Tập III bộ “Tư bản” của C.Mác nghiên cứu toàn bộ quá trình sản xuất TBCN, chỉ ra các hình thái biểu hiện khác nhau của giá trị thặng dư dưới hình thái lợi nhuận, đồng thời, phân tích một cách sâu sắc những vấn đề phức tạp nhất của việc phân phối giá trị thặng dư giữa các loại hình tư bản gồm: Lợi nhuận của tư bản công nghiệp; lợi nhuận của tư bản thương nghiệp; lợi tức của tư bản cho vay và địa tô TBCN. Trải qua bao thăng trầm lịch sử của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT), những lý luận về lợi nhuận của C.Mác vẫn còn nguyên giá trị.
1. Giá trị khoa học và cách mạng khi C.Mác kế thừa có phê phán lý luận lợi nhuận của các trường phái kinh tế trước C.Mác
Bạn đang xem: Học thuyết lợi nhuận của C.Mác vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, cách mạng và tính thời đại
Trước hết, phải khẳng định rằng, C.Mác không phải là người đầu tiên đưa ra khái niệm về lợi nhuận mà là các nhà kinh tế trước C.Mác, tiêu biểu là kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh. Trong đó, tính khoa học được C.Mác đánh giá là chỉ ra bản chất của lợi nhuận được xây dựng trên cơ sở nền tảng bất biến là lý thuyết giá trị lao động. Đồng thời, đã nhìn thấy xu hướng bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận; manh nha chỉ ra rằng, tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống. Tính cách mạng, được thể hiện khi khẳng định chắc chắn nguồn gốc của lợi nhuận là lao động của giai cấp công nhân làm thuê tạo ra, là bóc lột lao động làm thuê. Đồng thời, chỉ ra mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa lợi nhuận và tiền công là nguyên nhân kinh tế của mâu thuẫn giai cấp.
Tuy nhiên, C.Mác cũng thẳng thắn phê phán những hạn chế do giới hạn lịch sử trong lý luận về lợi nhuận của các nhà kinh tế tư sản cổ điển. Tính cách mạng còn được biểu hiện sâu sắc hơn khi C.Mác đấu tranh không khoan nhượng chống lại luận điểm của những kẻ cơ hội, tầm thường (như J.B.Say và Manthus) khi dựa vào mặt hạn chế trong lý luận lợi nhuận của phái tư sản cổ điển nhằm xoa dịu đấu tranh giai cấp, bênh vực lợi ích của giai cấp tư sản. Những dấu mốc cơ bản là:
Thứ nhất, A.Smith đã trình bày về lợi nhuận khi phân tích nguồn thu nhập từ sự phân chia xã hội thành giai cấp. Ông đã dựa trên sở hữu để chia xã hội thành 3 giai cấp: những người chiếm hữu ruộng đất; các nhà tư bản công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp; giai cấp công nhân làm thuê. Mỗi giai cấp nhận được một bộ phận thu nhập tương ứng từ tổng thu nhập xã hội: địa tô, lợi nhuận, tiền lương. Cơ sở của lý luận này dựa trên lý luận giá trị lao động.
Theo ông, trong giá trị của hàng hóa do người công nhân tạo ra thì anh ta chỉ nhận được một phần gọi là tiền lương, phần còn lại là địa tô và lợi nhuận. Ông cho rằng, lợi nhuận là “khoản khấu trừ thứ hai” vào sản phẩm của lao động, nguồn gốc của lợi nhuận là bóc lột lao động làm thê. Ông còn chỉ ra lợi tức là một bộ phận của lợi nhuận, sinh ra từ lợi nhuận. Ông còn nhìn thấy xu hướng bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận khi khối lượng tư bản đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, ông chưa thấy sự khác nhau giữa lợi nhuận và giá trị thặng dư, chưa hiểu sự chuyển hóa của giá trị thành giá cả sản xuất.
Thứ hai, D.Ricardo thông qua một số luận điểm của ông về giá trị, về mối quan hệ giữa các loại thu nhập, “tiền công thấp chỉ là một tên gọi khác đi với các lợi nhuận cao”. Điều đó chứng tỏ D.Ricardo xem lợi nhuận là kết quả lao động của công nhân, phần giá trị lao động do công nhân tạo ra không được trả công, bị nhà tư bản tước đoạt. Ông cho rằng, lợi nhuận có khuynh hướng tự nhiên giảm xuống, vì cùng với sự tiến bộ của xã hội và sự tăng của cải, người ta sẽ chi phí một lượng lao động ngày càng lớn hơn để sản xuất ra số lượng lương thực phụ thêm. Điều đó sẽ làm cho tiền công tăng lên và lợi nhuận giảm xuống, và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tích luỹ. Theo ông, bản thân sự tích lũy tư bản không thể làm giảm lợi nhuận một cách lâu dài, vì tư bản cuối cùng sẽ tìm được những bàn tay cần thiết của nó.
Khi tư bản tăng lên thì công việc do tư bản thực hiện cũng tăng lên cùng một tỷ lệ. Chỉ có nguyên nhân duy nhất làm cho lợi nhuận giảm xuống là do tiền công tăng lên. D.Ricardo cũng đã biết đến tỷ suất lợi nhuận bình quân khi ông cho rằng, trong cùng một mức lợi nhuận bao giờ cũng giống nhau, thậm chí quy luật mức lợi nhuận ngang nhau còn tác động trên quy mô quốc tế, vì tư bản và lao động không chỉ di chuyển trong phạm vi một nước mà còn di chuyển từ nước này sang nước khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
2. Giá trị cơ bản có tính nền tảng, toàn diện và bao quát về lý luận lợi nhuận của C.Mác trong lịch sử phát triển nền KTTT
Trên cơ sở kế thừa có phê phán, C.Mác đã bổ sung để hoàn thiện học thuyết về lợi nhuận, một nội dung quan trọng trong bộ “Tư bản”. Những lý luận về lợi nhuận của C.Mác có tính nền tảng, toàn diện và bao quát, có giá trị trong suốt lịch sử phát triển nền KTTT, trong các chế độ chính trị và các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau.
Thứ nhất, bằng phương pháp trừu tượng hóa có tính khái quát cao, với các giả định phù hợp để phân tích sự giống và khác nhau giữa chi phí thực tế để sản xuất hàng hóa với chi phí sản xuất tư TBCN, C.Mác đã kết luận: Lợi nhuận (P) là hình thái chuyển hóa của giá trị thặng dư (m), do lao động sống tạo ra, được quan niệm là do toàn bộ tư bản ứng trước sinh ra. Xét về bản chất thì giá trị thặng dư là nội dung bên trong được tạo ra trong quá trình sản xuất, còn lợi nhuận là hình thức biểu hiện ra bên ngoài thông qua trao đổi.
Xem thêm : Con gái sinh năm Nhâm Dần 2022 tốt xấu ra sao bố mẹ biết chưa?
Thứ hai, tỷ suất lợi nhuận (p’): Là tỷ lệ phần trăm giữa giá trị thặng dư với chi phí sản xuất TBCN. Tỷ suất lợi nhuận và tỷ suất giá trị thặng dư khác nhau về chất và về lượng. Trong đó, tỷ suất giá trị thặng dư là chỉ tiêu phản ánh mức độ sinh lời của tiền công. Tỷ suất lợi nhuận là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của việc đầu tư tư bản. C.Mác đã chỉ ra năm nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận theo chiều hướng khác nhau gồm: tỷ suất lợi nhuận tỷ lệ thuận với tỷ suất giá trị thặng dư; tỷ suất lợi nhuận tỷ lệ nghịch với cấu tạo hữu cơ của tư bản (c/v); tốc độ chu chuyển của tư bản; tiết kiệm trong việc sử dụng tư bản bất biến; giá cả nguyên vật liệu. Lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận là động lực kinh tế của KTTT mà bất cứ chủ thể sản xuất – kinh doanh nào cũng quan tâm.
Thứ ba, sự biểu hiện quy luật giá trị thành quy luật giá trị thị trường của hàng hóa thông qua sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản sản xuất – kinh doanh trong cùng một ngành. Sự biểu hiện quy luật giá trị thị trường của hàng hóa thành quy luật giá cả sản xuất của hàng hóa thông qua sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản sản xuất – kinh doanh khác ngành. Các quy luật này càng biểu hiện rõ nét trong cạnh tranh của các công ty toàn cầu ngày nay.
Thứ tư, quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống. Lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận là mục đích và động cơ của các nhà sản xuất – kinh doanh. Khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận, C.Mác đã chỉ ra rẳng, cùng với sự phát triển của CNTB thì tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống. Phân tích quá trình sản xuất tư TBCN, C.Mác đã chỉ ra, “Quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống”(1). Mặc dù những luận giải đã rõ và cơ bản. Tuy nhiên, trong điều kiện của thế giới hiện đại, trước những tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức và kinh tế số, trong bối cảnh toàn cầu hóa cần có luận giải rõ ràng, làm rõ bản chất vấn đề trong bối cảnh mới.
Về bản chất của quy luật, trong những nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận (p’), có sự ảnh hưởng của nhân tố “cấu tạo hữu cơ của tư bản” đến tỷ suất lợi nhuận. C.Mác đã khái quát: Cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên là nhân tố làm cho tỷ suất lợi nhuận giảm xuống. Vấn đề đặt ra là, điều đó ảnh hưởng như thế nào đến khối lượng lợi nhuận (P) của các nhà kinh doanh.
Trên thực tế, mục tiêu của nhà kinh doanh là đạt tỷ suất lợi nhuận càng cao càng tốt. Một số cách thức, phương thức để đạt được mục tiêu đó là: đổi mới mô hình quản lý; nâng cao trình độ nghề nghiệp cho công nhân; tiết kiệm nguyên vật liệu và đổi mới công nghệ… Cách thức phổ biến và hiệu quả nhất là đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại tức là tăng cấu tạo hữu cơ (c/v tăng). C/v tăng thì tỷ suất lợi nhuận giảm. Điều này mâu thuẫn với mục đích của nhà kinh doanh.
Nghiên cứu luận điểm này trong học thuyết lợi nhuận của C.Mác cho thấy, cùng với sự phát triển của nền KTTT hiện đại, c/v không ngừng tăng lên, đồng thời tỷ suất lợi nhuận giảm xuống. Những tiến bộ của khoa học – công nghệ (nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) ngày càng nhanh và sự phát triển của kinh tế số ngày càng phổ biến sẽ đẩy c/v tăng nhanh hơn nữa và như vậy tỷ suất lợi nhuận giảm xuống càng nhanh hơn nữa. Điều này cũng đã được C.Mác giải thích rõ trong chương XIV “Về những nguyên nhân cản trở tác dụng của quy luật” gồm: tăng mức độ bóc lột lao động; hạ thấp tiền công dưới giá trị sức lao động; những nhân tố của tư bản bất biến trở nên rẻ hơn; nhân khẩu thừa tương đối; ngoại thương; tư bản cổ phần tăng lên.
C.Mác khẳng định: “Nhất định là đã phải có những ảnh hưởng ngược lại ngăn trở hay thủ tiêu tác dụng của quy luật chung và làm cho nó chỉ mang một tính chất xu hướng mà thôi. Vì vậy, chúng tôi đã gọi sự hạ thấp của tỷ suất lợi nhuận chung xuống là xu hướng hạ thấp”(2). Quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống. Vậy là, vấn đề đã được trả lời thỏa đáng trong điều kiện của nền KTTT hiện đại, khi công nghệ cao được áp dụng phổ biến làm cho tỷ suất lợi nhuận tăng lên không ngừng.
3. Các lý thuyết về lợi nhuận của kinh tế học hiện đại về cơ bản vẫn dựa trên những nguyên lý khoa học và thời đại của C.Mác
Thành tựu của nền KTTT, với khát khao tìm kiếm lợi nhuận, đã thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển ở trình độ cao, kéo theo đó là những mặt trái, khuyết tật càng bộc lộ rõ. Sau C.Mác, các lý thuyết của kinh tế học hiện đại phát triển theo nhiều hướng và cách tiếp cận khác nhau: cả vĩ mô và vi mô; có cách tiếp cận theo quan điểm trọng cầu, trọng cung hay trọng tiền; có cách tiếp cận theo thị trường tự do hay kết hợp giữa thị trường tự do với vai trò điều tiết của nhà nước thành nền kinh tế hỗn hợp… Xét về tổng quát, khi truy nguyên về cội nguồn các lý thuyết được trình bày đều cơ bản dựa trên nền tảng học thuyết về lợi nhuận của C.Mác. Từ đó, có thể khẳng định các lý thuyết về lợi nhuận của kinh tế học hiện đại (sau Mác) về cơ bản vẫn dựa trên những nguyên lý khoa học nền tảng của C.Mác. Có thể chứng minh nhận định trên bằng những dẫn luận cụ thể sau đây:
Thứ nhất, lý luận về năng suất “Giới hạn” của trường phái Tân Cổ điển ở Mỹ do giáo sư Đại học tổng hợp Colombia J.B.Clark trình bày dựa trên lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của C.Mác. J.B.Clark cho rằng: ích lợi của các yếu tố sản xuất thể hiện ở năng suất của nó. Song, năng suất của các yếu tố sản xuất giảm sút. Do vậy, đơn vị yếu tố sản xuất được sử dụng sau cùng là “đơn vị yếu tố sản xuất giới hạn”, sản phẩm của nó là “sản phẩm giới hạn”, năng suất của nó là “năng suất giới hạn”, nó quyết định năng suất của các đơn vị yếu tố sản xuất khác.
Đồng thời, ông đã lợi dụng lý thuyết “ba nhân tố sản xuất” và “ba nguồn thu nhập” của J.Say để trình bày về phân phối thu nhập nhằm che giấu nguồn gốc và bản chất của lợi nhuận. J.B.Clark cho rằng, thu nhập là năng lực chịu trách nhiệm của các yếu tố sản xuất. Trong đó, tiền lương của công nhân bằng “sản phẩm giới hạn” của lao động. Lợi tức bằng “sản phẩm giới hạn” của tư bản. Địa tô bằng “sản phẩm giới hạn” của đất đai. Phần còn lại là thặng dư của người sử dụng các yếu tố sản xuất hay lợi nhuận của nhà kinh doanh. Và như vậy, xã hội không có bóc lột. Luận điểm này đã được C.Mác vạch trần ngay khi phê phán phái tầm thường từ trước đó.
Thứ hai, lý thuyết về “cân bằng cung cầu và giá cả cân bằng” của Al. Marshall, nhà kinh tế học trường phái Cambridge. Mặc dù có sắc thái riêng, nhưng lý thuyết này về cơ bản vẫn dựa trên lý thuyết cạnh tranh trong nội bộ ngành để hình thành giá trị thị trường của hàng hóa và cạnh tranh khác ngành để hình thành giá cả sản xuất của C.Mác. Theo Al.Marshall, ích lợi giới hạn và cầu có vai trò quyết định trong ngắn hạn, chi phí thực tế có ý nghĩa chủ yếu trong dài hạn. Nếu người sản xuất không thu hồi được chi phí thì sản xuất sẽ thu hẹp cho tới khi lập được thế cân bằng: khi giá cầu = giá cung và quy mô sản xuất không có xu hướng tăng hoặc giảm.
Xem thêm : Mẹ bầu ăn măng được không? Lỡ ăn có gây độc cho thai nhi?
Thứ ba, lý thuyết về “hiệu quả giới hạn của tư bản” của J.M.Keynes nhà kinh tế học “trọng cầu” nổi tiếng được Mark Skousen đánh giá trong tác phẩm Ba người khổng lồ trong kinh tế học: A.Smith – C.Mác – J.M.Keynes cũng không thoát khỏi cái bóng trong lý luận về: “Quy luật tỷ suất lợi nhuận có xu hướng giảm xuống” của C.Mác. J.M.Keynes cho rằng, nhà tư bản là người có tư bản cho vay để hưởng lãi suất. Còn doanh nhân hay chủ doanh nghiệp là người đi vay tư bản để tiến hành sản xuất.
Người kinh doanh dám chấp nhận rủi ro, nguy hiểm trong công việc kinh doanh và dám chịu trách nhiệm vật chất với số tư bản đã được vay. Khi một chủ doanh nghiệp mua một tài sản đầu tư hay một tài sản cố định là mua quyền thu về một loạt các khoản lợi tức trong tương lai. Đó là chênh lệch giữa số tiền bán hàng với chi phí cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó. Ông gọi số chênh lệch đó là “thu nhập tương lai” của đầu tư. Ngược lại, với thu nhập tương lai của vốn đầu tư giá cung của tài sản cố định, đó là mức giá khuyến khích nhà sản xuất làm thêm một đơn vị tài sản như vậy, Keynes gọi đó là phí tổn thay thế. Mối quan hệ giữa thu nhập tương lai của tài sản cố định và giá cung hay chi phí thay thế – tức là mối quan hệ giữa thu nhập tương lai của thêm một đơn vị tài sản cố định loại đó và chi phí để làm ra đơn vị đó gọi là “hiệu quả giới hạn” của tư bản.
Như vậy, “hiệu quả giới hạn” của tư bản phụ thuộc vào tỷ suất thu nhập tương lai của số tiền đầu tư mới chứ không phải so với chi phí nguyên thủy của nó. Do ảnh hưởng của thuyết giới hạn, ông cho rằng, cùng với việc tăng lên của vốn đầu tư thì “hiệu quả giới hạn” của tư bản giảm xuống. Ông cho rằng, có hai nguyên nhân làm cho “hiệu quả giới hạn” của tư bản giảm xuống. Một là, đầu tư tăng lên làm cho lượng cung hàng hóa tăng. Khối lượng cung hàng hóa tăng mạnh làm cho giá cả hàng hóa giảm.
