Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884) giữa triều đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp được kí kết trong bối cảnh nào? So với Hiệp ước Hác-măng, nội dung Hiệp ước Pa-tơ-nốt có điểm gì khác biệt? Phát biểu nhận xét của em về Hiệp định này.

* Bối cảnh nhà Nguyễn kí với Pháp Hiệp ước Pa-tơ-nốt

– Triều đình nhà Nguyễn kí kết với thực dân Pháp bản Hiệp ước Hác-măng (1883) đã gây nên sự bất bình sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân. Do đó, phong trào đấu tranh chống Pháp xâm lược và chống phong kiến đầu hàng của nhân dân Việt Nam tiếp dục diễn ra sôi nổi.

– Phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam (đặc biệt là nhân dân Bắc Kì) phát triển mạnh mẽ đã khiến thực dân Pháp lo sợ.

– Thực dân Pháp tìm cách thương lượng để loại trừ sự can thiệp của chính quyền Mãn Thanh. Đến ngày 11/5/1884, bản Quy ước Thiên Tân được kí kết.

– Sau khi làm chủ tình thế, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn kí kết bản Hiệp ước mới vào ngày 6/6/1884 – Hiệp ước Pa-tơ-nốt.

* Điểm khác biệt của Hiệp ước Pa-tơ-nốt so với Hiệp ước Hác-măng

– Nội dung Hiệp ước Pa-tơ-nốt gồm 19 điều khoản, cơ bản dựa trên Hác-măng (1883), nhưng có sự thay đổi về ranh giới khu vực Trung Kì:

+ Hiệp ước Hác-măng (1883) quy định: tỉnh Bình Thuận sẽ được sáp nhập vào đất Nam Kì thuộc Pháp; ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ được sáp nhập vào Bắc Kì. Triều đình nhà Nguyễn chỉ được cai quản vùng đất còn lại của Trung Kì.

+ Hiệp ước Pa-tơ-nốt (1884): giao lại cho triều đình nhà Nguyễn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (ở phía Bắc) và Bình Thuận (ở phía Nam),

* Nhận xét về bản Hiệp ước Pa-tơ-nốt

– Hiệp ước Pa-tơ-nốt đã đặt cơ sở lâu dài cho quyền đô hộ của Pháp ở Việt Nam.

– Theo các điều khoản trong Hiệp ước Hác-măng (1883) và Pa-tơ-nốt (1884), Việt Nam từ một quốc gia thống nhất đã bị chia cắt thành 3 kì với ba chế độ cai trị khác nhau.

– Hiệp ước Pa-tơ-nốt đã đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền; Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Pháp.