Huyện Trấn Yên

Phía đông giáp thành phố Yên Bái, đông bắc giáp huyện Yên Bình, đông nam giáp huyện Hạ Hoà (Phú Thọ), tây nam giáp huyện Văn Chấn, tây – tây bắc giáp huyện Văn Yên. Huyện Trấn Yên có 28 xã 1 thị trấn (trong đó có 7 xã vùng đặc biệt khó khăn) gồm: Nga Quán, Cổ Phúc, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Tân Đồng, Hoà Cuông, Minh Quán, Cường Thịnh, Văn Phú, Văn Tiến, Văn Lãng, Minh Quân, Phúc Lộc, Giới Phiên, Hưng Thịnh, Việt Cường, Vân Hội, Việt Hồng, Âu Lâu, Hợp Minh, Minh Tiến, Y Can, Quy Mông, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hưng, Khánh Hồng Ca.

Theo số liệu thống kê năm 2004 Trấn Yên có 96.500 người với 6 dân tộc chính (Kinh 74,3%, Tày 15,8%, Dao 5,8% còn lại là các dân tộc khác như Mường, Mông, Cao Lan…). Trấn Yên là miền đất thung lũng sông Hồng, nằm giữa dãy núi Con Voi và dãy núi Pú Luông, có độ cao trung bình 200 mét so với mặt nước biển, địa hình chia cắt bởi sông Hồng và nhiều suối lớn. Do nằm sâu trong lục địa và bị chia cắt bởi núi cao nên Trấn Yên nằm trong vùng tiểu khí hậu nội địa, nhiệt độ trung bình 22-23 độ C. Trấn Yên là mảnh đất giầu tài nguyên và khoáng sản, trong đó đất nông nghiệp 10.035ha, đất lâm nghiệp 43.101 ha, đất chuyên dùng 2.355,7 ha, đất chưa sử dụng 13.100 ha. Tài nguyên nước vô cùng phong phú với sông Hồng và hệ thống ao, hồ, suối…tạo điều kiện phát triển giao thông, thuỷ lợi và nuôi trồng thuỷ sản. Về khoáng sản Trấn Yên có nhiều loại khoáng sản: quặng sắt, than, đá quý, đá vôi, vàng…

Trấn Yên là mảnh đất có truyền thống văn hoá lâu đời và truyền thống cách mạng vẻ vang với các di chỉ thạp đồng Đào Thịnh, Hợp Minh, trống đồng Đào Thịnh. Các dân tộc còn giữ gìn được bản sắc văn hoá như lễ hội dân ca, dân vũ, tín ngưỡng… Huyện có di tích lịch sử văn hoá Chiến khu Vần và các điểm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: ao Vua, thác Quẽ, hang Dơi và những cánh rừng nguyên sinh ở Việt Hồng, Kiên Thành. Về sản xuất nông nghiệp, vùng thâm canh lúa nước gồm 16 xã, trồng lúa màu và cây ăn quả gồm 20 xã, trồng rừng và cây công nghiệp 28 xã. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản lượng đạt… tỷ/năm.

Trên địa bàn huyện có các công ty trong nước và nước ngoài đã và đang sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó là các ngành nghề chế biến nông sản như: đường, miến đao, tinh dầu quế, đũa xuất khẩu sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm. Mạng lưới giao thông của Trấn Yên khá thuận tiện cả đường sắt, đường thuỷ và đường bộ, 100% số xã có điện lưới và hệ thống bưu chính viễn thông có thể liên lạc trong nước, quốc tế… Trấn Yên phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 10 đến 11% GDP, tập trung mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế hàng hoá theo hướng CNH- HĐH, tiếp tục phát triển sự nghiệp y tế giáo dục, thực hiên ngày càng tốt hơn chính sách xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.