Môi trường vĩ mô là gì? Môi trường vĩ mô và tác động tới thị trường chứng khoán

Tiến triển kinh tế không ngừng đổi mới, và mỗi biến động trong môi trường vĩ mô đều mang theo nhiều thách thức và cơ hội cho thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, việc hiểu rõ cách môi trường vĩ mô tác động đến sự biến động của thị trường chứng khoán ngày càng trở nên quan trọng. Vậy môi trường vĩ mô là gì? Có đặc điểm và vai trò thế nào? Những yếu tố vĩ mô nổi bật sẽ tác động tới thị trường ra sao? Mời cả nhà cùng TechProfit tìm hiểu.

1707190000734

Môi trường vĩ mô là gì?

Môi trường vĩ mô là tập hợp các yếu tố bên ngoài, có liên quan mật thiết và không ngừng tác động tới hệ thống kinh tế – xã hội. Các yếu tố đó bao gồm kinh tế, chính trị, văn hoá – xã hội, môi trường tự nhiên, công nghệ,…

Ở khía cạnh kinh tế, môi trường vĩ mô có nhiều ảnh hưởng tới thị trường tài chính, chứng khoán thông qua các tác động tới môi trường kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay nhu cầu người tiêu dùng.

Đặc điểm của môi trường vĩ mô

  • Môi trường vĩ mô thường luôn biến động theo thời gian, phản ánh sự biến động của nền kinh tế, chính trị và xã hội, qua đó tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuỳ vào lĩnh vực và đặc điểm hoạt động, mà ảnh hưởng của sự thay đổi trong môi trường vĩ mô cũng khác nhau. Ví dụ ngành mang tính chu kỳ cao sẽ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế nhiều hơn các ngành liên quan tới sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cơ bản.
  • Môi trường vĩ mô rất đa dạng và phức tạp khi bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, và môi trường tự nhiên. Mỗi yếu tố lại có sự tác động tới mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay các ngành nghề ở mức độ khác nhau.
  • Các yếu tố vĩ mô thường có tác động, bổ sung cho nhau và thường có mối quan hệ chặt chẽ, tạo nên một hệ thống phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động của các chủ thể trên thị trường tài chính như doanh nghiệp, tổ chức tài chính,…
  • Môi trường vĩ mô ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi tiêu dùng, chi tiêu và đầu tư. Trong giai đoạn vĩ mô tiêu cực, kinh tế đi xuống, mức chi tiêu của người tiêu dùng sẽ bị thu hẹp, khi đó các mặt hàng hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng không thiết yếu sẽ chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, phản ứng của người tiêu dùng đối với môi trường vĩ mô cũng là một yếu tố để đánh giá sức khỏe nền kinh tế.

=> Trang bị cho nhà đầu tư cả 2 kỹ năng phân tích cơ bản và kỹ năng phân tích kỹ thuật. Đăng ký ngay Khóa Học Miễn Phí tại link: https://takeprofit.vn/khoa-hoc-lets-investing

1710216029291

Vai trò của môi trường vĩ mô với thị trường tài chính

  • Môi trường vĩ mô có vai trò quan trọng khi các yếu tố về chính trị, văn hoá – xã hội và đặc biệt là kinh tế luôn có tác động trực tiếp tới thị trường tài chính. Các yếu tố này thuận lợi sẽ giúp thị trường tài chính cũng như hoạt động của doanh nghiệp được hưởng lợi và thúc đẩy phát triển. Ngược lại, khi vĩ mô trở nên tiêu cực, thị trường cũng sẽ gặp không ít những tác động khó khăn.
  • Nghiên cứu và đánh giá môi trường vĩ mô sẽ giúp doanh nghiệp đánh giá được ưu – nhược điểm, cơ hội và thách thức của mình, xác định được thuận lợi, khó khăn trên thị trường cũng như tình trạng của các khách hàng mục tiêu, từ đó đưa ra các quyết định, chiến lược hợp lý.

Các yếu tố và thành phần của môi trường vĩ mô

Môi trường kinh tế:

Môi trường kinh tế là tập hợp các điều kiện và yếu tố liên quan đến hoạt động kinh tế: tình hình tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, tỷ lệ thất nghiệp, tình trạng xuất nhập khẩu, trình độ phát triển công nghê và sản xuất, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài,…

Những yếu tố này ảnh hưởng đến các chủ thể trong nền kinh thế như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu và hành vi người tiêu dùng,…

Môi trường tự nhiên:

Môi trường tự nhiên gồm các yếu tố liên quan đến tự nhiên và môi trường như đất đai, không khí, nước, động thực vật, và các yếu tố sinh học khác. Đây là nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Vì thế, bên cạnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và xã hội, những thay đổi bất ngờ của môi trường tự nhiên thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh hay ô nhiễm môi trường đều có thể tác động đáng kể đến hoạt động của doạnh nghiệp.

Môi trường chính trị:

Môi trường chính trị là bối cảnh, điều kiện và các yếu tố liên quan đến lĩnh vực chính trị, ảnh hưởng đến quá trình quyết định và thực hiện chính sách như hệ thống chính trị, mức độ ổn định chính trị, tình hình kinh tế – xã hội, quan hệ quốc tế, pháp lý và các vấn đề khác có ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của một quốc gia.

Môi trường chính trị ổn định sẽ giúp nền kinh tế vận hành tốt, doanh nghiệp và người dân đối mặt với ít rủi ro hơn và cũng là một yếu tố tiên quyết trong thu hút vốn đâu tư từ nước ngoài.

Môi trường công nghệ

Môi trường công nghệ là tổng thể các yếu tố và điều kiện liên quan đến sự phát triển và ứng dụng của công nghệ trong một lĩnh vực hay cộng đồng như tiến triển trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, các công cụ, thiết bị, phần mềm phục vụ đời sống hay các vấn đề về an ninh, quy định và đạo đức liên quan đến công nghệ.

Sự phát triển của công nghệ và những ứng dụng của công nghệ sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, cải tiến quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và nhân lực, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn và giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận tới sản phẩm, dịch vụ hàng hoá của doanh nghiệp.

Môi trường văn hoá

Môi trường văn hoá bao gồm nền văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, tôn giáo, nghệ thuật và các giá trị xã hội, tác động hình thành các chuẩn mực về giá trị, niềm tin và nguyên tắc của con người. Văn hóa – xã hội là một bộ phận quan trọng của môi trường kinh doanh. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp để tác động và thu hút người tiêu dùng.

Môi trường nhân khẩu

Môi trường nhân khẩu là một khái niệm mô tả về tổng thể của các yếu tố và điều kiện liên quan đến dân số trong một khu vực hay cộng đồng như dân số, cấu trúc dân số, tỉ lệ sinh và tử, thu nhập, trình độ giáo dục, và các yếu tố xã hội khác ảnh hưởng đến dân số. Con người là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường, vì thế việc đánh giá chính xác về môi trường nhân khẩu sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh, tiếp cận và lựa chọn tệp khách hàng mục tiêu.

Các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

GDP là chỉ số kinh tế quan trọng, có ý nghĩa đánh giá sức mạnh và quy mô nền kinh tế của một quốc gia, giúp đo lường giá trị toàn bộ hàng và dịch vụ mà quốc gia đó sản xuất trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là một năm.

Việc đánh giá GDP và mức tăng trưởng GDP hàng năm có thể hỗ trợ chúng ta trong việc đánh giá trạng thái sức khoẻ xem nền kinh tế đang ở giai đoạn nào (tăng trưởng hay suy thoái) từ đó đưa ra các quyết định phù hợp trong việc đầu tư hay chiến lược kinh doanh, mở rộng hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, GDP tăng trưởng tốt với một nền kinh tế khoẻ mạnh còn giúp thu hút thêm dòng vốn, lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài, tác động tích cực tới thị trường tài chính.

Lạm phát

Lạm phát là hiện tượng tăng giá chung và liên tục của hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian dài, dẫn đến mất giá của đơn vị tiền tệ. Khi mức giá chung tăng sẽ khiến cùng một lượng tiền mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ. Lạm phát có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế dẫn đến sự suy giảm sức mua. Đối với doanh nghiệp, lạm phát có thể làm tăng chi phí sản xuất và làm giảm lợi nhuận.

Khi lạm phát gia tăng, lãi suất cũng tăng theo, khiến kênh đầu tư chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn các kênh khác gửi tiền tiết kiệm, nhà đầu tư sẽ có xu hướng chuyển sang các kênh đó khiến thị trường chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ngoài ra, lạm phát cũng khiến chi phí đầu vào tăng cao gây giảm sút lợi nhuận doanh nghiệp.

Lãi suất

Lãi suất là yếu tố quan trọng tác động tới sự tăng trưởng và tình hình chung của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán và hoạt động của doanh nghiệp. Khi lãi suất ở mức thấp, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc huy động nguồn giá rẻ để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư. Đặc biệt với các doanh nghiệp có nợ vay sẽ giảm bớt được áp lực chi phí lãi vay, cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên khi lãi suất tăng cao, doanh nghiệp cũng se chịu áp lực nợ vay lớn hơn, cũng như hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do nhu cầu suy giảm vì lãi suất cho vay đối với khách hàng tăng.

Giải ngân vốn đầu tư công

Đầu tư công là quá trình chi tiêu từ phía chính phủ hoặc các tổ chức công cộng để phát triển và cải thiện hạ tầng cơ sở, dịch vụ công cộng và các dự án có lợi ích cho cộng đồng, với mục tiêu tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Đầu tư công được coi là một phương pháp hữu hiệu để kích thích nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái hay khi nền kinh tế đang cần sự thúc đẩy. Khi Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với các dự án trọng điểm, rất nhiều các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau sẽ được hưởng lợi, tiêu biểu như thi công hạ tầng, vật liệu xây dựng, bất động sản, logistics,… Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện sẽ giúp giảm chi phí logistics, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Một số chỉ tiêu khác

Môi trường vĩ mô bao gồm rất nhiều khía cạnh và yếu tố khác nhau. Mỗi yếu tố lại có sự tác động tới mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay các ngành nghề ở mức độ riêng. Để nắm bắt tình hình vĩ mô, qua đó đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp, nhà đầu tư nên đánh giá kỹ hơn nhiều chỉ số vĩ mô khác, ví dụ như thu hút vốn đầu tư FDI, tình hình xuất nhập khẩu, tỷ giá, các chỉ số về tăng trưởng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ, tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IIP),…

Để theo dõi và đánh giá sát hơn về các chỉ số vĩ mô, nhà đầu tư có thể tham khảo mục Phân tích Vĩ mô trên Bộ công cụ Hỗ trợ đầu tư TechProfit.

Có thể thấy, môi trường vĩ mô luôn có mối liên quan và tác động chặt chẽ tới thị trường chứng khoán. Việc nắm bắt và hiểu rõ về môi trường vĩ mô cũng như những tác động, ảnh hưởng của nó sẽ giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp xây dựng chiến lược và ra quyết định chính xác nhất. Hy vọng qua bài viết vừa rồi, anh/chị nhà đầu tư đã hiểu rõ hơn về môi trường vĩ mô cũng như các chỉ số, yếu tố quan trọng cần theo sát, từ đó đem lại hiệu quả đầu tư tốt nhất.