Tài sản bố mẹ chồng cho khi ly hôn có được chia không?

1. Quy định của pháp luật về phân chia tài sản khi ly hôn:

Ly hôn là sự kiện pháp lý, nhằm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Khi tiến hành ly hôn, các cá nhân thường phải hướng tới việc giải quyết các mối quan hệ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân: Con cái chung, tài sản chung và công nợ chung.

Tài sản chung được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các cá thể phải tiến hành giải quyết, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến và lợi ích về tài chính.

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, khi hai vợ chồng đăng ký kết hôn với nhau (xác lập quan hệ hôn nhân về mặt pháp luật), thì quan hệ về tài sản chung cũng được hình thành từ đây. Về cơ bản, mọi tài sản có trong thời kỳ hôn nhân đều được xem là tài sản chung của hai vợ chồng, trừ trường hợp được tặng cho riêng và thừa kế.

Bản chất của hôn nhân là sự gắn kết, xác lập quan hệ gắn bó bền chặt giữa hai chủ thể với nhau. Do đó, khi hai người đăng ký kết hôn, pháp luật đã quy định về việc tạo lập và hình thành tài sản chung. Tài sản chung là tài sản hai vợ chồng cùng phấn đấu, nỗ lực, hỗ trợ nhau xây dựng trong thời kỳ hôn nhân. Vậy nên, có rất nhiều cuộc hôn nhân, khi đến thời kỳ đổ vỡ, cần sự can thiệp của Tòa giải quyết, thì tài sản chung được phát sinh và hình thành rất nhiều. Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là quyền lợi và nghĩa vụ của vợ và chồng. Do đó, khi ly hôn, cả hai đều được hưởng lợi ích từ quan hệ tài sản này.

Khi giải quyết vấn đề phân chia tài sản của các cá nhân khi ly hôn, Tòa án thường hướng tới phương hướng giải quyết sau đây:

– Thứ nhất, Tòa án sẽ xem xét xem tổng thể tài sản chung mà hai người có với nhau trong thời kỳ hôn nhân gồm có những gì, xác nhận xem đó có đúng là tài sản chung của cả hai vợ chồng, hay có tài sản nào có được từ tặng cho hay thừa kế hay không.

– Thứ hai, sau khi xác nhận tài sản chung của hai vợ chồng, Tòa án sẽ thực hiện phân chia. Thông thường, hướng giải quyết tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà Tòa án hướng đến là chia đôi cho hai vợ chồng (hai vợ chồng được hưởng phần tài sản ngang nhau). Rất nhiều quan điểm cho rằng việc phân chia như vậy là không công bằng, bởi đôi khi một trong hai người có thu nhập cao hơn, tạo lập và đóng góp nền tài chính gia đình cao hơn. Song, bản chất của hôn nhân là sự xây dựng bình đẳng và hợp nhất (không có sự tính toán, chi ly). Khi bước vào cuộc hôn nhân, mỗi người sẽ phải đảm nhận những vai trò, nghĩa vụ riêng. Do đó, phương hướng giải quyết mà Tòa án hướng đến với vấn đề chia tài sản là tính ngang bằng trong quyền lợi tài chính.

Trên đây là cách giải quyết phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà Tòa án hướng đến giải quyết. Xét trong thực tế, giải quyết tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân sẽ có nhiều yếu tố phức tạp, bởi có nhiều đề phát sinh liên quan. Song, mục đích mà phía bên ban hành pháp luật hướng đến (bao gồm cả cách thức giải quyết) là tạo ra sự bình đẳng, công bằng về quyền lợi tài chính của các cá nhân với nhau.

2. Tài sản bố mẹ chồng cho khi ly hôn có được chia không?

Như đã nói, quan hệ tài sản trong thời kỳ hôn nhân có nhiều yếu tố phức tạp. Bởi nguồn của tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân đến từ nhiều nhân tố. Do đó, đây là cơ sở khiến quá trình giải quyết phân chia tài sản chung của hai vợ chồng khi ly hôn gặp nhiều khó khăn.

Trong quan hệ giải quyết tài sản chung khi ly hôn, một vấn đề được rất nhiều người quan tâm là tài sản được bố mẹ chồng cho thì khi ly hôn được chia không?

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn M và chị Phạm Thị K kết hôn với nhau từ năm 2018. Trong khoảng thời gian 4 năm sống chung, anh chị đã có hai con chung với nhau. Đầu năm 2019, bố mẹ anh Nguyễn Văn M cho vợ chồng anh chị một miếng đất. Đầu năm 2022, do anh M ngoại tình, hôn nhân căng thẳng, hai vợ chồng quyết định ly hôn. Lúc này, khi thỏa thuận giải quyết tài sản chung, anh M cho rằng đất là bố mẹ mình cho, nên nó thuộc tài sản riêng của anh, chị K không có quyền hưởng. Chị K lại cho rằng tài sản này bố mẹ cho cả hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, nên nó là tài sản chung. Vậy tài sản đất đai trong tình huống này được giải quyết ra sao? Có được chia hay không?

Để trả lời cho câu hỏi và tình huống nêu trên, ta cần xét theo hai trường hợp sau đây:

– Trường hợp 1: Tài sản bố mẹ tặng cho chung hai vợ chồng. Ở đây, nếu bố mẹ chồng tặng cho chung hai vợ chồng (trong hợp đồng tặng cho ghi rõ), và để hai vợ chồng đứng tên sở hữu, sử dụng tài sản đó thì được xem là tài sản chung của hai vợ chồng. Xét vào tình huống cụ thể ở trên, nếu khi tặng cho miếng đất, bố mẹ chồng ghi rõ trong hợp đồng tặng cho là tặng cho đất cho hai vợ chồng; thì đây là tài sản chung của anh M và chị K. Lúc này, đây được xem là tài sản chung, và sẽ được phân chia khi tiến hành giải quyết ly hôn.

– Trường hợp 2: Tài sản bố mẹ tặng riêng cho vợ (hoặc chồng). Nếu khi làm hợp đồng tặng cho (hay văn bản pháp lý liên quan), bố mẹ nêu rõ tặng cho vợ (hoặc chồng), thì đó là tài sản riêng của người đó. Lúc này, khi ly hôn, đây sẽ không được xem là tài chung của hai vợ chồng, và sẽ không được tiến hành phân chia. Xét theo tình huống, nếu bố mẹ chồng làm hợp đồng cho tặng riêng miếng đất cho anh M (hoặc chị K), thì đất đai này được xem là tài sản riêng của người đó, và đối phương sẽ không được yêu cầu phân chia.

Như vậy, từ nội dung phân tích ở trên, có thể thấy, tài sản bố mẹ tặng cho chung cho hai vợ chồng sẽ được xem là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, và sẽ được phân chia khi ly hôn; nếu tặng cho riêng thì đây là tài sản riêng của chủ thể được tặng, người còn lại sẽ không được đòi hỏi phân chia.

3. Cách thức giải quyết tài sản bố mẹ chồng cho khi ly hôn:

Khi tiến hành giải quyết tài sản bố mẹ chồng cho khi ly hôn, người ta thường hướng tới các cách thức giải quyết với từng trường hợp cụ thể như sau:

– Trường hợp 1: Hai vợ chồng thỏa thuận được với nhau về vấn đề phân chia tài sản.

Nếu hai vợ chồng thỏa thuận được với nhau về vấn đề phân chia tài sản, thì pháp luật sẽ tôn trọng sự thỏa thuận này của hai vợ chồng (không giải quyết). Lúc này, mọi quyết định định đoạt về tài sản sẽ do hai người cùng thỏa thuận. Lúc này, tài sản bố mẹ cho (dù là tặng cho chung hay tặng cho riêng) đều nằm sự thỏa thuận giải quyết của cả hai vợ chồng.

– Trường hợp 2: Hai vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phân chia tài sản, và phải nhờ đến sự can thiệp giải quyết của Tòa án.

+ Ở đây, nếu tài sản bố mẹ tặng chung cho hai vợ chồng (hai vợ chồng cùng đứng tên sở hữu và sử dụng), Tòa án sẽ xét đây là tài sản chung của hai vợ chồng, và giải quyết bằng cách chia đôi cho hai vợ chồng.

+ Nếu tài sản bố mẹ chồng tặng cho riêng cho một trong hai người, thì đây được xem là tài sản riêng của người đó. Lúc này, khi nhờ Tòa can thiệp giải quyết, Tòa cũng sẽ nhìn nhận đây là tài sản riêng, và để cho cá nhân đó có quyền định đoạt và sở hữu đối với tài sản của mình.

Cách thức giải quyết đối với tài sản mà bố mẹ chồng cho khi ly hôn là phải xác định xem đây là tài sản được tặng cho chung hay tặng cho riêng. Sau khi xác định được tài sản chung, tài sản riêng, sẽ áp dụng phân chia tài sản khi ly hôn theo quy định của pháp luật. Cách thức giải quyết này tuân thủ đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật về phân chia tài sản. Việc tuân thủ áp dụng nguyên tắc giải quyết này giúp bảo vệ một cách toàn diện quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan. Đồng thời, đây cũng là căn cứ, cơ sở để đảm bảo tính pháp lý trong việc giải quyết quan hệ tài sản theo pháp luật về dân sự, tránh trường hợp phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp liên quan về tài sản xảy ra.

Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:

Bộ luật dân sự 2015;

Luật hôn nhân và gia đình 2014.