Xã hội học là khoa học ra đời muộn hơn so với một số khoa học khác, mặc dù vậy nó cũng có một quá trình lịch sử hình thành và phát triển riêng biệt từ rất sớm. Auguste Comte (1798- 1857), nhà thực chứng luận người Pháp được ghi nhận là cha đẻ của xã hội học do đã có công khai sinh ra ngành khoa học này vào đầu thế kỷ XIX, cụ thể là năm 1838. Tuy nhiên, tư tưởng xã hội học đã xuất hiện rất sớm từ thời của Socrates (469-399 TCN), Plato (427-347 TCN), Aristotle (384-322 TCN) ở Hy Lạp cổ đại và Khổng Tử (551-479 TCN), Hàn Phi Tử (280-233 TCN) ở Trung Quốc xa xưa. Các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại đã có cách nhìn tiến bộ về việc quản lý xã hội từ việc nghiên cứu quá trình phân công lao động xã hội, chính Plato là người đầu tiên đưa ra quy luật sự đa dạng hóa một cách cân đối phân công lao động trên cơ sở ba yếu tố sau:
- Sự đa dạng nhu cầu của con người.
- Sự đa dạng về năng lực lao động.
- Sự đa dạng của các loại hình lao động.
Ở Trung Hoa cổ đại thì Khổng Tử có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm giáo dục và cai trị đất nước của nhiều triều đại phong kiến và thậm chí còn có ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến thời đại của chúng ta ngày hôm nay. Ông dựa trên nguyên tắc Đức trị “Người trên noi gương, kẻ dưới tự giác tuân theo” để giúp vua cai trị đất nước, đồng thời đưa ra năm đức tính mà nhà quản lý cần có: “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ”.
Bạn đang xem: Bài 1: Sự ra đời của xã hội học
Tóm lại, từ thời cổ đại các vấn đề của xã hội học đã được các nhà tư tưởng lỗi lạc đề cập đến như là khuôn vàng thước ngọc của xã hội thời đó.
Thế kỷ XVIII vẫn chưa có sự phân chia các khoa học xã hội thành những bộ môn riêng rẽ như Xã hội học, Tâm lý học xã hội, Kinh tế học, Chính trị học… không có thuật ngữ nào như vậy trong cuốn Bách khoa toàn thư của thời đại đó. Chỉ tới thế kỷ XIX, Xã hội học mới tách khỏi Triết học và Sử học như một môn khoa học độc lập. Một hệ thống xã hội học riêng biệt chưa tồn tại trong thế kỷ XVIII, nhưng các khái niệm xã hội học và phương pháp thực nghiệm đã xuất hiện trong những phân tích kinh tế, triết học và lịch sử.
Sự tồn tại và phát triển của xã hội học luôn gắn liền với sự vận động và phát triển của xã hội. Xã hội học luôn trang bị những tri thức tiến bộ cho sự phát triển của con người, chỉ ra những con đường, cách thức để hoàn thiện và phát triển các mặt của đời sống xã hội cho phù hợp với quy luật vận động, phát triển của xã hội.
Ở Việt Nam, xã hội học là một ngành khoa học hết sức mới mẻ, nhưng cũng đã khẳng định được vai trò và chức năng đổi với đời sống xã hội như ở các nước khác trên thế giới. Trong giai đoạn hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, xã hội học chiếm một vai trò không nhỏ trong cả quá trình, nhân tố con người được phát huy, các mối quan hệ xã hội được hoàn thiện. Tuy nhiên, các nghiên cứu về xã hội học ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm của xã hội. Mặt khác, chất lượng của các công trình nghiên cứu này cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Một số nhà nghiên cứu mải chạy theo các dự án đế tăng thu nhập mà ít quan tâm tới chất lượng nghiên cứu. Đây cũng là thực trạng chung của các nghiên cứu ở Việt Nam. Sản phẩm nghiên cứu ít và khó được áp dụng trong thực tiễn.
Xã hội học xuất hiện do yêu cầu tất yếu của vận động xã hội, trong những hoàn cảnh xã hội nhiều biến động. Tính tất yếu bộc lộ ở nhu cầu và sự phát triển chín muồi các điều kiện vật chất và tinh thần, các tiền đề cần thiết cho sự nhận thức đời sống xã hội. Các biến động to lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội Châu Âu vào thế kỷ XVIII và nhất là thế kỷ XIX đã đặt ra những nhu cầu thực tiễn mới đối với nhận thức xã hội, thúc đẩy sự ra đời của ngành khoa học xã hội học.
Xã hội luôn luôn vận động, phát triển và sự phát triển của xã hội học cũng gắn liền với sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, hiểu biết về xã hội học là cần thiết, nó mà chúng ta có được cái nhìn mới mẻ, những tri thức tiến bộ cho đời sống xã hội. Nhờ đó mà tự bản thân ta có khả năng khảo sát lại vị trí của chính mình trong các nhóm xã hội mà trước đó ta chưa bao giờ được biết hoặc nắm bắt được rất ít, và khi đó chúng ta sẽ có những phương hướng, cách thức hoàn thiện, phát triển các mặt của đời sống xã hội cho phù hợp với quy luật vận động của xã hội.
Đời sống xã hội ở Châu Âu thế kỷ XVIII trước sự xuất hiện của các cuộc cách mạng công nghiệp lúc bấy giờ đã trở nên hết sức phức tạp. Các đô thị công nghiệp xuất hiện làm cho sự chuyển dịch dân cư có sự biến động lớn, theo đó là mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo căng thẳng, các quan hệ xã hội ngày càng thêm đa dạng và phức tạp. Xã hội rơi vào trạng thái biến động không ngừng về chiến tranh, kinh tế khủng hoảng, những xung đột chính trị, suy thoái đạo đức, phân hoá giàu nghèo, bùng nổ dân số, tan rã hàng loạt các thiết chế cô truyền… Trước tình hình như thế, xã hội nảy sinh một yêu cầu cấp thiết là cần phải có một ngành khoa học nào đó có khả năng chỉ ra trạng thái thật của xã hội, phát hiện ra những vấn đề xã hội, dự báo xu thế phát triển của xã hội và chỉ ra những giải pháp có tính khả thi.
Emile Durkheim – một trong các bậc tiền bối của khoa học xã hội học đã phát biểu rằng: Cuối cùng thì nhà xã hội học phải chẩn đoán xem xã hội ở trong tình trạng “khỏe mạnh” hay “bệnh tật” và sau đó nhà xã hội học phải kê đơn những loại thuốc cần cho sức khỏe của xã hội. Và mãi cho đến nửa sau của thế kỷ XIX, xã hội học mới xuất hiện với tư cách là một môn khoa học đúng nghĩa.
Xem thêm : Kích thước A2 là bao nhiêu cm, mm, inch? Ứng dụng giấy A0
Từ đó, các nhà khoa học cho rằng để xã hội học ra đời cần hội đủ ba điều kiện và tiền đề sau: Điều kiện kinh tế – xã hội, điều kiện chính trị và tiền đề khoa học – tư tưởng.
Khoa học xã hội học ra đời trong bối cảnh kinh tế – xã hội Châu Âu thế kỷ XIX. Tính tất yếu đó bộc lộ ở nhu cầu và sự phát triển chín muồi các điều kiện vật chất và tinh thần, các tiền đề cần thiết cho sự nhận thức xã hội. Lúc bấy giờ các cuộc cách mạng công nghiệp và thương mại đã làm lung lay tận gốc hệ thống thiết chế kinh tế – xã hội cũ từng tồn tại hàng ngàn năm trước đó ở Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Ý và các nước khác. Hình thái kinh tế – xã hội kiểu phong kiến bị sụp đổ từng mảng lớn trước sức mạnh bành trướng của lực lượng sản xuất và thị trường hàng hóa công nghiệp của nền đại công nghiệp.
Dưới tác động của tự do hóa thương mại, tự do hóa sản xuất và đặc biệt là tự do hóa lao động, hệ thống tổ chức quản lý kinh tế – xã hội theo kiểu truyền thống đã bị thay thế bằng các phương thức tổ chức kinh tế – xã hội hiện đại. Kiểu sản xuất tư bản chủ nghĩa xuất hiện và phát huy tác dụng.
Hình thành và phát triển hệ thống nhà máy, xí nghiệp, tập đoàn kinh tế có khả năng tạo ra khối lượng lớn hàng hóa, thu hút nhiều lao động nông thôn ra thành thị, mở rộng hệ thống thị trường nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp.
Hoạt động buôn bán và sản xuất được tổ chức lại theo quy mô đại công nghiệp cơ khí lúc đầu đã xuất hiện ở Anh, sau đó ở Pháp, Hà Lan, Đức và các nước khác. Điều đó tạo thành những bước chuyển đổi đột phá trong quá trình biến đổi kinh tế – xã hội ở các nước này. Riêng về mặt kinh tế, chỉ sau khoảng một trăm năm phát triển, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã sản xuất được một khối lượng sản phẩm ước tính bằng tổng khối lượng của cải vật chất do loài người tạo ra trong suốt lịch sử phát triển từ trước cho đến khi xuất hiện chủ nghĩa tư bản. Đại công nghiệp đã sản xuất ra được khối lượng hàng hóa khổng lồ, “giá rẻ từ những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục”. Kết quả là nền tảng kinh tế – xã hội theo hướng phong kiến, cùng với nó là chế độ phong kiến, quan hệ xã hội phong kiến Châu Âu bị sụp đổ.
Biến đổi kinh tế làm thay đổi sâu sắc đời sống chính trị, văn hóa xã hội. Của cải, đất đai, tư bản không còn tập trung trong tay tầng lớp phong kiến, quý tộc, tăng lữ mà rơi vào tay giai cấp tư sản. Sự phân chia giai cấp, sự phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo diễn ra trên quy mô rộng lớn với tính chất quyết liệt, sâu sắc. Nen công nghiệp với quy mô lớn đã đây nhanh quá trình đô thị hóa cùng sự tích tụ dân cư, phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng.
Kỹ thuật, công nghệ và khoa học phát triển nhanh chóng góp phần hình thành và phát triển tầng lớp xã hội mới là những người trí thức, đội ngũ hành chính, quản lý và công nhân kỹ thuật. Sản xuất công nghiệp với quy mô lớn đòi hỏi phải mở mang buôn bán, giao lưu và thị trường nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa công nghiệp. Từ đó hình thành nên từng lớp doanh nhân, thương nhân.
Sự phân hóa trong lối sống của thành thị và nông thôn diễn ra với tốc độ nhanh chóng, tỉ lệ thuận với quá trình đô thị hóa. Quan hệ giữa thành thị và nông thôn trở thành quan hệ phụ thuộc. Nông dân bị tách khỏi ruộng đất trở thành người làm thuê cho giới chủ tư bản công nghiệp ở thành phố. Việc nông dân rời bỏ cộng đồng làng quê, nông dân ra thành phố sinh sống đã kéo theo những biến đổi lớn trong thiết chế gia đình. Đời sống cá nhân và gia đình bị xô đẩy, xé vụn và bị cuốn hút vào hoạt động kinh tế kiểu thị trường và lối sống cạnh tranh, vụ lợi. Xuất hiện “chủ nghĩa thành thị” dựa vào kinh tế công nghiệp.
Các hình thức tổ chức xã hội theo kiểu phong kiến trước đây bị lung lay, xáo trộn và biến đổi mạnh mẽ. Tổ chức và thiết chế tôn giáo, cụ thể là giáo hội trước kia rất có thế lực nay bị mất dần vai trò và quyền lực chính trị trong đời sống xã hội trước sức ép của hoạt động kinh tế diễn ra sôi động. Việc nhà thờ bị tách ra khỏi nhà nước và nhà trường là một biểu hiện rõ rệt nhất của sự biến đổi xã hội trong lĩnh vực tổ chức đời sống vật chất và tinh thần ở xã hội Châu Âu thế kỷ XVIII – XIX.
Do đó, luật pháp ngày càng tập trung vào việc điều tiết các quan hệ kinh tế, quan hệ lợi ích và quan hệ xã hội mới xuất hiện, chưa từng có ở xã hội phong kiến. Các thiết chế hành chính, tổ chức hành chính cũng ra đời và biến đổi để phục vụ cho giai cấp tư sản.
Tóm lại, sự xuất hiện và phát triển hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phá vỡ trật tự xã hội phong kiến gây những xáo trộn và biến đổi sâu rộng trong đời sống xã hội. Quan hệ tương tác và cấu trúc xã hội trở nên phức tạp, mất ổn định, gây ra những hậu quả khó lường. Từ đó nảy sinh nhu cầu thực tiễn:
- Phải lập lại trật tự, ổn định xã hội.
- Nảy sinh nhu cầu tìm hiểu, giải thích các hiện tượng, các quá trình kinh tế xã hội và giải quyết các vấn đề của thời kỳ khủng hoảng xã hội lúc bấy giờ.
- Nói cách khác, xã hội học đã ra đời một cách tất yếu trong bối cảnh kinh tế – xã hội Châu Âu thế kỷ XIX nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức và nhu cầu thiết lập ổn định, trật tự xã hội.
Xem thêm : CÔNG TY KẾ TOÁN THIÊN ƯNG dạy học kế toán thực hành thực tế
Các sự kiện chính trị – xã hội quan trọng nhất góp phần làm thay đổi căn bản thể chế chính trị, trật tự xã hội và các thiết chế xã hội Châu Âu thế kỷ XVIII – XIX là các cuộc cách mạng, nhất là cách mạng Pháp năm 1789. Cuộc cách mạng này đã mở đầu cho thời kì tan rã chế độ phong kiến, nhà nước quân chủ và thay thế trật tự xã hội cũ bằng trật tự chính trị xã hội mới với sự thống trị kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản.
Đại cách mạng tư sản Pháp thế kỷ XVIII với khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” đã khơi dậy những biến đổi mang tính cách mạng trong văn hóa, tư tưởng, nhận thức và hành động chính trị của giai cấp công nhân và quần chúng lao động về quyền con người và quyền bình đẳng giai cấp.
Cùng với sự biến đổi chính trị có tính chất cách mạng ở Pháp là các biến động chính trị theo con đường “tiến hóa” ở Anh, Đức, Ý và các nước khác. Đặc điểm chung của những thay đổi to lớn trong đời sống chính trị Châu Ẩu lúc bấy giờ là quyền lực chính trị chuyển sang giai cấp tư sản và một thiểu số người nắm giữ tư liệu sản xuất. Biến đổi chính trị xã hội đã góp phần củng cố và phát triển chủ nghĩa tư bản. Điều này thể hiện ở việc hình thành những điều kiện có lợi cho tự do buôn bán, tự do sản xuất, tự do cạnh tranh, tự do ngôn luận tư sản và đặc biệt là tự do bóc lột sức lao động công nhân, làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa giai cấp thống trị – tư sản và giai cấp bị trị – vô sản.
Mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích giữa các tầng lớp xã hội và nhất là giữa giai cấp công nhân – vô sản và giai cấp tư sản đã lên đến đỉnh điểm làm bùng nổ cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới vào nửa cuối thế kỷ XIX – Công xã Pari 1871, và sau này cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917. Các cuộc cách mạng này đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng và lí tưởng xã hội chủ nghĩa trong các tầng lớp tiến bộ xã hội, nhất là giai cấp công nhân – vô sản và các dân tộc bị áp bức trên phạm vi toàn thế giới.
Những biến động chính trị xã hội và đặc biệt là cuộc cách mạng Pháp đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử xã hội học như sau:
- Thứ nhất: Đó là sự kiện xã hội học đầu tiên ra đời trên thế giới với tư cách là một khoa học ở nước Pháp – cái nôi của Đại cách mạng Pháp rồi sau đó mới xuất hiện ở nước Anh, Đức, Ý, Mỹ…
- Thứ hai: Các công trình của các nhà xã hội học người Pháp như Auguste Comte, Emile Durkhem, nhà xã hội học người Anh Herbert Spencer, nhà xã hội học Đức Georg Simmel, và đặc biệt là những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, lãnh tụ thiên tài và người thầy của giai cấp vô sản K.Marx và F.Engels đều chịu ảnh hưởng của học thuyết xã hội chủ nghĩa Pháp.
- Thứ ba: Những biến động kinh tế, chính trị và văn hóa ở xã hội Pháp đã khiến các nhà xã hội học tiền bối đặt ra những câu hỏi lí luận cơ bản không chỉ với xã hội học của Pháp mà của toàn bộ lí luận xã hội học thế kỷ XIX. Đó là vấn đề trật tự xã hội, bất bình đẳng xã hội và làm thế nào phát hiện và sử dụng các qui luật tổ chức xã hội để góp phần tạo dựng, củng cố trật tự xã hội và tiến bộ xã hội.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội như vậy, các nhà tư tưởng xã hội, các nhà xã hội học Châu Âu thế kỷ XIX đã ra sức tìm hiểu, mô tả, phân tích các quá trình, hiện tượng xã hội để phản ánh và giải thích đầy đủ những biến động chính trị, xã hội đang diễn ra xung quanh họ. Các nhà xã hội học thế kỷ XIX tập trung vào nghiên cứu những vấn đề nảy sinh từ những khủng hoảng, mất ổn định, mất trật tự chính trị xã hội lúc bấy giờ. Một số nhà xã hội học tiến bộ đã chỉ ra con đường và biện pháp lập lại trật tự và duy trì sự tiến bộ xã hội.
Những biến động về chính trị đã có ảnh hưởng và tác động rất sâu sắc đến đời sống xã hội, đặt ra cho các nhà xã hội học những vấn đề nghiên cứu cụ thể, bức thiết, trả lời cho câu hỏi làm thế nào phát hiện và sử dụng các quy luật tổ chức xã hội để góp phần tạo ra trật tự và tiến bộ xã hội. Đây được xem là tiền đề thứ hai cho sự ra đời của xã hội học.
Chế độ phong kiến sụp đổ cũng là nền tảng quan trọng cho sự xuất hiện và phát triển của các khoa học nói chung và xã hội học nói riêng, sự xuất hiện của xã hội học trên cơ sở khắc phục, kế thừa và phát triển những tư tưởng về xã hội của các thời kỳ trước: Thời kỳ Hy Lạp – La Mã, thời kỳ Phục hưng và thời kỳ Khai sáng. Từ thế kỷ XVII đến XIX, những thành tựu khoa học đã đem lại cho con người cách nhìn mới về tự nhiên và xã hội, làm thay đổi căn bản thế giới quan và phương pháp luận khoa học.
Dựa vào và kế thừa những thành tựu của các khoa học đó, các nhà xã hội học đã cố gắng làm rõ đối tượng, phương pháp nghiên cứu, hình thành nội dung và cấu trúc của xã hội học với tư cách là một khoa học xã hội độc lập. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà xã hội học đi trước như: A.Comte, K.Marx,… đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo các phương pháp nghiên cứu của khoa học tự nhiên, khoa học về con người. Nhờ vậy, các công trình nghiên cứu ngày càng có ý nghĩa to lớn về cả lý luận và thực tiễn.
Ngày nay, trong các công trình nghiên cứu xã hội học, đê nâng cao và phát triển hàm lượng khoa học đã có sự kết hợp các phương pháp nghiên cứu xã hội học như thu thập số liệu, thực hành quan sát, phân tích tài liệu, mô tả… và áp dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu của các khoa học khác có liên quan.
Tóm lại, trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những thành tựu của các khoa học đương thời xã hội học đã ra đời, phát triển thành một khoa học độc lập, nghiên cứu về sự vận động phát triển của xã hội.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp