Làm thế nào để vượt qua tâm trạng tồi tệ? (Phần 1)

Video làm gì khi tâm trạng tồi tệ

lam gi khi tam trang toi te 1

Ắt hẳn chúng ta ai cũng có lúc cảm thấy tâm trạng của mình rất tồi tệ: buồn, chán, u uất, khó chịu, vân vân mây mây. Đâu có ai lúc nào cũng thấy vui vẻ, hớn hở được nhỉ? Những chuyện ảnh hưởng đến tâm trạng chúng ta thì nhiều lắm, nào công việc, học hành, những mối quan hệ, tình cảm, rồi còn có sức khoẻ ảnh hưởng nữa chứ. Những lúc như vậy, mình nghĩ chúng ta có xu hướng không muốn làm gì cả, hoặc là không biết phải làm sao để cảm xúc tốt hơn. Mình cũng từng trải qua những giai đoạn như vậy đấy. Mỗi lúc ủ rũ lại nằm lăn, nhìn trần nhà cho thời gian qua, hoặc lướt mạng vô tội vạ. Nhưng rõ ràng, những điều ấy đâu có làm chúng ta cảm thấy tốt hơn đâu. Thế là mình cũng tự nghiên cứu, học thêm và thực hành nhiều phương pháp để cải thiện tâm trạng. Đồng thời, với kinh nghiệm làm việc trong BMVN, mình cũng biết thêm được nhiều cách để vượt qua tâm trạng tồi tệ. Và thật sự thì cũng có nhiều, nhiều cách lắm ấy. Vậy thì chúng ta thử tìm hiểu có những cách nào để vực dậy cảm xúc nhé.
  1. Nhận biết và chấp nhận cảm xúc của mình

Mình tin là có nhiều người khi gặp phải chuyện buồn, stress, hoặc khó chịu thì thường tìm cách tránh né hoặc không chấp nhận cảm xúc tồi tệ ấy. Họ thường có xu hướng làm bản thân bận bịu hơn, xem nhẹ cảm xúc của mình, hoặc không muốn suy nghĩ tường tận về cảm xúc khó chịu ấy. Mình nghĩ điều này không tốt. Ai trong chúng ta cũng gặp phải nhiều vấn đề trong cuộc sống, và việc cảm thấy khó chịu, hoặc buồn rầu là một lẽ tự nhiên. Những cảm xúc ấy khiến chúng ta thật hơn, và trở nên sâu sắc hơn nhiều. Vì thế, nhận biết được mình đang cảm nhận gì, đang có phản ứng ra sao với cảm xúc ấy là điều rất quan trọng. Một trong những lời khuyên bọn mình hay tư vấn nhất đó là hãy thử viết ra cảm xúc của mình. Tìm một khoảng thời gian nào đó mà chúng ta có thể ở một mình, để suy nghĩ, để tự vấn bản thân. Viết ra những gì chúng ta đang cảm thấy, đặt câu hỏi vì sao, và làm sao để chúng ta vượt qua những xúc cảm đó.

Sau khi nhận biết được cảm xúc của mình rồi, thì điều kế tiếp mà chúng ta làm chỉ là… chấp nhận chúng thôi, một lẽ tự nhiên của cuộc đời mà : )

2. Làm điều gì đó mà mình yêu thích, nhưng phải mang lại giá trị nào đó cho mình

Một trong số lời khuyên chúng ta hay nhận được là hãy làm những gì mình thích làm. Nhưng mình nghĩ như vậy không đủ, vì lướt mạng vô tội vạ, xem phim vô tội vạ, ăn vô tội vạ… cũng là những điều mà chúng ta thích, nhưng nhiều khi chúng thật sự không tốt. Nên mình muốn bổ sung là, hãy làm những gì mình thích làm, nhưng nó có thể tạo ra giá trị gì đó. Ví dụ như mình thích xem phim, thì thay vì xem phim truyền hình dài tập thì mình sẽ chỉ xem phim tài liệu. Vừa giải trí vừa học được điều gì đó. Dạo này mình đang xem series Brain Games, vừa vui vừa bổ ích. ^^

Nếu bạn có sở thích, đam mê nào đó thì hãy làm. Vẽ, viết, chụp ảnh, tập thể thao… tất cả những điều đó sẽ cải thiện tâm trạng của bạn rất nhiều, lại vừa nâng cao khả năng của bạn ở một mức độ nào đó. Nhớ nhé, phải làm điều gì mình thích mà tạo dựng giá trị cho mình nhe.

