Ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường

Trong suốt thời kỳ đổi mới cải cách kinh tế ở Việt Nam, các chính sách đã có ảnh hưởng tích cực tới sự tăng trưởng và cấu trúc lại nền kinh tế. Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường là gì?

Cơ chế thị trường là gì?

Cơ chế thị trường (theo Tiếng Anh là Market Mechanism) thường được hiểu là một hệ thống thị trường tự do. Tức là khi tham gia thị trường đó, bạn hoàn toàn tự do mà không cần phải chịu bất kỳ giới hạn nào. Trong thị trường này, tất cả các yếu tố cung, cầu, giá cả và thị trường cùng các mối quan hệ cơ bản vận động dưới sự điều tiết của các quy luật thị trường trong môi trường cạnh tranh với mục tiêu duy nhất là lợi nhuận.

Cơ chế thị trường có những đặc trưng sau:

– Việc phân bố sử dụng các nguồn tài nguyên, nguyên liệu đầu vào về cơ bản được giải quyết theo quy luật của kinh tế thị trường mà cốt lõi là quy luật cung cầu;

– Các mối quan hệ kinh tế thị trường đều được tiền tệ hóa;

– Động lực chính phát triển kinh tế là lợi nhuận thu được;

– Việc sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm do hai phía cung và cầu quyết định;

– Môi trường, động lực, phương tiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển là yếu tố cạnh tranh;

– Nhà sản xuất là nhân vật trung tâm và khách hàng chi phối người bán trên thị trường;

– Có sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội;

– Có bất cập cần có sự điều tiết của nhà nước như môi trường, khủng hoảng và nhiều vấn đề xã hội;

– Có xu hướng phát triển kinh tế mang tính hội nhập khu vực và quốc tế.

Với những đặc trưng nêu trên, ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường là gì?

Ưu điểm của cơ chế thị trường

Những ưu điểm của cơ chế thị trường:

– Là điều kiện để thúc đẩy các hoạt động sản xuất:

Trong nền kinh tế thị trường nếu lượng cầu cao hơn cung thì giá cả hàng hoá sẽ tăng lên. Mức lợi nhuận cũng tăng, điều này khuyến khích người sản xuất tăng lượng cung. Ai có cơ chế sản xuất hiệu quả hơn, thì có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Nhờ đó cho phép tăng quy mô sản xuất. Do đó các nguồn lực sản xuất sẽ chảy về phía những người sản xuất hiệu quả hơn. Những người sản xuất có cơ chế sản xuất kém hiệu quả sẽ có tỷ suất lợi nhuận thấp. Khả năng mua nguồn lực sản xuất thấp, sức cạnh tranh kém sẽ bị đào thải dần.

Do đó các doanh nghiệp đó muốn cạnh tranh và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thì đòi hỏi họ phải không ngừng đổi mới. Đổi mới về công nghệ, quy trình sản xuất, quản lý, về các sản phẩm của mình để đáp ứng thị trường.

– Có được một lực lượng sản xuất lớn-đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng:

Kinh tế thị trường tạo ra nhiều sản phẩm giúp thỏa mãn nhu cầu của tiêu dùng ở mức tối đa. Tại nhiều nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mức sống của người tiêu dùng đã bị trượt xuống thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong nền kinh tế thị trường.

Mặc dù kinh tế kế hoạch hóa tập trung với mục tiêu là tạo ra một hệ thống công bằng hơn đối với quá trình phân chia của cải, nhưng khuyết điểm của hệ thống này là đã không cung cấp đủ các mặc hàng thiết yếu.

– Tạo động lực để con người thỏa sức sáng tạo:

Một nền kinh tế cho phép con người tự do cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa đòi hỏi mọi người phải không ngừng sáng tạo để tồn tại, tìm ra những phương thức mới cải tiến cho công việc, đúc rút cho bản thân nhiều kinh nghiệm.

Kinh tế thị trường là nơi để phát hiện, đào tạo, tuyển chọn, sử dụng con người, cũng là nơi để đào thải những quản lý chưa đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, còn tạo nên một môi trường kinh doanh dân chủ, tự do, công bằng.

– Kinh tế thị trường cung cấp nhiều việc làm hơn:

Với nền kinh tế thị trường, sự tập trung vào đổi mới cho phép các doanh nghiệp nhỏ tìm ra những thị trường ngách và cung cấp các công việc với mức lương cao ở địa phương.

Ví dụ: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 99,7% tổng số doanh nghiệp tại Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp có ít hơn 20 nhân viên ở Hoa Kỳ chiếm 89,6% lực lượng lao động tại nước này.

Nhược điểm của cơ chế thị trường

Cơ chế thị trường có các nhược điểm sau đây:

– Kinh tế thị trường có thể dẫn tới bất bình đẳng trong xã hội:

Gia tăng khoảng cách giàu – nghèo dẫn tới bất bình đẳng trong xã hội. Người giàu sẽ sử dụng lợi thế của mình để trở nên giàu hơn. Trong khi người nghèo sẽ ngày càng nghèo hơn.

Sau một thời gian cạnh tranh, các nhà sản xuất nhỏ lẻ sẽ bị các hãng sản xuất lớn mạnh thôn tính. Cuối cùng chỉ còn lại một số ít các nhà sản xuất lớn có tiềm lực mạnh. Họ sẽ thâu tóm phần lớn ngành kinh tế, dần dần kinh tế thị trường biến thành độc quyền chi phối.

– Dễ dẫn đến mất cân bằng cung cầu dẫn đến khủng hoảng kinh tế:

Do chạy theo lợi nhuận nên các doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng sản xuất. Ban đầu, các công ty đầu tư phát triển sản xuất khiến nguồn cung tăng mạnh trong khi cầu tăng không tương xứng. Hiện tượng này tích lũy qua nhiều năm sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa. Nghĩa là hàng hoá bị ứ đọng, dẫn đến giá cả sụt giảm. Hàng hoá không bán được để thu hồi chi phí đầu tư nên hàng loạt doanh nghiệp phá sản và khủng hoảng kinh tế là kết quả cuối cùng.

Trên đây là nội dung bài viết ưu điểm và nhược điểm của cơ chế thị trường, cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của chúng tôi.