Không đăng ký tạm trú, tạm vắng bị xử phạt bao nhiêu tiền?

1. Không đăng ký tạm trú, tạm vắng bị xử phạt bao nhiêu tiền?

1.1. Quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với công dân Việt Nam:

Công dân Việt Nam hoàn toàn có quyền lựa chọn, quyết định nơi cư trú của mình, đăng ký cư trú phù hợp với quy định của Luật Cư trú và quy định khác của pháp luật có liên quan, đồng thời việc thực hiện đăng ký cư trú theo quy định của Luật Cư trú cũng là một trong những nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Tại khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú 2020 có giải thích:

– Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc thuộc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã);

– Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thực hiện thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.

Như vậy, qua các quy định trên thì công dân Việt Nam hoàn toàn có quyền lựa chọn, quyết định nơi ở, sinh sống của mình, trừ những đối tượng bị hạn chế thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật về cư trú. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền tự do cư trú của mình thì công dân Việt Nam cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mìmh đó là đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh các thông tin về cư trú.

Khi công dân Việt Nam đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi mình đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì người đó phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Công dân Việt Nam chỉ có trách nhiệm khai báo tạm vắng khi đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên trừ trường hợp người đó đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài. Những đối tượng sau, khi đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú thì bắt buộc phải có trách nhiệm khai báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền:

– Bị can, bị cáo đang tại ngoại;

– Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng vẫn đang được tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;

– Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách;

– Người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ;

– Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

– Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

– Người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng lại đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;

– Người bị quản lý trong thời gian đang làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào trường giáo dưỡng;

– Người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện những nghĩa vụ khác đối với nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, nếu công dân Việt Nam không thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật khi đã đủ điều kiện để thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng thì công dân đó đã vi phạm quy định của pháp luật về cư trú, khi này công dân đó sẽ bị cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú.

1.2. Không đăng ký tạm trú, tạm vắng bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Như đã phân tích ở trên, công dân Việt Nam không thực hiện đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng thì công dân đó đã vi phạm quy định của pháp luật về cư trú và phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội có quy định những công dân Việt Nam vi phạm về đăng ký tạm trú, tạm vắng sẽ bị xử phạt, cụ thể như sau:

– Người nào có hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;

– Người nào có hành vi không hiện đúng quy định về khai báo tạm vắng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

2. Không khai báo tạm trú đối với người nước ngoài bị phạt tiền bao nhiêu:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, người điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc với đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

Cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài ở trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho những người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi người nước ngoài đến Việt Nam thì người nước ngoài đó phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của mình cho người người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú và người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm phải thực hiện khai báo tạm trú cho những người nước ngoài với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an.

Nếu như cơ sở lưu trú không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về khái báo tạm trú thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, theo quy định này thì cơ sở lưu trú sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu như không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật.

3. Quy trình xử phạt vi phạm hành chính khi công dân không đăng ký tạm trú, tạm vắng:

Khi phát hiện ra công dân không thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng mặc dù đã đủ điều kiện thì cơ quan chức năng sẽ thực hiện như sau:

– Thứ nhất, lập biên bản vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện ra công dân không thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng bao gồm có:

+ Chủ tich uỷ ban nhân dân các cấp;

+ Công an nhân dân;

+ Bộ đội biên phòng;

+ Cảnh sát biển;

+ Hải quan;

+ Kiểm lâm;

+ Kiểm ngư;

+ Quản lý thị trường;

+ Thanh tra;

+ Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước ta ở nước ngoài;

+ Người có thẩm quyền, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người thuộc trong lực lượng Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

+ Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi không đăng ký tạm trú, tạm vắng xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý.

– Thứ hai, sau 07 ngày tính từ ngày một trong các cơ quan chức năng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đã nêu trên thì người có thẩm quyền thực hiện xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký tạm trú, tạm vắng đó chính là Chủ tịch Ủy ban nhân dân nơi có hành vi vi phạm, tức nơi công dân đang sinh sống nhưng không thực hiện đăng ký tạm trú hoặc nơi công dân có hộ khẩu thường trú nhưng không thực hiện khai báo tạm vắng khi đã đủ điều kiện.

– Thứ ba, sau khi người có hành vi vi phạm về đăng ký tạm trú, tạm vắng đã nhận quyết định xử phạt hành chính thì phải thực hiện nộp phạt theo đúng với nghĩa vụ của mình đã quy định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu quá thời hạn quy định trong quyết định xử phạt thì người vi phạm sẽ bị các cơ quan chức năng thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đồng thời cứ mỗi một ngày bị chậm nộp tiền phạt vi phạm thì người bị vi phạm phải nộp thêm tiền lãi cho nhà nước là 0,05% tính trên tổng số tiền phạt mà người bị vi phạm chưa nộp.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:

– Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014;

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;

– Luật Cư trú 2020.