3. Hít thở, hít thở, hít thở

Mình rất muốn nói là khi tâm trạng tồi tệ thì chúng ta nên… ngồi thiền. Nhưng có lẽ ngồi thiền sẽ rất khó khi trong đầu chúng ta có hàng ngàn dòng suy nghĩ liên quan đến tâm trạng không tốt đó, nên mình chỉ gợi ý là hãy bắt đầu tập thở và quan sát hơi thở của mình. Những lúc thấy tâm trạng bản thân chùng xuống, bạn nên dừng lại, hít thật sâu và thở ra theo nhịp. Một, hai, ba, bốn. Lặp lại như vậy cho đến khi bạn thấy nhẹ nhàng hơn. Mình không nói rằng việc hít thở này sẽ cuốn bay nỗi buồn của bạn, nhưng chắc chắn, sau khi thở thật sâu, rồi nở một nụ cười, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn. : )

4. Cùng dọn dẹp nào!

Thú thật là, mỗi lần tâm trạng tồi tệ, mình sẽ đứng dậy đi dọn phòng. Mình dọn tất tần tật những gì mình có thể dọn, lau chùi mọi thứ, sắp xếp lại đồ đạc gọn gàng. Thời gian vừa qua tâm trạng của mình rất tệ, nên (may mắn) mình hình thành luôn được thói quen sắp xếp và dọn phòng thường xuyên. Mỗi lần dọn dẹp, mình không quá để tâm vào những chuyện buồn nữa. Bật nhạc mình thích, vừa dọn vừa hát hoặc vừa nhún nhảy, lúc dọn xong chỉ cần nhìn căn phòng gọn gàng thôi cũng đã thấy vui hơn rồi. Mình tin rằng việc dọn dẹp khi rầu rĩ này có thể giúp mình bớt buồn, lại giữ được nhà cửa ngăn nắp nữa chứ. Một công đôi việc mà.

5. Đến lúc phải suy nghĩ, và suy nghĩ khác hơn : )

Mình nói thật, tâm trạng chúng ta sẽ không thể nào tốt hơn nếu chúng ta giữ mãi những suy nghĩ buồn, hoặc tiêu cực trong đầu. Đánh lạc hướng kiểu nào thì những suy nghĩ ấy vẫn sẽ về lại thôi. Thế nên, mình tin rằng việc suy nghĩ tường tận mọi thứ, thay đổi một chút nhận thức và cách phản ứng của bản thân, thì cảm xúc bản thân sẽ khá hơn. Khi gặp phải chuyện gì không vừa ý, mình hay nghĩ đó là cơ hội để mình xem xét lại bản thân, hoặc xem xét lại mọi thứ xung quanh mình. Khi gặp phải thất bại, kết quả học tập không ưng ý, sau một lúc trách móc bản thân, mình lại bắt đầu suy nghĩ làm sao để bản thân tiến bộ hơn vào lần sau. Hoặc khi bị từ chối, khi không thể đạt được điều gì đó, mình lại tự nhủ là: “Just let it go” (Để điều ấy đi đi). Có nhiều thứ không thay đổi được, không ép buộc được, đành phải vượt qua và tiếp tục sống hạnh phúc mà thôi. : )

6. Tự động viên bản thân

Việc này có lẽ cùng nằm trong việc thay đổi suy nghĩ, nhưng mình muốn nhấn mạnh là, việc tự động viên bản thân rất quan trọng. Những lời nói chúng ta nói với bản thân có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, hành vi, lẫn xu hướng phản ứng của chúng ta đối với mọi điều xung quanh. Mình hay tự nhủ là “không sao, mọi chuyện sẽ tốt hơn, sẽ chóng qua mà thôi” và còn vô vàn câu nói tích cực nữa mà mình hay thầm thì với bản thân mình. Những câu nói này không chỉ làm mình phấn chấn hơn, mà còn có tác dụng động viên mình làm việc, học hành, và cố gắng trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống nữa. Mà có lẽ, ở một mình mà, mình không tự động viên mình thì còn ai làm nữa, nhỉ.

Đó là những cách đầu tiên mình áp dụng khi thấy tâm trạng không tốt. Còn mọi người thì sao, thường làm gì khi cảm thấy nặng nề?

Mình sẽ tiếp tục viết về chủ đề này trong những bài lần sau nhé.

Hoại Băng.