Nguồn: Kentaro Takeda, “Aging Southeast Asia grapples with weak social safety nets,” Nikkei Asia, 17/02/2024
Bạn đang xem: Thách thức kép của Đông Nam Á: Dân số già hóa và an sinh xã hội yếu
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ở một số quốc gia trong khu vực, hệ thống lương hưu nhà nước chỉ hỗ trợ chưa đến 30% dân số trong độ tuổi lao động.
Đông Nam Á đang già hóa nhanh chóng, và tỷ lệ cá nhân trong độ tuổi lao động trên tổng dân số được cho là sẽ bắt đầu giảm trong năm nay.
Tình trạng dân số thuận lợi đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực, nhưng hệ thống an sinh xã hội ở nhiều quốc gia vẫn còn thiếu sót. Dù có độ tuổi nghỉ hưu sớm, nhưng chỉ một phần tư tổng dân số trong độ tuổi lao động – những người từ 15 đến 64 tuổi – được hưởng lương hưu nhà nước. Khi các ưu thế nhân khẩu học cạn kiệt dần, nhiều quốc gia đang chịu áp lực phải củng cố hệ thống an sinh xã hội để đảm bảo đời sống cho người cao tuổi.
Xem thêm : Cách nướng thịt bằng nồi chiên không dầu
Hồi tháng 1, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố lớn nhất của Việt Nam sẽ thiếu hụt tới 320.000 lao động vào năm 2024. Lực lượng lao động thu hẹp sẽ có tác động sâu rộng đến các hoạt động kinh tế, bao gồm cả dự án của một công ty Mỹ nhằm xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại thành phố. Một quan chức công ty đã than thở về khó khăn trong việc tuyển dụng các kỹ sư cho dự án trị giá hàng tỷ đô la của mình.
Tình trạng thiếu hụt lao động ở Đông Nam Á là mang tính cấu trúc và do đó có thể tồn tại trong thời gian dài. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại 11 quốc gia trong khu vực đạt đỉnh 68% vào năm 2023. Tỷ lệ này đã đạt đỉnh tại Thái Lan vào năm 2013 và Việt Nam vào năm 2014. Tại Indonesia, quốc gia với dân số 270 triệu, lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới, tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, chấm dứt tình trạng dân số thuận lợi vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Năm 2019, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong khu vực đã vượt quá 7%, ngưỡng để được coi là “xã hội đang già hóa” (aging society). Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 14% vào năm 2043, đưa khu vực này vào nhóm “già” (aged society). Tại Nhật Bản, một quốc gia già, quá trình chuyển đổi giữa hai giai đoạn này mất cùng một khoảng thời gian – 24 năm, từ năm 1970 đến năm 1994.
Tốc độ già hóa cũng khác nhau giữa các quốc gia. Tuổi trung bình ở Singapore đã tăng lên 41,5, tương đương với Nhật Bản và các nước châu Âu lớn, trong khi tại Philippines, tuổi này vẫn còn ở mức thấp, là 29,3.
Dù xã hội già hóa là điều dường như không thể tránh khỏi, nhưng nhiều quốc gia Đông Nam Á lại chưa được chuẩn bị tốt.
Theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tổng hợp năm 2021, tại Indonesia và Việt Nam, chưa đến 30% dân số trong độ tuổi lao động được hưởng lương hưu nhà nước. Ngay cả ở Singapore, tỷ lệ này cũng dưới 60%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 87% của OECD. Ngoài ra, nhiều quốc gia Đông Nam Á còn có tuổi nghỉ hưu khá sớm – ví dụ như 55 tuổi đối với công nhân bình thường ở Thái Lan và Malaysia.
Xem thêm : Lợi tức là gì? Tất tần tật kiến thức về lợi tức cho nhà đầu tư mới
“Các quốc gia Đông Nam Á cũng chậm triển khai bảo hiểm chăm sóc y tế và các chương trình khác dành cho người cao tuổi,” Shotaro Kumagai thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết. “Họ có thể sẽ phải chứng kiến gánh nặng tài chính đối với chính phủ và các hộ gia đình tăng mạnh trong tương lai.”
Tại Nhật Bản, chi tiêu an sinh xã hội đã tăng từ 11% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 1992 – khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh – lên 25% sau 30 năm. Khoản chi tiêu này vẫn đang ở dưới mức 10% GDP ở các nền kinh tế Đông Nam Á, nhưng chắc chắn sẽ tăng lên khi họ cố gắng củng cố hệ thống an sinh xã hội, khiến việc tìm kiếm nguồn tài chính trở thành điều kiện bắt buộc.
Những thay đổi nhân khẩu học ở Đông Nam Á cũng có thể có tác động sâu rộng ở nước ngoài. Việt Nam là nguồn cung lao động nước ngoài lớn nhất cho Nhật Bản, với khoảng 520.000 lao động người Việt đang làm việc tại Nhật vào tháng 10/2023, khi số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản lần đầu tiên vượt quá 2 triệu. Philippines là nguồn cung lao động lớn thứ ba, với 230.000 người Philippines đang làm việc tại Nhật.
Giáo sư kinh tế Hisakazu Kato, Hiệu phó Đại học Meiji, nhận xét “Các quốc gia Đông Nam Á sẽ không đủ khả năng cử lao động sang Nhật Bản nếu họ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động của chính mình.”
Nếu các quốc gia Đông Nam Á phải chịu áp lực từ lực lượng lao động suy giảm, triển vọng để khu vực này dẫn đầu thế giới cùng với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiêu tan.
Tại Thái Lan, nơi tình trạng già hóa đang diễn ra nhanh hơn nhiều nước khác trong khu vực, 16% dân số đã ở trong độ tuổi 65 trở lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo nền kinh tế của Thái Lan sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3% trong 5 năm tới, chậm hơn nhiều so với mức 5-6% trong nửa đầu những năm 2000.
Đông Nam Á đang phải đối mặt với thách thức khó khăn là dân số già hóa nhanh chóng đi kèm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp