Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam

Bs Nguyễn Thế Tuấn – Khoa Phụ Sản

Misoprostol được sử dụng từ những năm 1970s. Với rất nhiều tác dụng, hiệu quả, an toàn trong điều trị cũng như giá cả rẻ nên misoprostol luôn nằm trong danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Misoprostol không tốn kém, ổn định ở nhiệt độ phòng và có mặt ở hơn 80 quốc gia nên đặc biệt hữu ích trong những nơi nguồn lực hạn chế.

WHO thừa nhận vai trò quan trọng của Misoprostol trong sức khỏe sinh sản và được tổng hợp trên các khuyến cáo cho việc sử dụng Misoprostol trong sản khoa gồm các vai trò :

  • Khởi phát chuyển dạ (hiện nay hiếm dùng).
  • Phòng ngừa và điều trị băng huyết sau sinh.
  • Chấm dứt thai kỳ trong các trường hợp thai dị tật hoặc thai ngưng tiến triển trong tử cung. ( điều trị nội khoa).
  • Chuẩn bị cổ tử cung (chín muồi cổ tử cung) trong chấm dứt thai kỳ trong các trường hợp thai dị tật hoặc thai ngưng tiến triển trong tử cung bằng thủ thuật.

Misoprostol

Trong khuôn khổ bài viết chỉ đề cập đến Sử dụng Misoprotol trong Chấm dứt thai kỳ trong các trường hợp thai dị tật hoặc thai ngưng tiến triển trong tử cung (điều trị nội khoa).

Misoprostol là một chất tương tự prostaglandin E1 gây mềm và giãn cổ tử cung và co bóp tử cung. Sau khi hấp thu, misoprostol được chuyển hóa tại gan thành acid misoprostol là dạng hoạt động chính. Sau khi tác động, thuôc được bài tiết qua thận. Misoprostol được sử dụng qua nhiều đường dùng: uống, ngậm áp má, ngậm dưới lưỡi, đặt âm đạo ( cùng đồ sau), đặt trực tràng. Thời gian đặt nồng độ đỉnh cũng như thời gian bán hủy của thuốc tùy thuộc vào đường dùng.

Chính vì có nhiều đường dùng như vậy nên việc so sánh hiệu quả của các đường dùng thuốc misoprostol rất được sự quan tâm, rất nhiều nghiên cứu được thực hiện .

  • Nghiên cứu RCT mù đôi so sánh hiệu quả sử dụng Misoprostol ngậm dưới lưỡi so với đặt âm đạo để giãn cổ tử cung 1 hoặc 3 giờ trước khi phá thai bằng thủ thuật của nhóm tác giả Bệnh viện Đại học Karolinska, 171 76 Stockholm, Thụy Điển, thực hiện trên 184 phụ nữ chỉ ra Misoprostol dùng dưới lưỡi tốt hơn so với misoprostol dùng trong âm đạo.
  • Nghiên cứu So sánh hiệu quả của Misoprostol ngậm dưới lưỡi ,đặt âm đạo và uống trong chín muồi cổ tử cung trong chấm dứt thai kì ba tháng đầu, trên 150 phụ nữ ,Tạp chí dược học Ấn Độ 2011 chỉ ra thời gian trung bình dành cho chín muồi cổ tử cung ít hơn khi dùng đường ngậm dưới lưỡi so với đường đặt âm đạo và đường uống.

Tác dụng không mong muốn khi sử dụng Misoprostol chủ yếu là tiêu chảy, buồn nôn (14-40%), đau bụng (13-20%), nhức đầu (2%), ngoài ra còn rất nhiều tác dụng phụ khác có tỉ lệ thấp hơn : Sốc phản vệ, Thiếu máu, Rối loạn nhịp tim, Đau ngực, Đầy hơi, Xuất huyết tiêu hóa, Mất thính lực, Nhồi máu cơ tim, Vỡ tử cung, Rối loạn huyết khối.

ĐIỀU TRỊ

Tuổi thai

  • Tuần 9 – tuần 12 : 800 mcg misoprostol đặt âm đạo, sau đó mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 400 mcg misoprostol, cho đến khi sẩy thai hoàn toàn, tối đa 4 liều
  • Nếu thất bại : Nghỉ 9-11 giờ, sau đó lặp lại liều.
  • Nếu sau 2 lần theo phác đồ trên không sẩy thai thì sử dụng phương pháp khác.

Tuổi thai từ tuần13 đến hết tuần 22

  • 13 đến hết tuần 18 : 400 mcg misoprostol đặt âm đạo, sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 400 mcg misoprostol đến khi sẩy thai ( tối đa 5 liều).
  • Nếu thất bại ngày hôm sau ngậm dưới lưỡi 400 mcg misoprostol cách nhau mỗi 3 giờ (tối đa 5 liều ) .
  • Tiếp tục tương tự đối với ngày thứ 3. Nếu sau 3 ngày thất bại chuyển phương pháp khác.
  • 19 đến hết tuần 22: sau 2 ngày thất bại chuyển phương pháp khác.

Tuổi thai 23 – 27 tuần

  • Đặt âm đạo 200 mcg misoprostol. Sau mỗi 3 giờ ngậm dưới lưỡi 200 mcg misoprostol. ( tối đa 5 liều).
  • Đánh giá cơn go tử cung, xóa mở cổ tử cung trước khi dùng liều tiếp theo.
  • Khi có ≥ 3 cơn go/ 10 phút hoặc CTC ≥ 2cm chuyển phòng sinh.
  • Sau 5 lần thất bại, đặt sonde khởi phát chuyển dạ.
  • Giảm ½ liều và tăng khoảng cách giữa các liều đối với sản phụ có vết mổ cũ
  • Ngưng liều kế tiếp nếu có cơn go cường tính.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/07/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
  2. Phác đồ điều trị sản phụ khoa Bệnh viện Từ Dũ 2019.
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/25840429
  4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3081456/
  5. https://reference.medscape.com/drug/cytotec-misoprostol-341995