Hôn nhân ‘gió tầng nào gặp mây tầng đó’

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video mây tầng nào gặp mây tầng đó

Cô gái 33 tuổi sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội, xinh xắn, thông minh và luôn mang cảm giác vui vẻ cho người đối diện. Không ít chàng trai có điều kiện tốt theo đuổi Linh. Mối tình đầu của cô là giám đốc một công ty đa quốc gia, xuất thân trong gia đình trí thức nhiều đời.

Được gia đình bạn trai quý mến, song Linh luôn cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi vì phải gồng mình, lựa cách ăn nói, đi đứng cho “vừa mắt bố mẹ người yêu”. Nhà cô nửa trí thức, nửa kinh doanh nên phong cách sống có phần thoải mái, ít quy tắc. Linh kể, ngay cả khi đi cạnh bạn trai cô cũng cảm thấy khó vì anh khá khắt khe, đòi hỏi phải chuẩn mực cả với những tiểu tiết vì đã được rèn giũa trong gia đình nề nếp. “Cảm giác gò bó lớn dần, cho đến một lúc mình thấy không chịu được nữa nên quyết định chia tay”, cô kể.

Đến khi yêu chàng trai, nay là chồng cô thì khác. Đức Mạnh có cùng xuất phát điểm với Linh, hai gia đình tương đồng về điều kiện, văn hóa, phong cách sống. Ở bên anh và gia đình anh, cô không thấy khác biệt, lạ lẫm. Hai người dễ chia sẻ, đồng quan điểm, Linh có tiếng nói và sự tự tin trong mối quan hệ. “Mình nghĩ chính ‘gió tầng nào mây tầng đó’ là chìa khóa cho mối quan hệ tri âm, tri kỷ của vợ chồng”, Phương Linh nói.

“Gió tầng nào gặp mây tầng đó” là một trong những câu nói được nhiều người trích dẫn khi bàn về quan hệ tình cảm. “Gió” và “mây” đại diện cho năng lực, gia cảnh, kinh tế, bằng cấp và cả tâm hồn mỗi người. Trong tình yêu, câu này có nghĩa địa vị, kinh tế, học vấn, tâm hồn của bạn ở đâu, sẽ có người tương xứng như thế.

Sự kết hợp này được khoa học gọi là “kết đôi đồng đẳng”, hay những người có hoàn cảnh giống nhau, nhất là trình độ học vấn hoặc tài chính, có xu hướng tự động xích lại và kết đôi. Nhiều nghiên cứu cho thấy mô hình này đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây.

Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Hàn Quốc (BOK) công bố năm 2022, cho thấy trong 33 nền kinh tế thành viên của OECD (Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế), chỉ số trung bình của các cuộc hôn nhân có cùng thu nhập là 1,6, cao hơn nhiều so với 1,16 của Hàn Quốc hay 1,32 của Nhật Bản. Ở các nước phương Tây như Mỹ là 1,5, Anh 1,71.

Báo cáo dựa trên phân tích dữ liệu khảo sát hộ gia đình từ năm 2005 đến năm 2019. Chỉ số càng gần 1, tần suất nam nữ ở các mức thu nhập khác nhau kết hôn càng nhiều.

Theo nhà kinh tế học Park Yong-min thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế tại BOK, ở các quốc gia lớn, đàn ông có thu nhập cao ít có khả năng cưới phụ nữ có mức thu nhập kém hơn hẳn họ.

Những người có hoàn cảnh giống nhau, nhất là trình độ học vấn hoặc tài chính, có xu hướng kết đôi. Ảnh minh họa: Nguyệt Ánh

Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực hẹn hò, Vũ Nguyệt Ánh, CEO đơn vị hẹn hò cao cấp ở Hà Nội, tác giả các cuốn sách Hẹn hò kiểu kén và Bắt đầu từ đâu để hết một mình, cho biết dịch vụ của chị xem “tầng mây” là một điều kiện cần thiết để sàng lọc khách hàng. Mọi hồ sơ đều phải xác định trình độ học vấn, công việc, thu nhập, tình trạng hôn nhân. Quan điểm này từng bị phản đối vì nhiều người cho rằng tình yêu không có tiêu chuẩn nào hết, chỉ là rung động của hai con tim. Việc xác thực là vô nghĩa, thực dụng, biến tình yêu trở nên trần trụi.

“Chúng tôi hiểu rằng khách hàng là những người kén chọn, quan tâm tới các yếu tố này và coi đó là điều kiện ‘cần’ trước khi xem xét các yếu tố cảm tính ‘đủ’ để lựa chọn đối tượng tiến đến tình yêu, hôn nhân”, Nguyệt Ánh nói.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, Nguyệt Ánh cũng cho rằng các điều kiện, tiêu chuẩn này chỉ nên tương đối chứ không nên cực đoan, cứng nhắc, đặc biệt nhất là trường hợp “xác định sai tầng của mình”.

Từng có một nữ khách hàng thu nhập khoảng 300 triệu đồng đăng ký dịch vụ với tiêu chí “Tuyệt đối không gặp người có thu nhập thấp hơn”. Lại có khách nam yêu cầu bắt buộc gia đình bạn gái phải có truyền thống sư phạm hoặc nghiên cứu khoa học, không chấp nhận các ngành nghề khác.

“Các trường hợp này chúng tôi đều từ chối phục vụ ngay cả khi sẵn có nhiều đối tượng đủ tiêu chuẩn của họ”, Ánh nói.

Chị khẳng định luôn khuyến khích khách hàng đến với nhau bằng rung cảm chân thành, lắng nghe cảm xúc của mình thay vì quá câu nệ những gạch đầu dòng kiểu danh sách tiêu chuẩn (check-list). Không thể phủ nhận gia cảnh sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của một người, tác động hai người có hợp, chia sẻ và sống được với nhau không, nhưng không đồng nghĩa với việc khư khư ôm một mớ tiêu chuẩn đi tìm người yêu.

“Tình yêu quá lệ thuộc vào ‘check-list’ sẽ không còn là tình yêu nữa, mà chỉ giống như việc tuyển dụng lao động theo đúng JD (mô tả công việc)”, chuyên gia hẹn hò nói.

Denise Sandquist, Giám đốc điều hành, đồng sáng lập một số ứng dụng hẹn hò tại Việt Nam, tin việc có những điểm chung có thể dẫn đến ít khác biệt và tranh cãi hơn, giúp hôn nhân bền vững hơn nhưng các đặc điểm tin tưởng, tôn trọng, thỏa hiệp và cam kết là một số thành phần cốt lõi tạo nên một cuộc hôn nhân thành công. “Sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn có cùng đẳng cấp, địa vị xã hội, học vấn mà những đặc điểm này không được đáp ứng”, bà nói.

Tình yêu, hôn nhân muôn hình vạn trạng và khó định nghĩa. Cuối cùng theo nữ CEO, cần xem xét điều quan trọng nhất với mỗi người là gì. Nếu một người quan tâm nhiều đến địa vị và tài chính, rõ ràng đó là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi chọn bạn đời. Lại có những trường hợp khác, có khi chỉ cần vợ xinh, “trời mưa biết chạy vào nhà là đủ”. “Tình yêu và một mối quan hệ lâu dài luôn phức tạp và không chỉ có một giải pháp phù hợp với tất cả”, Denise nói.

Hải Anh, 29 tuổi, thư ký trong một công ty đa quốc gia trong lĩnh vực đồ thể thao ở Hà Nội, đến từ một gia đình có điều kiện và đã được sắp đặt nhiều mối quan hệ cùng tầng lớp nhưng cô luôn thấy nhạt nhẽo. Năm ngoái, cô chủ động tìm đến dịch vụ mai mối với yêu cầu chỉ “cần người chân thành, yêu thương”.

Cô được giới thiệu hai ứng viên. Một người là giám đốc công ty trong lĩnh vực y tế, trẻ và tài năng. Mặc dù chàng trai rất thích vẻ nữ tính, nhẹ nhàng của Hải Anh cô lại không ưng vì “anh ấy xuất chúng sẽ bận rộn, còn tôi muốn một người ưu tiên gia đình hơn”.

Đến người thứ ba, anh làm ngành công nghệ nên có vẻ ngoài xuề xòa, sống làm việc ở Nhật nhiều năm nên phong cách đơn giản, trầm tính. Lần đầu gặp nhau anh đi xe máy, còn cô đi ôtô. Kết thúc buổi hẹn đầu, Hải Anh có cảm tình vì anh thật thà, ấm áp. Còn chàng trai cũng có thiện cảm vì thấy cô là người tinh tế. Thấy anh hơi ho, cô gọi phục vụ bỏ bớt đá khỏi cốc nước.

Sau buổi đầu, họ nói chuyện với nhau hàng ngày. Buổi hẹn tiếp theo trời mưa lạnh, Hải Anh nhắn bạn trai để mình đi ôtô đến đón. Sự quan tâm chân thành của cô làm anh IT “đổ” luôn, vì trước nay thường gặp các cô gái chỉ muốn được cưng chiều. Tết vừa qua, cặp đôi đã ra mắt hai bên gia đình và đang lên kế hoạch cho đám cưới.

“Tôi không quan tâm gia cảnh anh, nhưng hóa ra nhà anh cũng tương đương gia đình tôi. Khi tôi để cảm xúc dẫn dắt, lại tìm được một nửa hoàn hảo của mình”, cô gái nói.

* Tên một số nhân vật đã thay đổi.

Phan Dương