Hồ Xuân Hương – nữ sĩ vượt tầm thời đại

Tiến sĩ Khoa học ngữ văn Đoàn Hương

Điều đặc biệt làm nên bản sắc Hồ Xuân Hương

Khi nhắc đến Hồ Xuân Hương, TS. Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương cho rằng, nữ sĩ Hồ Xuân Hương là hiện tượng đặc sắc của văn học trung đại Việt Nam. Vị thế và sự nghiệp văn học của bà toát lên tầm vóc của một danh nhân văn hóa.

Vì thế mà ngày 23/11/2021, Đại hội đồng UNESCO đã chính thức thông qua Nghị quyết số 41C/15 “Vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất của một số danh nhân văn hóa tầm nhìn nhân loại” (1772-1822), trong đó có 2 nhân vật nổi tiếng của Việt Nam là nữ sĩ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

“Điều này cho thấy nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được quốc tế đánh giá cao những giá trị văn học nghệ thuật và đặc biệt là tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của bà”, TS Khoa học ngữ văn Đoàn Hương nói.

Bà Đoàn Hương cho rằng trong bối cảnh cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Hồ Xuân Hương cùng với những danh nhân khác của thế giới đều trải qua sự khắc nghiệt của thời đại đang sống.

Lúc đó, với phụ nữ thế giới là bị mất quyền tự do, bị đàn áp còn với phụ nữ Việt Nam thời kỳ phong kiến phương Đông, địa vị của người phụ nữ trong gia đình và xã hội chỉ còn được gói trọn qua 3 trạng thái “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Điều đó có nghĩa là cả 3 giai đoạn của đời người phụ nữ từ thời thơ ấu, khi trưởng thành đến lúc xế chiều chỉ gói gọn trong 2 chữ “phục tùng”. Chính hoàn cảnh lịch sử ấy là tiền đề cho những sáng tác của Hồ Xuân Hương đi sâu vào đời sống của nhân dân và đấu tranh không ngừng cho tiếng nói của nữ giới.

Ở thời điểm đó, thơ Hồ Xuân Hương giữ vị trí độc đáo, đặc biệt và đầy sức mạnh. Hồ Xuân Hương dám cất lên tiếng nói tự do, mãnh liệt như vậy và đã để lại những ấn tượng sâu sắc. Sự nghiệp văn học của bà đóng góp to lớn cho nền văn học Việt Nam và văn học thế giới.

“Bà chúa thơ Nôm” luôn là nguồn cảm hứng cho những nghiên cứu, tìm tòi của rất nhiều nhà khoa học, nhiều học giả lớn… Cuộc đời và sự nghiệp của bà vẫn luôn kích thích trí tưởng tượng của chúng ta hôm nay. Nhiều thập kỷ qua, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong nước, ngoài nước và kể cả dư luận cùng lên tiếng nói ca ngợi Hồ Xuân Hương.

Theo TS. Đoàn Hương, chúng ta hoàn toàn có thể hãnh diện khi giới thiệu Hồ Xuân Hương ra thế giới và thế giới cũng luôn ngưỡng mộ bà. Nét nổi bật ở Hồ Xuân Hương là khát vọng thấu cảm cho thân phận người phụ nữ, nỗi lòng người phụ nữ, khát vọng yêu và được yêu.

Trong quá trình nghiên cứu văn học của mình, bà Đoàn Hương cho biết mình chưa tìm thấy được nhà văn, nhà thơ nữ nào cùng thời gian có thể sánh với Hồ Xuân Hương ở sự đặc sắc và ý chí mạnh mẽ của bà chống lại chính quyền trung cổ hà khắc, đồng thời ca ngợi nhân cách và vẻ đẹp của người phụ nữ. Đó chính là những điểm đặc biệt làm nên bản sắc rất riêng Hồ Xuân Hương.

Khát vọng được sống, được yêu, được bình đẳng của phụ nữ Việt Nam

Thơ Hồ Xuân Hương phản ánh một cách trực diện bản chất của hiện tượng, sự vật và qua đó thể hiện một tư tưởng nhân văn sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu, quyền được hạnh phúc của con người, trước hết là người phụ nữ.

Ở đây chính là khát vọng đấu tranh cho quyền tự do của người phụ nữ trong đó có sự khao khát, được hưởng thụ tình yêu của mình; là hình ảnh người phụ nữ chủ động trong tình yêu, sống đúng với cảm xúc của mình, mạnh dạn thể hiện tình yêu của mình.

Tư tưởng nói trên, khát khao nói trên được hình tượng hóa trong những hình ảnh sự vật rất đời thường như “bánh trôi nước”.

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ Việt Nam được thể hiện rõ nét qua hình tượng “bánh trôi nước” với vẻ đẹp tinh khiết, tròn đầy; phẩm hạnh trong trắng. Tuy nhiên tư tưởng phong kiến vẫn đè nặng lên người phụ nữ, họ đã trải qua bao nhiêu gian truân, đau khổ nhưng vẫn giữ nguyên tấm lòng son. Đó cũng là lời tự bạch của một tấm lòng phụ nữ thời bấy giờ.

“Với những quan điểm còn tồn tại “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, một người phụ nữ dám đặt vấn đề cần phải có tự do bình đẳng trong tình yêu, so sánh tư tưởng của thời kỳ Phục hưng trong văn học phương Tây thì tư tưởng ấy quá vĩ đại và mạnh mẽ. Chính sự đặc sắc ấy mà Hồ Xuân Hương nổi bật trong văn học Việt Nam và thế giới, đến bây giờ vẫn chưa có một Hồ Xuân Hương như thế”, TS. Đoàn Hương nói.

Mặc dù hơn 2 thế kỷ đã qua nhưng thơ Hồ Xuân Hương vẫn mới mẻ và táo bạo. Những khát vọng bà đặt ra trong thơ đến hôm nay vẫn chói sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam. Khi chúng ta giải phóng con người khỏi kiếp nô lệ thì chúng ta vẫn tiếp tục sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Cho đến nay người phụ nữ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi, áp lực. Người phụ nữ vẫn chịu nhiều đè nén trong gia đình như tư tưởng trọng nam, khinh nữ; bị bạo hành…

Ở thời đại Hồ Xuân Hương sống, bằng những bài thơ, vần thơ thâm thúy, tài tình và đa nghĩa như “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu? (Đề đền Sầm Nghi Đống), Hồ Xuân Hương đã nói lên quyền được yêu, được tôn trọng, được ghi nhận của người phụ nữ, biểu lộ rõ khát vọng về bình đẳng nam nữ. Nữ sĩ đã sáng tạo nên những vần thơ mộc mạc, bình dị mà đa nghĩa, sắc sảo, biểu lộ một cá tính sáng tạo, một phong cách thơ rất “Hồ Xuân Hương”.

Vì thế trong thành công của cách mạng hôm nay, người phụ nữ đã dần dần nắm giữ được vai trò lớn trong xã hội. Hình tượng những người phụ nữ như thế chính là ước mơ của Hồ Xuân Hương ngày trước.

Những điều Hồ Xuân Hương đề cập đến vẫn không hề cũ, tư tưởng của bà chính là sự đổi mới. Vì thế sự nghiệp thơ ca của bà vốn là niềm tự hào của người Việt Nam, là di sản của dân tộc Việt Nam thì nay, bà đã trở thành một trong những danh nhân văn hóa của toàn thế giới.

Diệp Anh