Năm 1930 Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày nay, đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ba nước Đông Dương. Từ đó, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào bước sang thời kỳ mới với phương thức và chất lượng hoàn toàn mới. Cách mạng Lào đã trở thành một bộ phận khắng khít của cách mạng Đông Dương.
Trong thời kỳ đầu dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Ai Lao thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương, nhiều Việt kiều sinh sống trên đất Lào đã kề vai sát cánh với nhân dân các bộ tộc Lào, tham gia tích cực phong trào cách mạng Lào.
Trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù chịu ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp, phát xít Nhật, nhưng phong trào đấu tranh của nhân dân Lào ngày càng trưởng thành, phát triển và giành nhiều thắng lợi trên khắp các mặt trận từ Thượng Lào đến Hạ Lào. Nhằm thống nhất các lực lượng yêu nước và thực hiện đường lối đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Lào Itsala được thành lập. Từ đó Mặt trận Lào Itsala tham gia như một thành viên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ giữa năm 1945, trước nguy cơ thất bại trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, phát xít Nhật càng thẳng tay đàn áp, khủng bố thì phong trào đấu tranh cách mạng của các bộ tộc Lào ngày càng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp các tầng lớp nhân dân, từ nông thôn đến thành thị, từ rừng núi đến đồng bằng. Đến tháng 8 năm 1945, tình hình thế giới và Việt Nam có những biến chuyển mới vô cùng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng vũ trang; quần chúng và các lực lượng tự vệ, du kích giành chính quyền ở các thành phố lớn; chính quyền cách mạng được thiết lập trên đại bộ phận đất nước ở Viêng Chăn, Thakhet, Savannakhet, Xieng Khuang, Sam Nua, Luang Prabang.
Thắng lợi như vũ bão của quân dân các bộ tộc Lào buộc vua Lào Sivavangvong phải thoái vị vào ngày 11/10/1945. Ngày 12/10/1945, Ủy ban Nhân dân toàn quốc Lào được triệu tập ở Viêng Chăn, thông qua bản Hiến pháp của nước Lào độc lập, bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời. Mặc dù Chính phủ lâm thời có mang tính chất liên hiệp, gồm nhiều thành phần và xu hướng khác nhau, nhưng trong tình hình lúc đó, Chính phủ lâm thời Lào, ở mức độ nhất định, đã tiêu biểu cho nguyện vọng độc lập dân tộc của nhân dân Lào.
Cùng ngày 12/10/1945, Chính phủ lâm thời Lào ra mắt nhân dân tại Thủ đô Viêng Chăn, tuyên bố trước toàn thể nhân dân Lào và thế giới: nước Lào đã trở thành một nước độc lập, tự do. Sự kiện lịch sử trọng đại này mở ra một bước ngoặt mới cho nhân dân các bộ tộc Lào đứng lên làm chủ đất nước mình. Giành được thắng lợi vĩ đại này là do nhân dân Lào có truyền thống đấu tranh bất khuất, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp là Xứ ủy Ai Lao đã hoạch định đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế ở Lào, tạo điều kiện cho cuộc đấu tranh của nhân dân Lào phát triển sâu rộng, nắm thời cơ tiến đến vận động nhân dân giành chính quyền. Trong thời điểm này, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam, sự vùng dậy của nhân dân Campuchia đã hỗ trợ cho cách mạng Lào. Ngay từ buổi đầu mới giành chính quyền, nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tình đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương đã tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho cách mạng Lào và cách mạng mỗi nước giành thắng lợi cuối cùng.
Sau khi Lào tuyên bố độc lập, được sự tiếp sức của đế quốc Mỹ, Anh, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm chiếm Lào, Việt Nam và Campuchia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp nổ ra khắp nơi trên đất nước Lào. Lực lượng cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ, cả bề rộng lẫn chiều sâu. Các đội quân du kích nhanh chóng tập hợp thành lập quân đội chính quy của nhân dân Lào, đánh cho giặc Pháp nhiều đòn chí tử, giải phóng được một số vùng rộng lớn làm căn cứ địa cách mạng. Đây là một bước ngoặt trong sự nghiệp phát triển của các lực lượng vũ trang nhân dân Lào.
Trước tình hình phong trào cách mạng ở ba nước Đông Dương và tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến lớn, tháng 2 năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Đại hội lần thứ II. Đồng chí Cayson Phomvihan được cử tham gia Đại hội. Đại hội đã quyết định tổ chức ở mỗi nước một Đảng riêng để lãnh đạo cách mạng. Từ đó ở Việt Nam có Đảng Lao động Việt Nam, ở Lào và Campuchia cũng có Đảng riêng của mình để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do. Đại hội đã giao cho đồng chí Cayson Phomvihan cùng một số đồng chí khác chuẩn bị thành lập Đảng Nhân dân Lào. Cùng thời điểm đó, để thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết và sự hợp tác giữa nhân dân ba nước trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp, ngày 11/3/1951, Mặt trận liên minh Việt-Miên-Lào được thành lập trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau. Trên tinh thần đó, năm 1953, các lực lượng vũ trang Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở nhiều chiến dịch giải phóng nhiều vùng từ Thượng Lào, Trung Lào đến Hạ Lào.
Để đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng, Đảng Nhân dân Lào, ngày nay là Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào chính thức được thành lập ngày 22/3/1955. Đại hội đã bầu đồng chí Cayson Phomvihan làm Tổng Bí thư. Sự kiện này đánh dấu sự phát triển vượt bậc và là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Lào. Đảng đã đề ra nhiệm vụ cách mạng trước mắt: “Đoàn kết lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Lào hòa bình, dân chủ, thống nhất và độc lập”.
Trên những chặng đường cách mạng, Đảng Nhân dân Lào từng bước lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào đấu tranh chống Mỹ, đưa cách mạng Lào giành những thắng lợi to lớn, toàn diện và vững chắc. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2/1972, Đảng đổi tên là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Ngày 2/12/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, nhân dân các bộ tộc Lào đã đứng lên khởi nghĩa, lật đổ chế độ quân chủ lập hiến, khai sinh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Từ đó, ngày 2/12 đã trở thành mốc son trong lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào quang vinh.
Từ ngày 27 đến 30/4/1982, Đảng NDCM Lào tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại Viêng Chăn. Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị quan trọng, quyết định đường lối chung với những mục tiêu cơ bản của cách mạng Lào trong thời kỳ quá độ, xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã bầu đồng chí Cayson Phomvihan làm Tổng Bí thư.
Đại hội Đảng NDCM Lào lần IV được tiến hành từ ngày 13 đến 15/11/1986. Đại hội này đã nhận định sau hơn 10 năm giải phóng, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng Đảng NDCM Lào đã lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới và đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào tiến lên giành nhiều thành tựu mới trên các mặt trận chính trị, kinh tế và xã hội.
Đại hội Đảng NDCM Lào lần V (3/1991) đã xác định tiếp tục theo đuổi đường lối đổi mới, thực hiện nhiệm vụ chiến lược nhằm bảo vệ và xây dựng đất nước Lào tiến bộ và phồn vinh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội Đảng NDCM Lào lần VI (3/1996) đưa ra phương hướng mục tiêu quan trọng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đại hội đã bầu đồng chí Khamtay Siphandone làm Tổng Bí thư. Trải qua chặng đường nhiều gian lao và đầy thử thách, Đảng đã lãnh đạo đất nước tiến hành đổi mới và giành được nhiều thành tựu kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Uy tín quốc tế của CHDCND Lào không ngừng được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng nhằm xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, vì hạnh phúc của nhân dân các bộ tộc Lào, vì hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đại hội Đảng NDCM Lào lần VII tiến hành trong tháng 3 năm 2001. Đại hội đề ra đường lối chiến lược là đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa đất nước thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, đưa CHDCND Lào vững bước tiến vào thế kỷ 21, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đại hội lần VIII của Đảng NDCM Lào (tháng 3/2006) là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị – xã hội của đất nước Lào, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của cách mạng Lào với việc đề ra đường lối tăng cường đoàn kết toàn Đảng và toàn dân tộc, tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đổi mới, sớm đưa đất nước khỏi tình trạng kém phát triển, tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày ra đời (22/3/1955) Đảng Nhân dân Lào nay là Đảng NDCM Lào đã khắc vào lịch sử oai hùng của đất nước và dân tộc Lào những mốc son chói lọi. Đảng đã lãnh đạo nhân dân Lào giành thắng lợi vang dội ngày 2/12/1975, giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, lập nên nước CHDCND Lào, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới. Trong ba thập kỷ qua, Đảng lãnh đạo nhân dân đẩy lùi mọi khó khăn thử thách, đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên vững chắc, kinh tế tăng trưởng liên tục, tình hình chính trị ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; quan hệ quốc tế ngày càng được mở rộng, là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và địa vị của CHDCND Lào trên trường quốc tế.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, từ lâu có quan hệ hữu nghị và truyền thống gắn bó, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần “hạt muối cắn đôi cọng rau bẻ nửa”. Đảng NDCM Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam có cùng chung một nguồn gốc là Đảng Cộng sản Đông Dương, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayson Phomvihan dày công vun đắp, trải qua bao thử thách của thời gian vẫn luôn thủy chung son sắt, thắm đượm nghĩa tình. Trong suốt chiều dài lịch sử của mỗi nước, từ khi thành lập, hai Đảng luôn kề vai sát cánh, đoàn kết bên nhau, đánh thắng kẻ thù chung, giành thắng lợi hoàn toàn cho dân tộc mình. Quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào không ngừng được củng cố và nâng lên một tầm cao mới, đó là những tài sảm vô giá mà hai Đảng chúng ta tiếp tục giữ gìn, bảo vệ, vun đắp bằng xương máu, sự hy sinh to lớn và niềm tự hào của nhân dân hai nước. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào sẽ mãi mãi vững bền với non sông đất nước của chúng ta. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua,
Việt – Lào hai nước chúng ta,
Xem thêm : Shop Chuyện Tình chuyên 18+
Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”
Và nghĩa tình này luôn sống mãi trong trái tim của nhân dân hai nước chúng ta. Nhân dân Việt Nam tự hào và chia sẻ niềm vui về những thành tựu to lớn mà CHDCND Lào đã đạt được trong cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, nhân dân các bộ tộc Lào anh em đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, xây dựng đất nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong thế kỷ XXI.
Ngày nay, tiếp tục thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam quyết tâm gìn giữ và không ngừng vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
(Th.S. Nguyễn Thị Mỹ Tiên
Tổng Thư ký Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị TPHCM; thư ký thường trực Hội hữu nghị Việt Nam–Lào TPHCM)
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp