Hợp đồng thời vụ có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

1. Thế nào là hợp đồng thời vụ?

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 thì Hợp đồng thời vụ là một loại hợp đồng lao động áp dụng đối với:

– Công việc mang tính chất tạm thời, không thường xuyên, liên tục;

– Công việc thực hiện theo mùa;

– Môt công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2021, từ thời điểm Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành thì Hợp đồng thời vụ đã chính thức bị “khai tử” mà chỉ còn Hợp đồng lao động xác định thời hạn và Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo đó, tất cả những công việc làm việc dưới 36 tháng đều được ký Hợp đồng lao động xác định thời hạn, kể cả những công việc chỉ làm một vài tháng.

Trước đây, Bộ luật Lao động năm 2012 đã tách Hợp đồng lao động xác định thời hạn và Hợp đồng mùa vụ riêng. Trong đó, Hợp đồng mùa vụ là hợp đồng được ký kết với người lao động làm một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng còn Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng được ký kết với người lao động làm việc từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 đã gộp chung hai loại hợp đồng lao động này thành Hợp đồng lao động xác định thời hạn đối với người lao động làm việc dưới 36 tháng.

2. Hợp đồng thời vụ được ký kết như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động năm 2019 thì hình thức của hợp đồng lao động được thực hiện như sau:

– Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản và người sử dụng lao động giữ 01 bản;

– Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản;

– Hai bên chỉ có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.

Như vậy, hình thức hợp đồng luôn được thể hiện dưới dạng văn bản. Do đo, hợp đồng lao động làm việc xác định thời hạn dưới 12 tháng (Hợp đồng thời vụ trước đây) bắt buộc phải ký kết bằng văn bản và mỗi bên người sử dụng lao động, người lao động giữ một bản để làm căn cứ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, nếu người sử dụng lao động thuê người lao động làm việc cho mình theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 01 tháng thì các bên có thể thoả thuận bằng miệng

3. Hợp đồng thời vụ có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Như đã phân tích tại mục 1 của bài viết này thì trong quan hệ lao động hiện nay không còn ký kết Hợp đồng thời vụ mà chỉ có Hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 36 tháng. Trước câu hỏi “Hợp đồng thời vụ có phải đóng bảo hiểm xã hội không?”, theo Luật Dương Gia, chúng ta có thể hiểu câu hỏi như sau: Những người lao động ký kết Hợp đồng lao động xác định thời hạn chỉ một vài tháng thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì những đối tượng sau khi tham gia vào quan hệ lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

– Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Như vậy, theo quy định trên thì người lao động ký kết Hợp đồng lao động với người sử dụng lao động từ đủ 01 tháng trở lên sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người lao động làm việc theo Hợp đồng mùa vụ hay trong thời điểm hiện tại là làm việc theo Hợp đồng lao động xác định thời hạn chỉ một vài tháng nhưng từ đủ 01 tháng trở lên thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người lao động tham gia bao gồm các khoản bảo hiểm về hưu trí, ốm đau- thai sản và tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp. Theo đó, khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người sử dụng lao động sẽ đóng 17,5% còn người lao động chỉ phải đóng 8%.

4. Hợp đồng mùa vụ có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 thì những đối tượng sau khi tham gia vào quan hệ lao động sẽ bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

– Người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

– Người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

– Người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Như vậy, theo quy định trên thì người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng thì người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Hay có thể hiểu, đối với người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là 2%/ tháng. Trong đó người sử dụng lao động phải đóng 1% và người lao động cũng phải đóng 1%.

5. Hợp đồng thời vụ có được tham gia bảo hiểm y tế theo công ty hay không?

Căn cứ theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thì người lao động thuộc một trong các đối tượng sau sẽ được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế khi làm việc:

– Người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;

– Người đảm nhiệm chức danh quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức;

– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cũng như bảo hiểm thất nghiệp đã nêu tại mục 3 của bài viết này thì người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm y tế cho người lao động. Trong đó, người sử dụng lao động sẽ phải đóng vào quỹ bảo hiểm y tế cho người lao động là 3%/ tháng còn người lao động chỉ phải đóng 1,5% số tiền lương của mình/ tháng.

Tóm lại, người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng thời vụ vẫn được hưởng các chế độ, quyền lợi không khác biệt so với người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động xác định thời hạn và Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, pháp luật gộp Hợp đồng thời vụ và Hợp đồng lao động xác định thời hạn thành một loại Hợp đồng lao động xác định thời hạn cũng là điều hợp lý vì không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và cả người sử dụng lao động.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Bộ luật Lao động năm 2012;

– Bộ luật Lao động năm 2019;

– Luật Việc làm năm 2013;

– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;

– Luật Bảo hiểm y tế năm 2014;

– Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2018 Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế.