CANGIO – Du Lịch

Theo kết quả Đề án kiểm kê, đánh giá và quản lý hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn TP.HCM năm 2017 do Sở Du lịch thực hiện, Cần Giờ là địa bàn có lợi thế lớn về tài nguyên du lịch so với tài nguyên 24 quận, huyện của thành phố với 15 tài nguyên được phân loại, xếp hạng [4]. Theo đó, có thể xác định tài nguyên du lịch của Cần Giờ được đánh giá là độc đáo và đa dạng về giá trị thiên nhiên và văn hóa, thuộc 2 nhóm chính là tiềm năng du lịch sinh thái rừng ngập mặn và tiềm năng du lịch biển. Ngoài ra, Cần Giờ còn có tiềm năng kết hợp các yếu tố lịch sử, văn hóa, cộng đồng với du lịch sinh thái.

Tiềm năng rừng ngập mặn: Nói đến du lịch Cần Giờ, yếu tố đầu tiên thu hút khách du lịch là cảnh quan tuyệt vời của khu rừng ngập mặn Cần Giờ. Rừng ngập mặn Cần Giờ có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước mặn. Rừng Cần Giờ nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều mà hệ thực vật nơi đây rất phong phú với trên 200 loài thực vật, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và động vật có xương sống khác. Động vật ở đây cũng đa dạng không kém thực vật. Khu hệ động vật thủy sinh không xương sống trên 700 loài, khu hệ cá trên 183 loài, khu hệ động vật có xương sống có 14 loài lưỡng thê, 37 loài bò sát, 19 loài thú. Trong đó có 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Tắc kè (Gecko gecko), kỳ đà nước (Varanus salvator)…Khu hệ chim có khoảng 140 loài thuộc 44 họ. Trong đó có 51 loài chim nước và 79 loài không phải chim nước sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau. Đây là một khu rừng mà theo các chuyên gia nước ngoài là được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và toàn thế giới. Rừng ngập mặn Cần Giờ là địa điểm lý tưởng phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái [6].

Tiềm năng biển: Cần Giờ có bờ biển dài 13km từ mũi Cần Giờ đến mũi Đồng Tranh. Mũi Cần Giờ cách mũi Nghinh Phong Vũng Tàu 10km đường biển băng qua vịnh Ghềnh Rái. Từ bờ biển nhìn ra là một bãi triều rộng hàng cây số khi triều thấp với khoảng cách từ bờ trên 4km ở phía mũi Cần Giờ và trên 1km ở phía mũi Đồng Tranh. Nhìn chung, toàn bãi Cần Giờ là một bãi bồi rộng trên 100km2. Cũng cần phải nói thêm rằng, bãi Cần Giờ là đoạn bờ biển phía Đông cuối cùng của dải bờ biển Việt Nam (tính từ Bắc vào Nam) có khả năng cải tạo phục vụ du lịch , tắm biển. Đi xa hơn xuống phía Nam, bờ biển bị sình lầy khống chế và ít có giá trị phục vụ du lịch- nghỉ ngơi giải trí [7].

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, trong những năm qua, huyện Cần Giờ đã đẩy nhanh tốc độ phát triển một số lĩnh vực kinh tế then chốt như: nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, sản xuất muối, thu hút du lịch, nông nghiệp và một số dịch vụ nhằm đưa dân chúng thoát ra khỏi sự nghèo đói và từng bước đuổi kịp các quận huyện khác của thành phố

Tiềm năng kết hợp các yếu tố lịch sử, văn hóa, cộng đồng với du lịch sinh thái

Cần Giờ là vùng đất có lịch sử lâu đời với nhiều di tích văn hóa khảo cổ liên quan đến nền văn hóa Óc Eo như nhóm di tích giồng Cá Vồ, giồng Phệt, giồng Am. Đồng thời, nơi đây cũng là vùng đất vang danh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân ta với nhiều địa danh, di tích lịch sử như Chiến khu Rừng Sác, Bến Đình. Bên cạnh đó, người dân Cần Giờ cũng duy trì nếp sống truyền thống bằng những lễ hội được tổ chức hàng năm như Lễ hội Nghinh Ông, lễ cúng đình thần. Thêm nữa, văn hóa của cộng đồng người dân nơi đây cũng rất phong phú đa dạng và mang đậm bản sắc bản địa gắn liền với các làng nghề truyền thống như làng chài, làng chiếu, làng muối, làng rừng tạo nên mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với tham quan các trang trại nuôi trồng thủy sản, tham quan mô hình nuôi chim yến, du lịch trải nghiệm (làm diêm dân, trồng rừng)… cũng sẽ được đưa vào phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm giúp du khách tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Chính vì lý do trên, Cần Giờ có đầy đủ tiềm năng về tự nhiên, nhân văn cho việc phát triển du lịch sinh thái góp phần cải thiện đời sống dân địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái rừng ngập mặn.