Hợp đồng thời vụ có phải đóng bảo hiểm không?

Đóng bảo hiểm xã hội là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân khi tham gia lao động. Tuỳ vào quy định của các doanh nghiệp mà thời gian đóng và mức đóng bảo hiểm xã hội là khác nhau. Thông thường bảo hiểm xã hội sẽ được đóng ngay khi người lao động ký kết hợp đồng lao động. Vậy đối với hợp đồng thời vụ có phải đóng bảo hiểm không?

Căn cứ pháp lý

  • Luật bảo hiểm xã hội 2014

Hợp đồng thời vụ là hợp đồng gì?

Hợp đồng thời vụ là cách gọi theo tính chất thời gian làm việc mùa vụ của người lao động. Để hiểu rõ hơn về loại hợp đồng này người lao động cần nắm được thông tin về các loại hợp đồng lao động được giao kết.

Căn cứ theo Điều 20, Bộ luật Lao động 2019 quy định từ ngày 01/01/2021, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong 02 loại sau đây:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Theo quy định này, có thể hiểu hợp đồng lao động thời vụ là hợp đồng lao động xác định thời hạn không quá 36 tháng. Hợp đồng thường phát sinh theo mùa vụ hoặc công việc nhất định.

Hợp đồng thời vụ có phải đóng bảo hiểm không?

Trên thực tế để xác định hợp đồng mùa vụ có phải đóng bảo hiểm không căn cứ vào rất nhiều các yếu tố như thời hạn của hợp đồng, thời gian làm việc của người lao động trong 1 tháng và mức lương làm việc của người lao động.

Theo quy định tại Điều 2, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong đó có:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Theo quy định trên thì người lao động làm việc theo hợp đồng thời vụ thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, chỉ phải đóng bảo hiểm khi thỏa mãn các điều kiện về thời gian làm việc, mức lương

Hợp đồng thời vụ không phải đóng bảo hiểm khi có số ngày làm việc từ 14 ngày/tháng trở xuống

Căn cứ theo quy định tại theo Khoản 4, Điều 42, Quy trình ban hành theo Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam quy định:

“4. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH”

Theo quy định này người lao động làm việc theo hợp đồng thời vụ có số ngày làm việc từ 15 ngày trở xuống (số ngày nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng lương trong tháng) thì không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Hợp đồng thời vụ không phải đóng bảo hiểm khi lương mỗi tháng dưới mức lương cơ bản

Theo quy định tại Điểm 2.6, Khoản 2, Điều 6, Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối thiểu quy định như sau:

“2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường”

Như vậy, với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng. Nếu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ có mức lương theo tháng dưới mức lương tối thiểu vùng sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2023 được căn cứ theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2023 được quy định như sau:

  • Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng
  • Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng
  • Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng
  • Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng

Tóm lại, hợp đồng thời vụ chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội khi có thời gian làm việc từ một tháng trở lên, đảm bảo thời gian nghỉ không hưởng lương không quá 14 ngày/tháng và mức tiền lương được trả theo tháng lớn hơn mức lương tối thiểu vùng.

Người lao động làm thời vụ có được đóng bảo hiểm thất nghiệp?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

  • Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
  • Lưu ý: Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của * hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, có thể thấy, nếu anh Khương làm thời vụ mà ký hợp đồng từ đủ 03 tháng trở lên, anh sẽ được đóng đủ các loại bảo hiểm. Còn nếu chỉ ký hợp đồng từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng thì anh chỉ được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chi tiết liên hệ

Công ty Luật Thái Dương FDI Hà Nội

Điện thoại: 0866 222 823

Email: luatthaiduonghanoi@gmail.com

Website: https://luatthaiduonghanoi.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luatthaiduongfdihanoi

Địa chỉ: Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội.