Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ngãi năm 2020

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Lòng tự trọng nằm ngay trong bản thân mỗi người. Nó là người thầy, người bạn, người hộ vệ thân thiết và chân thành nhất của chúng ta. Lòng tự trọng giúp ta biết cách hành xử đúng mực cũng như luôn dũng cảm trong việc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.

Mọi sự khôn ngoan đều bắt đầu từ lòng tự trọng. Với lòng tự trọng, bạn sẽ trở nên năng động và can đảm, sẵn sàng tiến về phía trước để mở lối cho những người đi sau. Lòng tự trọng bắt nguồn từ việc bạn yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình. Qủa thật, nếu không tôn trọng chính mình, làm sao bạn có thể học cách yêu thương và tôn trọng người khác.

(Goegre Matthew Adams – Không gì là không thể, Thu Hằng dịch, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017, tr27)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Trong đoạn trích, từ “nó” được dùng để thay thế cho từ ngữ nào?

Câu 3: Dựa vào đoạn trích, em hãy cho biết: Nếu không có lòng tự trọng, con người sẽ trở nên như thế nào?

Câu 4: Em có đồng ý với ý kiến, “Lòng tự trọng bắt nguồn từ việc bạn yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình” không? Vì sao?

II. PHẦN LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về lòng tự trọng của người học sinh trong học tập và rèn luyện.

Câu 2: (5,0 điểm)

Trong Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã gợi tử nhân vật Thúy Kiều:

Kiều càng sắc sảo mặn mà, So bề tài sắc lại là phần hơn. Làn thu thủy nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Một hai nghiêng nước nghiêng thành, Sắc đành đòi một tài đành họa hai. Thông minh vốn sẵn tính trời, Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm. Cung thương làu bậc ngũ âm, Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương. Khúc nhà tay lựa nên xoang, Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD 2017, tr.81)

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1:

Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

Trong đoạn trích, từ “nó” được dùng để thay thế cho từ ngữ nào?

Phương pháp: Căn cứ nội dung đoạn trích và tìm ý

Cách giải:

Từ “Nó” thay thế cho từ “Lòng tự trọng”.

Câu 3:

Dựa vào đoạn trích, em hãy cho biết: Nếu không có lòng tự trọng, con người sẽ trở nên như thế nào?

Phương pháp: Căn cứ vào nội dung đoạn trích và tìm ý

Cách giải:

Nếu không có lòng tự trọng, con người sẽ trở nên hèn nhát, ích kỉ, không dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, dễ dàng thỏa hiệp với hoàn cảnh, có nguy cơ đánh mất chính mình. Không có lòng tự trọng, con người sẽ không biết yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình cũng như yêu thương và tôn trọng người khác.

Câu 4:

Em có đồng ý với ý kiến, “Lòng tự trọng bắt nguồn từ việc bạn yêu thương và tôn trọng chính bản thân mình” không? Vì sao?

Phương pháp: Căn cứ vào những hiểu biết trong đời sống.

Cách giải:

– Đồng ý với ý kiến trên

– Học sinh có thể trả lời dựa trên những gợi ý sau:

+ Chỉ khi yêu thương và tôn trọng bản thân mình chúng ta mới có thể yêu thương và tôn trọng những người xung quanh. Người có lòng tự trọng là người có trách nhiệm với bản thân và cuộc sống xung quanh mình.

+ Khi yêu thương và tôn trọng bản thân, con người hành động theo tiếng gọi của lương tâm, thực hiện những điều đúng đắn, phù hợp với pháp luật và chuẩn mực đạo đức của xã hội.

+ Khi chúng ta là người có lòng tự trọng, chúng ta sẽ biết nhận ra lỗi lầm và tìm cách khắc phục, không đổ lỗi hoặc trốn tránh trách nhiệm của mình.

….

Phần II

Câu 1

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (từ 7 đến 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về lòng tự trọng của người học sinh trong học tập và rèn luyện.

Phương pháp: phân tích, lí giải

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: lòng tự trọng của học sinh trong học tập và rèn luyện.

2. Giải thích vấn đề

– Tự trọng: là ý thức được bản thân, coi trọng danh dự, phẩm giá của chính mình. Tự trọng là biết mình biết mình biết người, không gây ra những việc làm xấu xa khiến bản thân hổ thẹn.

=> Tự trọng giúp chúng ta sống đẹp sống có ích làm cho xã hội lành mạnh hơn.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề

– Ý nghĩa của lòng tự trọng:

+ Tự trọng giúp bản thân mỗi người nhìn nhận đúng cái sai, những điểm chưa hoàn thiện.

+ Lòng tự trọng khơi nguồn các đức tính tốt đẹp khác.

+ Có tự trọng chúng ta mới có thể học được cách tôn trọng người khác.

– Biểu hiện của những học sinh có lòng tự trọng trong học tập và rèn luyện:

+ Cố gắng làm bài tập về nhà bằng chính khả năng của mình, không coi cóp, gian lận.

+ Học hành một cách nghiêm túc không để bị nhắc nhở, phàn nàn.

+ Biết nhận ra cái sai của mình và lắng nghe những lời góp ý để sửa chữa một cách vui vẻ, chân thành, cởi mở.

+ Có thái độ sống hòa nhã với mọi người, tôn trọng thầy cô, nhường nhịn bạn bè.

+ Ý thức được mình, không bị lôi cuốn bởi các yếu tố tiêu cực học đường (game, bạo lực, trốn học…).

– Phê phán những người có lối sống thiếu văn hóa, vô lễ, không tự trọng.

– Bài học nhận thức và hành động:

+ Luôn sống một cách chan hòa, làm những điều tốt đẹp tránh xa cái xấu

+ Nhận thức những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát huy và sửa chữa

4. Tổng kết

Câu 2

Trong Truyện Kiều, nhà thơ Nguyễn Du đã gợi tử nhân vật Thúy Kiều:

Kiều càng sắc sảo mặn mà, So bề tài sắc lại là phần hơn. Làn thu thủy nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Một hai nghiêng nước nghiêng thành, Sắc đành đòi một tài đành họa hai. Thông minh vốn sẵn tính trời, Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm. Cung thương làu bậc ngũ âm, Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương. Khúc nhà tay lựa nên xoang, Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD 2017, tr.81)

Phương pháp: phân tích, cảm nhận, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

– Tác giả: Nguyễn Du (1765- 1820), quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một nhà thơ vĩ đại của nền văn học Việt Nam.

– Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học Việt Nam, tác phẩm còn có tên gọi khác là “Đoạn trường tân thanh”, được viết dựa trên cốt truyện của “Kim Vân Kiều truyện” nhưng sự sáng tạo về nội dung và nghệ thuật là rất lớn. Tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhận đạo cao dẹp và có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc.

– Tác giả đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật của mình đặc biệt là nhân vật Thúy Kiều nổi bật với tài và sắc trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”.

2. Phân tích, cảm nhận

Phân tích 12 câu thơ tả Kiều để thấy được những đặc sắc nội dung và nghệ thuật:

a. Vẻ đẹp ngoại hình của Kiều:

– Nguyễn Du đã đặt Thúy Vân lên đầu, tả nàng trước, mặc dù nàng là em:

+ Vẻ đẹp của Thúy Vân: Dịu dàng, ôn nhu, khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn, mắt phượng mày ngài -> vô cùng đoan trang xinh đẹp, thiên nhiên cũng khuất phục trước vẻ đẹp của nàng “thua, nhường”.

=> Tả Vân trước tả Kiều để làm nổi bật vẻ đẹp cùng tài năng của Kiều (nghệ thuật đòn bẩy, so sánh): “càng, lại”.

+ Vẻ đẹp của Kiều ở đôi mắt “làn thu thủy”: trong veo, êm dịu, đượm buồn như nước hồ mùa thu

+ Vẻ đẹp ở đôi mày “nét xuân sơn”: như nét bút vẽ núi mùa xuân trong bức tranh thủy mặc.

=> Nghệ thuật lấy điểm tả diện: chỉ đặc tả đôi mắt, đôi mày nhưng hiện lên một khuôn mặt của một trang giai nhân tuyệt mỹ.

– Nhan sắc của Kiều: đẹp như hoa, yểu điệu như liễu nhưng vẻ đẹp vượt trên vẻ đẹp thông thường -> khiến trời đất “ghen”, “hờn”, thiên nhiên đố kị.

=> Báo hiệu cuộc đời chông gai của Kiều.

– Sắc đẹp của Kiều ví như sắc đẹp của người con gái khiến cho quân vương say đắm mà mất đi quốc gia.

-> Kiều mang vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt mỹ, thế nhưng vẻ đẹp ấy khiến trời đất ghen tị dự báo cuộc đời lênh đênh của nàng sau này.

b. Tài năng của Kiều: Nhan sắc của Kiều xinh đẹp là vậy nhưng tài năng của nàng còn tuyệt vời hơn

– Tất cả tài năng của nàng đều được thiên phú, nàng am hiểu cả cầm – kỳ – thi – họa -> người con gái lý tưởng trong xã hội phong kiến “pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm”.

– Nàng am hiểu mọi thứ nhưng nổi bật nhất là thi ca, cầm chương nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương” -> sáng tác khúc đàn bạc mệnh (khúc nhạc khiến ai cũng phải thương tâm, đau lòng).

=> Dự báo cuộc đời, vận mệnh bi kịch của nàng như khúc đàn Bạc mệnh.

c. Nghệ thuật:

– Vẻ đẹp cùng tài năng của Kiều đã ở mức tuyệt mỹ, khiến cho trời đất cũng phải ghen tị, đố kỵ -> báo hiệu cuộc đời khổ ải sau của nàng.

– Nghệ thuật lấy điểm tả diện, đòn bẩy, ước lệ được Nguyễn Du vận dụng để miêu tả vẻ đẹp tuyệt mỹ của Kiều.

3. Tổng kết vấn đề

Nêu cảm nhận về nhân vật Thúy Kiều:

– Nhân vật Kiều là nhân vật điển hình cho hình tượng người phụ nữ xưa -> Ca ngợi phẩm giá của người phụ nữ.

– Lên án, tố cáo một xã hội bất công, thối nát đẩy con người vào tình cảnh éo le.