Kim tiền thảo có tên khoa học là Desmodium styracifolium, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Theo y học dân gian, Kim tiền thảo được dùng chữa bệnh sỏi túi mật, sỏi thận, bàng quang, các bệnh về thận. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, vị thuốc này còn có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, kháng viêm, hạ huyết áp. Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho bạn những công dụng hữu ích của vị thuốc này.
1. Sơ lược về Kim tiền thảo
Kim tiền thảo còn được gọi là Đồng tiền lông, Mắt trâu, Vảy rồng, Dây sâm lông, Bươm bướm, Cỏ đồng tiền vàng (Gold Money Herb). Tên khoa học là Desmodium styracifolium (Osb.) Merr. Thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Bạn đang xem: Kim tiền thảo: Giải pháp an toàn cho người bị sỏi thận
Cây cỏ, cao 30 – 50 cm, mọc bò. Ngọn non dẹt và có phủ lông tơ, màu trắng. Lá mọc so le, gồm một hoặc ba lá chét tròn dài 1,8 – 3,4 cm, rộng 2 – 3,5 cm. Do đó, cây có tên là đồng tiền. Mặt dưới lá có lông trắng bạc, mặt trên có những đường gân rất rõ. Hoa màu tía, mọc thành chùm xim ở kẽ lá. Quả đậu nhỏ, giữa các hạt thắt lại. Mùa hoa quả vào tháng 3 đến tháng 5.
Cây thường mọc ở một số tỉnh miền núi nước ta: Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh…
2. Mô tả dược liệu
Toàn cây được dùng làm thuốc.
Dược liệu Kim tiền thảo có thân hình trụ, dài đến 1 m, phủ đầy lông mềm, ngắn, màu vàng. Chất hơi giòn, mặt bẻ lởm chởm. Lá mọc so le, 1 – 3 lá chét, tròn hoặc thuôn, đường kính 2 – 4 cm, đỉnh tròn, tù, đáy hình tim hoặc tù, mép nguyên, mặt trên màu lục hơi vàng hoặc màu lục xám, nhẵn, mặt dưới hơi trắng, có lông; gân bên hình lông chim; cuống dài từ 1 – 2 cm, 2 lá kèm hình mũi mác dài khoảng 8 mm.
Xem thêm : Vùng Bắc Trung Bộ gồm mấy tỉnh? Có đặc điểm gì?
Mùi hơi thơm, vị hơi ngọt.
3. Thành phần trong Kim tiền thảo
Các thành phần hóa học trong cây gồm polysaccharid, saponin triterpenic, các flavonoid như isovitexin, vicenin glycosid, isoorientin,… và các chất khác như desmodimin, desmodilacton, lupenon, lupcol, tritriacontan, acid stearic,…
Trong đó, coumarin là chất giúp vị thuốc này có tác dụng sinh học. Các nghiên cứu cho rằng, coumarin, là hợp chất este khi vào đến đại tràng (môi trường kiềm) sẽ tạo thành acid coumaric. Acid này sẽ phá vỡ muối canxi, nhờ đó giúp đào thải được sỏi.
4. Công dụng của Kim tiền thảo
Kim tiền thảo có vị ngọt, tính mát.
Theo kinh nghiệm dân gian, chủ yếu chữa bệnh sỏi túi mật, sỏi thận, sỏi bàng quang, phù thũng, bệnh lý của thận, khó tiêu.
Liều thường dùng: 10 – 30 g/ngày. Dùng dưới dạng thuốc sắc.
5. Các nghiên cứu về Kim tiền thảo
5.1. Điều trị sỏi thận, tiết niệu
Tác dụng cơ chế điều trị bệnh sỏi thận, tiết niệu đã được nhiều nghiên cứu làm rõ. Các nghiên cứu ở mức độ tế bào, trên động vật cũng như trên lâm sàng đều cho thấy lợi ích của Kim tiền thảo đối với bệnh nhân.
Xem thêm : Giải đáp thắc mắc người bị sốt siêu vi có xông hơi được không?
Các flavonoid có tác dụng có lợi trong ức chế sự hình thành sỏi canxi oxalate ở chuột bằng nhiều cơ chế như: Kiềm hóa nước tiểu, giảm nồng độ các thành phần tạo sỏi. Do đó, làm giảm sự ngưng tụ và ngăn chặn sự gia tăng kích thước các loại sỏi hình thành trong cầu thận cũng như trong ống thận. Đồng thời, tác dụng lợi tiểu giúp tăng đào thải sỏi qua đường tiết niệu.
Ngoài ra, nhờ vào tính chống oxy hóa, kháng viêm nên giảm viêm nhiễm đường tiết niệu, giảm phù nề của niệu quản. Nó tạo điều kiện đào thải sỏi, giảm các triệu chứng tiểu buốt, tiểu lắt nhắt.
5.2. Sỏi túi mật
Một số nghiên cứu đã ghi nhận tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và tăng sự tiết mật… Từ đó, giúp giảm hình thành sỏi cholesterol trong túi mật. Tìm hiểu kỹ hơn về sỏi túi mật ở bài viết Sỏi túi mật: Điều trị và chế độ ăn uống và bài viết Sỏi túi mật: Nguyên nhân và triệu chứng.
5.3. Hạ huyết áp
Một nghiên cứu đã cho thấy dịch chiết Kim tiền thảo có hiệu quả hạ huyết áp bằng 2 cơ chế:
- Kích thích thụ thể cholinergic;
- Ức chế hạch thần kinh tự chủ và hệ giao cảm.
Nhờ đó, nó làm dãn mạch, lợi tiểu giúp hạ huyết áp.
6. Kiêng kỵ
- Theo sách Đông Dược Học Thiết Yếu: những người tỳ hư, tiêu chảy thì không được dùng.
- Phụ nữ có thai không nên dùng.
- Người bị đau dạ dày uống thuốc vào lúc no.
Vị thuốc Kim tiền thảo là giải pháp hiệu quả và an toàn cho người bị sỏi thận, sỏi đường tiết niệu. Nhưng để việc điều trị có hiệu quả tốt nhất thì ngoài việc dùng thuốc, người bệnh nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Hãy uống nhiều nước tinh khiết và tránh tiêu thụ quá mức thực phẩm chứa nhiều oxalat hoặc axit oxalic, như cà phê, sô cô la, ca cao, trà, đại hoàng, rau bina và các thực phẩm thực vật khác… để giảm sự tích tụ các thành phần tạo sỏi.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp