Hợp đồng nguyên tắc là gì? 5 điều cần biết về loại hợp đồng này

1. Hợp đồng nguyên tắc là gì?

1.1 Khái niệm hợp đồng nguyên tắc

Hợp đồng nguyên tắc là loại hợp đồng mang tính chất định hướng, là sự thoả thuận của các bên về việc mua bán hàng hoá hoặc cung ứng bất kỳ loại dịch vụ nào.

Loại hợp đồng này thường được các bên sử dụng trong bước đầu tiên tìm hiểu về nhu cầu, khả năng của nhau và thống nhất một số nội dung về việc hợp tác.

Do đó, hiểu đơn giản, hợp đồng nguyên tắc là loại hợp đồng cơ bản, hợp đồng “khung ban đầu” trước khi các bên thực hiện ký hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ sau này.

Hiện nay, tuỳ vào thoả thuận của các bên, hợp đồng nguyên tắc còn có thể được các bên gọi bằng các tên gọi khác nhau và sử dụng trong bất cứ lĩnh vực nào như dân sự, thương mại, doanh nghiệp… Có thể kể đến một số cái tên hợp đồng: Thoả thuận nguyên tắc, hợp đồng nguyên tắc cơ bản, hợp đồng nguyên tắc đại lý…

Hợp đồng nguyên tắc là gì? (Ảnh minh hoạ)

1.2 Hợp đồng nguyên tắc tiếng anh là gì?

Hợp đồng nguyên tắc trong tiếng Anh được gọi là Contract Principles. Trong đó, các loại hợp đồng nguyên tắc trong tiếng Anh có thể kể đến:

– Hợp đồng mua bán hàng hoá: Commodity trading contracts;

– Hợp đồng khung: Contract template;

– Hợp đồng nguyên tắc dịch vụ tư vấn: Contract consulting service principles;

– Hợp đồng nguyên tắc song ngữ: Bilingual principle contract…

2. Trường hợp nào nên ký hợp đồng nguyên tắc?

Do hợp đồng nguyên tắc thường chỉ được sử dụng như hợp đồng khung ban đầu trước khi các bên tiến tới bước ký hợp đồng mua bán hoặc cung ứng dịch vụ bất kỳ nên một số trường hợp sử dụng hợp đồng nguyên tắc gồm:

– Giao dịch về việc mua bán hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ chưa được hoàn thiện, các bên chưa thoả thuận được về tất cả các điều khoản chi tiết mà mới chỉ mô tả chung, cam kết về điều kiện của giao dịch.

– Các nội dung trong hợp đồng giữa các bên được quy định trong nhiều loại hợp đồng khác nhau nhưng nội dung lại tương đồng nhau. Khi đó, các bên sẽ sử dụng hợp đồng nguyên tắc như hợp đồng khung để căn cứ vào đó tạo thành các loại hợp đồng đơn lẻ khác theo từng loại hàng hoá hoặc dịch vụ nhất định…

3. Top 3 mẫu hợp đồng nguyên tắc thông dụng hiện nay

3.1 Mẫu hợp đồng nguyên tắc mua bán vật tư

3.2 Mẫu hợp đồng nguyên tắc cung cấp dịch vụ

Tuỳ vào từng đối tượng của hợp đồng để quyết định tên hợp đồng nguyên tắc cụ thể (Ảnh minh hoạ)

3.3 Mẫu hợp đồng nguyên tắc hợp tác kinh doanh

4. Phân biệt hợp đồng nguyên tắc với hợp đồng kinh tế

Về cơ bản, hai loại hợp đồng này có nhiều điểm tương đồng do đó, hiện có khá nhiều người đang nhầm lẫn hợp đồng nguyên tắc với hợp đồng kinh tế. Dưới đây là các tiêu chí dùng để phân biệt hai loại hợp đồng này.

Tiêu chí

Hợp đồng nguyên tắc

Hợp đồng kinh tế

Tên gọi

Hợp đồng nguyên tắc có nhiều tên gọi khác nhau. Trong đó, có thể kể đến:

Thỏa thuận nguyên tắc.

HĐ nguyên tắc bán hàng.

HĐ nguyên tắc đại lí.

Hợp đồng kinh tế là tên gọi chung cho các loại hợp đồng liên quan đến kinh tế như:

HĐ vay vốn.

