singapore và Malaysia.

Các chính phủ phải đối mặt với các thách thức trong tích hợp các phong trào chính trị rộng lớn hơn, những thách thức bao gồm những lời kêu gọi phân phối lại của cải nhiều hơn, từ bỏ nền kinh tế định hướng xuất khẩu để ủng hộ tiêu dùng trong nước nhiều hơn và quan tâm nhiều hơn đến xóa đói giảm nghèo. Đông Nam Á đang trải qua thách thức chuyển đổi quyền lực. Trong 30 năm qua, khu vực đã đạt được thịnh vượng nhờ hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, lấy Trung Quốc làm trung tâm. Trong khi đó, vai trò của Mỹ trong khu vực đã hạn chế và chịu nhiều áp lực do những ảnh hưởng về nền kinh tế cũng như chính trị trong nước đã làm cho Mỹ phần nào suy giảm tầm ảnh hưởng hơn. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long gần đây từng nói: “Việc chọn phe có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các con đường phát triển và hợp tác trong khu vực, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia và có thể dẫn đến những cuộc xung đột mà tất cả chúng ta đều muốn tránh”. Các chiến lược phát triển và quỹ đạo tăng trưởng của khu vực phải chịu cả áp lực từ bên trong và bên ngoài. Hiện tại mức độ hội nhập trong chuỗi kinh tế gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang lại một số lợi ích cho các quốc gia Đông Nam Á, nhưng tác động tiêu cực lại bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị, việc này cũng tạo ra nhiều điểm vướng mắc khiến nền kinh tế chịu nhiều tổn thương hơn./.

Tác giả: Nguyễn Thị Hải Yến

Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giảNghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]

Tài liệu tham khảo:

[1] U.S Department of State (2023), U.S Relations with the Philippines, https://www.state.gov/u-s-relations-with-the-philippines/, truy cập ngày 17/9/2023

[2] Võ Thị Kim Thảo (2021), “Quan hệ Singapore – Hoa Kỳ từ năm 1990 đến năm 2012”, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Huế, tr. 1-2

[3] Bich Tran (2022), “A renewed focus on Indonesia – U.S relation”, Center for Strategic and Internatonal Studies, https://www.csis.org/analysis/renewed-focus-indonesia-us-relations, truy cập 17/9/2023

[4] U.S Department of State (2023), U.S Relations with the Indonesia, https://www.state.gov/u-s-relations-with-indonesia/, truy cập ngày 17/9/2023

[5] U.S Department of State (2023), U.S Relations with the Malaysia, https://www.state.gov/u-s-relations-with-malaysia,/ truy cập ngày 18/9/2023

[6] U.S Department of State (2023), U.S Relations with the Brunei, https://www.state.gov/u-s-relations-with-brunei/ ,truy cập ngày 18/9/2023

[7] Derek Grossman (2022), “New Philippine President Marcos Is No Duterte on Foreign Policy”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2022/05/10/marcos-bongbong-philippines-election-president-duterte-china-us-foreign-policy/, truy cập 18/9/2023

[8] Derek Grossman (2022), “New Philippine President Marcos Is No Duterte on Foreign Policy”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2022/05/10/marcos-bongbong-philippines-election-president-duterte-china-us-foreign-policy/, truy cập 18/9/2023

[9] Trương Hùng (2023), “Tổng thống Marcos Jr. đến Trung Quốc”, An ninh thế giới, https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/tong-thong-marcos-jr-den-trung-quoc-i680323/ , truy cập ngày 18/9/2023

[10] Bình An (2022), “Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đi thăm đảo Philippines ở Biển Đông”, Báo Tuổi Trẻ, https://tuoitre.vn/pho-tong-thong-my-kamala-harris-di-tham-dao-philippines-o-bien-dong-20221122115229722.htm, truy cập ngày 18/9/2023

[11] Phương Anh (2019), “Mỹ gia hạn sử dụng căn cứ quân sự Singapore thêm 15 năm”, VTC News, https://vtc.vn/my-gia-han-su-dung-can-cu-quan-su-singapore-them-15-nam-ar500331.html?, truy cập 19/9/2023

[12] SCMP (2019), Singapore and China sign agreement to boost defence cooperation, https://www.scmp.com/news/asia/diplomacy/article/3033756/singapore-and-china-sign-agreement-boost-defence-cooperation, truy cập ngày 19/9/2023,

[13] Trần Phương (2023), “Ông Lý Hiển Long thăm Trung Quốc giữa thay đổi lớn trong hệ thống toàn cầu”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/ong-ly-hien-long-tham-trung-quoc-giua-thay-doi-lon-trong-he-thong-toan-cau-20230327190910515.htm , truy cập 19/9/2023

[14] TTXVN (2021), “Indonesia và Mỹ cam kết tăng cường hợp tác cùng có lợi”, Báo Tin tức, https://baotintuc.vn/the-gioi/indonesia-va-my-cam-ket-tang-cuong-hop-tac-cung-co-loi-20211214181006950.htm, truy cập 20/9/2023

[15] Nguyễn Thành Trung (2022), “Ngoại giao “Không chọn bên” của ông Widodo”, Báo Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/ngoai-giao-khong-chon-ben-cua-ong-widodo-20220801084114223.htm?, truy cập 20/9/2023

[16] Asian Development Bank (2023), Các nền kinh tế thuộc khu vực đang phát triển Châu Á trên đà đạt tăng trưởng 5,2% trong năm nay, https://www.adb.org/vi/news/developing-asia-economies-set-grow-5-2-year-amid-global-uncertainty, truy cập 21/9/2023

[17] Đức Anh (2023), “Những nơi có GDP đầu người cao nhất thế giới năm 2023, Mỹ đứng thứ 7 toàn cầu”, VnEconomy, https://vneconomy.vn/nhung-noi-co-gdp-dau-nguoi-cao-nhat-the-gioi-nam-2023-my-chi-dung-thu-7-toan-cau.htm, truy cập 21/9/2023