Mỹ Latinh: Thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Video mỹ la tinh có bao nhiêu quốc gia

(ĐCSVN)Vượt qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế các nước Mỹ Latinh đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và là trở thành một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Trao đổi thương mại hai chiều giữa khu vực Mỹ Latinh và các nước trên thế giới tục tăng trong những năm gần đây. Mỹ Latinh đã trở thành thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Mỹ Latinh là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới (Ảnh: Nguồn Internet)

Khu vực Mỹ Latinh có 33 quốc gia, diện tích hơn 20 triệu km2, dân số 573 triệu người. GDP của toàn khu vực năm 2009 đạt 4.039,6 tỷ USD, chiếm 7% GDP toàn thế giới. Thu nhập GDP bình quân đầu người đạt trên 7 ngàn USD/ năm. Điều kiện tự nhiên đất đai thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chăn nuôi. Nguồn tài nguyên, khoáng sản quý hiếm chiếm trữ lượng lớn như: bạc, đồng, than đá, dầu lửa, niken, bô xít, thiếc, sắt, khí đốt, uranium…

Các nước Mỹ Latinh đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Tăng trưởng GDP của cả khu vực năm 2010 và 2011 lần lượt ước đạt 5,7% và 4%, cao hơn mức tăng chung của cả thế giới. Một số nước có quy mô GDP lớn như: Braxin đạt 1.571,9 tỷ USD, chiếm 38,8 % GDP toàn Mỹ Latinh; Mexico đạt 874,9 tỷ USD chiếm 21,6%; Veneduela đạt 326,4 tỷ USD, chiếm 8,0%; Argentina đạt 308,7 tỷ USD, chiếm 7,6% .

Trao đổi thương mại hai chiều của khu vực này với thế giới năm 2009 đạt gần 2 ngàn tỷ USD, chiếm 5,4% tổng giá trị thương mại thế giới, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 704,1 tỷ USD, chiếm 5,7%, kim ngạch nhập khẩu đạt 695,4 tỷ USD, chiếm 5,4%. Một số nước Mỹ Latinh đã đạt trình độ khá cao trong lĩnh vực công nghiệp như: sản xuất máy bay, khai thác, chế biến dầu khí, khai khoáng, thủy điện, công nghệ sinh học và năng lượng sinh học. Thị trường Mỹ Latinh có nhu cầu nhập khẩu lớn, giá trị nhập khẩu tăng trung bình 17%/ năm, chiếm 5,4 % tổng gía trị nhập khẩu toàn thế giới, giá trị xuất khẩu tăng 18%/ năm. Các nước Mỹ Latinh có đặc điểm chung lấy mục tiêu phát triển kinh tế, công nghiệp hóa là nhiệm vụ trọng tâm, coi xuất khẩu là động lực phát triển kinh tế. Trong chính sách kinh tế đối ngoại, các nước Mỹ Latinh ngày càng hướng mạnh về phương Đông, trong đó có Việt Nam là một trong những cửa ngõ quan trọng để thâm nhập vào khu vực châu Á. Hàng hóa trong điều kiện sản xuất của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của Mỹ Latinh.

Những năm 1990, quan hệ buôn bán của Việt Nam mới chỉ mở ra với số ít nước Mỹ Latinh. Năm 1995, thị trường xuất khẩu còn hạn hẹp chủ yếu với Cuba, Mexico, Braxin và Argentia. Đến năm 2000, thị trường xuất khẩu đã mở sang 7 nước, đạt kim ngạch 106,0 triệu USD.

Gạo là một trong những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam sang thị trường Mỹ Latinh trong thời gian gần đây (Ảnh: Nguồn Internet)

Tính đến nay, Việt Nam có trao đổi thương mại với tất cả 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latinh. Từ xuất phát điểm vài chục triệu USD vào năm 1990, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 145 triệu USD vào năm 2000 và tăng lên 2,4 tỷ USD vào năm 2009, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 30 %. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực năm 2010 ước có thể đạt 1,8 tỷ USD, tăng 40,6 % so với cùng kỳ năm 2009 và tổng kim ngạch hai chiều có thể đạt 3,5 tỷ USD. Sự tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục trong những năm sắp tới.

Trong năm 2009, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao sang khu vực Mỹ Latinh gồm giày dép đạt 325,5 triệu USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ Latinh. Hàng năm, cả khu vực phải nhập khẩu giày dép với kim ngạch hơn 2 tỷ USD/ năm. Một số thị trường có nhu cầu nhập khẩu giày dép với số lượng lớn là Mexico, Panama, Chile, Braxin, Argentina, Cuba, Peru. Mặt hàng xuất khẩu đứng thứ nhì là gạo, đạt giá trị kim ngạch 205,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 15,3%. Riêng Cuba hàng năm nhập khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 200 triệu USD, ngoài ra một số thị trường khác ở Nam Mỹ và Caribe đã nêu nhu cầu nhập khẩu gạo của ta cho những năm tới. Tiếp theo là mặt hàng dệt may có giá trị xuất khẩu hàng năm trên 100 triệu USD, chiếm tỷ trọng 9,4%. Một số thị trường xuất khẩu chính hàng dệt may của ta với giá trị kim ngạch hàng chục triệu USD là Mexico, Braxin, Panama, Argentina, Chile, Peru. Mặt hàng thủy sản, chủ yếu là cá trá và cá basa của ta tuy mới thâm nhập vào một số thị trường như Mexico, Braxin, Colombia nhưng đã tăng nhanh, đạt gía trị kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD ở mỗi nước. Một số mặt hàng khác như vali, túi xách, sản phẩm nhựa, cao su và sản phẩm từ cao su, cà phê đã có chỗ đứng ở Mỹ Latinh từ nhiều năm qua. Gần đây hàng điện, điện tử, tin học, cơ khí, thiết bị, máy, động cơ điện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, xi măng, sắt thép, sản phẩm gỗ đang thâm nhập, đạt giá trị kim ngạch hàng chục triệu USD. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có xu thế tăng dần sản phẩm công nghiệp. Hàng công nghiệp nhẹ, gia công chế tạo, và có nguồn gốc từ nông nghiệp đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của Trung Quốc, Ấn Độ và nước khác với giá rẻ hơn, thị hiếu phù hợp với sức mua của đại bộ phận dân cư có thu nhập thấp.

Theo số liệu thống kê của Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh đạt 1,3654 tỷ USD, cao hơn tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2009 (1,3331 tỷ USD). Ước cả năm 2010, xuất khẩu sang sang Mỹ Latinh đạt 1,820 tỷ USD. Riêng xuất khẩu sang 10 thị trường chủ yếu nói trên đạt hơn 1,6554 tỷ USD chiếm khoảng 91,7% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này. Trong số 10 thị trường chủ yếu nói trên, xuất khẩu của ta giữ được quy mô và tốc độ tăng trưởng khá là Braxin, Mexico, Cuba, Panama, Chilê. Ước năm 2010, thị trường Braxin, Mexico có quy mô kim ngạch xuất khẩu vượt trên mốc 400 triệu USD/ năm, có tốc độ tăng trưởng khá vững chắc, sau đến Cuba và Panama đạt trên dưới 200 triệu USD/năm. Gần đây, có nhiều tín hiệu đổi mới về chính sách thương mại đầu tư Cuba. Về lâu dài, Cuba vẫn là thị trường xuất khẩu tiềm năng về gạo và hàng nhu yếu phẩm kể cả tiềm năng về đầu tư của Việt Nam. Ngoài 10 thị trường xuất khẩu chính nói trên, 23 thị trường khác thuộc Mỹ Latinh nhập khẩu từ Việt Nam, tuy có tăng trưởng nhưng chỉ đạt kim ngạch 112,4 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2010, chiếm 8,3% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh. Vì vậy, cần nỗ lực vượt bậc trong công tác xúc tiến thương mại (XTTM) sang 23 thị trường còn lại để tạo bước đột trong những năm tới.

Là một trong những khu vực có nhu cầu tiêu thụ giày dép lớn nhất thế giới, Mỹ Latinh là thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm giày dép xuất khẩu Việt Nam (Ảnh: Nguồn Internet)

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua song vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng của các bên. Kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này chỉ chiếm tỷ trọng 2,3 % tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2009. Thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở Mỹ Latinh còn nhỏ, chỉ chiếm 0,18 % tổng kim ngạch nhập khẩu của cả Mỹ Latinh từ tất cả các nước (1,3/695,4 tỷ USD). Đặc biệt ở một số nước có tiềm năng lớn và quy mô kinh tế hàng trăm tỷ USD nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu và thị phần của ta còn ít (Colombia, Veneduela, Peru, Panama). Khoảng cách quá xa về vị trí địa lý cũng như thông tin trao đổi giữa doanh nghiệp, đối tác làm ăn còn thiếu đầy đủ là những nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế trên. Ngoài ra, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa đến từ các nước châu Á khác có giá thấp hơn; công tác xúc tiến thương mại chưa được đẩy mạnh, hướng đến các thị trường khu vực Mỹ Latinh…

Được đánh giá là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới, trong những năm tới, nền kinh tế Mỹ Latinh có viễn cảnh phát triển tốt, tình hình khu vực cơ bản ổn định. Chính sách vĩ mô của các quốc gia được xây dựng bài bản, linh hoạt, vận dụng quy luật kinh tế thị trường, có bề dày kinh nghiệm khắc phục khủng hoảng khu vực và thế giới. Hiện nay, nội lực khu vực không ngừng được tăng cường, dự trữ ngoại hối đạt 552,4 tỷ USD. Đa phần các nước Nam Mỹ có nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo khá tốt, nền kinh tế có độ mở rộng, quan hệ mật thiết với thị trường thế giới. Các nước như Brasil, Chile, Argentina, Mexico, Peru, Colombia, Panama chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng GDP của toàn khu vực đã thực thi các biện pháp mạnh mẽ trong việc kích cầu nội địa. Các nước này có thị trường trong nước tiềm năng lớn, lại đa dạng hoá thị trường đầu ra nhất là tăng cường quan hệ kinh tế với châu Á, trong đó có Việt Nam nên sẽ đạt tăng trưởng kinh tế cao hơn. Không chỉ là kho lương thực cho toàn thế giới, Mỹ Latinh còn là nơi cung cấp cho Việt Nam nguồn tài nguyên dầu mỏ khí đốt, nguyên nhiên vật liệu chiến lược như quặng sắt thép, uran, thiếc, đồng, nguyên liệu da, v.v…

Ngày nay, một quốc gia có thể duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững nhờ phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập. Đối với nước ta hiện nay, đẩy mạnh xuất khẩu là tận dụng được lợi thế so sánh về các nguồn lực đất đai, tài nguyên, nguồn lao động cùng với những ngành nghề có lợi thế hơn so với quốc gia khác, hòa nhập vào mạng sản xuất toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu dài hạn đặt ra là hàng hóa Việt Nam có mặt ở khắp thị trường Mỹ Latinh, có đại diện thương mại hoạt động ở các thị trường chủ yếu; củng cố vững chắc và nâng cao dần thị phần đang chiếm lĩnh ở các thị trường truyền thống; Đưa thêm các mặt hàng mới vào Mỹ Latinh như vật liệu xây dựng, gốm sứ, động cơ điện, cơ khí, hàng tiêu dùng có hàm lượng công nghiệp và giá trị gia tăng cao hơn. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD vào năm 2005 và khoảng 12-15 tỷ USD vào năm 2020. Trong khuôn khổ hợp tác song phương, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế thương mại và đầu tư, văn hóa, khoa học kỹ thuật với Mỹ Latinh. Ký được một số hiệp định thương mại tự do FTA và tăng số hiệp định thương mại song phương với các nước có tiềm năng lớn. Cùng với việc củng cố giữ vững thị trường, mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở các thị trường truyền thống, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để và hàng hóa Việt Nam có mặt rộng khắp các vùng miền của 33 nước Mỹ Latinh.

Theo Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, để góp phần đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực Mỹ Latinh, các ban, ngành, doanh nghiệp Việt Nam cần có các biện pháp cấp bách như: Biên tập và phát hành tài liệu thông tin quảng bá về Việt Nam cho doanh nhân khu vực Mỹ Latinh; Phối hợp với Đại sứ quán các nước Mỹ Latinh tại Việt Nam và các Sở Thương mại tổ chức Hội thảo giới thiệu thị trường và cơ hội xuất khẩu sang Mỹ Latinh cho doanh nghiệp Việt Nam; Tăng cường tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại đi tham dự hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường nhằm thiết lập quan hệ đối tác, bạn hàng; Xây dựng trang Web bằng tiếng Tây Ban Nha giới thiệu thị trường, mặt hàng và chỉ dẫn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho các doanh nghiệp Mỹ Latinh; Tích cực, chủ động mời đoàn nước ngoài vào thăm, làm việc, khảo sát thực tế, tham dự triển lãm, hội chợ tại Việt Nam; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại của các Thương vụ tại địa bàn; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý trong vận động, cạnh tranh và hợp tác; Tập hợp lực lượng kiều bào, doanh nhân nước ngoài để quảng bá, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ Latinh; Bổ sung nguồn cán bộ có chuyên môn giỏi, thạo tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho khu vực Mỹ Latinh…

Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương cũng cho biết, vào ngày 24/11 tới, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thuộc Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tiềm năng và cơ hội xuất khẩu, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh”. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu cũng như bàn về các biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm lĩnh được thị trường đầy tiềm năng này./.