Phát triển công nghiệp chế biến là “con đường” tối ưu để nâng cao giá trị nông – lâm – thủy sản, tăng thu nhập và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển, quy hoạch các cơ sở chế biến nông – lâm – thủy sản như thế nào, gắn với nguồn nguyên liệu ra sao thực sự đang là những “bài toán” khó.
Đóng bao nông sản tại Công ty CP Thương mại Sao Khuê (Đông Sơn).
Bạn đang xem: Phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản và những vấn đề đặt ra
Với một địa phương đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu như tỉnh ta, nguồn nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản khá đa dạng, phong phú, phù hợp với việc phát triển nhiều ngành công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, các ngành nghề công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản trên địa bàn tỉnh còn khá đơn điệu, chưa phát huy hết tiềm năng hiện có. Các mặt hàng công nghiệp chế biến chỉ mới tập trung vào một số lĩnh vực, ngành hàng truyền thống, như: Sản phẩm từ tre, luồng, thủy, hải sản đông lạnh, thịt súc sản. Quy mô của các doanh nghiệp sản xuất còn nhỏ, công nghệ chế biến sâu còn ít và chưa khai thác hết tiềm năng vùng nguyên liệu.
Xem thêm : Cách ghép nhạc vào ảnh trên TikTok cực đơn giản ai cũng làm được
Điển hình như hiện nay, các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, mới chỉ tiêu thụ, chế biến được một tỷ lệ nhỏ nguồn nông sản của tỉnh. Chẳng hạn như vùng nguyên liệu cho chế biến tre, luồng rất tiềm năng với hơn 70.000 ha rừng luồng, chủ yếu tập trung ở các huyện Bá Thước, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn. Tuy nhiên, cả tỉnh mới chỉ có 188 cơ sở thu mua và chế biến luồng. Hơn nữa, quy mô của các cơ sở còn nhỏ, công nghệ chế biến lạc hậu, chủng loại sản phẩm đơn điệu, chủ yếu là đũa thô, ván sàn, giấy vàng mã, hàng thủ công mỹ nghệ giá trị thấp. Tỷ lệ sử dụng sinh khối của cây luồng chỉ đạt khoảng 30%. Phần còn lại của sinh khối cây luồng bị coi là phụ phẩm và dùng để sản xuất bột giấy và than với giá trị kinh tế thấp. Theo rà soát của Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ số xã có cơ sở chế biến nông sản chỉ đạt 11,22%; số xã có cơ sở chế biến lâm sản là 62%; số xã có cơ sở chế biến thủy sản là 2,77%. Theo đánh giá của Sở Công Thương, sự phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông – lâm – thủy sản đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của giá trị xuất khẩu hàng hóa tỉnh ta. Năm 2018, giá trị xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đạt 116,3 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ và có nhiều tiềm năng tăng trưởng nếu được đầu tư, phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này cho rằng, để thúc đẩy công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản, tỉnh cần xây dựng cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này, nhất là chính sách về tín dụng để khơi thông nguồn vốn đầu tư cơ sở sản xuất, nâng cao giá trị cho các loại nông sản.
Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất để ổn định nguyên liệu cho công nghiệp chế biến cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Với các nhà máy chế biến sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu được quy hoạch như mía, sắn, câu chuyện nguyên liệu vẫn là vấn đề “nóng” mỗi mùa thu hoạch. Với tâm lý “Đứng núi này, trông núi nọ”, nông dân trong vùng quy hoạch nguyên liệu vẫn sẵn sàng tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng mỗi mùa vụ, khiến nguyên liệu cho các nhà máy thường xuyên trong tình trạng không ổn định, không phát huy hết công suất của các nhà máy. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng “tranh giành” nguyên liệu giữa các nhà máy chế biến. Một số doanh nghiệp chế biến đã phải đóng cửa, ngừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu trầm trọng. Đại diện Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Bá Thước, cho biết: Vùng nguyên liệu cho nhà máy mỗi năm vẫn thường xuyên nằm trong tình trạng không ổn định. Điển hình như vụ sản xuất 2018, ước sản lượng sắn nguyên liệu chỉ đạt 30% công suất thiết kế. Với các nhà máy chế biến lâm sản, thủy, hải sản, vấn đề nguyên liệu càng trở nên khó khăn hơn. Toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đã được cấp phép và gần 81 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu.
Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 ha rừng gỗ lớn, theo đề án tái cơ cấu lâm nghiệp, đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển gần 60.000 ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư dài hạn đối với người dân miền núi rất khó thực hiện, khiến việc đáp ứng nguyên liệu cho những nhà máy có yêu cầu cao về nguyên liệu chế biến còn nan giải. Đại diện Nhà máy Chế biến gỗ công nghiệp Thành Nam, đóng trên địa bàn xã Xuân Bình (Như Xuân), chia sẻ: Là một nhà máy chế biến gỗ có dây chuyền công nghệ hiện đại với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động (tháng 8-2012) đến nay, nhà máy thường xuyên trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Bước sang năm 2018, nhà máy phải tăng giá thu mua, tích cực khai thác nguyên liệu từ các tỉnh ngoài để đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy.
Xem thêm : “Chiến lược” thất bại của các tổng thống Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản được tổ chức vừa qua, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã khẳng định vai trò quan trọng của công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản. Đây được xác định là khâu quan trọng nhất để nâng cao giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong thời gian tới, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần rà soát, đẩy mạnh việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn một cách phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng những cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp chế biến ở lĩnh vực có đầu vào còn tiềm năng như nông sản, lâm sản để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng, tiếp cận vốn để các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nông – lâm – thủy sản. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn về tài chính, công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân, giúp họ yên tâm gắn bó, xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho sản xuất.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp