Giải thích thuật ngữ, nội dung và phương pháp tính một số chỉ tiêu thống kê giá

Giá tiêu dùng là số tiền do người tiêu dùng phải chi trả khi mua một đơn vị hàng hoá hoặc dịch vụ phục vụ trực tiếp cho đời sống hàng ngày. Giá tiêu dùng được biểu hiện bằng giá bán lẻ hàng hoá trên thị trường hoặc giá dịch vụ phục vụ sinh hoạt đời sống dân cư. Trong trường hợp hàng hoá hoặc dịch vụ không có giá niêm yết, người mua có thể mặc cả thì giá tiêu dùng là giá người mua thực trả sau khi thoả thuận với người bán.

Chỉ số giá tiêu dùng là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá theo thời gian của các mặt hàng trong rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đại diện. Rổ hàng hóa, dịch vụ để tính chỉ số giá tiêu dùng gồm các loại hàng hóa và dịch vụ phổ biến, đại diện cho tiêu dùng của dân cư, thường được xem xét, cập nhật 5 năm một lần cho phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của dân cư trong mỗi thời kỳ.

Quyền số để tính chỉ số giá tiêu dùng là cơ cấu chi tiêu các nhóm mặt hàng trong tổng chi tiêu của hộ gia đình được tổng hợp từ kết quả điều tra mức sống dân cư và dùng cố định khoảng 5 năm.

Chỉ số giá tiêu dùng được tính hàng tháng, theo các gốc so sánh: năm gốc, tháng trước, cùng tháng năm trước, tháng 12 năm trước và bình quân thời kỳ cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước (bao gồm chỉ số của khu vực thành thị, nông thôn, chỉ số chung của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các vùng kinh tế và cả nước).

Lạm phát cơ bản là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi mức giá chung mang tính chất dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát cơ bản được tính bằng chỉ số giá tiêu dùng loại trừ các nhóm hàng lương thực – thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.

Chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá theo thời gian của mặt hàng vàng và đô la Mỹ trên thị trường.

Giá vàng và đô la Mỹ được thu thập hàng ngày tại các điểm bán lẻ, giá bình quân được tính bằng bình quân giá các ngày trong tháng.

Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ được tính hàng tháng, theo các gốc so sánh: năm gốc, tháng trước, cùng tháng năm trước, tháng 12 năm trước và bình quân thời kỳ cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %), phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, tỉnh trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian được tổng hợp từ giá tiêu dùng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối với cấp không có quyền số (cấp 4) sử dụng phương pháp hồi quy với biến giả (CPD). Đối với cấp có quyền số (cấp 3, 2, 1, chung) áp dụng công thức Laspeyres bình quân nhân.

Giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất là số tiền mà người sản xuất phải trả khi mua một đơn vị khối lượng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu đưa vào sản xuất để tạo ra sản phẩm mới của đơn vị. Giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất được tính theo giá sử dụng cuối cùng, nghĩa là bao gồm cả chi phí vận tải, chi phí bốc dỡ, các khoản phụ thu khác do người mua phải trả nhưng không bao gồm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ hay thuế tương tự khác được khấu trừ.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất là chỉ tiêu thống kê tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và đo lường mức độ biến động giá của các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo thời gian của “rổ” hàng hoá đại diện.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất được biên soạn dựa dựa trên danh mục giá của các mặt hàng đại diện dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng. Danh mục này được xây dựng cho từng thời kỳ và sử dụng cố định trong một khoảng thời gian (thường là 5 năm).

Quyền số để tính chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất là tỷ trọng (%) chi phí trung gian của từng nhóm nguyên, nhiên, vật liệu trong tổng chi phí trung gian của tất cả các loại nguyên, nhiên, vật liệu đưa vào sản xuất. Quyền số này được sử dụng cố định trong khoảng 5 năm.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất được tính theo quý, theo các gốc so sánh: năm gốc, kỳ trước, cùng kỳ năm trước, và bình quân thời kỳ cho từng vùng kinh tế và cả nước.

Giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là số tiền người sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản thu được do trực tiếp bán sản phẩm ra thị trường, kể cả bán tại nơi sản xuất hoặc nơi khác, không bao gồm thuế VAT và phí lưu thông thương mại và cước vận tải nhưng bao gồm các khoản trợ cấp sản xuất (nếu có).

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản là chỉ tiêu thống kê tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá theo thời gian của các loại sản phẩm nông, lâm nghiệp và thuỷ sản do người sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trực tiếp bán ra.

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được tính theo công thức tổng quát Laspeyres bình quân nhân, với quyền số thường cố định trong 5 năm là tỷ trọng (%) giá trị sản xuất của từng nhóm sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản được tính theo quý, theo các gốc so sánh: năm gốc, kỳ trước, cùng kỳ năm trước và bình quân thời kỳ.

Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp là giá mà người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm ra thị trường, kể cả bán tại nơi sản xuất hoặc nơi khác, không bao gồm các loại thuế; không bao gồm phí lưu thông thương nghiệp và cước vận tải nhưng bao gồm các khoản phụ thu, các khoản giảm trừ nếu có.

Chỉ số giá sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá chung qua thời gian của các sản phẩm công nghiệp.

Chỉ số giá sản xuất công nghiệp được tính theo công thức Laspeyres chuyển đổi, với quyền số thường cố định trong 5 năm là tỷ trọng (%) về doanh thu tiêu thụ của nhóm ngành sản phẩm công nghiệp trên tổng doanh thu tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp của năm được chọn làm gốc so sánh. Giá kỳ gốc cũng là giá của năm được chọn làm gốc so sánh.

Chỉ số giá sản xuất công nghiệp được tính theo quý, theo các gốc so sánh: năm gốc, kỳ trước và cùng kỳ năm trước và bình quân thời kỳ.

Giá cước vận tải kho bãi gồm các loại như sau:

+ Giá cước vận tải hành khách: Là số tiền mà đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải thu được khi vận tải hành khách trên một quãng đường nhất định (không bao gồm thuế VAT). Số tiền này có thể thu thập qua giá vé (hoặc đồng hồ tính cước, các thông báo giá, giá niêm yết) bao gồm cước vận chuyển người và hành lý đi kèm theo thỏa thuận. Giá vé (hoặc đồng hồ tính cước, thông báo giá niêm yết) thường phụ thuộc vào tuyến đường, cự ly, điều kiện và chất lượng phương tiện như loại tàu xe, loại ghế, chất lượng xe…

Giá cước vận tải hành khách được tính trên tất cả các loại đường: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

+ Giá cước vận tải hàng hoá: Là số tiền mà đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải thu được khi vận tải hàng hoá trên một quãng đường nhất định (không bao gồm thuế VAT). Giá cước vận tải hàng hoá phụ thuộc vào loại hàng hoá được vận chuyển, bậc cước, tuyến đường vận chuyển và cách tính giá (theo ngày, theo lần, theo giờ hoặc km).

Giá cước vận tải hàng hóa được tính trên tất cả các loại đường: đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không.

+ Giá dịch vụ kho bãi, bốc xếp:

Giá dịch vụ kho bãi: Là số tiền mà đơn vị cung cấp dịch vụ thu được khi cho thuê kho bãi để lưu giữ hàng hóa, trông giữ phương tiện vận tải (không bao gồm thuế VAT). Giá dịch vụ kho bãi được thể hiện trên các thông báo giá, giá niêm yết, bảng giá trông giữ phương tiện vận tải. Giá dịch vụ kho bãi thường được tính trên một đơn vị diện tích thuê, đầu phương tiện trông giữ, trong khoảng thời gian quy định.

Giá dịch vụ bốc xếp: Là số tiền mà đơn vị cung cấp dịch vụ thu được khi bốc dỡ hàng hóa lên xuống phương tiện vận tải và đưa vào nơi quy định (không bao gồm thuế VAT). Giá dịch vụ bốc xếp thường được tính trên một đơn vị khối lượng hàng hóa phải bốc xếp.

Chỉ số giá cước vận tải kho bãi là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động chung của giá cước vận tải kho bãi theo thời gian.

Chỉ số giá cước vận tải, kho bãi được tính công thức Laspeyres chuyển đổi, với quyền số cố định trong 5 năm là tỷ trọng (%) về doanh thu dịch vụ của các nhóm dịch vụ trên tổng doanh thu của ngành vận tải kho bãi tương ứng năm 2010. Quyền số của chỉ số giá cước vận tải kho bãi được sử dụng cố định khoảng 5 năm. Giá kỳ gốc cũng là giá của năm được chọn làm gốc so sánh.

Chỉ số giá cước vận tải được tính theo quý, cho ba gốc so sánh: năm gốc, quý trước và cùng quý năm trước.

Giá dịch vụ (hay còn gọi là giá sản xuất dịch vụ) là số tiền mà đơn vị sản xuất dịch vụ thu được (hoặc người sử dụng dịch vụ phải trả) từ việc cung cấp một đơn vị sản phẩm dịch vụ cho người sử dụng, không bao gồm thuế giá trị gia tăng và các loại thuế sản phẩm khác, nhưng bao gồm các khoản trợ cấp sản xuất (nếu có). Giá dịch vụ tính theo từng loại sản phẩm dịch vụ có quy cách, phẩm cấp nhất định.

Chỉ số giá dịch vụ (hay còn gọi là chỉ số giá sản xuất dịch vụ – SPPI) là một chỉ tiêu tương đối (tính bằng %), phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá theo thời gian của các sản phẩm dịch vụ trong danh mục sản phẩm dịch vụ đại diện. Danh mục sản phẩm dịch vụ đại diện để tính chỉ số giá dịch vụ thường được xem xét, cập nhật 5 năm một lần cho phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trong mỗi thời kỳ.

Quyền số để tính chỉ số giá dịch vụ là cơ cấu giá trị sản xuất của từng nhóm ngành dịch vụ trong tổng giá trị sản xuất của tất cả các ngành dịch vụ và dùng cố định khoảng 5 năm.

Chỉ số giá dịch vụ được tính theo quý, cho bốn gốc so sánh: năm gốc, kỳ trước, cùng kỳ năm trước, và bình quân thời kỳ cho từng vùng kinh tế và cả nước.

Giá xuất khẩu hàng hóa là số tiền bán một đơn vị hàng hóa do Việt Nam bán cho bạn hàng nước ngoài. Giá xuất khẩu được tính cho từng mặt hàng có quy cách phẩm cấp, thị trường nhất định với điều kiện giao hàng tại biên giới Việt Nam (giá FOB và tương đương).

Giá xuất khẩu được quy đổi ra đô la Mỹ, không bao gồm thuế xuất khẩu.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá xuất khẩu hàng hóa theo thời gian.

Chỉ số giá xuất khẩu được tính theo công thức Laspeyres chuyển đổi với quyền số cố định là tỷ trọng (%) kim ngạch xuất khẩu của các nhóm ngành hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của năm được chọn làm gốc so sánh. Giá kỳ gốc cũng là giá của năm được chọn làm gốc so sánh.

Chỉ số giá xuất khẩu được tính theo quý, theo các gốc so sánh: năm gốc, kỳ trước và cùng kỳ năm trước và bình quân thời kỳ cho cả nước.

Giá nhập khẩu hàng hóa là số tiền mua một đơn vị hàng hóa do Việt Nam mua của bạn hàng nước ngoài. Giá nhập khẩu được tính cho từng mặt hàng có quy cách phẩm cấp, thị trường nhất định với điều kiện giao hàng tại biên giới Việt Nam (giá CIF và tương đương).

Giá nhập khẩu được quy đổi ra đô la Mỹ, không bao gồm thuế nhập khẩu.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động của giá nhập khẩu hàng hóa theo thời gian.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa được tính theo công thức Laspeyres chuyển đổi với quyền số cố định là tỷ trọng (%) kim ngạch nhập khẩu của các nhóm ngành hàng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của năm được chọn làm gốc so sánh. Giá kỳ gốc cũng là giá của năm được chọn làm gốc so sánh.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa được tính theo quý, theo các gốc so sánh: năm gốc, kỳ trước và cùng kỳ năm trước và bình quân thời kỳ cho cả nước.

Tỷ giá thương mại hàng hóa (ToT) là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh mối quan hệ giữa giá hàng hóa xuất khẩu với giá hàng hóa nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định, đ­ược tính theo công thức:

ToT = Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa × 100

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa