Bình Tây Đại nguyên soái

Sớm nhận thấy tố chất đó ở người con trai nên năm 1844, khi võ quan Trương Cầm được triều đình Huế cử vào nhậm chức Vệ úy Gia Định, ông đã cho con trai đi cùng vào Nam khi Trương Định 24 tuổi.

Không dựa vào “cái bóng” của cha, Trương Định quyết định chọn Tân An làm nơi lập nghiệp. Năm 1848, ông bắt đầu chiêu mộ những nông dân lưu tán quanh vùng, bắt tay khai hoang lập ấp. Sống ở vùng đất mới tiềm ẩn nhiều hiểm nguy, vốn có sẵn dòng máu võ nghệ, Trương Định đã lựa chọn một số thanh niên trai tráng vừa đi tiên phong khai khẩn đất hoang, vừa tranh thủ luyện tập võ nghệ. Theo chính sách phát triển kinh tế vùng đất phương Nam của triều đình nhà Nguyễn, năm 1853, Trương Định đứng ra lập đồn điền Gia Thuận và được triều đình phong chức Phó quản cơ, rồi Quản cơ. Từ đây, nhân dân trong vùng đã tìm thấy “chủ tướng” và thường gọi ông với tên thân mật là Quản Định.

Tượng đài Trương Định ở thị xã Gò Công (Tiền Giang). (Ảnh: TRẦN VIỆT)

Công cuộc chiêu mộ nông dân khai khẩn đất đai của đồn điền đang phát triển thuận lợi thì năm 1859, quân Pháp nổ súng tiến công Gia Định. Không chịu khoanh tay ngồi yên, Trương Định đã đưa nghĩa binh của mình gồm những nông dân đồn điền thực thụ ra trận quyết sống mái với giặc Pháp. Với uy tín và tài thao lược của Trương Định, nhân dân theo ông rất đông. Thanh thế và lực lượng của Trương Định vì thế mà phát triển rất nhanh. Đầu năm 1861, đội nghĩa binh của ông chiêu mộ được hơn 6.000 người và đóng đại đồn tại Tân Hòa-Gò Công. Tại đây, Trương Định đã chia lực lượng ra làm 6 cơ, tranh thủ huấn luyện và sẵn sàng lâm trận. Tiếng tăm Quản Định nhanh chóng lan xa và dội về kinh đô Huế. Triều đình đã phong cho ông chức Phó lãnh binh Gia Định. Dưới sự chỉ huy của Trương Định, nghĩa quân đã tổ chức nhiều trận đánh thắng lợi, gây cho quân Pháp nhiều phen khốn đốn.

Trương Định không chỉ là một nhà chỉ huy sắc sảo, thông binh thư, giỏi võ nghệ, mà còn biết trọng dụng nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ. Dưới trướng của ông quy tụ nhiều nhân tài như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Dương, Phan Văn Đạt… Đêm 23-2-1861, quân Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn vào Đại đồn Chí Hòa. Phó lãnh binh Trương Định đã kéo đạo quân của mình lên phối hợp tác chiến với đạo quân của Nguyễn Tri Phương, kiên cường ngăn chặn bước tiến, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng quân Pháp. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đặc biệt là về hỏa lực nên mặc dù nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm nhưng Đại đồn Chí Hòa đã nhanh chóng thất thủ và rơi vào tay quân xâm lược Pháp. Trương Định cho nghĩa binh lui về căn cứ củng cố. Trong những tháng cuối năm 1861, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trương Định, nghĩa quân tiếp tục tổ chức nhiều trận đánh và một trong số đó là trận Cần Giuộc-trận đánh làm nức lòng nhân dân trong vùng. Cảm phục trước tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hy sinh anh dũng của nghĩa quân, Nguyễn Đình Chiểu đã làm bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nổi tiếng lưu danh muôn đời. Tháng 3-1862, Trương Định được vua Tự Đức cho kiêm chức Tổng chỉ huy đầu mục Gia Định.

Giữa lúc hoạt động của nghĩa quân đang làm điên đảo quân Pháp và Trương Định đang chuẩn bị cho những kế hoạch mới thì ngày 9-5 năm Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế đã ký hiệp ước đầu hàng Pháp. Theo đó, vua quan nhà Nguyễn đã yêu cầu Trương Định bãi binh và điều ông về làm Lãnh binh Phú Yên. Vốn là một người tôn quân, lúc đầu ông định tuân lệnh nhưng vì nhân dân và nghĩa quân tha thiết giữ người chủ tướng của mình ở lại; vả lại nghĩ tới lời của Nguyễn Đình Chiểu “một ngày lòng dân còn thì một ngày quốc thổ còn” nên Trương Định đã không tuân lệnh triều đình mà quyết định ở lại tiếp tục kháng chiến. Trương Định không chịu nhậm chức Lãnh binh Phú Yên của triều đình mà đã vui vẻ nhậm chức do nhân dân trao tặng. Đông đảo người dân trong vùng đã kéo ra quỳ trước ngựa của Trương Định và suy tôn ông là “Bình Tây Đại nguyên soái”. Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định đứng ngoài vòng cương tỏa của triều đình Huế.

Một cảnh trong phim “Bình Tây Đại nguyên soái” của hãng phim Cửu Long sản xuất năm 2018.

Để chuẩn bị kháng chiến, Trương Định ra lệnh cho nghĩa quân tích cực phát triển lực lượng và tích trữ lương thực, khí giới. Với nhãn quan chiến lược sắc sảo, ông đã cho xây dựng Gò Công thành căn cứ kháng chiến lâu dài chống Pháp. Trước sức ép của Pháp, triều đình Huế đã không ít lần cử người tiếp xúc, viết thư, dùng đủ mọi cách-ra lệnh có, dụ dỗ có, nhằm buộc Trương Định bãi binh nhưng tất thảy đều không thuyết phục được ông. Trả lời thư của Phan Thanh Giản, Trương Định khảng khái: “Chúng tôi sẵn sàng tử chiến, lôi giặc đàng Đông, kéo giặc đàng Tây. Chúng tôi đánh giặc, chống giặc và sẽ thắng giặc”.

Tìm đủ mọi cách, kể cả gây sức ép với triều đình Huế vẫn không thể thu phục được Trương Định, ngày 25-2-1863, quân Pháp chia làm nhiều cánh bao vây và mở cuộc tiến công vào căn cứ Gò Công. Trương Định bình tĩnh chỉ huy nghĩa quân kiên cường chiến đấu suốt 3 ngày đêm, đẩy lùi nhiều đợt tiến công và gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Chỉ đến khi lực lượng bị hao hụt, vũ khí cạn kiệt và hai phó tướng thân cận là Đặng Kim Chung và Lưu Bảo Đường tử trận thì ông mới cho nghĩa quân rút lui về một khu rừng sát sông Soài Rạp. Hơn hai năm đứng chân tại căn cứ mới Phước Lộc, Trương Định tiếp tục cho củng cố lực lượng, bổ sung quân lương. Có lúc đội quân của ông đã phát triển lên tới hơn 10 nghìn người. Không chịu thúc thủ, Trương Định đã chỉ huy nghĩa quân liên tiếp tổ chức nhiều trận tiến công quân Pháp ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông, vùng ven Sài Gòn…

Nửa đêm 20-8-1864, trong lúc Trương Định đưa 25 nghĩa binh đi chuẩn bị cho một kế hoạch tiến công mới ở làng Tân Phước thì bị tên việt gian Huỳnh Công Tấn (Đội Tấn) bí mật đưa đường cho quân Pháp vào vây bắt. Một trận chiến bất ngờ không cân sức đã diễn ra. Trương Định vừa tổ chức đánh trả, vừa cố tìm mọi cách mở đường máu để rút ra, song chẳng may ông bị trúng đạn. Biết mình bị thương nặng và không muốn rơi vào tay giặc, Trương Định đã rút gươm tự sát.

Trương Định hy sinh là một tổn thất lớn cho phong trào chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của ông đã để lại nỗi thương tiếc khôn nguôi không chỉ cho nghĩa quân mà cả tầng lớp sĩ phu và nhân dân. Cảm kích trước một vị tướng quân tài ba và nhân nghĩa, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã có những vần thơ dành cho ông:

Trong Nam tên họ nổi như cồn

Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn

Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ

Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn.

Thương tiếc người anh hùng, nhân dân đã mang thi hài ông về an táng rất trọng thể và xây dựng đền thờ tại thị xã Gò Công (Tiền Giang). Lễ giỗ ông ngày nay đã trở thành ngày hội của nhân dân trong vùng. Ngày 30-8-1987, di tích mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia. Năm 1995, tượng đài Trương Định được xây dựng tại thị xã Gò Công.

TRẦN VIỆT ANH