Mất giấy ly hôn xin lại ở đâu? Cấp lại quyết định, bản án ly hôn?

Video mất giấy ly hôn xin lại ở đâu

Hiện nay, nhiều trường hợp khi thực hiện thủ tục ly hôn thì nhận được quyết định ly hôn nhưng trong quá trình cất giữ giấy tờ thì nhiều người làm mất, hư hỏng, thất lạc giấy ly hôn,… Tuy nhiên, đến khi họ thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người mới thì gặp khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi làm làm mất, hư hỏng, thất lạc giấy ly hôn. Vậy, Giấy ly hôn được hiểu như thế nào? Mất giấy ly hôn xin lại ở đâu? Cấp lại quyết định, bản án ly hôn ở đâu? Thủ xin cấp bản trích lục ly hôn quyết định ly hôn khi mất giấy ly hôn được thực hiện như thế nào? Mẫu đơn xin cấp lại quyết định, bản án ly hôn?

Cơ sở pháp lý:

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

– Nghị quyết 326/2016/UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại: 1900.6568

1. Giấy ly hôn được hiểu như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Bản án ly hôn được hiểu là văn bản ghi nhận phán quyết của Tòa án sau khi xét xử một vụ án ly hôn. Bản án chính là sự đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử, do vậy nội dung bản án ly hôn phải phản ánh những kết quả của phiên tòa và ý kiến phân tích, đánh giá của hội đồng xét xử. Theo quy định pháp luật hiện hành, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có nhiệm vụ viết bản án.

Quyết định được hiểu là loại văn bản thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt nam, quyết định được ban hành bỏi người đứng đầu tổ chức, cơ qua nhân danh người ký hoặc nhân danh tổ chức, cơ quan đó.

Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn như sau:

– Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

– Tòa án đã giải quyết ly hôn có trách nhiệm phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để cơ quan này tiến hành ghi vào sổ hộ tịch; các bên ly hôn; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan (nếu có).

Như vậy, có thể hiểu giấy ly hôn chính là bản án, quyết định của của Tòa án về việc công nhận việc ly hôn của các bên.

2. Mất giấy ly hôn xin lại ở đâu? Cấp lại quyết định, bản án ly hôn?

Hiện nay, căn cứ vào Điều 369 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án như sau:

– Kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án trong thời hạn 03 ngày làm việc;

– Trong thời hạn 10 ngày Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp tính kể từ ngày tuyên án;

– Bản án sơ thẩm giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và Tòa án phải công bố công khai trên một trong các báo hàng ngày của địa phương hoặc trung ương trong ba số liên tiếp.

– Bản án sơ thẩm có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì phải được Tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án cho Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó theo quy định của Luật hộ tịch năm 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc niêm yết, công bố, gửi bản án, thông báo nêu trên kể là 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

– Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ Tòa án được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Trừ trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có chứa thông tin quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể:

+ Tòa án không công khai nội dung chứng cứ, tài liệu có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, thuần phong mỹ tục của dân tộc theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai.

Như vậy, theo quy định pháp luật sau khi giải quyết ly hôn, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra bản án, quyết định ly hôn thì Tòa án có trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn đến hai bên vợ, chồng trong trường hợp hai bên vợ, chồng ly hôn. Mỗi bên chỉ được cấp 1 bản chính quyết định ly hôn, trường hợp làm mất bản gốc thì chỉ có thể tiến hành thủ tục xin cấp bản trích lục quyết định ly hôn hoặc xin sao y bản gốc của quyết định ly hôn đã mất.

Căn cứ theo Khoản 21 Điều 70 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định trong đó đương sự có quyền được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Tòa án. Theo đó, trích lục bản án thực tế được hiểu là việc cơ quan nhà nước (tòa án) cấp lại một bản sao nội dung bản án, quyết định trong hồ sơ gốc. Cố nghĩa là khi đương sự tham dự và có vai trò trong một phiên tòa thì tòa án sẽ đưa ra phán quyết, tiến hành lưu giữ hồ sơ gốc và cơ quan nhà nước cấp lại bản án, quyết định khi công dân có yêu cầu và cung cấp hồ sơ hợp lệ.

Do đó, trường hợp mất giấy ly hôn xin lại tại Tòa án nhân dân nơi đã giải quyết việc ly hôn của hai bên vợ, chồng. Từ đó xin trích lục bản/bản sao y bản chính của quyết định ly hôn mà đã mất. Cần lưu ý rằng giá trị pháp lý của bản trích lục ly hôn/bản sao y bản gốc quyết định ly hôn này tương đương với giá trị pháp lý của bản án, quyết định gốc đã được Tòa án cấp trước đó.

3. Thủ xin cấp bản trích lục ly hôn quyết định ly hôn khi mất giấy ly hôn:

Để được cấp bản trích lục ly hôn quyết định ly hôn khi mất giấy ly hôn cần thực hiện thủ tục như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Để được cấp bản trích lục ly hôn quyết định ly hôn khi mất giấy ly hôn vợ hoặc chồng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cần chuẩn bị giấy tờ sau:

(1) Đơn xin cấp bản sao bản án, quyết định ly hôn. Cần lưu ý ghi rõ thông tin người xin cấp lại giấy ly hôn như: số, ngày ban hành bản án, quyết định của Tòa án, tên vụ án, các bên đương sự,…

(2) Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân: Bản sao công chứng/chứng thực

(3) Văn bản ủy quyền cho cơ quan, tổ chức khác thực hiện thủ xin cấp bản trích lục ly hôn quyết định ly hôn khi mất giấy ly hôn (nếu có);

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân nơi đã cấp bản án, quyết định ly hôn.

Bước 3: Tòa án nhân dân xem xét giải quyết

Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày người có yêu cầu cấp trích lục quyết định, bản án ly hôn nộp hồ sơ xin trích lục bản án ly hôn. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Tòa án có trách nhiệm trích lục bản án ly hôn cho người đã yêu cầu. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Tòa án ra thông báo yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Căn cứ theo Điều 45 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định ly hôn theo quy định là 1.500 đồng/trang A4 (ban hành kèm theo phụ lục Nghị quyết 326/2016/UBTVQH).

4. Mẫu đơn xin cấp lại quyết định, bản án ly hôn?

Mẫu đơn xin cấp lại quyết định, bản án ly hôn được soạn thảo theo mẫu sau đây:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

….., ngày … tháng… năm…

ĐƠN XIN SAO LỤC BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH

Kính gửi: Tòa án Nhân dân …

Tội tên là: …sinh năm:…giới tính:..

Địa chỉ thường trú: …

Địa chỉ tạm trú: …

Tôi là (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) … trong vụ… đã được Tòa án nhân dân …giải quyết tại bản án, quyết định số …/HSST ngày …tháng…năm…

Tôi đề nghị Tòa án cho tôi được sao lục….bản án, quyết định nêu trên để tiện việc sử dụng

NGƯỜI LÀM ĐƠN.

(ký tên ghi rõ họ tên)