Quyền sống là quyền tự nhiên tối cao của con người, không cần phải ghi ở đâu cũng được công nhận. Gắn với quyền sống là quyền bất khả xâm phạm thân thể con người.
Theo luật tự nhiên, mạng sống của con người được xem là quý giá hơn tất cả, không có gì đáng phải hy sinh mạng sống, không có gì quan trọng hơn là bảo vệ mạng sống của mình. Hobbes đã chỉ ra rằng “tự bảo toàn sinh mạng là luật tự nhiên đầu tiên”. Luật tự nhiên đầu tiên này dẫn đến quyền tự nhiên đầu tiên : con người được dùng mọi phương tiện để bảo tồn sự sống, bảo tồn tính mạng của mình. Chính vì con người tuân theo luật tự nhiên và thực hiện quyền tự nhiên của mình, tự bảo toàn sinh mạng của mình và của đồng loại, mà loài người là loài động vật không những tồn tại lâu dài mà còn sinh sôi và phát triển nhất trên Trái đất.
Bạn đang xem: Quyền sống và án tử hình oan
Quyền sống được luật thành văn ghi nhận, để khẳng định tính chất tối cao của mạng sống con người. Ta có thể đọc thấy trong các văn bản chính trị nổi tiếng thế giới. Điều 3 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948): “Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể”. Trước đó hai thế kỷ, năm 1776, những người soạn Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ xác quyết: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hóa ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Điều khẳng quyết này được Hồ Chí Minh lặp lại trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1945.
Điều 19 của Hiến pháp Việt Nam cũng quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Điều 20 Hiến pháp Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…”.
Xem thêm : Cách làm dưa món miền Trung giòn mát, ngon chống ngán
Vì quyền sống là quyền tối cao và bất khả xâm phạm của con người, nên tội giết người là tội ác đặc biệt nghiệm trọng, bởi nó lấy đi mạng sống của người khác.
Nếu bộ luật của một quốc gia quy định trừng phạt kẻ cố ý giết người bằng cách tử hình, thì kẻ giết người sẽ bị tòa tuyên án tử hình khi có đầy đủ chứng cứ. Việc tử hình kẻ giết người, trong trường hợp này, được coi là sự thực thi công lý. Và trong trường hợp này công lý được quan niệm rằng mạng sống phải đền bằng mạng sống. Hegel là một trong những triết gia có cùng quan niệm này. Ông cho rằng mạng sống là toàn bộ sự tồn tại thực sự mà con người có được, do vậy, không có gì so sánh được với mạng sống, và công lý đòi hỏi kẻ lấy mạng phải đền bằng chính mạng mình. Trên cơ sở đó, ông tán thành án tử hình.
Ngày nay một số quốc gia đã xóa bỏ án tử hình, do đó, thay vì phải đền tội bằng mạng sống, kẻ giết người nếu bị trừng phạt ở mức cao nhất thì đó là hình thức tù chung thân, tức là ngồi tù cho đến khi chết. Vitor Hugo, nhà văn Pháp thế kỷ XIX, là người đòi hủy bỏ án tử hình ở Pháp. Ông tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, viết cả những tác phẩm văn học, như “Ngày cuối cùng của một tử tù” (Le dernier jour d’un condamné – 1829), trong mục đích này. Và Robert Badinter, luật sư, chính trị gia và là cựu Bộ trưởng Tư pháp, đã tiếp tục cuộc đấu tranh của Hugo và đạt tới kết quả xóa án tử hình ở Pháp vào năm 1981. Các nhà nhân văn ở Pháp chống lại án tử hình, thì ngoài việc chống lại phương thức chém đầu dã man trên các quảng trường công cộng như từng diễn ra trong thời đại Hugo, còn là để bảo vệ quyền sống của con người. Đặc biệt, để bảo vệ quyền sống cho nạn nhân của trường hợp các án tử hình oan. Nhân vật không tên trong tiểu thuyết “Ngày cuối cùng của một tử tù” không biết vì sao mình bị xử tội chết. Sau Hugo, thế kỷ XX biết đến một nhân vật văn học nổi tiếng với cái tên có họ viết tắt, Joseph K., trong tác phẩm “Vụ án”, anh ta cũng bị tòa kết án và bị lấy đi mạng sống mà không hiểu mình bị tội gì. Nhân vật này khiến cho tác giả của nó, Franz Kafka, trở thành một trong những nhà văn quan trọng nhất của thế kỷ.
Án tử hình oan là một bất công tuyệt đối, bởi nó nhân danh công lý để tước đoạt mạng sống của con người.
Xem thêm : Những bài hát karaoke phổ biến và dễ hát nhất năm 2023
Liệu luật pháp có thể nhân danh trừng phạt kẻ giết người để bắt người vô tội phải chết bằng cách tuyên án tử hình ? Dĩ nhiên là không thể, đó không phải là luật pháp. Ý nghĩa của luật pháp là đảm bảo cho sự thực thi công lý, đảm bảo cho sự công bằng, và ngăn chặn bất công.
Một câu hỏi khác cũng cần phải đặt ra là: Khi không có đủ chứng cứ cấu thành tội phạm, đồng thời lại có các bằng chứng ngoại phạm, các bằng chứng về sự vô tội, mà thẩm phán vẫn tuyên án tử hình cho một cá nhân, thì ông ta có thể bị coi là cố ý giết người hay không?
Cố tình tước đoạt mạng sống thì không phải là một sai lầm, mà là một tội ác, tội ác ở mức độ cao nhất. Kết án tử hình oan khiến cho cơ quan tư pháp bị biến thành một cỗ máy giết người. Án tử hình oan là một hình thức giết người có tổ chức, một hình thức giết người được luật pháp bảo hộ. Khi cơ quan luật pháp bảo hộ việc giết người, khi cơ quan tư pháp trở thành một tổ chức giết người, thì cuộc sống của con người mất an toàn, không còn được bảo vệ. Điều này đặt cuộc sống của mọi người vào tình trạng nguy hiểm. Bởi án tử hình oan, bất chấp các đòi hỏi về quy trình và thủ tục pháp lý, một khi được tuyên cho người này thì rất có thể cũng sẽ được tuyên cho người khác. Trong một nền tư pháp thường xuyên xảy ra các vụ án oan thì mọi người đều có thể bị đặt vào trạng thái mất an toàn.
Trong khi đó, các lý thuyết về khế ước xã hội đã chỉ ra rõ ràng: mọi cá nhân trong một xã hội nhượng quyền cho nhà nước, hy sinh một số quyền của mình cho nhà nước (bộ máy quyền lực chung trong đó có ngành tư pháp), là để tìm kiếm sự an toàn, tìm kiếm sự đảm bảo về tính mạng và tài sản, tức là để được bảo vệ, được sống trong bình an và thịnh vượng. Án tử hình oan là dấu chỉ hết sức đáng lo ngại cho sự an toàn sinh mạng của các cá nhân trong một xã hội.□
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp