Câu chuyện thành công của Masan: Bí mật chiến lược đằng sau câu chuyện “nâng tầm thương hiệu Việt’’ của ông lớn Masan

Masan Group là tập đoàn tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam, hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Vật liệu công nghiệp công nghệ cao, thịt mát có thương hiệu…

Là công ty 100% của Việt Nam, Masan khởi đầu từ những sinh viên du học ở Đông Âu với mong muốn thử sức mình ở lĩnh vực “mũi nhọn”: hàng tiêu dùng. Sau hơn 25 năm, Masan dần lớn mạnh và thu hút được đội ngũ nhân tài hơn 40.000 người tài năng trong và ngoài nước cùng chung chí hướng: phụng sự người tiêu dùng Việt Nam. Tin tưởng vào triết lý “Doing well by doing good”, sứ mệnh của Tập đoàn là cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vượt trội cho 100 triệu người dân Việt Nam, để họ chi trả ít hơn cho các nhu cầu cơ bản hàng ngày.

Vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19, Masan vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 vô cùng khả quan với doanh thu thuần trên 88 nghìn tỷ đồng, tăng trường 14,8% so với năm 2020. Hiện nay, giá trị vốn hóa của Masan đạt trên 170 nghìn tỉ VNĐ, vượt qua Vinamilk (khoảng 162 nghìn tỉ VNĐ) và đang tiếp tục bứt phá với các động lực tăng trưởng tiềm năng.

Vậy chiến lược đằng sau thành công đó là gì?

Năm 2020-2021, hoạt động của các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Dù vậy, Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã tận dụng thời cơ, thực hiện mua bán sáp nhập (M&A), từ đó tạo “cú hích” thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Các thương vụ M&A không chỉ giúp định hình lại năng lực tài chính của doanh nghiệp mà còn mở ra cơ hội mới cho các bên tham gia. Có những thương vụ giúp sinh ra lợi nhuận ngay lập tức, nhưng cũng những thương vụ giúp tạo tiền đề cho tương lai.

M&A cũng được xem như một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp hoàn chỉnh những mảnh ghép còn thiếu. Ở trường hợp của Masan, đó là mục tiêu trở thành tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online – offline.Hiện 90% giá trị bán lẻ đều thông qua mua bán kỹ thuật số, thương mại, còn khoảng 10% cũng ngày càng phát triển mạnh hơn về thương mại điện tử, chuyển từ mua bán truyền thống mở rộng sang kênh online.

Doanh nghiệp không chỉ đi theo hướng M&A với doanh nghiệp đầu nguồn, mà còn M&A các doanh nghiệp cuối nguồn. Những chiến lược này ngoài thực hiện ở Việt Nam, mà còn triển khai ở những thị trường khác như châu Âu.Thực tế, dù dịch COVID -19 diễn biến phức tạp, nhưng Masan đã thực hiện liên tiếp nhiều thương vụ M&A với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Danny Le cho biết, khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua nền tảng phục vụ chiến lược chung của Masan.Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng. Nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Tập đoàn Masan được vinh danh là công ty có Thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu năm 2019-2020.

Một thương vụ điển hình tốn nhiều giấy mực của báo giới đó là vào ngày 3/12/2019, Tập đoàn Masan và Vingroup đã thỏa thuận sáp nhập Công ty VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holdings để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – bán lẻ có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.

Việc sáp nhập này đã biến doanh thu mảng hàng tiêu dùng của Masan đạt tới hàng tỷ USD. Cụ thể, giai đoạn tháng 1-9/2020, VinCommerce đóng góp 23.678 tỷ đồng doanh thu, tức vượt 1 tỷ USD và chiếm 42,5% tổng doanh thu hơn 55.600 tỷ đồng của toàn hệ thống Masan.

Đến tháng 2/2020, Masan HPC – một công ty thành viên do Masan sở hữu 100% vốn đã mua thành công 52% cổ phần của Công ty cổ phần bột giặt Net (NETCO). Thông qua NETCO, Masan chính thức “tấn công” mảng chăm sóc cá nhân và gia đình, một thị trường có giá trị khoảng 3,1 tỷ USD.Sau khi sáp nhập với Masan, NETCO tăng trưởng rất mạnh mẽ. Cụ thể, trong giai đoạn tháng 1-9/2020, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt 1.109 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 104 tỷ đồng.

Trong ngành khai khoáng, Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials (mã chứng khoán: MSR), là công ty con của Tập đoàn Masan đã công bố hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh Vonfram của H.C. Starck vào tháng 6/2020. Giao dịch là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MSR nhằm trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới.

Mặc dù giá Vonfram trung bình 9 tháng năm 2020 đạt 222 USD /mtu, giảm 6% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng vonfram của MSR tăng mạnh, đạt 6,197 tấn nhờ hợp nhất H.C.Stark dẫn đến doanh thu từ Vonfram tăng mạnh.

Trong quý III/2020, Công ty cổ phần Masan MEATLife (mã chứng khoán: MML) cũng là công ty con của Tập đoàn Masan đã thâu tóm 51% cổ phần Công ty 3F VIỆT – doanh nghiệp nội địa có nền tảng sản xuất thịt gia cầm hàng đầu. Theo Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), việc nắm giữ 51% cổ phần của 3F có thể đóng góp tới hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu cho Tập đoàn Masan.

Không chỉ mua thêm các mảng kinh doanh, Tập đoàn Masan cũng thực hiện bán vốn cho các đối tác chiến lược.

Theo đó, Masan công bố bán 10% vốn công ty khoáng sản là CTCP Masan High-tech Materials cho Công ty Mitsubishi Materials Nhật Bản với tổng giá trị thu về 2.094 tỷ đồng.Thương vụ này là một phần trong cam kết thiết lập liên minh chiến lược nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu Vonfram công nghệ cao. Việc này sẽ giúp cho MSR tiếp cận thị trường hạ nguồn của sản phẩm khai khoáng gồm Vonfram, đồng…

Tổng giám đốc Masan Group – Danny Le (giữa) nhận chứng nhận Doanh nghiệp có thương vụ M&A tiêu biểu từ ông Trần Quốc Phương – thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (trái)

Bên cạnh đó,doanh nghiệp luôn chú trọng vào người tiêu dùng và tiêu dùng nội địa, hiện chiếm 50% thị phần và không ngừng thực hiện đổi mới sáng tạo giải pháp phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.

Khoảng 25 năm trước tại Việt Nam, Masan chỉ tập trung vào thức ăn gia vị, sau đó doanh nghiệp nhìn thấy nhiều tiềm năng khác như hàng tiêu dùng nhanh nên phát triển thêm ngành thức ăn gia vị mì, thức uống…Masan đã phát triển mở rộng theo chiều ngang với những mặt hàng khác nhau dựa vào khả năng đánh giá và tín hiệu của thị trường. Còn theo chiều dọc, chiến lược của Masan là phục vụ khách hàng và người tiêu dùng cuối cùng.

Masan: Hoàn thiện những mảnh ghép trong chiến lược “Point of Life’’

The CrownX – Nền tảng tiêu dùng bán lẻ thu hút mạnh mẽ giới đầu tư

Chính thức hoạt động từ tháng 6.2020, TCX (The CrownX) là doanh nghiệp hợp nhất mảng tiêu dùng (Masan Consumer Holdings) và bán lẻ (WinCommerce – tên trước đây là VinCommerce). Khi thành lập TCX, Masan cho biết, đây chính là nền móng, là chương đầu tiên của chiến lược Point of Life – phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.

Hiện có gần 3.000 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ trên cả nước

Sau khi về tay Masan, WinCommerce từng bước cải thiện hiệu quả kinh doanh và lần đầu tiên ghi nhận Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao EBITDA dương trong quý 4/2020. Đây là trái ngọt đầu tiên của chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng và bán lẻ.

Nhờ thành quả này, năm 2021, Masan dần khẳng định vị thế của “người khổng lồ” ngành tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam và thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ các “đại gia” quốc tế.

Tháng 4.2021, Tập đoàn SK của Hàn Quốc đầu tư 410 triệu USD mua lại 16,15% cổ phần của VCM. Tháng 5.2021, Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỉ lệ sở hữu sau phát hành. Đây là thương vụ PE (các công ty cổ phần tư nhân) có giá trị cao nhất trong giai đoạn 3 quý đầu năm 2021, thể hiện sức hút của mảng tiêu dùng – bán lẻ trong mắt các nhà đầu tư. Sau giao dịch, TCX được định giá 6,9 tỉ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu.

Tính đến nay, SK Group đã đầu tư hơn 1,2 tỷ USD vào Tập đoàn Masan và các công ty thành viên. Đây chính là đối tác nhận lớn nhất của SK tại thị trường Việt Nam.

Đáp lại niềm tin của nhà đầu tư, Masan tiếp tục khẳng định năng lực vận hành doanh nghiệp khi cải thiện lợi nhuận thành công tại WCM trong quý 3/2021. Tập đoàn ghi nhận quý đầu tiên WCM đạt lãi ròng, chỉ sau 7 quý kể từ lúc được Masan mua lại. Kết quả này khẳng định chiến lược đúng đắn của Masan – tập trung phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng nâng cao của người Việt.

Đến ngày 24/5/2021, Công ty TNHH The Sherpa – thành viên của Tập đoàn Masan, thông báo mua lại 20% vốn Phúc Long với giá 15 triệu USD. Sau khi thương vụ hoàn tất, VinCommerce cùng với Phúc Long triển khai mô hình kiosk tại các cửa hàng VinMart+. Hiện 2 bên đã thử nghiệm mở 4 kiosk Phúc Long trong VinMart+ tại thành phố Thủ Đức và dự định mở 1000 kiosk tương tự trong vòng 18-24 tháng tiếp theo.

Không dừng lại ở đó, vào tháng 1/2022, Masan đã mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.

Theo Vietnamnet, Phúc Long là mảnh ghép cần có trong nền tảng Point of Life của Masan. Có thể nói, Masan là thương hiệu đình đám trên thị trường M&A khi liên tục mở rộng hệ sinh thái qua các thương vụ mua bán – sáp nhập. Chẳng hạn, Vinacafé Biên Hoà, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Bia Sư Tử Trắng, Hệ thống bán lẻ VinCommerce, hay Hãng sản xuất bột giặt NET… Với bước đi tương tự, Masan bắt tay cùng Phúc Long để dần hoàn thiện các mảnh ghép quan trọng trong chiến lược phát triển hệ sinh thái tiêu dùng Point of Life.

Báo Vietnam Mới trích dẫn 4 yếu tố chính giúp Masan mở rộng quy mô doanh nghiệp mà ban lãnh đạo thấy được ở Phúc Long.

  • Thứ nhất, Phúc Long là một trong những hãng đứng đầu thị trường bán lẻ các sản phẩm truyền thống được đổi mới từ trà và cà phê.
  • Thứ hai, Phúc Long là một trong các thương hiệu bình dân được người tiêu dùng tin tưởng, đặc biệt là phân khúc trẻ.
  • Thứ ba, Phúc Long hưởng lợi từ dư địa tăng trưởng dồi dào tại thị trường miền Bắc.
  • Cuối cùng, Masan khai thác lợi thế của mô hình tích hợp giữa Phúc Long và VinMart+. Bởi dựa vào kết quả kinh doanh của mô hình thí điểm, hợp tác này góp phần tăng biên lợi nhuận của toàn hệ thống cửa hàng VinMart+ hơn 4% so với mức hiện tại.

Trong khi đó, trang Nhịp sống kinh tế nhấn mạnh công cuộc trẻ hóa thương hiệu của VinMart+. Ông Trương Công Thắng – Tổng Giám đốc VinCommerce cho biết “sẽ biến chuỗi cửa hàng VinMart+ trở thành biểu tượng phong cách sống mới và hiện đại, là điểm đến cho mọi lứa tuổi từ các bạn trẻ đến các cô chị nội trợ trên khắp Việt Nam”. Ở đây “mọi lứa tuổi” là từ khóa quan trọng trong chiến lược của VinCommerce trong thời gian tới. Xưa nay, chuỗi bán lẻ chỉ tập trung vào bán sản phẩm tiêu dùng thiết yếu với hộ gia đình. Thế nên, việc kết hợp với Phúc Long – một trong những thương hiệu đồ uống ưa thích của giới trẻ, giúp VinMart+ tiếp cận dễ dàng hơn đến nhóm đối tượng khách hàng này.

Thương hiệu trà Phúc Long

Ngay sau đó, Tập đoàn bắt đầu thí điểm mô hình mini-mall từ tháng 6.2021 với cửa hàng đầu tiên đặt tại WinMart+ Udic (Hà Nội), hướng tới đối tượng khách hàng gia đình, khu dân cư. Cửa hàng tích hợp kiosk Phúc Long cùng quầy giao dịch ngân hàng Techcombank, giúp khách hàng tận hưởng nhiều tiện ích mà không phải di chuyển nhiều nơi.

Từ lúc triển khai mô hình, Masan ghi nhận lưu lượng khách hàng và lợi nhuận tại các điểm bán WCM đều tăng đáng kể. Với việc tích hợp thương hiệu Trà-café Phúc Long vào WinMart+, Tập đoàn này nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng vốn có, chinh phục thế hệ người tiêu dùng trẻ có phong cách sống hiện đại. Bước đi này chứng minh hiệu quả khi kiosk Phúc Long biến WinMart+ thành điểm đến yêu thích của giới trẻ, đóng góp cho mỗi cửa hàng trung bình 5 triệu đồng doanh thu mỗi ngày.

Hoạt động kinh doanh khởi sắc tại cửa hàng thí điểm đầu tiên là động lực để Masan đẩy mạnh nhân rộng quy mô của mini-mall. Trong tháng 10 và 11.2021, tập đoàn liên tục khai trương nhiều cửa hàng theo mô hình này tại TPHCM và Hà Nội, đồng thời tích hợp thêm quầy dược phẩm Phano và mạng di động mới Reddi. Đây là nhà mạng mới với ưu điểm vượt trội về lưu lượng data, sóng khỏe, đề cao tự do trải nghiệm và cá nhân hóa người dùng. Khách hàng hòa mạng Reddi còn được tích lũy điểm khi chi tiêu tại VinMart, VinMart+, Phúc Long và được hoàn tiền từ 1 – 3%.

“Reddi là mảnh ghép chính để chúng tôi xây dựng chương trình khách hàng thân thiết, chính sách thu hút người dùng mới dựa trên hợp tác thương hiệu. Reddi mang đến các gói dữ liệu thiết yếu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm trên toàn hệ sinh thái Masan”, đại diện tập đoàn này nói thêm.

Ngoài ra, nhà mạng này có thể mở rộng sang lĩnh vực thanh toán, hướng đến đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng trong bối cảnh mobile money vừa được cấp phép hoạt động. Theo HSBC, nếu đạt 1% thị phần mobile tại Việt Nam vào năm 2025, mức đóng góp doanh thu của Reddi cho tập đoàn sẽ chiếm 1%.

Các cửa hàng mini-mall tích hợp kiosk Phúc Long, dịch vụ ngân hàng Techcombank,

dược phẩm Phano là một phần trong chiến lược Point of Life của Masan.

Thời gian tới, Masan lên kế hoạch trung hạn để tái mở rộng quy mô trên toàn quốc đồng thời duy trì việc có lợi nhuận. Tập đoàn đặt mục tiêu gia tăng mức đóng góp của danh mục nhãn hàng riêng, chiếm 20-25% doanh số kênh bán lẻ hiện đại. TCX sẽ thúc đẩy xu hướng mua sắm nhu yếu phẩm trên kênh online, đặt mục tiêu kênh online đóng góp trên 5% vào tổng doanh thu hay đạt 50.000 đơn hàng/ngày.

MCH (Masan Consumer Group) sẽ hợp tác với 2.000 – 3.000 đối tác bán lẻ truyền thống để thúc đẩy mô hình nhượng quyền của WCM. Sau khi tích hợp Mobicast, doanh nghiệp sở hữu mạng di động Reddi, tập đoàn sẽ phát triển chương trình khách hàng thân thiết và hệ thống thanh toán thông qua ví di động nhằm mang đến giá trị dài hạn cho người tiêu dùng, đồng thời duy trì mô hình thu hút khách hàng mới có chi phí thấp.

“Tăng tốc” trong năm 2022

Với các chiến lược đột phá và kết quả kinh doanh của năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group trong năm 2022 ước tính sẽ từ 90 – 100 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.

Trong đó, doanh thu thuần của WCM năm 2022 dự kiến trong khoảng từ 38 – 40 nghìn tỷ đồng, tăng 23% đến 29% so với năm 2021, nhờ vào tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng hiện có và việc mở rộng hệ thống cửa hàng. Việc nhân rộng số lượng cửa hàng áp dụng cách bài trí mới, tập trung vào sản phẩm tươi sống, nhãn hàng riêng và tăng tốc mô hình mini-mall sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Masan đặt mục tiêu gia tăng lợi nhuận thông qua tăng cường đàm phán với nhà cung cấp, cắt giảm chi phí hậu cần và cải thiện khả năng phân phối.

Về phía MCH, doanh thu thuần năm 2022 dự kiến đạt mức 34 – 40 nghìn tỷ đồng, tăng 18 – 39% so với năm 2021. Động lực tăng trưởng đến từ chiến lược cao cấp hóa, tăng trưởng ở các ngành hàng cốt lõi và phát kiến mới, cùng với việc gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng thông qua chuỗi WCM và các nhà bán lẻ thương mại hiện đại khác.

Masan MEATLife chuyển đổi hoàn toàn sang nền tảng thịt có thương hiệu. Mảng thịt heo và thịt gà gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng thông qua kênh WCM và các kênh thương mại hiện đại khác. Các phát kiến mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Về phía mạng di động Reddi, dù còn non trẻ nhưng lại sở hữu tiềm năng lớn khi tận dụng được data “khủng” của hệ sinh thái Masan. Hơn thế, nhà mạng này cũng có nhiều lợi thế so với đối thủ khi mang đến nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể thực hiện chuyển mạng giữ số để tận hưởng những lợi ích vượt trội khi hòa mạng Reddi.

Chủ tịch Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Mục tiêu sắp tới là chuyển đổi The CrownX thành nền tảng tiêu dùng, công nghệ hàng đầu. Trong năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần đến phân phối để phục vụ 100 triệu người Việt. Bước đi này không chỉ tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và machine learning (máy học) nhằm nâng cao hiểu biết về khách hàng, phục vụ các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất”.

HSBC Global Research gọi sự chuyển đổi của Masan là “hành trình đại gia bán lẻ trở thành siêu ứng dụng”. Sự tích hợp này có thể giúp cải thiện doanh số bán hàng trên mỗi mét vuông, từ đó thúc đẩy lợi nhuận tương lai.

Bài học từ thương vụ M&A giữa doanh nghiệp nước ngoài với thương hiệu Việt qua câu chuyện của Masan

Tính đến nay chưa có bất cứ một số liệu cụ thể, chính xác nào về số lượng thương hiệu Việt bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài mua lại nhưng lớn nhất đến thời điểm này phải nói tới thương vụ nhà đầu tư Thái Lan mua lại Sabeco. Trước đó, hàng loạt thương hiệu Việt bị cũng bán như bánh kẹo Kinh Đô, băng vệ sinh Diana, Xúc xích Đức Việt, Phở 24h, Highland Coffee…

Một số các thương hiệu Việt đã trở thành thành viên của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như bia Huda, Sabeco, X men… Và sau khi đã trở thành doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các công ty này đã báo lỗ dù doanh số liên tục tăng trưởng. Ví dụ như thương hiệu đồ uống Highland Coffee, sau khi chuyển giao cho đối tác Philippines, thương hiệu này dù tăng trưởng doanh số tới 91% nhưng vẫn bị lỗ vài tỷ đồng một năm. Hay Sabeco, một doanh nghiệp nhà nước lợi nhuận tăng liên tục trong 4 năm cho đến trước khi chuyển giao cho tỷ phú người Thái. Tuy nhiên ngay năm đầu tiên tiếp quản, Sabeco báo lỗ.

Thất thu thuế là điều đầu tiên mà Việt Nam bị tác động sau khi các thương hiệu Việt bị bán. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng sẽ được ưu đãi thuế trong vài năm đầu tiên khi chính thức trở thành các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nên chuyện bị hụt ngân sách khi bán đi các thương hiệu cũng là điều tất nhiên. Việc sáp nhập hay mua lại là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập tuy nhiên cần đảm bảo lợi ích của người Việt và nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó việc mua bán, sáp nhập này có thể ảnh hưởng đến nền sản xuất của Việt Nam. Ví dụ, các nguồn nguyên vật liệu đầu vào, trước đây, có thể lấy từ các nhà cung cấp Việt Nam nhưng các nhà đầu tư nước ngoài có quyền thay đổi các nhà cung cấp, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến cả một chuỗi cung ứng trong dài hạn. Vì các công ty này thường đặt mục tiêu lợi nhuận của họ lên hàng đầu.

Vingroup hợp tác với Masan từ chối lời đề nghị 1 tỷ USD

Tuy nhiên gần đây, Vingroup quyết định chuyển giao toàn bộ việc điều hành VinMart, chuỗi VinMart+ và Công ty VinEco sang Tập đoàn Masan. Tập đoàn này quyết định hợp lực với doanh nghiệp nội chứ không hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để cân bằng thị trường bán lẻ trong nước. Dù Tập đoàn SK (Hàn Quốc) muốn đầu tư 1 tỷ USD vào VinCommerce nhưng Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty mẹ của VinCommerce) vẫn từ chối để quyết định bắt tay với Masan nhằm tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ thuần Việt.

Chủ tịch tập đoàn Masan-Nguyễn Đăng Quang trái ,Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng phải

Thực tế, những doanh nghiệp có quyết tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu Việt như Vingroup là không nhiều Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu chúng ta không có chính sách nào để giữ gìn các thương hiệu Việt thì đến một lúc nào đó, những thương hiệu lớn nhất của Việt Nam, vì khó khăn sẽ dần dần bị mua lại bởi các tập đoàn đa quốc gia, các nguồn vốn nước ngoài. Vấn đề này thoạt nhìn có thể thấy nó không ảnh hưởng tới nền kinh tế, nhưng lâu dài “sẽ mất nhiều hơn được”.

Công bố mới nhất của Brand Finance cho thấy, thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2019 đã tăng 12 tỷ USD (lên đến 247 tỷ USD). Khi đánh giá một thương hiệu quốc gia, Brand Finance dùng các chỉ số quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP, các yếu tố về môi trường pháp luật, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, việc đào tạo nguồn nhân lực của đất nước, các chỉ số về du lịch… Ngoài ra, còn một chỉ số khá quan trọng là sức mạnh thương hiệu của các công ty. Tuy nhiên, chỉ số sức mạnh thương hiệu của các công ty Việt Nam thời gian qua hầu như giữ nguyên nên cũng không đóng góp được nhiều cho giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung. Về mặt luật pháp, nếu các thương hiệu bị bán vẫn được niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam thì có thể vẫn được tính là thương hiệu Việt, chỉ khác là chủ sở hữu là người nước ngoài. Những thương hiệu sản phẩm đó được xuất phát từ Việt Nam thì nó vẫn được coi là thương hiệu Việt và vẫn được tính như là đầu vào chỉ số sức mạnh của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ việc các thương hiệu Việt bị mua lại bởi các tập đoàn nước ngoài. Việc mua bán này chỉ giải quyết được bài toán ngắn hạn về cân đối vốn, về lâu dài Nhà nước sẽ mất đi nguồn thu trực tiếp từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến ngân sách thụ hưởng sau này.

Dù vậy, việc bán thương hiệu Việt cho các tập đoàn quốc tế có thể được coi là một thành công của ông chủ Việt vì họ nhận ra rằng, cuộc chiến trong thị trường này rất cam go, không thể tự mình gồng gánh được. Đây cũng chính là vấn đề đối với các doanh nghiệp Việt, đa phần đều thiếu tư duy chiến lược dài hạn. Trong khi đó ở nước ngoài, một công ty sẽ được giữ gìn, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác và tạo nên những thương hiệu mang chỉ dấu quốc gia rất rõ ràng.

Nếu nhìn từ góc độ tích cực thì những cuộc mua bán thương hiệu có thể thúc đẩy các công ty tư nhân khác chú tâm để xây dựng thương hiệu tốt hơn, để bán được với giá tốt. Nhưng nếu nhìn theo một góc khác sẽ thấy, khi đã bán đi rồi thì không còn khai thác được gì nữa, mọi quyền lợi sau đó sẽ thuộc về nước ngoài, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được. Đặc biệt, khi đã bán đi thương hiệu mình đã khổ công xây dựng thì sẽ rất khó để có thể xây dựng được một thương hiệu khác thành công tương tự.

Xây thương hiệu thành công để bán, rồi lại xây thương hiệu mới là một sai lầm vì không dễ gì để có thể xây dựng được một thương hiệu lớn. Bởi thời điểm trước đây, thị trường còn rất mới nên cơ hội để vươn lên rất dễ, nhưng thời điểm này đã khác rất nhiều và khó khăn hơn rất nhiều nên cần phải gìn giữ những thương hiệu mà Việt Nam đã xây dựng được.

Liệu thị trường M&A có tiềm năng cho doanh nghiệp Việt ?

Mặc dù vậy, trong bối cảnh mới, mục tiêu khi xác định một thương vụ M&A thành công thay đổi theo những yêu cầu, tầm nhìn của doanh nghiệp đang là bài toán cần lời giải. Tại Việt Nam, chuyển đổi mạnh mẽ ở lĩnh vực internet, công nghệ 4.0 đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng nhiều hơn. Riêng đối với thị trường M&A, internet vừa tạo điều kiện cho các thương vụ diễn ra thành công hơn, vừa là nền tảng tốt để đáp ứng nhu cầu xuyên biên giới và mở rộng thị trường toàn cầu.

Như Masan đã biết tận dụng rất tốt thời thế để chuyển mình bứt phá sau hàng loạt thương vụ M&A trong nước.Tuy nhiên theo phân tích chúng tôi đề ra ở trên, doanh nghiệp của bạn nên cân nhắc trước khi quyết định thương vụ này với các đối tác nước ngoài.

Về việc liên quan đến dự báo mô hình phục hồi của thị trường M&A trong giai đoạn 2021-2022, nhà đầu tư và nghiên cứu đưa ra những dự báo khác nhau về giá trị thị trường M&A tại Việt Nam. Tuy hầu hết dự báo đều thận trọng về sự hồi phục của thị trường M&A năm 2021 nhưng cũng cho thấy nhiều tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Theo ông Ong Tiong Hooi, Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn thương vụ và Thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam, cùng với xu hướng toàn cầu, ngành M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay.

“Đến thời điểm hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng nhưng các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi, đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực năm 2021. Bên cạnh đó, sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19”, ông Ong Tiong Hooi nhận định.

Phân tích chi tiết về tác động của chính sách mới đối với thị trường M&A, TS. Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng chỉ ra rằng, ba Bộ luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có 3 điểm quan trọng tác động đến thị trường M&A Việt Nam. Trong đó, Luật Doanh nghiệp nâng cao sự bảo vệ an toàn của người mua, ngôn ngữ của luật là nâng cao mức độ bảo vệ “cổ đông” – là người mua trong các thương vụ M&A.

Còn theo quy định Luật Đầu tư, Chính phủ cam kết thực hiện nghiêm chỉnh việc ban hành danh mục theo nguyên tắc loại trừ, những ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư, hạn chế đầu tư (quy định rõ hạn chế gì, hình thức, quyền, sở hữu…). Để hỗ trợ, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán cũng có những quy định rõ ràng về giới hạn sở hữu nước ngoài. Tuy vấn đề này không mới nhưng rõ hơn rất nhiều và đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp chờ đợi nhất là danh mục cụ thể hơn trước đây.

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19 và yếu tố căng thẳng thương mại toàn cầu, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép đã tạo được niềm tin cho thị trường M&A Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung. Tuy có nhiều hướng đi khác nhau nhưng các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhìn nhận, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư quay lại thị trường, nhất là thực hiện thương vụ M&A trong thời gian tới.

Taca Business Consulting,