Tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Dẫn nhập

Theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về nhân quyền (OHCHR): “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người”[1].

Ở hầu hết các nước, nội dung các công ước về quyền con người đã dần được nội luật hóa và từng bước tổ chức thực hiện trên thực tế. Quyền con người là giá trị chung, biểu hiện sự tiến bộ, văn minh nên tất cả các quốc gia, dân tộc, dù có sự khác nhau về chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển giá trị xã hội cao đẹp này. Chính cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận thực tế này trong Tuyên bố Viên và Chương trình hành động (năm 1993): “Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, các quốc gia không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền và tự do cơ bản của con người”[2].

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, mỗi bước tiến của nhân loại đều đánh dấu nấc thang mới trong nhận thức và hiện thực hóa các quyền con người. “Quyền con người là khát vọng và giá trị chung của nhân loại, ghi dấu thành quả đấu tranh lâu dài của con người qua các thời đại nhằm chế ngự thiên nhiên, chống áp bức, bất công”[3].

2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người

Xuất phát từ quan điểm Mác-xít, đồng thời tiếp thu, kế thừa nhận thức chung của cộng đồng quốc tế và căn cứ vào thực tiễn Việt Nam, Đảng ta đã xác định hệ thống các quan điểm về vấn đề quyền con người, quyền công dân. Trong đó, quyền con người được nhìn nhận như một giá trị phổ quát của nhân loại, mang tính giai cấp sâu sắc, gắn với độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia cũng như gắn với lịch sử, truyền thống và trình độ phát triển kinh tế của quốc gia. Quyền con người đồng thời mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa… Hệ thống các quan điểm đó có giá trị quan trọng trong việc định hướng cho mọi hoạt động của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người cũng như phục vụ quá trình hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng.

Đảng ta chủ trương: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”[4]. “Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, bảo đảm để Nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện”[5].

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”[6].

Những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã chủ động tham gia vào các diễn đàn và các tổ chức hoạt động về quyền con người của khu vực cũng như toàn cầu. Đảng ta luôn khẳng định việc bảo đảm quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm lớn của Đảng và Nhà nước. Đảng ta nêu rõ: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[7].

Sách trắng về “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam” khẳng định: “…quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình”[8]. Để giành quyền con người cho mỗi cá nhân thì phải giải phóng dân tộc khỏi áp bức ngoại bang và bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc. Thực tế cho thấy, trước năm 1945, trong bối cảnh một nước thuộc địa, nửa phong kiến, người dân Việt Nam không được hưởng các quyền con người, quyền công dân. Chỉ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam ra đời, thì địa vị của người dân Việt Nam mới được thay đổi từ người nô lệ trở thành chủ nhân của một quốc gia độc lập, các quyền công dân của người Việt Nam lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Như vậy, quyền con người của người dân Việt Nam gắn liền với các quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam.

2.1. Quyền con người là tự nhiên nhưng được pháp luật quy định

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người…”[9]. Điều này có nghĩa là để được hiện thực hóa trên thực tế, quyền con người, quyền công dân phải được quy định trong pháp luật. Ở đây, pháp luật vừa là phương tiện để ghi nhận, vừa là công cụ để hiện thực hóa và bảo vệ các quyền tự nhiên của con người. Thông qua pháp luật, không chỉ các quyền con người, quyền công dân mà cả những nghĩa vụ của những chủ thể có liên quan được xác lập, tạo thành khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thực hiện và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân trên thực tế.

Kiên trì trong nhận thức và nhất quán trong hành động, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”[10]. Trên ý nghĩa đó, quyền con người thể hiện rõ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển theo dòng chảy chung của nhân loại là hướng tới tự do, bình đẳng, hạnh phúc và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Trên phạm vi toàn cầu, sau khi Liên Hợp quốc ra đời, quyền con người được ghi nhận và bảo vệ bởi hệ thống Luật quốc tế về quyền con người. “Quyền con người (nhân quyền) cần được bảo vệ và thúc đẩy bằng pháp luật. Luật pháp về quyền con người (luật nhân quyền) gồm hai thành phần chính là luật quốc gia về quyền con ngườì (luật quốc nội) và luật quốc tế về quyền con người”[11].

Trong phạm vi quốc gia, pháp luật bảo vệ quyền con người thể hiện ở việc ghi nhận các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp, pháp luật, hoàn thiện các thiết chế, bộ máy nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người. Mặc dù luôn nhấn mạnh “quyền bẩm sinh”, nhưng ngày nay, ở mọi quốc gia, quyền con người đều được ghi nhận và bảo vệ bằng các hình thức pháp luật khác nhau.

2.2. Quyền con người, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước

Luật quốc tế về quyền con người ra đời cũng đồng thời đặt vấn đề quyền và nghĩa vụ của công dân. Nguyên tắc này được chia sẻ rộng rãi ở mọi quốc gia và cơ chế quốc tế quyền con người.

Bàn về vấn đề này, C. Mác viết: “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi”[12]. Trên thực tế, ở bất cứ quốc gia nào, người dân cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định, theo quy định của pháp luật, không chỉ trên tư cách công dân mà còn cả tư cách con người đối với xã hội mà mình đang sinh sống. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) cũng ghi nhận: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ” (Điều 29). Lời nói đầu hai công ước quyền con người quan trọng nhất (năm 1966) cũng đều nhấn mạnh, “mỗi cá nhân trong khi được hưởng thụ các quyền cần tôn trọng tự do của người khác và tôn trọng trật tự xã hội, lợi ích của cộng đồng”. Việc Luật quốc tế về quyền con người hạn chế một số quyền con người cũng với một ý nghĩa như vậy.

Thực tế nói trên là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta khẳng định: “Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật”[13]. Quan điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó chỉ ra được cách thức giải quyết một trong những mối quan hệ cơ bản nhất của vấn đề quyền con người, khắc phục được cách hiểu phiến diện, cực đoan về vấn đề quyền con người.

Hệ thống các quan điểm, cách tiếp cận nói trên của Đảng ta nhìn chung tương đồng, được chia sẻ rộng rãi và có giá trị định hướng cho mọi hoạt động của Nhà nước Việt Nam nhằm bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người trong thời kỳ mới – thời kỳ đất nước hội nhập sâu vào các lĩnh vực của quốc tế và khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa.

3. Thành tựu về bảo đảm quyền con người tại Việt Nam trong thời gian qua

Ngay sau khi Việt Nam là thành viên của Liên Hợp quốc (năm 1977), Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người của Liên Hợp quốc.

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó, có 7/8 công ước cơ bản. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người[14].

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là, chúng ta cam kết thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước. Đó là quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”[15]. Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.

Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và công bố trước toàn thể quốc dân tại quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945 đã khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hành phúc”. Tiếp nối tinh thần của Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 lại một lần nữa thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc qua việc ghi nhận các giá trị con người, các quyền cơ bản về dân chủ và dân sinh, các quyền tự do cá nhân, tự do tín ngưỡng ở bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi của hoàn cảnh chính trị, quyền con người vẫn luôn được thể hiện sâu sắc qua các bản hiến pháp tiếp theo của Việt Nam từ Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 đến Hiến pháp năm 2013.

Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta khẳng định: Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của Nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột và giải phóng con người (trong đó có việc bảo đảm các quyền con người) gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được bảo đảm rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội XI, XII, XIII của Đảng luôn nhấn mạnh phải quan tâm hơn nữa đến việc chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết.

Hiến pháp năm 2013 dành trọn vẹn Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” với 36 điều hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; cùng với các luật, bộ luật được ban hành đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Điều này không chỉ xác lập cơ sở pháp lý về các quyền con người của chủ thể (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội), mà còn đặt nghĩa vụ, trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức xã hội phải nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người đã được Hiến pháp quy định. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”[16]. Đó là cơ sở để đất nước ta đạt được các thành tựu cụ thể về dân chủ, nhân quyền mà dư luận thế giới đã công nhận.

4. Phương hướng cơ bản thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chủ trương của Nhà nước Việt Nam là phấn đấu bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân Việt Nam trên mọi mặt của đời sống xã hội. “Tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế. Đây sẽ là khuôn khổ pháp lý để thực hiện tốt các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như dân sự, chính trị, đồng thời xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm quyền con người. Chính phủ Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh các chương trình cải cách hành chính nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tha nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của Nhà nước pháp quyền, tăng cường thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người, trong đó có việc xem xét thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia[17].

“Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế – xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hóa của mình cho một quốc gia khác. Việt Nam cho rằng, cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong một tổng thể hài hòa, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người”[18].

Từ quan điểm “lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, “hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”[19], Nhà nước cần đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật về quyền con người, cần tiếp tục củng cố hệ thống các quyền con người, quyền công dân đã được hiến định theo hướng bảo đảm sự tương thích với các nguyên tắc, tiêu chuẩn pháp luật quốc tế về quyền con người. Điều này bao gồm việc bổ sung, cụ thể hóa một số quyền con người đã được hiến định; sửa đổi quy định về việc hạn chế quyền con người để phù hợp với tinh thần của luật nhân quyền quốc tế, vì lợi ích công cộng; củng cố các quy định về quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm các nhóm phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, lao động di trú…

Hoàn thiện các thủ tục tố tụng bảo đảm pháp lý cho thực hiện quyền con người. Bảo đảm pháp lý là một trong những nhân tố quan trọng của việc thực hiện các quyền con người trên thực tế. Bởi vì, nó không chỉ là hệ thống các quyền pháp định mà đồng thời còn là một tập hợp các thủ tục tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Hệ thống các thủ tục tố tụng là bộ phận cực kỳ quan trọng tạo nên bảo đảm pháp lý cho thực hiện quyền con người. Trong thời gian tới cần xây dựng một hệ thống các thủ tục tố tụng bảo vệ quyền con người theo phương châm cụ thể, đơn giản, chính xác, minh bạch và thuận lợi.

Để hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo đảm, thúc đẩy thực hiện và xử lý các vi phạm quyền con người, cần cụ thể hóa và bổ sung các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người của các cơ quan nhà nước trung ương và ở địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xúc tiến thành lập các thiết chế giám sát nhân quyền bậc cao bao gồm cơ quan nhân quyền quốc gia (như đã cam kết với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc).

Từ những phân tích trên, có thể thấy, việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Hệ thống pháp luật thấm nhuần tư tưởng vì con người, cho con người và của con người sẽ là hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật, chỉ đạo mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội trong bảo đảm quyền con người trong thực tế ở Việt Nam.

ThS. Nguyễn Tiến Dũng

Học viên Chính trị khu vực I

[1]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Lý luận và Pháp luật về Quyền con người (dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nxb. Lý luận Chính trị, tái bản có cập nhật, chỉnh sửa năm 2021, H. 2021, tr. 13.

[2]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu quyền con người: Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 1998, tr. 95.

[3]. Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sách trắng “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”, công bố ngày 18/01/2018.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2016, tr. 126.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2016, tr. 135.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr. 175.

[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr. 162.

[8]. Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sách trắng về “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam”, công bố ngày 18/8/2005.

[9]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 19.

[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2016, tr. 168.

[11]. Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giới thiệu các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb. Lao động Xã hội, H. 2011, tr. 15.

[12]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 1994, tr. 16, tr. 25.

[13]. Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, Văn phòng Thường trực, Tài liệu tổng kết Chị thị số 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, Nxb. Chính trị – Hành chính, H. 2012, tr. 13.

[14]. PGS. TS. Tường Duy Kiên, Thành tựu về bảo đảm quyền con người tại Việt Nam trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/thanh-tuu-ve-bao-dam-quyen-con-nguoi-tai-viet-nam-trong-tien-trinh-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-18098, truy cập ngày 11/9/2023.

[15]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2016, tr. 167.

[16]. Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

[17]. Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sách trắng “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam”, ngày 18/01/2018.

[18]. Bộ Ngoại giao Việt Nam, Sách trắng “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam”, ngày 18/8/2005.

[19]. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 389), tháng 9/2023)