Theo thống kê, hiện nay có hơn 80 thủ tục hành chính yêu cầu phải có Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ. Trong số đó, một số lĩnh vực quy định cụ thể về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp, thông thường là 06 tháng hoặc 01 năm kể từ ngày cấp; một số thủ tục chỉ quy định phải có Phiếu lý lịch tư pháp, không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Thực tế thì Luật LLTP và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này không quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP vì Phiếu LLTP là giấy tờ do Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Như vậy, thông tin xác nhận về tình trạng án tích của cá nhân (có án tích hay không) chỉ có giá trị từ thời điểm cấp Phiếu trở về trước. Nói cách khác, nội dung trong Phiếu LLTP chỉ có giá trị xác nhận về tình trạng án tích của cá nhân đó tính đến thời điểm cấp Phiếu. Do đó, rất khó để quy định về thời hạn sử dụng của Phiếu LLTP là bao nhiêu lâu. Bởi ngay sau thời điểm cấp Phiếu LLTP, cá nhân có thể lại phạm tội và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật (có án tích).
Trong những năm vừa qua, thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng các phương thức mới trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp Phiếu LLTP (cấp Phiếu qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu trực tuyến), ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tiếp nhận, tra cứu, xác minh thông tin và cấp Phiếu LLTP. Nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng như thực hiện tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu LLTP trên môi trường điện tử (trực tuyến) đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cấp Phiếu LLTP, rút ngắn tối đa thời gian tra cứu, xác minh thông tin, rút ngắn thời gian trả kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực LLTP, được dư luận và người dân đồng tình, ủng hộ.
Bạn đang xem: Thời hạn sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp, khó khăn và giải pháp
Trong thời gian tới, để đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức, cần tiếp tục cải cách thủ tục cấp Phiếu LLTP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa phương thức cấp Phiếu LLTP, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, giảm bớt gánh nặng, chi phí của người dân, chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục này. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó có quy định yêu cầu phải có Phiếu LLTP trong hồ sơ để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo quan điểm không lạm dụng, tiến tới thu hẹp dần phạm vi các lĩnh vực không cần thiết yêu cầu phải có Phiếu LLTP trong hồ sơ, thủ tục…
Xem thêm : Hoa Ngọc Lan nở vào mùa nào? Đặc điểm, ý nghĩa & Cách trồng
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, cần tăng cường cơ chế phối hợp, thông tin giữa cơ quan cấp Phiếu LLTP và các cơ quan có liên quan, xây dựng cơ chế liên thông giữa thủ tục cấp Phiếu LLTP và các thủ tục hành chính quy định phải có Phiếu LLTP trong hồ sơ, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu LLTP và tránh tuỳ tiện, gây khó khăn cho người dân./.
Hải Lam Phương
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp