Mức lương tối thiểu vùng Thái Bình đạt bao nhiêu?

Ngày 11/4, Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình có Báo cáo số 60/BC-SLĐTBXH đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu và rà soát, đánh giá điều chỉnh phân vùng hiện hành trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo yêu cầu của Bộ LĐTBXH.

1.Mức lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Theo đó, từ ngày 01/7/2022, thực hiện mức lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh Thái Bình:

– Mức 3.640.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố Thái Bình (thuộc vùng III). – Mức 3.250.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện còn lại (thuộc vùng IV). Tiền lương thấp nhất : 3.640.000 đồng/người/tháng;

Tiền lương bình quân: 7.200.000 đồng/người/tháng;

Tiền lương cao nhất là: 70.000.000 đồng/người/tháng. Nhìn chung các doanh nghiệp đều tuân thủ việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo quy định cho người lao động, tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP như: Thỏa thuận về trả lương cho người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu; trả lương cho người lao động làm công việc có điều kiện lao động nặng nhọc độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường; trả lương cho người lao động làm công việc có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường…

2. Thỏa thuận người lao động và doanh nghiệp

Căn cứ vào mức lương tối thiểu phân vùng hiện hành, doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh các mức lương trong thang, bảng lương, trả cho người lao động phù hợp với công việc đang đảm nhận. Các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện và các chế độ khác theo quy định được giữ nguyên, không bị cắt giảm hoặc xóa bỏ, đã góp phần động viên, khích lệ người lao động yên tâm lao động, sản xuất. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tự nguyện trả mức lương tối thiểu cho người lao động theo mức lương tối thiểu với phân vùng cao hơn, phù hợp với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Góp phần tăng năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề hoạt động trong việc thu hút người lao động, tuyển dụng lao động chất lượng, đảm bảo đời sống cho người lao động. (Chi nhánh Công ty giày da Sao Vàng tại huyện Quỳnh Phụ, theo quy định áp dụng mức lương tối thiểu tại vùng 4 là 3.250.000 đồng/người nhưng doanh nghiệp đã áp dụng mức lương tối thiểu của vùng I (4.680.000 đồng/người/tháng) nên mức lương của người lao động tương đối cao so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp khác trên địa bàn). Ngoài ra, trong thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn cơ sở đã thỏa thuận ký kết được những nội dung có lợi hơn cho người lao động như: Trả lương làm ca đêm cao hơn quy định của luật; trả thêm các loại phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ như xăng xe, môi trường, thâm niên, thưởng chuyên cần, ăn ca…; các khoản thưởng khác cho người lao động như thưởng năng suất, thưởng thâm niên. Qua rà soát, các DN trên địa bàn đã thực hiện điều chỉnh tiền lương theo mức lương tối thiểu vùng năm 2022 để đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ trên mỗi đơn vị, không có hiện tượng NLĐ nợ lương. Nhìn chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã kịp thời điều chỉnh thang lương, lưới lương và trả lương cho người lao động năm 2022 không thấp hơn mức quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài lương, công ty còn có các khoản phụ cấp (chức vụ, trách nhiệm, thâm niên, xăng xe, điện thoại, nuôi dạy con cái…) cho người lao động. Việc tăng lương tối thiểu đã góp phần nâng cao thu nhập của người lao động trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống của người lao động từng bước được cải thiện và nâng cao. Một số công ty có trụ sở chính tại khu vực giáp ranh giữa vùng III và vùng IV đã tích cực thực hiện mức lương tối thiểu vùng III quy định, góp phần tăng tiền lương và thu nhập của người lao động. Đối với mức lương tối thiểu theo giờ: Hầu hết các công ty không áp dụng mức lương tối thiểu theo giờ. Mức lương tối thiểu theo giờ chủ yếu áp dụng đối với nhân viên phục vụ trong các công ty kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, quán ăn, giải khát, quán café) thuộc loại nhân viên làm việc bán thời gian, không có sự phân công. Kết hợp với hợp đồng lao động bằng văn bản, hợp đồng lao động phổ biến trả lương theo giờ cho người lao động từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/giờ. Sở LĐ-TB&XH Thái Bình đang trong quá trình tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề xuất Bộ LĐ-TB&XH báo cáo các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh phân vùng thực hiện tiền lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng. Có thể :

– Thành phố Thái Bình: Đề nghị chuyển từ vùng III (mức lương tối thiểu 3.640.000 đồng/tháng) sang vùng II (mức lương tối thiểu 4.160.000 đồng/tháng).

– Địa bàn các huyện Thái Thụy, Tiền Hải: Đề nghị chuyển từ vùng IV (mức lương tối thiểu 3.250.000 đồng/tháng) sang vùng III (mức lương tối thiểu 3.640.000 đồng/tháng).

– Địa bàn các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hưng Hà: Đề nghị giữ nguyên vùng IV (mức lương tháng tối thiểu 3.250.000 đồng/tháng).