Trái phiếu chính phủ, những điều nên biết khi đầu tư

Trái phiếu Chính phủ với ưu thế vượt trội về tính an toàn, sự đảm bảo và rủi ro cực thấp khiến cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp ở hầu hết các quốc gia luôn lựa chọn để phân bổ một phần tài sản của mình. Tuy nhiên khác với trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ có mức độ phổ biến thấp hơn đối với nhà đầu tư cá nhân do mức lãi suất thấp, thời gian đáo hạn ít linh hoạt, cũng như ít được các bên tư vấn giới thiệu.

Vậy làm sao để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ? Và có nên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ? Mời quý nhà đầu tư xem qua bài viết bên dưới.

1/ Mua trái phiếu Chính phủ ở đâu:

Trái phiếu chính phủ hiện đang được giao dịch trên sàn HNX – Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

  • Đối với trái phiếu Chính phủ phát hành lần đầu bằng hình thức đấu thầu: Chỉ có các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính mới được tham gia đấu thầu để mua. Tuy nhiên, nếu phát hành thông qua công ty bảo lãnh/đại lý hoặc phát hành bán lẻ thì các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp được tham gia mua.
  • Trường hợp trái phiếu Chính phủ đã phát hành: Nhà đầu tư cá nhân muốn mua/bán TPCP thì phải mở tài khoản tại các công ty chứng khoán và xem các lệnh chào mua/chào bán trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (sàn HNX) để thực hiện giao dịch trái phiếu chính phủ.

2/ Các loại trái phiếu Chính phủ được giao dịch:

Trên sàn HNX, nhà đầu tư được giao dịch các loại trái phiếu chính phủ sau đây:

  • Trái phiếu chính phủ có kỳ hạn danh nghĩa trên 1 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành;
  • Tín phiếu Kho bạc do Kho bạc Nhà nước phát hành có kỳ hạn danh nghĩa không vượt quá 52 tuần;
  • Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
  • Trái phiếu Chính quyền địa phương

3/ Mệnh giá và đơn vị giao dịch:

Giao dịch trái phiếu chính phủ trên HNX được quy định cụ thể về mệnh giá, đơn vị giao dịch và biên độ giao động giá như sau:

  • Mệnh giá: 100.000 đồng
  • Đơn vị yết giá: 01 đồng
  • Đơn vị giao dịch: 01 trái phiếu/tín phiếu.
  • Biên độ giao động giá: không quy định

4/ Khối lượng giao dịch tối thiểu:

* Đối với giao dịch mua bán thông thường Outright (bên bán không kèm cam kết mua lại), khối lượng giao dịch sẽ tùy thuộc vào loại lệnh giao dịch như sau:

  • Giao dịch mua bán thông thường TPCP theo phương thức thỏa thuận điện tử: Khối lượng giao dịch tối thiểu là 100 TPCP.
  • Giao dịch mua bán thông thường TPCP theo phương thức thỏa thuận thông thường: Khối lượng giao dịch tối thiểu là 10.000 TPCP.

* Đối với giao dịch mua bán lại repo (bên bán có kèm cam kết mua lại): Khối lượng giao dịch tối thiểu quy định đối với 1 mã TPCP là 100 TPCP.

5/ Các bước giao dịch trái phiếu Chính phủ:

Bước 1: Mở tài khoản giao dịch (tài khoản tiền/chứng khoán, tài khoản giao dịch).

– Bước 2: Ký quỹ giao dịch: Mức ký quỹ sẽ khác nhau tùy theo lệnh mua hoặc lệnh bán.

Khi đặt lệnh mua TPCP: Nhà đầu tư ký quỹ tiền giao dịch theo mức thỏa thuận với Công ty Chứng khoán.

Khi đặt lệnh bán TPCP: Nhà đầu tư phải có đủ số lượng TPCP đặt bán.

– Bước 3: Đặt lệnh giao dịch: Theo đó lệnh giao dịch được thực hiện qua Công ty Chứng khoán thành viên thị trường TPCP (trừ Ngân hàng thương mại là thành viên hệ thống giao dịch trái phiếu). Nhà đầu tư sẽ viết phiếu lệnh mua/bán TPCP theo mẫu của Công ty Chứng khoán.

– Bước 4: Nhận kết quả giao dịch chi tiết tại Công ty Chứng khoán đặt lệnh giao dịch.

– Bước 5: Thanh toán vào ngày làm việc kế tiếp ngày thực hiện giao dịch, tiền/chứng khoán sẽ được chuyển tới tài khoản của nhà đầu tư thông qua hệ thống thanh toán và bù trừ chứng khoán.

Tham khảo: Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Đặc điểm và lưu ý

6/ Nhà đầu tư cá nhân có nên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ?

Ưu điểm trái phiếu Chính phủ:

  • Trái phiếu Chính phủ là loại tài sản có tính an toàn cao, khả năng bảo toàn vốn cho khách hàng gần như tuyệt đối, cùng với đó là thu nhập ổn định khi khách hàng được hưởng trái tức trong thời gian nắm giữ;
  • Bên cạnh trái tức định kỳ, khách hàng có cơ hội được hưởng lợi nhuận cao hơn giá trị đầu tư ban đầu khi giá trái phiếu biến động tăng;
  • Rủi ro đơn vị phát hành: do đây là trái phiếu do Chính Phủ phát hành và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh nên rủi ro của nhà phát hành là rất thấp;
  • Dòng tiền được xác định rõ: trái phiếu thực chất là một khoản vay với mệnh giá và lãi suất được thanh toán tại các khoản thời gian xác định trước giúp khách hàng dễ dàng xây dựng danh mục khi dòng tiền về đã được xác định rõ thời điểm;
  • Trái tức khách hàng nhận được định kỳ từ tổ chức phát hành được miễn thuế thu nhập.

Với những ưu điểm của mình, trái phiếu Chính phủ luôn là một sản phẩm tài chính đáng được quan tâm và phân bổ vào danh mục tài sản. Tuy nhiên có một vài điểm mà nhà đầu tư cần cân nhắc khi quyết định đầu tư vào trái phiếu Chính phủ:

  • Lãi tức trái phiếu: Do tính an toàn của trái phiếu Chính phủ nên loại tài sản này đi kèm với mức lãi suất không quá hấp dẫn nếu so sánh với các công cụ tài chính khác. Do đó, phân bổ một tỷ lệ hợp lý vào trái phiếu Chính phủ như một công cụ an toàn thay vì công cụ để gia tăng tài sản.
  • Lãi suất thị trường: khi lãi suất ngân hàng tăng lên, giá trái phiếu giao dịch trên thị trường giảm xuống. Việc lựa chọn và cân nhắc đầu tư trái phiếu cần phải xem xét đến lãi suất hiện hành cũng như dự đoán xu hướng tiếp theo của lãi suất thị trường để có thể đạt được hiệu quả tối ưu.

Tham khảo:

  • Các điểm khác nhau giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp

  • Trái phiếu doanh nghiệp có an toàn không?

Powered by Froala Editor