Phát triển nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng: Thống nhất quan điểm cốt lõi

Vùng Đồng bằng sông Hồng: Liên kết tạo sức bật cho du lịch phát triển Khai thác và phát huy thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Hồng Xúc tiến thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng: Đồng bộ các nguồn lực

Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chuyển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vùng đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò quan trọng, là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước. Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế – xã hội khác, trong đó có sản xuất nông nghiệp.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, Vùng đồng bằng sông Hồng đã có các tập đoàn giống cây trồng, vật nuôi được tạo lập tốt; đã hình thành các vùng lúa xuất khẩu và các vùng sản xuất lúa, ngô, rau thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp tại các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, chăn nuôi gà và lợn hiện đang chiếm 40% sản lượng cả nước; phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt thuỷ sản khoảng 620 km bờ biển; thực hiện trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng, bảo vệ rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị về về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của Bộ Chính trị, trong phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Đó là, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn Vùng đồng bằng sông Hồng đạt những thành tựu to lớn, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt, chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, từ sản xuất nhỏ lẻ dựa vào kinh tế hộ sang sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả để tăng thu nhập cho nông dân.

Vùng sản xuất rau su su lấy ngọn chuyên canh lớn của huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc)

Bên cạnh đó, quy mô và tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng duy trì ở mức cao, lớn hơn bình quân cả nước: Giá trị tăng thêm ngành nông lâm, thủy sản vùng đồng bằng sông Hồng đạt 141.561 tỷ đồng năm 2021, chiếm 13,6% so với giá trị tăng thêm nông lâm, thủy sản của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng năm 2020 đạt 3,8%, năm 2021 đạt 3,6%; số này cao hơn mức độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của cả nước (năm 2020 là 2,8%, năm 2021 là 2,9%).

Mặc dù là vùng đất chật người đông, nhưng hiệu quả canh tác nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng thường xuyên duy trì ở mức khá cao: Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và thủy sản của toàn vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2005 – 2020 cao hơn nhiều so với trung bình của cả nước.

Trong xây dựng nông thôn mới, đồng bằng sông Hồng là vùng có tiềm lực, luôn dẫn đầu và đạt kết quả cao, về đích sớm so với các vùng khác trong cả nước; số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 99,5%, là một trong 2 vùng (cùng với đồng bằng sông Cửu Long) không còn xã dưới 15 tiêu chí. Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Hồng có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế mà nông nghiệp và nông thôn của vùng đồng bằng sông Hồng đang gặp phải. Cụ thể: Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất để tổ chức vùng nguyên liệu còn chậm; mặc dù đã xuất hiện các mô hình liên kết nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của vùng; tích tụ, tập trung ruộng đất được thực hiện, phát triển thông qua mô hình “cánh đồng lớn” tuy nhiên diện tích đất sản xuất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến, dẫn đến khó ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất.

Việc xây dựng nông nghiệp công nghệ cao chưa tạo được đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng; chưa có nhiều doanh nghiệp đóng vai trò đầu tầu trong xây dựng khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Công nghiệp chế biến nông sản, kết cấu hạ tầng bảo quản, chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu tập trung; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn như ô nhiễm môi trường làng nghề, bãi rác tập trung chôn lấp…

Phát triển nền nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng sinh thái, hiện đại

Với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030. Phát triển một nền nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng sinh thái, hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn xanh sạch, đẹp, đảm bảo an ninh với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ tiệm cận với khu vực đô thị”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các bộ ngành, các địa phương trong Vùng cần thống nhất các quan điểm phát triển cốt lõi.

Phát triển nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng: Thống nhất quan điểm cốt lõi

Tỉnh Thái Bình hướng tới tổ chức sản xuất lúa gạo theo nhu cầu thị trường và quy trình canh tác chuẩn quốc tế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là địa bàn tiên phong của cả nước.

Cụ thể, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng phát huy cao hơn, hiệu quả hơn cơ chế thị trường.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng, quy hoạch các tỉnh, thành phố thuộc Vùng, trong đó có phương án sản xuất nông nghiệp của từng địa phương và toàn vùng. Thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là khâu đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.

Chú trọng đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng và giữa các địa phương trong và ngoài vùng. Đặc biệt, phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.

Ngoài ra, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông để tạo sự kết nối giữa các địa phương trong vùng và vùng lân cận; mạng lưới thủy lợi phục vụ sản xuất và các công trình ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hội nhập và hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng. Chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển các thị trường nông sản xuất khẩu của Vùng, chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, hài hòa hóa quy định trong nước với quốc tế.