Hình thức pháp luật (hay còn gọi là nguồn pháp luật) cũng là một trong những cách thức mà giai cấp cầm quyền dùng để thể hiện ý chí của mình thành những thể chế bắt buộc trong xã hội. Bài viết này Luật Nguyễn Hưng sẽ chia sẻ về khái niệm hình thức pháp luật là gì? Đặc điểm của hình thức pháp luật như thế nào? Có mấy loại hình thức pháp luật phổ biến?
Hình thức pháp luật là gì?
Hình thức pháp luật là phương thức phản ánh ý chí của giai cấp cầm quyền thông qua việc hợp pháp hóa trong các hoạt động làm luật và ban hành pháp luật. Hình thức pháp luật (hay còn gọi là nguồn pháp luật) cũng là một trong những cách thức mà giai cấp cầm quyền dùng để thể hiện ý chí của mình thành những thể chế bắt buộc trong xã hội.
Bạn đang xem: Hình thức pháp luật là gì? Có mấy hình thức pháp luật phổ biến ở Việt Nam?
Đặc điểm của hình thức pháp luật
Thứ nhất, hình thức pháp luật là sản phẩm của quá trình nghiên cứu thực tế dựa trên các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức,…
Thứ hai, hình thức pháp luật được biểu hiện ở một số dạng nhất định và giúp con người xác định được hành vi được làm, hành vi không được làm, hành vi buộc phải làm.
Thứ ba, hình thức pháp luật là công cụ được xã hội dùng để can thiệp kịp thời đối với những sự việc, hiện tượng xảy ra và nhằm hướng xã hội đến đúng mục đích theo ý chí của giai cấp cầm quyền.
Có mấy hình thức pháp luật phổ biến?
Xem thêm : Cách phân biệt bò húc Redbull Thái Lan và Việt Nam
Pháp luật có 03 hình thức cơ bản gồm tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản quy phạm pháp luật. Ba hình thức này cũng đồng thời là ba nguồn hình thức của pháp luật.
Tập quán pháp
Tập quán pháp là những tập quán được Nhà nước thừa nhận có giá trị pháp lý, trở thành những quy tắc xử sự chung và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Tập quán pháp được thừa nhận như một loại nguồn của pháp luật ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại các nước theo truyền thống Civil Law, tập quán pháp là loại nguồn quan trọng của pháp luật. Các nước theo truyền thống Common Law xem tập quán pháp là loại nguồn thứ ba bổ sung cho văn bản lập pháp và tiền lệ pháp.
Tại Việt Nam, tập quán đã được thừa nhận và áp dụng tại Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, Điều 5 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”. Đồng thời, Bộ luật dân sự năm 2015 cũng đã đưa ra nhiều quy định chi tiết thừa nhận tập quán như áp dụng tập quán lựa chọn dân tộc cho con (khoản 1 Điều 29); giải thích giao dịch dân sự (khoản 1 Điều 121); Xác định ranh giới giữa các bất động sản (Khoản 1 Điều 175); xác lập quyền sở hữu (Điều 211); xác định trách nhiệm dân sự (khoản 4 Điều 605). Từ đó, có thể khẳng định, tập quán chính thức được thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội như các quy tắc xử sự do Nhà nước đặt ra.
Tiền lệ pháp
Tiền lệ pháp là hình thức pháp luật được nhà nước thừa nhận các quyết định của cơ quan hành chính hoặc xét xử giải quyết những vụ việc cụ thể để áp dụng đối với các vụ việc tương tự. Một trong những ví dụ điển hình của tiền lệ pháp đó là các Án lệ đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam công bố và được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận, phát triển thành khuôn mẫu chung để giải quyết các vụ việc khác có tính chất tương tự.
Trên thực tế có hai loại án lệ, một là án lệ tạo ra quy phạm pháp luật, nguyên tắc pháp luật mới, đây là loại án lệ cơ bản, án lệ gắn với chức năng sáng tạo pháp luật của Tòa án; hai là, án lệ hình thành bởi quá trình Tòa án giải thích các quy định trong pháp luật thành văn.
Xem thêm : Bữa sáng ăn sữa chua có giảm cân không?
Tính tới đầu năm 2023, tại Tòa án Nhân dân Tối cao đã công bố tổng cộng 63 án lệ đa dạng trong các lĩnh vực như: hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Hiện tại, một số bản án/quyết định đang được dự thảo để làm án lệ và bổ sung nguồn pháp luật trong quá trình giải quyết các tranh chấp.
Án lệ được hình thành từ hoạt động thực tiễn của các chủ thể có thẩm quyền khi giải quyết các vụ việc cụ thể trên cơ sở khách quan, công bằng, tôn trọng lẽ phải… nên nó dễ dàng được xã hội chấp nhận. Với ưu điểm là linh hoạt, hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, án lệ đã và đang được coi là một loại nguồn pháp luật quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng có hạn chế là thủ tục áp dụng phức tạp, đòi hỏi người áp dụng phải có hiểu biết pháp luật thực sự sâu rộng.
Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức pháp luật phổ biển và tiến bộ nhất trong ba hình thức pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong đó quy định những quy tắc xử sự chung được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội.
Văn bản quy phạm pháp luật gồm hai loại chính là văn bản luật và văn bản dưới luật. Văn bản quy phạm pháp luật có thể được các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế theo từng thời điểm tùy theo sự phù hợp nhất định. Do đó, với số lượng văn bản quy phạm pháp luật rất nhiều cùng với đặc tính có khả năng liên tục thay đổi thì loại hình thức pháp luật này có thể điều chỉnh kịp thời đối với những tiến triển của xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của văn bản quy phạm pháp luật lại chính là việc có thể có sự chồng chéo quy định pháp luật hoặc sự mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình áp dụng.
Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các hình thức pháp luật nêu trên nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung chia sẻ của Luật Nguyễn Hưng về khái niệm, đặc điểm và phân loại hình thức pháp luật. Hy vọng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích dành cho bạn. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, nếu bạn còn những thắc mắc nào cần được giải đáp. Hãy liên hệ Luật Nguyễn Hưng qua số điện thoại (028) 6650 6738 – (028) 6650 8738 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ đội ngũ luật sư.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp