Quan điểm của Thượng tướng Song Hào về chiến tranh nhân dân

(Bqp.vn) – Ngay trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm “quần chúng chiến tranh”. Tháng 3/1949, trong thư gửi Đại hội Dân quân toàn quốc, Người viết: “Kháng chiến của ta là nhân dân chiến tranh…”. Đây là quan điểm cơ bản trong đường lối quân sự của Đảng.

Từ đó, các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự, tướng lĩnh quân đội đã không ngừng phát triển lý luận về chiến tranh nhân dân (CTND) và vận dụng vào thực tiễn các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; trở thành tinh hoa của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Một trong các đồng chí tướng lĩnh tiêu biểu đó là Thượng tướng Song Hào, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, vừa là cán bộ quân sự, vừa là cán bộ chính trị, Thượng tướng Song Hào đã để lại dấu ấn riêng, thể hiện qua những quan điểm cơ bản về CTND.

Từ phải sang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tướng Hoàng Văn Thái bàn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên năm 1975. (ảnh tư liệu)

Thứ nhất, theo đồng chí Song Hào, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất toàn dân, toàn diện và sức mạnh vô địch của CTND.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng ta đưa cuộc kháng chiến cứu nước từ bước thấp lên bước cao, từ chỗ thắng lợi nhỏ đến thắng lợi to”. Vận dụng, kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo của Đảng, Thượng tướng Song Hào phân tích, đánh giá: Do bản chất chế độ của ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân, chiến tranh của ta là chiến tranh chính nghĩa. Đồng chí nhấn mạnh: “Nhưng chiến tranh chính nghĩa không tự nó đưa đến thắng lợi… Có chính nghĩa, lại phải có đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng”. Thượng tướng Song Hào từng chỉ rõ, CTND bảo vệ miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là cuộc chiến tranh chính nghĩa và cách mạng với đặc điểm nổi bật là: “Có đầy đủ cơ cấu một nhà nước hoàn chỉnh, có chế độ xã hội chủ nghĩa mạnh”. Theo Thượng tướng Song Hào, cuộc CTND do Đảng ta lãnh đạo mang đầy đủ tính chất toàn dân, toàn diện. Đồng chí chỉ rõ: Vì chế độ chính trị, xã hội với quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa tạo nên sự nhất trí cao về lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế, tạo nên khối đoàn kết toàn dân trên cơ sở khối liên minh công nông vững chắc, từ đó toàn dân được giác ngộ lòng yêu nước, yêu chế độ cao, căm thù giặc sâu sắc; tự nguyện tham gia đông đảo. Vì chúng ta có tổ chức, lực lượng mạnh. Đảng ta lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh trên cơ sở phát huy được sức mạnh của các tổ chức, các lực lượng cách mạng thông qua chính quyền, thông qua các đoàn thể, các ngành, để huy động lực lượng toàn diện cho chiến tranh, cả chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật; cả con người và cơ sở vật chất; cả tinh thần và lực lượng vật chất. Thượng tướng Song Hào cũng chỉ rõ điểm khác biệt giữa chiến tranh giải phóng với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh giải phóng thường diễn ra từ cục bộ đến toàn bộ, từ địa phương tiến lên toàn quốc. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ngay từ đầu và suốt cả cuộc chiến tranh, thường diễn ra với tính chất cả nước.

Từ những phân tích trên, Thượng tướng Song Hào kết luận: Sự lãnh đạo của Đảng quyết định tính chất toàn dân, toàn diện chính là cơ sở, cội nguồn sức mạnh của CTND. Để tiến hành CTND, toàn dân, toàn diện thì “Đảng ta phải trang bị cho quần chúng nhân dân cả về tư tưởng cũng như về vũ khí…” và “Mỗi người, mỗi ngành phải tùy theo vị trí công tác và chiến đấu của mình mà phát huy hết tinh thần và khả năng đóng góp vào thắng lợi của sự nghiệp chung…”.

Thứ hai, xây dựng LLVT ba thứ quân; QĐND làm nòng cốt của CTND; phát huy nhân tố con người – nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh.

Đề cao sức mạnh toàn dân của CTND, nhưng Thượng tướng Song Hào cũng khẳng định: “Toàn dân chiến đấu, nhưng phải có LLVT nhân dân làm trụ cột”. LLVT nhân dân bao gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, phối hợp hỗ trợ nhau mà chiến đấu”. Tuy nhiên, theo đồng chí: “Chúng ta không coi nhẹ một lực lượng nào” và “…phải biết xây dựng bộ đội chủ lực làm nòng cốt vững chắc, đồng thời phải biết mở rộng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ”.

Trên cơ sở quan điểm: Sự tồn tại và phát triển của LLVT ba thứ quân là quy luật về tổ chức LLVT của CTND trong điều kiện thực tế của nước ta, đồng chí Song Hào góp phần bổ sung, hoàn thiện những nguyên tắc xây dựng LLVT nhân dân. Trước hết là kiên định nguyên tắc cơ bản: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của QĐND Việt Nam – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề ra. Thượng tướng Song Hào chỉ rõ: Ra đời trong cao trào cách mạng giải phóng dân tộc của một nước nông nghiệp lạc hậu, những người nông dân mặc áo lính có lòng yêu nước, dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh, nhưng không phải đã có ngay một lập trường cách mạng triệt để; “họ có thể dễ nhìn thấy kẻ thù dân tộc, nhưng thường khó thấy kẻ thù giai cấp; họ có thể hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ thuận lợi hơn nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chỉ có đặt dưới sự lãnh đạo của đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng ta, quân đội mới trở thành một đội quân kiểu mới của giai cấp vô sản”. Thượng tướng Song Hào khẳng định: Quân đội là công cụ sắc bén của Đảng; quân đội phải do Đảng lãnh đạo mới bảo đảm luôn luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân lao động; nếu Đảng không lãnh đạo quân đội thì không có công cụ, không có lực lượng làm cách mạng. Đồng chí cũng cụ thể hóa nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương và các cấp ủy đảng; hình thức tổ chức và chế độ lãnh đạo của Đảng trong quân đội: “Thủ trưởng phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể và thống nhất của cấp ủy”.

Quán triệt quan điểm của Đảng: Xây dựng quân đội phải lấy xây dựng về chính trị, tư tưởng làm căn bản; và tư tưởng “người trước súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thượng tướng Song Hào khẳng định: Nguyên tắc xây dựng quân đội lấy chính trị làm gốc, tư tưởng dẫn đầu là nguyên tắc bất di bất dịch. Trên cơ sở đó mà giải quyết mối quan hệ giữa nhân tố con người và vũ khí trang bị; trong đó, con người là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh.

Theo Thượng tướng Song Hào, để xứng với vai trò quyết định, con người, nhất là đội ngũ cán bộ phải có tinh thần cách mạng cao, trình độ chính trị, trình độ lý luận khoa học quân sự, trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực tổ chức quần chúng, có tác phong công tác tốt, được rèn luyện thử thách trong đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang. Thượng tướng Song Hào nhấn mạnh: “Đương nhiên người mác-xít không coi thường vai trò của vũ khí, kỹ thuật, song vấn đề là phải xác định cho rõ ràng con người làm chủ vũ khí, chứ không phải làm nô lệ cho vũ khí”. Chính nhờ quán triệt quan điểm đó mà LLVT nhân dân, nòng cốt là QĐND Việt Nam đã sáng tạo ra các hình thức tác chiến, cách đánh táo bạo, kỳ diệu, thực hiện “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, biết đánh và biết thắng kẻ thù xâm lược.

Thứ ba, nghệ thuật quân sự của CTND là sự kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy; kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự.

Để CTND giành thắng lợi phải có nghệ thuật quân sự đúng đắn. Nghệ thuật quân sự của CTND Việt Nam xuất phát từ đường lối, chiến lược của Đảng; nắm vững đặc điểm, điều kiện của đất nước và đặc điểm đối tượng tác chiến… Căn cứ vào tính chất của cuộc chiến tranh và so sánh tương quan lực lượng giữa hai bên, Đảng ta đã đề ra phương châm chiến lược: “Tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài”; và xác định trong thời kỳ đầu của chiến tranh phải: “Phát động chiến tranh du kích rộng khắp, dần dần phát triển lên chiến tranh chính quy, kết hợp với chiến tranh du kích”. Thượng tướng Song Hào đã phân tích, cụ thể hóa mối quan hệ, vai trò và sự kết hợp giữa phương thức đó: “CTND là sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, hai hình thái chiến tranh đó thúc đẩy lẫn nhau, bổ sung cho nhau”, trong đó, “chiến tranh du kích giữ một địa vị chiến lược… và theo quy luật tất yếu chiến tranh du kích phát triển sẽ tạo điều kiện tập trung bộ đội chủ lực đánh lớn thành chiến tranh chính quy. Khi chiến tranh chính quy xuất hiện và lớn mạnh dần thì chiến tranh du kích không mất đi, mà càng phát triển sâu rộng, tạo điều kiện cho chiến tranh chính quy tiêu diệt địch, kết thúc chiến tranh”. Tuy nhiên, theo Thượng tướng Song Hào, việc vận dụng lý luận phương thức tiến hành CTND phải sáng tạo, dựa trên điều kiện thực tế.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng, trong bài phát biểu tại hội nghị tập huấn cán bộ quân sự địa phương tháng 1/1971, Thượng tướng Song Hào khẳng định: “Quán triệt và thể hiện được tư tưởng chiến lược tiến công thì thu được thắng lợi”; “tính chất là một cuộc chiến tranh tự vệ, nhưng tư tưởng chiến lược, tinh thần chiến đấu… vẫn là tư tưởng cách mạng tiến công”. Theo Thượng tướng Song Hào, muốn tạo ra điều kiện để tiến công cần phải có: Ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần; đánh giá đúng đắn về đặc điểm và xu thế phát triển của so sánh lực lượng giữa ta và địch; khả năng chuẩn bị đầy đủ về lực lượng và thế trận, bao gồm cải tạo địa hình, xây dựng hậu phương – tức là chuẩn bị sẵn về lực và thế của CTND; tổ chức chỉ huy giỏi; vận dụng phương thức, cách đánh tốt. Phương thức tác chiến phải kết hợp được tác chiến chính quy và tác chiến du kích; kết hợp lực lượng cơ động của cả nước với lực lượng tại chỗ; kết hợp địa phương với toàn quốc; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế. Trong đó, đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự phải kết hợp một cách linh hoạt, sáng tạo: “Có lúc thì đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự. Có lúc thì đẩy mạnh đấu tranh quân sự kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị. Có lúc lại đẩy mạnh cả hai mặt song song”; tiến công địch cả ở ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn và đô thị.

Thứ tư, hậu phương là một trong những nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của CTND.

Quán triệt quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò quyết định và nhiệm vụ xây dựng hậu phương CTND, Thượng tướng Song Hào khẳng định: Muốn tiến hành CTND phải có căn cứ địa, có hậu phương vững chắc. Bởi, đặc điểm của CTND ở nước ta đòi hỏi phải xây dựng nhiều loại căn cứ, với quy mô to, nhỏ khác nhau, ở cả rừng núi và đồng bằng. Trong xây dựng căn cứ thì điều kiện địa hình hiểm trở là yếu tố quan trọng nhất, nhưng điểm cơ bản, chủ yếu nhất vẫn là dựa vào cơ sở chính trị, vào lực lượng quần chúng. Giữa hậu phương và tiền tuyến có mối quan hệ rất mật thiết: Xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc làm chỗ dựa, chi viện cho miền Nam; miền Nam đánh thắng có ý nghĩa to lớn góp phần bảo vệ hậu phương lớn.

Trong hai cuộc kháng chiến, trên các cương vị khác nhau, Thượng tướng Song Hào – người cộng sản kiên trung, mẫu mực của Đảng; nhà chính trị, quân sự xuất sắc của quân đội đã có những cống hiến to lớn cho sự phát triển cả về lý luận và thực tiễn của nghệ thuật CTND Việt Nam. CTND bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, nếu xảy ra, sẽ có những thay đổi so với trước, nhưng nhiều quan điểm của Thượng tướng Song Hào vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là những định hướng quan trọng; trước hết và quan trọng nhất là giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay và trong những năm tới, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Dù vũ khí trang bị ngày càng hiện đại, nhưng QĐND Việt Nam vẫn kiên định quan điểm: Con người là nhân tố quyết định; kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa phương thức tác chiến hiện đại với phương thức tác chiến truyền thống; kết hợp giữa hoạt động quân sự với tác chiến không gian mạng và các hoạt động đấu tranh khác… Để thực hiện yêu cầu đó, cần chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; có trình độ quân sự, chuyên môn, tổ chức chỉ huy giỏi và năng lực hoạt động thực tiễn tốt. Quy hoạch và chuẩn bị các yếu tố của hậu phương chiến lược; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh toàn diện, giữ vững ổn định chính trị, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, ngăn ngừa và xử trí kịp thời, có hiệu quả các tình huống quốc phòng trên địa bàn…

Nghiên cứu, kế thừa, vận dụng và phát triển các quan điểm về quân sự, quốc phòng nói chung, quan điểm về CTND nói riêng phù hợp với điều kiện mới, chính là tiếp nối truyền thống, tiếp nối sự nghiệp cách mạng của các đồng chí lãnh đạo, các tướng lĩnh thế hệ trước, trong đó có Thượng tướng Song Hào. Đó cũng là việc làm thiết thực kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Song Hào – một cán bộ ưu tú của Đảng, của cách mạng và QĐND Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.