HĐ mua bán hàng hóa.

HĐ ủy quyền.

HĐ mua bán nhà….

Bản chất

Chỉ mang tính định hướng, làm tiền đề, cơ sở để chính thức ký kết các hợp đồng kinh tế hoặc bổ sung phụ lục cho hợp đồng nguyên tắc

Mang tính bắt buộc bởi các điều khoản quy định rõ ràng, bắt buộc các bên phải thực hiện theo thoả thuận đó.

Có thể bao gồm cả điều khoản về việc phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại.

Khả năng giải quyết tranh chấp

Do hợp đồng nguyên tắc chỉ thể hiện những vấn đề chung nhất, làm cơ sở, tiền để để các bên thực hiện các hợp đồng khác nên khi phát sinh tranh chấp, rất khó để giải quyết theo đúng quyền, nghĩa vụ của các bên.

Trong hợp đồng thường quy định cụ thể, rõ ràng quyền, nghĩa vụ của các bên cùng các điều khoản về phạt vi phạm/bồi thường thiệt hại nên khi phát sinh tranh chấp sẽ dễ dàng giải quyết hơn.

Thời gian ký kết

Theo thời gian nếu có sửa đổi thì hai bên tiến hành kí phụ lục. Hợp đồng có giá trị theo thời gian nên không căn cứ vào số lượng đơn hàng, thương vụ phát sinh.

– Do là hợp đồng có tính cơ sở nên qua các năm nếu có sự thay đổi, các bên sẽ ký phụ lục.

– Không phụ thuộc vào đơn hàng hay số lượng hàng hoá thay đổi theo thời gian để ký kết hợp đồng mới.

– Khi các bên chấm dứt hoặc huỷ bỏ hợp đồng thì nếu vẫn hợp tác thì sẽ ký hợp đồng mới.

– Khi phát sinh các nhu cầu về mua bán khác hoặc thay đổi thoả thuận về nội dung, thời hạn… thì cũng sẽ ký mới hoặc làm phụ lục tuỳ vào thoả thuận của các bên.

Bên cạnh các tiêu chí để phân biệt hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng kinh tế, do hai loại hợp đồng này có nhiều điểm tương đồng nên mọi người thường hay nhầm lẫn với nhau. Vậy sự giống nhau giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng nguyên tắc là gì?

Có thể kể đến một số đặc điểm giống nhau như sau:

Thứ nhất: Cả hai đều là hợp đồng nên có đầy đủ các đặc điểm của hợp đồng là do các bên thoả thuận về quyền, nghĩa vụ, nội dung công việc… dựa vào các nguyên tắc cơ bản của dân sự như tự nguyện, bình đẳng, tuân thủ pháp luật…;

Thứ hai: Cả hai loại hợp đồng thường được lập thành văn bản, có đầy đủ chữ ký và đóng dấu của các bên…

Thắc mắc thường gặp về hợp đồng nguyên tắc là gì? (Ảnh minh hoạ)

5. Câu hỏi thường gặp về mẫu hợp đồng nguyên tắc

5.1 Những nội dung nào cần có trong hợp đồng nguyên tắc?

Cũng giống như một loại hợp đồng thông thường, căn cứ vào Điều 398 Bộ luật Dân sự năm 2015, các nội dung thường có trong hợp đồng nguyên tắc gồm:

– Các bên tham gia giao kết hợp đồng nguyên tắc và các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan được đề cập đến trong thoả thuận giao dịch này.

– Đối tượng của hợp đồng gồm các vấn đề: Số lượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán cho việc mua bán, đặt cọc… đối tượng đó (nếu có).

– Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng.

– Trách nhiệm của các bên cùng quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hợp đồng nguyên tắc.

Lưu ý: Hợp đồng nguyên tắc mặc dù chỉ mang tính chất định hướng nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố của hợp đồng nói chung về nội dung và hình thức, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức, không vô hiệu và cũng ràng buộc trách nhiệm giữa các bên đã ký kết hợp đồng với nhau.

Tuy nhiên, các đối tượng trong hợp đồng nguyên tắc thường khi thoả thuận chỉ nêu chung, không nêu cụ thể là hàng hoá hay dịch vụ nào bởi sau này, khi đã xác định được loại hàng hoá, dịch vụ thì các bên sẽ ký kết hợp đồng kinh tế riêng hoặc ký phụ lục hợp đồng nguyên tắc.

5.2 Hợp đồng nguyên tắc có thời hạn bao lâu?

Do hợp đồng nói chung và hợp đồng nguyên tắc nói riêng được xây dựng dựa trên sự thoả thuận của các bên. Một trong những nội dung mà các bên cần thoả thuận là về thời hạn áp dụng và thời hạn có hiệu lực của hợp đồng nguyên tắc.

Bởi vậy, thời hạn của hợp đồng nguyên tắc được xác định là theo thoả thuận của các bên. Nếu không có thời hạn cố định thì thường các bên sẽ xác định thời hạn có hiệu lực của hợp đồng nguyên tắc là từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày hợp đồng chấm dứt do công việc hoàn thành hoặc khi hai bên thoả thuận chấm dứt, thanh lý hợp đồng hoặc theo quy định của Toà án.

Thông thường, các hợp đồng nguyên tắc sẽ giới hạn thời hạn có hiệu lực từ 01 – 05 năm. Khi ký hợp đồng, các bên sẽ thoả thuận thiệu lực của hợp đồng nguyên tắc nhằm thuận tiện cho việc quyết toán công việc và đối chiếu công nợ.

5.3 Có được giao kết hợp đồng nguyên tắc qua email không?

Email là từ ngữ thường được sử dụng cho hình thức trao đổi thông tin trên môi trường mạng, thông qua một địa chỉ Email cố định của máy tính có kết nối với mạng internet, hay còn gọi là thư điện tử hoặc hộp thư điện tử.

Hiện, trao đổi công việc, thông tin qua Email đang dần trở thành một trong những phương thức trao đổi thông tin, công việc phổ biến và thuận tiện nhất.

Về hình thức của hợp đồng, khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, hợp đồng được thể hiện bằng một trong ba hình thức: Bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể.

Đồng thời, không có quy định cấm không được giao kết hợp đồng thông qua môi trường mạng mà tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự này nêu rõ, hợp đồng được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.

Do đó, các bên hoàn toàn có thể giao kết hợp đồng nguyên tắc thông qua Email. Và việc giao kết hợp đồng nguyên tắc thông qua Email được xem là hợp đồng bằng văn bản. Khi đó, hợp đồng nguyên tắc sẽ có đầy đủ giá trị pháp lý như một loại hợp đồng bằng văn bản thông thường được giao kết trực tiếp với nhau.

5.4. Hợp đồng nguyên tắc có thể thay thế hợp đồng tương tự không?

Hợp đồng tương tự hay là hợp đồng cung cấp hàng hoá tương tự, đây là loại hợp đồng mà trong đó, hàng hoá được cung cấp tương tự với hàng hoá của gói thầu đang xét và đã hoàn thành theo hướng dẫn tại ghi chú 9 mẫu số 2A mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

Theo đó, hợp đồng tương tự có thể hiểu là:

– Là hàng hoá trong hợp đồng phải có cùng mã Chương, mã Nhóm tương ứng với 04 số đầu tiên của bộ mã trong hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá hay còn gọi là mã HS.

Ví dụ: Hàng hóa thuộc gói thầu là máy tính xách tay có mã HS là 84.71.30.20 thì các hàng hóa tương tự về chủng loại là hàng hóa có mã HS là 84.71.xx.xx.

– Nếu hàng hoá thuộc gói thầu chưa được công bố mã HS thì phải kê khai các hợp đồng cung cấp hàng hoá có cùng chủng loại, tính chất với hàng hoá thuộc gói thầu.

– Quy mô: Giá trị của hợp đồng tương tự thường khoảng 70% giá trị của gói thầu đang xét căn cứ vào giá trị hoàn thành, được nghiệm thu của hợp đồng đó.

Do đó, về bản chất hợp đồng tương tự là hợp đồng được yêu cầu trong hồ sơ mời thầu nhằm chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trong quá trình dự thầu. Và không có quy định nào về việc có thể thay thế hợp đồng nguyên tắc thành hợp đồng tương tự.

Trên đây là giải đáp chi tiết về hợp đồng nguyên tắc là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.