Giá cả hàng hóa giảm làm thu nhập tương lai giảm. Hai là, việc tăng cung hàng hóa làm cho giá cung tài sản cố định tăng (hay chi phí thay thế tăng). Điều này làm giảm thu nhập tương lai. Tăng đầu tư sẽ dẫn đến giảm thu nhập tương lai và giảm “hiệu quả giới hạn” của tư bản. Từ đó, hình thành đường cầu đầu tư hay đường “giới hạn hiệu quả” của tư bản, giữa đường cầu đầu tư hay đường “giới hạn hiệu quả” của tư bản có mối quan hệ với nhau. Sự khuyến khích đầu tư phụ thuộc một phần vào mức lãi suất. Nếu “hiệu quả giới hạn” của tư bản lớn hơn lãi suất thị trường thì các chủ doanh nghiệp tiếp tục tăng đầu tư và ngược lại, nếu hiệu quả giới hạn của tư bản nhỏ hơn lãi suất thị trường thì các chủ doanh nghiệp không đầu tư nữa.
4. Vận dụng lý luận về lợi nhuận của C.Mác trong phát triển KTTT
Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của kinh tế chính trị Mác – Lênin vào phát triển thành công mô hình KTTT định hướng XHCN thời kỳ đổi mới. Trong đó, học thuyết về lợi nhuận của C.Mác với hệ thống giá trị khoa học và cách mạng có tính nền tảng cốt lõi về KTTT. Học thuyết lợi nhuận của C.Mác mang tính lịch sử và thời đại, kế thừa, cung cấp những luận cứ, quy luật kinh tế khách quan về phát triển KTTT. Vận dụng học thuyết lợi nhuận của C.Mác, cần các yêu cầu sau:
Một là, để kế thừa chân lý khoa học lý luận về lợi nhuận của C.Mác, cần học tập và vận dụng những nguyên lý, nội dung, quy luật vận động và các nhân tố ảnh hưởng đến lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trong phát triển nền KTTT. Lịch sử các học thuyết kinh tế đã chứng minh tính thực dụng của các trường phái kinh tế học hiện đại khi vận dụng những nguyên lý đó phù hợp với bối cảnh và điều kiện cụ thể. Điển hình là, lý thuyết của Keynes trở thành cơ sở lý luận cho CNTB độc quyền nhà nước. Lý thuyết đó đã chi phối chính sách kinh tế của các nước TBCN, khắc phục được một phần chấn động của các chu kỳ khủng hoảng khi theo đuổi lợi nhuận độc quyền cao của CNTB trong thời gian khá dài. Song, Keynes lẩn tránh việc phân tích bản chất xã hội khi không đứng trên lập trường giai cấp của các hiện tượng thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế của CNTB. Đến những năm 1970, lý thuyết Keynes đã bộc lộ sự bất lực, hạn chế vì nó không còn thích ứng với tình hình mới.
Hai là, khi nghiên cứu học thuyết lợi nhuận của C.Mác phải kiên định lập trường giai cấp hay tính cách mạng xuyên suốt quá trình. Bởi khi trình bày về nguồn gốc và bản chất của lợi nhuận, C.Mác đã chỉ rõ: Lợi nhuận chẳng qua chỉ là hình thái chuyển hóa của giá trị thặng dư ra bên ngoài thông qua trao đổi. Vì vậy, phải xuất phát từ lý luận giá trị lao động để tìm hiểu nguồn gốc và bản chất của lợi nhuận. Nguyên lý khoa học và cách mạng trong học thuyết lợi nhuận đã khẳng định tính quy luật và sức sống của lý luận qua các thời đại kinh tế khác nhau.
Ba là, để khẳng định một cách thuyết phục giá trị khoa học và cách mạng học thuyết lợi nhuận của C.Mác, đòi hỏi phải nghiên cứu cơ bản theo hệ thống. Bởi vì, lôgíc của bộ “Tư bản” về lợi nhuận được C.Mác trình bày ở quyển III (Toàn bộ quá trình sản xuất TBCN) sau khi đã trình bày quyển I (Quá trình sản xuất của tư bản) và quyển II (Quá trình lưu thông của tư bản). Vì vậy, sẽ không thuyết phục nếu chỉ cắt nghĩa giá trị của học thuyết lợi nhuận trên các bình diện khác nhau khi chỉ nghiên cứu trong khuôn khổ của quyển III.
Trong điều kiện phát triển của nền KTTT hiện đại, với sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với kinh tế tri thức và kinh tế số, các phương thức sản xuất – kinh doanh mới xuất hiện với nhiều biểu hiện mới và cách thức khác nhau, yêu cầu nhận thức sâu sắc lý luận kinh tế của C.Mác, trau dồi thêm bằng đào tạo và học tập bài bản và hệ thống./.
________________________________________________
(1), (2) C.Mác – Ph.Ăngghen: Toàn tập, T.25, phần I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.320-366, 352.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp