Ô nhiễm môi trường đất là gì? Những hậu quả của ô nhiễm môi trường đất

Ô nhiễm môi trường đất là gì? Những hậu quả của ô nhiễm môi trường đất

Đất là nguồn tài nguyên quý giá và có vai trò quan trọng đối với đời sống của con người cũng như vạn vật trên giới. Ngày nay, ô nhiễm môi trường đất đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng, cấp thiết đối với toàn thể nhân loại. Vậy, ô nhiễm môi trường đất là gì? Đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục hiệu quả? Hãy cùng Famy tìm hiểu nhé!

o-nhiem-moi-truong-dat-tren-the-gioi.jpg

I. Ô nhiễm môi trường đất là gì?

Vấn đề ô nhiễm môi trường đất đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí đã đạt mức báo động. Tuy vậy, có nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm ô nhiễm nguồn đất và biểu hiện của tình trạng môi trường đất bị ô nhiễm.

‒ Ô nhiễm nguồn đất là khi thuộc tính của đất bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, chỉ số của các chất độc hại đã vượt quá ngưỡng cho phép, gây hại cho toàn bộ hệ sinh thái.

‒ Biểu hiện phổ biến nhất của tình trạng ô nhiễm môi trường đất là đất bị khô cằn, có màu xám hoặc đỏ không đồng đều, xuất hiện những hạt sỏi có lỗ hoặc các hạt màu trắng trong đất.

‒ Thực tế, môi trường đất bị ô nhiễm sẽ có các biểu hiện không giống nhau. Điều này tùy thuộc vào mức độ nhiễm độc nặng hay nhẹ.

II. Hiện trạng ô nhiễm môi trường đất trên thế giới

‒ Môi trường đất trên thế giới đang phải chịu tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố. Nguồn đất suy thoái nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, rửa trôi, xói mòn, bạc màu,…

‒ Không những thế, sự phát triển chóng mặt của quá trình công nghiệp hóa đang gián tiếp gây ra hậu quả là tài nguyên đất bị nhiễm kim loại nặng, vô cùng độc hại.

‒ Tại bang Minas Gerais ở Brazil, một sự kiện vỡ đập đã khiến hơn 60 triệu m³ bùn đất chứa các loại chất thải độc hại từ sau quá trình khai thác quặng sắt bị tràn ra ngoài, nhấn chìm toàn bộ ngôi làng.

‒ Tại Nhật Bản, hàng trăm km² đất nông nghiệp, lâm nghiệp và làng mạc bị bỏ hoang do ảnh hưởng phóng xạ từ ba lò phản ứng nguyên tử của nhà máy Fukushima. Đây là hậu quả sau sự kiện thảm họa kép “động đất – sóng thần” hồi tháng 3/2011.

‒ Tại Trung Quốc, sau nhiều năm thực hiện công nghiệp hóa một cách tràn lan, ⅕ diện tích đất nông nghiệp đã bị ô nhiễm nặng nề.

o-nhiem-dat.jpg

III. Ô nhiễm môi trường đất ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

‒ Hiện nay, tổng diện tích đất tự nhiên ở Việt Nam là hơn 33 triệu ha. Trong đó, 68,83% tổng diện tích đất (hơn 22 triệu ha) đang được sử dụng, còn lại khoảng 10 triệu ha đất chưa sử dụng. Diện tích đất sử dụng trong nông nghiệp chiếm khoảng 7-8 triệu ha.

‒ Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới với đặc trưng mưa nhiều và tập trung, nên quá trình khoáng hóa trong đất diễn ra rất mạnh. Bên cạnh đó, với đặc điểm địa hình đồi núi chiếm ¾ lãnh thổ khiến đất dễ bị rửa trôi, xói mòn, thoái hóa do hạn chế về chất hữu cơ và chất dinh dưỡng.

‒ Những năm trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện nhiều dấu hiệu về tình trạng ô nhiễm nguồn đất, từ ô nhiễm môi trường đất ở nông thôn cho đến các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành khác.

‒ Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường đất ở Hà Nội chủ yếu là do hàm lượng kim loại nặng cao, xuất phát từ các hoạt động sản xuất ở một số khu công nghiệp, khu đô thị và những làng nghề nổi tiếng như Khu công nghiệp An Khánh, Khu đô thị Nam Thăng Long, Làng nghề dệt vải Hà Đông,…

‒ Thực trạng ô nhiễm môi trường đất ở TPHCM cũng không mấy khả quan. Phần lớn là do các chất thải đô thị và dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật,… Thực tế, các khu công nghiệp tại TPHCM mỗi ngày sẽ thải ra hơn 600 nghìn m³ nước thải.

‒ Tại Thái Nguyên, quá trình khai thác khoáng sản đã thải ra một khối lượng lớn đất đá. Điều này làm suy giảm lớn diện tích đất canh tác. Hơn nữa, các hoạt động khai thác đa phần đều sử dụng những công nghệ lạc hậu và theo kiểu lộ thiên nên môi trường đất tại Thái Nguyên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

‒ Tại Lâm Đồng, vào năm 2009, đoàn nghiên cứu đã thực hiện quan trắc môi trường. Kết quả thu được cho thấy đất ở đây vừa có tính Acid vừa có tính kiềm, do bị ảnh hưởng nhiều từ việc dùng phân bón trong nông nghiệp.

IV. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất

Tình trạng ô nhiễm môi trường đất thường xuất phát từ một trong những nguyên nhân dưới đây:

1. Biến đổi tự nhiên

‒ Do hàm lượng các chất tự nhiên có trong đất xuất hiện sự gia tăng theo chiều hướng bổ sung thêm chất độc hại, vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Sự thay đổi này khiến cho đất bị nhiễm độc và trở nên ô nhiễm.

  • Đất nhiễm mặn: Chủ yếu do lượng muối có trong nước biển, các mỏ muối, thủy triều dâng cao hoặc do quá trình Gley hóa trong đất sinh ra những độc tố gây hại.
  • Đất nhiễm phèn: Do nước phèn di chuyển theo dòng nước ngầm từ nơi khác đến. Đất bị nhiễm sắt làm độ pH môi trường giảm.

2. Canh tác nông nghiệp

‒ Trong canh tác nông nghiệp, việc lạm dụng các loại hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất.

‒ Thuốc trừ sâu có thể giúp ngăn ngừa, tiêu diệt sâu bệnh phá hoại mùa màng, tuy nhiên, dư lượng hóa chất còn tồn đọng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nói chung và nguồn đất nói riêng.

‒ Thuốc diệt cỏ thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất và nguồn nước sông, suối, hồ,… Không những thế, thuốc diệt cỏ còn chứa một số chất độc hại như Dioxin cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong khi ở môi trường nhiệt độ thấp.

3. Sản xuất công nghiệp

‒ Rác thải, khí thải công nghiệp cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn đất. Ví dụ: Những hoạt động sản xuất sắt thép, cơ khí – gia công kim loại hay dịch vụ sửa chữa xe máy, ô tô đều chứa nhiều kim loại nặng và dầu mỡ gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất.

‒ Các cơ sở khai thác đá, những nhà máy xi măng thường xuyên thải bụi ra môi trường gây ra ô nhiễm trầm trọng. Ngoài ra, trong ngành công nghiệp sản xuất giấy, bột giấy có chứa chất Sunfua và một số chất hữu cơ khó phân hủy khác tác động trực tiếp đến chất lượng đất.

o-nhiem-moi-truong-dat-la-gi.jpg

4. Đô thị hóa

‒ Việc đẩy mạnh quá trình đô thị hóa cũng là nguyên nhân dẫn tới thực trạng ô nhiễm đất. Khói bụi trên đường đến từ các phương tiện tham gia giao thông kết hợp với những tác động của không khí đã tạo ra tác động tiêu cực tới môi trường đất.

5. Rác thải sinh hoạt

‒ Hiện nay, lượng rác thải từ sinh hoạt hàng ngày của con người thực sự khổng lồ và rất đa dạng như chai nhựa, túi nilon, đồ ăn thừa, nước thải sinh hoạt,… Tất cả đều được thải trực tiếp ra ngoài môi trường đất dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng.

6. Ý thức con người

‒ Không quá khi nói, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường đất kể trên đều chịu sự tác động dù lớn hay nhỏ từ ý thức của con người.

‒ Hiện nay, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt hay xử lý rác trước khi thải ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chưa có ý thức giữ vệ sinh công cộng, thường xuyên xả rác bừa bãi, không đúng điểm quy định.

‒ Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư thường không quan tâm tới lợi ích cộng đồng mà chỉ chú trọng vào lợi nhuận kinh doanh, bất chấp vi phạm luật bảo vệ môi trường.

V. Hậu quả của ô nhiễm môi trường đất

Đất chính là môi trường sống của vạn vật trên trái đất, từ con người đến các loài sinh vật, hệ thực vật,… bởi vậy, hậu quả của ô nhiễm môi trường đất là vô cùng lớn.

1. Tác động tới sức khoẻ con người

‒ Ô nhiễm đất có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người. Tùy thuộc vào từng chất gây ô nhiễm đất, con người có thể mắc phải các bệnh lý như:

  • Ung thư do thường xuyên tiếp xúc với chì, Crom, xăng dầu.
  • Các bệnh rối loạn, bệnh mãn tính,…
  • Bệnh bạch cầu khi tiếp xúc lâu ngày với Benzene.
  • Tổn thương thận vì chất Cyclodienes và thủy ngân.
  • Nhiễn độc gan do PCBs và Cyclodienes.
  • Một số loại chất độc khác có thể gây mệt mỏi, buồn nôn, phát ban,… thậm chí là tử vong.

2. Ảnh hưởng đến hệ sinh thái

‒ Đất bị ô nhiễm sẽ gây hại đến sự chuyển hóa của các loài động vật chân đốt và vi sinh vật đặc hữu. Qua đó, làm gián đoạn chuỗi thức ăn chính, gây ảnh hưởng đến động vật ăn thịt và cả con người.

‒ Ngoài ra, ô nhiễm đất tác động xấu đến quá trình chuyển hóa thực vật, giảm năng suất cây trồng và khiến đất nhanh chóng thoái hóa, cằn cỗi hơn.

3. Làm giảm chất lượng nguồn nước ngầm

‒ Ô nhiễm nguồn đất ảnh hưởng đến mạch nước ngầm qua cơ chế thẩm thấu. Các chất độc hại trong đất có thể thấm vào nguồn nước ngầm, gây ra ô nhiễm môi trường nước.

4. Hạn chế hiệu suất canh tác nông nghiệp

‒ Đất bị ô nhiễm, thoái hóa sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới các hoạt động canh tác nông nghiệp. Đất cằn cỗi, thiếu dinh dưỡng khiến cây trồng chậm lớn, chất lượng giảm, mùa màng thất bát.

o-nhiem-dat-o-viet-nam.jpg

VI. Giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đất

Vấn nạn ô nhiễm môi trường đất đang ở mức đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người. Do đó, các tổ chức, cơ quan chức năng và mỗi cá nhân đều phải đồng lòng, chung tay thực hiện những giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đất. Sau đây là một số biện pháp cải thiện chất lượng nguồn đất.

1. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học

‒ Trong nông nghiệp, việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học là rất cần thiết, với mục đích thúc đẩy sự phát triển của thực vật và diệt trừ những loài động vật gây hại cho cây. Tuy nhiên, việc này lại khiến môi trường đất bị ô nhiễm.

‒ Để hạn chế và khắc phục thực trạng này, người nông dân có thể sử dụng phân bón sinh học hoặc phân hữu cơ để thay thế cho phân hóa học. Ngoài ra, sử dụng các loài động vật thiên địch cũng là một phương án hiệu quả và thân thiện với môi trường.

2. Phục hồi rừng

‒ Rừng nắm giữ vai trò rất lớn trong việc bảo vệ đất không bị xói mòn, rửa trôi và giữ lại nhiều chất dinh dưỡng cho các loài thực vật. Chính vì thế, cần phục hồi rừng bằng cách: phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng cây, chống cháy rừng,…

3. Xử lý chất thải rắn

‒ Chất thải rắn từ các hoạt động sinh hoạt, quá trình sản xuất công – nông nghiệp đã và đang làm gia tăng mức độ độc hại trong lòng đất. Thế nên cần phải xử lý triệt để các loại chất thải rắn.

‒ Một lưu ý nhỏ, chúng ta nên điều chỉnh lại độ pH của các chất thải rắn trước khi thực hiện chôn lấp hoặc xử lý chúng theo nhiều phương pháp khác nhau.

‒ Có thể sử dụng một số hóa chất hoặc Enzyme để kiếm soát và xử lý rác thải, đảm bảo không gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất.

4. Phục hồi và tái chế vật liệu

‒ Để giảm thiểu lượng chất thải rắn xả ra môi trường thì có thể tiến hành phân loại và tái sử dụng đối với những loại vật liệu như: thủy tinh, nilon, túi vải,..

5. Tiết kiệm tài nguyên

‒ Hãy sử dụng các nguồn tài nguyên một cách tiết kiệm, đây là một cách bảo vệ nguồn đất khỏi nguy cơ bị ô nhiễm. Khi tiết kiệm tài nguyên, bạn đã gián tiếp làm giảm đi lượng rác thải rắn.

o-nhiem-dat-tren-the-gioi.jpg

VII. Kết luận

Như vậy, Famy đã cung cấp những thông tin chi tiết giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề ô nhiễm môi trường đất hiện nay. Hy vọng rằng, bạn đọc có thể chia sẻ những kiến thức bổ ích này tới mọi người xung quanh để chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

  • ← Bài viết trước
  • Bài tiếp theo →