Sử dụng cần sa có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Hiện nay, việc sử dụng cần sa đang rất phổ biến trong một bộ phận giới trẻ. Có rất nhiều trường hợp sau khi sử dụng cần sa sẽ sinh ra ảo giác; trong cơn mê không làm chủ được bản thân. Từ đó gây ra những hành vi vi phạm pháp luật; gây thương tích; thậm chí gây án mạng với những người xung quanh. Vậy việc sử dụng cần sa có vi phạm pháp luật hay không? Có bị xử phạt hình sự hay không? Hãy cùng NPLAW tìm hiểu bài viết sau đây nhé.

I. Sử dụng cần sa liệu có bị phạt?

Cần sa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Hiện nay trong giới trẻ sử dụng các tên khác nhau cho cùng một loại cần sa xuất phát từ cây Cannabis Sativa như “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin” được sử dụng dưới dạng hút, vape (kiểu hút của thuốc lá điện tử), hít, uống hoặc ăn nhằm mục đích thỏa mãn cá nhân và giải trí.

luat ve can sa o viet nam

Theo quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất thì cần sa và các chế phẩm từ cần sa là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. (Theo Danh mục I, phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ).

Theo như phân tích trên thì cần sa được liệt kê là một loại ma túy bị cấm sử dụng trong đời sống, nên nếu sử dụng những chất này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, người sử dụng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

II. Mức xử phạt đối với việc sử dụng cần sa theo quy định của pháp luật?

Khi sử dụng cần sa, người sử dụng sẽ bị xử phạt về hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, tùy vào trường hợp, mức độ cụ thể như sau:

– Xử phạt hành chính

Theo khoản 1, 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì mức xử phạt hành chính đối với việc sử dụng cần sa như sau:

“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.

Ngoài ra, người sử dụng cần sa còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

“8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này”.

Như vậy, hành vi sử dụng trái phép cần sa thì bị phạt cảnh cáo và phạt tiền lên đến 2.000.000 đồng, bên cạnh đó còn phải chịu hình phạt bổ sung theo quy định trên.

– Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với việc sử dụng cần sa

Việc sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng giống như thế thì việc sử dụng cần sa cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng khi có hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất này thì tùy theo tính chất của hành vi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm về “Tội tàng trữ trái phép chất ma túy” hoặc “Tội mua bán trái phép chất ma túy” cụ thể như sau:

+ Đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy thì căn cứ theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 66 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) dựa vào tính chất mức độ hành vi của người vi phạm mà mức phạt đối với hành vi này là từ 01 năm tù cho đến mức cao nhất là 20 năm tù.

Bên cạnh đó người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

+ Đối với tội mua bán trái phép chất ma túy thì căn cứ theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 68 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), tùy thuộc vào tính chất mức độ hành vi của người vi phạm mà mức phạt đối với hành vi này là từ 02 năm tù đến mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

III. Tác hại của việc sử dụng cần sa

– Khi hút cần sa, THC (delta-9-tetrahydrocannabinol) nhanh chóng di chuyển từ phổi vào máu, mang hóa chất đến não và các cơ quan khác trên khắp cơ thể. Cần sa kích hoạt quá đà các phần của bộ não có chứa số lượng lớn nhất của các thụ thể này, dẫn đến triệu chứng “phê” ở người sử dụng như: Các giác quan bị thay đổi (ví dụ, nhìn thấy màu sáng hơn), thay đổi nhận thức về thời gian, thay đổi tâm trạng, khó khăn với suy nghĩ và giải quyết vấn đề, Ảo giác, ảo tưởng (khi dùng liều cao)….

– Cần sa cũng ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ. Người bắt đầu sử dụng cần sa khi còn là thanh thiếu niên, thường xuyên có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, cụ thể như: giảm khả năng phán đoán, làm suy giảm chức năng suy nghĩ, trí nhớ, học tập và ảnh hưởng đến cách não bộ xây dựng các kết nối giữa các khu vực não với nhau.

Như vậy, khi sử dụng cần sa sẽ dẫn đến nhiều tác hại nặng nề cho cuộc sống người sử dụng và khiến cho sức khỏe người dùng kiệt quệ, suy giảm. Trong trường hợp sử dụng lâu dài thì có thể nguy hiểm đến tính mạng và không dừng lại ở đó, khi nghiện cần sa thì người dùng sẽ không làm chủ được hành vi của mình và dẫn đến những hậu quả khó lường.

IV. Giải đáp thắc mắc về cần sa

1. Cần sa có phải là chất ma túy không?

Việc sử dụng cần sa đang gây ra những hậu quả đáng lo ngại và hồi chuông báo động cho người sử dụng, gia đình và xã hội, hoạt chất chính trong cần sa là THC (viết tắt của delta-9-tetrahydrocannabinol).

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất đã ghi nhận cần sa và các chế phẩm từ cần sa là chất ma túy. Trong đó, cần sa thuộc danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm phải theo quy định đặc biệt của cơ quan của thẩm quyền (Phần Phụ lục, Danh mục I).

Như vậy, cần sa là một loại chất ma túy, cấm sử dụng trong đời sống nên khi sử dụng cần sa và những chế phẩm từ cần sa sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Cần sa có bị cấm sử dụng hay không?

Cần sa là một chất ma túy, khi sử dụng cần sa sẽ sinh ra ảo giác, làm cho người sử dụng cần sa dễ gây ra các hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Do đó, Chính phủ đã liệt kê cần sa là một trong số các chất ma túy bị tuyệt đối cấm sử dụng trong đời sống xã hội thuộc Danh mục 1 được ban hành kèm theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Theo đó, cần sa và các chế phẩm của cần sa không được phép sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Trừ một số trường hợp việc sử dụng cần sa trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

3. Dụ dỗ, lôi kéo người dưới 18 tuổi hút cần sa thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Cần sa là một loại ma túy được quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Theo quy định tại khoản 1, 4, 5 Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì khi dụ dỗ, lôi kéo người dưới 18 tuổi hút cần sa thì có thể bị phạt tù, phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể về mức hình phạt là từ 01 năm đến 05 năm. Nếu trong quá trình dụ dỗ, lôi kéo sử dụng cần sa làm chết 02 người trở lên thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người lôi kéo, dụ dỗ còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Hình phạt cụ thể như thế nào còn dựa vào tình tiết vụ án và phán quyết của tòa án.

“Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

….

4. Phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

Như vậy, qua bài phân tích trên thì cần sa thuộc danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng và việc sử dụng cần sa thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi thì có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự. Chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi việc sử dụng cần sa trong cuộc sống hiện nay. Vì đây là một chất rất có hại cho bản thân người sử dụng, cũng như cho mọi người xung quanh.

Trên đây là bài viết về Vấn đề “Hút cần sa có vi phạm pháp luật hay không”, nếu còn thắc hoặc cần tư vấn rõ hơn về vấn đề trên, Quý bạn đọc hãy liên hệ ngay với NP LAW nhé.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn