Ngập do lũ và triều biển dâng trên đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và một số giải pháp thích ứng

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên khoảng 3,94 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp vào khoảng 2,4 triệu ha, địa hình thương đối bằng phẳng và thấp, với cao độ bình quân khoảng 1m+MSL. Nó được xem là vựa lúa chính của cả nước với sự đóng góp hơn 48% sản lượng lượng thực và 85^ sản lượng lúa gạo xuất khẩu. ĐBSCL nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, chịu ảnh hưởng lũ vả hạn theo mùa hàng năm.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu – nước biển dâng các tác động này sẽ càng trở lên phức tạp, lũ có thể gây ngập sâu và kéo dài hơn, ngập không chỉ xảy ra trong điều kiện lũ thượng nguồn mà có thể xảy ra ngay trong điều kiện thường với nước biển dâng, đe dọa sự phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích các thay đổi về diễn biến ngập lũ, ngập triều trong nước biển dâng, căn cứ vào điều kiện thực tế ở đồng bằng, nghiên cứu đề xuất một số định hướng và giải pháp thích ứng với lũ và ngập triều biển dâng cho ĐBSCL trong bối cảnh có xét đến biến đổi khí hậu.

I. Đặt vấn đề

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cuả Việt Nam nằm ở cuối nguồn Lưu Vực Sông Mê Công (LVSMC), với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 3,9 triệu ha, Phía Bắc giáp Cam-pu-chia, phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Địa hình khá bằng phẳng, cao độ bình quân là +1 m so với mực nước biển, bị ảnh hưởng của thuỷ triều và xâm nhập mặn theo mùa hàng năm với diện tích nhiễm mặn lên tới 1,7 triệu ha. Đồng thời bị ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm với diện tích lên tới 1,6 triệu đến 2 triệu ha.

ĐBSCL được biết đến là vựa lúa gạo của được Việt Nam, với tổng sản lượng lương thực tăng từ 6,3 triệu tấn năm 1985 lên 21 triệu tấn năm 2008, đóng góp hơn 48% sản lượng lương thực của cả nước và 85% sản lượng gạo xuất khẩu. Duy trì sự phát triển ổn định của đồng bằng là ưu tiên hàng đầu của chính phủ để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực của quốc gia.

Ngập lũ theo mùa hàng năm là những vấn đề khó tránh khỏi, do địa hình thấp trũng, diện tích ngập chỉ chiến hơn 3% diện tích lưu vực trong khi lưu lượng dòng chảy về mùa lũ lại rất lớn, lên tới hơn 65.000 m3/s (1939). Cân nhắc những thiệt hại do lũ, lợi ích mà lũ đem lại cũng như những băn khoăn về các tác động liên quan đến việc bảo vệ lũ, hiện nay ‘Sống chung với lũ’ vẫn là giải pháp, chỉ số ít diện tích được bảo vệ triệt để.

Kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam cho thấy, nước biển dâng đến 2100 theo kịch bản cao có thể lên đến 100cm. Đây là mối lo ngại đến thay đổi diễn biến ngập lụt và xâm nhập mặn ở ĐBSCL nơi có hơn 700 km bờ biển và các cửa sông mở thông với biển. Bên cạnh đó các lo ngại về ảnh hưởng của sự gia tăng phát triển phía thượng lưu có thể làm thay đổi dòng chảy về ĐBSCL làm ảnh hưởng đến điều kiện sản xuất trên đồng bằng. Giải pháp thích ứng ở ĐBSCL sẽ như thế nào để đảm bảo điều kiện phát triển bền vững trên ĐBSCL hiện bắt đầu được quan tâm.

II. Ngập lũ, triều trên ĐBSCL trong điều kiện hiện trạng và trong bối cảnh biến đổi khí hậu – nước biển dâng

II.1. Hiện trạng ngập lũ và triều cường ở ĐBSCL

ĐBSCL bị ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm, về mùa lũ, lưu lượng sông Mê Công tăng nhanh, đạt đỉnh vào cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 gây ngập lụt trên phần lớn diện tích châu thổ. Diện tích ngập lụt toàn châu thổ lên đến 3-4 triệu ha, lũ kéo dài 2-5 tháng với độ sâu ngập từ 0,5m đến hơn 4 m. Liên tục các năm 2000 đến 2002 là những năm lũ lớn gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản.

Liên tục các năm từ 2005 đến nay, triều cường lớn nhất trong vòng 47 năm đến 50 năm trở lại đây thường xuất hiện vào kì nước lớn các tháng 10, 11 và 12 gây ngập lụt đáng kể tại các vùng ven biển, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân ở các đô thị như Cần Thơ, Tân An và Tp Hồ Chí Minh.

II.2. Kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu – nước biển dâng

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Các diễn biến thời tiết bất thường, thiên tai, bão, lũ và khô hạn… gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới, nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh và làm gia tăng tốc độ tan băng ở các đầu cực trái đất làm mực nước biển dâng cao.

Kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam theo các mức phát triển thấp (B1), trung bình (B2) và cao (A1FI) đến năm 2100, theo đó nhiệt độ có thể tăng tới 3oC, mưa có thể tăng 5-10%, và nước biển dâng dao động trong khoảng từ 65 cm đến 100 cm (Bảng 1).

Bảng 1: Nước biển dâng (cm) theo các kịch bản BĐKH so với thời kỳ 1980-1999

Kịch bản

Các mốc thời gian của thế kỷ 21

2020

2030

2040

2050

2060

2070

2080

2090

2100

Thấp (B1)

11

17

23

28

35

42

50

57

65

Trung bình (B2)

12

17

23

30

37

46

54

64

75

Cao (A1FI)

12

17

24

33

44

57

71

86

100

Việt nam được xem là một trong những quốc gia có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng đặc biệt là vùng ĐBSCL do đặc điểm địa hình thấp trũng.

II.3. Mô hình toán thủy lực ở ĐBSCL

Nghiên cứu này đã ứng dụng mô hình Mike 11 để mô phỏng thay đổi thủy văn dòng chảy và nước biển dâng đến thay đổi diễn biến ngập lụt ở ĐBSCL, đặc biệt quan tâm tới các vùng ven biển. Sơ đồ được đưa ra như Hình 1.

Sơ họa về sơ đồ tính:

Hình 1: Sơ đồ thủy lực ĐBSCL, Mike11

– Bắt đầu từ Kratie, bao gồm toàn bộ vùng ngập lũ Campuchia và vùng Biển hồ (Tonle Sap);

– Toàn bộ vùng ĐBSCL và một phần hệ thống SG-ĐN;

– Gồm hơn 3,900 sông kênh và các đoạn kênh với tổng chiều dài 24.200 km;

– Hơn 5,000 công trình mô phỏng cống tưới, ngăn mặn, các tràn bờ, đường giao thông;

– Hơn 25,900 điểm tính mực nước và 18,500 điểm tính lưu lượng, bình quân 500 m/điểm tính;

– 120 khu tưới và mưa trên ĐBSCL

– Các biên lưu lượng, Kratie, vùng Biển hồ, vùng Campuchia và vùng SG-ĐN.

– Triều biển Đông và biển Tây

Sơ đồ tính đã được cân chỉnh, ứng dụng trong nhiều nghiên cứu liên quan [4,5,6 và 7]. Chi tiết tham khảo tài liệu liên quan.

II.4. Các kết quả đánh giá về thay đổi diễn biến ngập lũ và triều do nước biển dâng trên Đồng bằng sông Cửu long

Kết quả đánh giá từ các nghiên cứu liên quan [4, 5, 6 và 7] cho thấy, ngập do nước biển dâng là rất nghiêm trọng, ngập không chỉ xảy ra do lũ thượng lưu mà còn xảy ra ngay trong mùa khô với nước biển dâng. Vùng ảnh hưởng gia tăng chủ yếu là các vùng ven biển, vùng ven sông và vùng trũng thấp trung tâm đồng bằng. Diện tích, mức độ ngập và thời gian ngập được tổng hợp ở Bảng 2 [5].

Bảng 2: Tổng hợp kết quả phân tích các kịch bản

TT

Kịch bản

% diện tích ngập so với diện tích ĐBSCL

% diện tích ngập sâu hơn 1m

% diện tích ngập sâu hơn 0.5m

Ngập nông (

Ngập sâu

(>1m)

>50% thời gian

>50% thời gian

3

NBD1m

28

41

26

22

19

62

2

NBD50

25

9

14

3

27

17

1

HT05

8

2

12

Kết quả cho thấy, 69% diện tích đồng bằng có thể bị ngập do triều trong kịch bản nước biển dâng 1m. Trong đó, diện tích ngập sâu (>1m) chiếm đến 41% diện tích, hơn thế nữa thời gian bị ngập sâu và thường xuyên (>50% thời gian) có đến 22% diện tích; Diện tích ngập thường xuyên hơn 0,5m chiếm 62% diện tích. Như vậy có thể thấy 22% diện tích bị ngập thường xuyên có thể bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng và 40% diện tích khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có giải pháp thích ứng.

Trong nước biển dâng 50 cm, 34% diện tích có thể bị ảnh hưởng, trong đó ngập sâu chiếm 9%, 3% diện tích bị ngập sâu thường xuyên; 17% diện tích có thể bị ngập thường xuyên hơn 0,5 m. Vùng đồng bằng của Campuchia trong lưu vực được xem như ít bị tác động do triều trong mức nước biển dâng bằng và nhỏ hơn mức này.

Trong trường hợp có lũ lớn kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu – Nước biển dâng, thay đổi diện tích, độ sâu ngập trong các kịch bản nước biển dâng 50 cm và 100 cm trong điều kiện có lũ lớn xảy ra ở thượng lưu như lũ năm 2000 được đánh giá như Bảng 3 [6, 7].

Bảng 3: Thay đổi diện tích ngập theo các kịch bản

Thứ tự

So sánh thay đổi diện tích ngập theo các kịch bản

Diện tích ngập HT2000 (ha)

Diện tích ngập theo kịch bản (ha)

Diện tích thay đổi tăng so với Hiện trạng (ha)

1

Diện tích ngập nông 50 cm, NBD 50cm

2.300.000

3.390.000

+1.090.900

2

Diện tích ngập nông 50 cm, NBD 100cm

2.300.000

3.774.300

+1.474.300

3

Diện tích ngập hơn sâu 1m kéo dài hơn 1 tháng NBD 50cm

1.100.000

1.444.400

+344.400

4

Diện tích ngập hơn sâu 1m kéo dài hơn 1 tháng NBD 100cm

1.100.000

2.656.800

+1.556.800

Kết quả cho thấy tác động có thể do Biến đổi khí hậu – nước biển dâng đến ĐBSCL là rất lớn, chẳng hạn trong điều kiện thủy văn như năm 2000 có xét đến ảnh hưởng nước biển dâng theo các kịch bản NBD50 cm và NBD100 cm là:

– 84% diện tích đồng bằng có thể bị ngập với mức ngập hơn 50cm trong kịch bản NBD50 cm và 96% ở NBD100 cm so với hiện trạng là 50% diện tích ĐBSCL – Diện tích ngập nông có thể tăng đáng kể do tác động nước biển dâng 50 cm và 100 cm, tăng 1,1-1,5 triệu ha;

– 36% diện tích có thể ngập sâu hơn 1m và kéo dài hơn 1 tháng trong kịch bản NBD50cm và 68% ở NBD100cm so với hiện trạng là 28% diện tích ĐBSCL – Diện tích ngập sâu > 1 m kéo dài > 1 tháng tăng 0,34 – 1,6 triệu ha so với hiện trạng.

III. Quan điểm và giải pháp thích ứng với lũ và ngập triều biển dâng cho ĐBSCL

III.1 Quan điểm

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong định hướng phát triển của ngành thủy lợi, cụ thể :

– Phát triển thuỷ lợi đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở để phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng hiện đại hoá, thâm canh cao, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, lợi ích quốc gia và hài hòa lợi ích giữa các vùng, các ngành.

– Khai thác sử dụng nước hợp lý, phục vụ đa mục tiêu, thống nhất theo lưu vực sông và hệ thống công trình thủy lợi, không chia cắt theo địa giới hành chính. Khai thác sử dụng đi đôi với bảo vệ, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước bằng biện pháp công trình và phi công trình. Chú ý đến bảo vệ môi trường nước, đặc biệt môi trường nước trong hệ thống công trình thủy lợi.

– Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai: bão, lụt, lũ, lũ quét, hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn, sạt lở đất… Có kế hoạch và biện pháp thích hợp cho từng vùng, chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu thiệt hại.

– Quản lý, khai thác sử dụng và phát triển nguồn nước đảm bảo các yêu cầu trước mắt và không mâu thuẫn với nhu cầu phát triển trong tương lai, thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo trên, ứng với bài toán lũ và triều biển dâng với các mức độ ngập toàn Đồng bằng đã sơ bộ được đánh giá trên đây, nhóm nghiên cứu tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu cho một số vùng điển hình đặc trưng cho các loại ảnh hưởng khác nhau (ngập triều và ngập lũ). Hai vùng nghiên cứu điển hình được lựa chọn (1) vùng ngập lũ Nam Vàm Nao, và (2) vùng ngập triều ven biển Nam Mang Thít, sẽ được giới thiệu dưới đây. Các giải pháp cho vùng điển hình được đề xuất theo hướng thích nghi dần với điều kiện nước biển dâng.

III.2 Nghiên cứu điển hình vùng ngập lũ sâu Nam Vàm Nao, huyện Chợ Mới

Vùng Nam Vàm Nao được bao bọc bởi phía Bắc là Sông Tiền, Phía Nam là sông Hậu và Tây Bắc giáp sông Vàm Nao, phía Đông Nam giáp sông rạch Cái Tàu Thượng, thuộc vùng đất huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 35.571 ha, đây là vùng đất màu mỡ của ĐBSCL, lại thuận lợi về nguồn nước và điều kiện khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, vùng dự án nằm trong vùng ngập sâu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), chịu tác động của lũ lụt hàng năm, gây thiệt hại nhiều về người và tài sản, gây khó khăn cho phát triển nông nghiệp.

Đê bao kiểm soát lũ Nam Vàm Nao được hình thành từ những năm 1996 và cơ bản hoàn thành năm 2002, được chia làm 79 tiểu vùng dựa trên cơ sở địa hình sông rạch, đường giao thông và bờ bao tự nhiên. Hệ thống đê bao hiện hữu mới đáp ứng được mục tiêu chống lũ vừa và nhỏ hay đê bao tháng 8. Đê bao hình thành mở ra một cơ hội lớn cho khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của vùng đất trù phú này. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, hoa màu tăng nhanh trong những năm gần đây. Bản đồ phân vùng Nam Vàm Nao như Hình 2.

ngap lut o dong bang song cuu long chu yeu do trieu cuong va 1

Hình 2: Phân vùng đê bao kiểm soát lũ Nam Vàm Nao tỉnh An Giang

Vùng dự án được phân làm 4 phân vùng, dựa theo điều kiện tự nhiên và ranh giới hành chính, trong đó Vùng 1: giới hạn bởi sông Ông Chưởng, sông Vàm Nam và sông Hậu; Vùng 2: giới hạn bởi sông Tiền, sông Ông Chưởng và sông Chưng Đùng; Vùng 3: giới hạn bởi sông Tiền, Sông Hậu, Chưng Đùng và Cái Tài Thượng; Vùng 4: là phần cù lao sông Tiền gồm các xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân; Ngoài ra, trong mỗi phân vùng được chia làm nhiều tiểu vùng hiện hữu theo điều kiện tự nhiên (sông rạch, đường giao thông) và địa giới hành chính.

Yêu cầu đặt ra, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cần phải nâng cấp qui mô bảo vệ cho vùng ngập sâu này ra sao. Để đáp ứng được mục tiêu đề ra, sau khi tham vấn cộng đồng và đóng góp ý kiến chính quyền địa phương và tỉnh, tính toán đánh giá ảnh hưởng có thể của dự án, đề xuất phương án đê bao làm 2 cấp:

– Đê bao vòng ngoài: đê bao cặp theo vòng ngoài của các phân vùng 1 đến 4, là đê bao lớn, đáp ứng mục tiêu chống lũ triệt để cho toàn vùng phụ trách trong điều kiện có xét đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đi kèm theo đê là các cống dưới đê đáp ứng được các yêu cầu tưới, tiêu cho vùng khi cần và giao thông thủy trong vùng…;

– Đê bao vòng trong: đê bao cặp theo các tiểu vùng trong mỗi phân vùng, đảm bảo chống lũ với mức độ nhất định, nhằm tiết kiệm vốn đầu tư cho toàn bộ hệ thống công trình và vấn đề môi trường trong vùng dự án. Đi kèm theo là nạo vét các kênh trục và các kênh giữa các tiểu vùng và cống lấy nước cho các tiểu vùng cũng như cầu giao thông nội vùng, giải quyết tiêu mưa cho các tiểu vùng.

Ưu điểm của việc phân cấp và cách thức đê bao này là:

– Mức đầu tư vừa phải;

– Phát triển được thủy lợi và giao thông nội đồng;

– Không làm thay đổi lớn về môi trường vùng dự án, đầu mùa lũ hay năm lũ nhỏ chỉ có đê bao trong làm việc, khai thác lũ để cải tạo môi trường vùng dự án;

– Không làm thay đổi lớn hạ tầng cơ sở trong vùng, lợi dụng đê bao hiện hữu, cải tạo nâng cấp ở mức độ hợp lý;

– Đê bao lớn vòng ngoài chỉ phải vận hành, điều tiết vào thời kì đỉnh lũ, trong năm lũ lớn, hay trường hợp lũ lớn kết hợp nước biển dâng;

– Vận hành hệ thống đơn giản và linh hoạt;

– Tưới và tiêu chủ động theo từng tiểu vùng trong phần lớn thời gian. Tưới tiêu theo vận hành điều tiết của hệ thống đê bao vòng ngoài chỉ trong thời gian ngắn thời kì đỉnh lũ của năm lũ lớn.

Vấn đề nảy sinh ra trong trường hợp này là gặp năm lũ lớn, hệ thống đê bao vòng ngoài vận hành (đóng), mực nước bên ngoài cao không có khả năng tiêu thoát tự chảy, trong khi phải có yêu cầu tiêu mưa cho nội vùng bằng động lực. Vì vậy, nếu bơm tiêu trực tiếp vào các kênh ngoài đê bao tiểu vùng thì phải thiết kế kênh rất lớn để có thể trữ nước mưa hay phải nâng cao trình đê bao nội vùng để đảm bảo tiêu thoát tự chảy, điều này dẫn đến gia tăng kinh phí rất lớn. Vì vậy, bơm tiêu úng nội vùng phải lựa chọn vị trí để có thể bơm tiêu trực tiếp ra khỏi vùng dự án. Những tiểu vùng khó đáp ứng được yêu cầu này phải liên kết các tiểu vùng, ngoại trừ trường hợp đặc biệt, qui mô nhỏ có thể bơm nội vùng.

III.3 Nghiên cứu điển hình vùng có đê bao ven biển, hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít

Kết quả nghiên cứu liên quan [4,5,6,7] cho thấy, nước biển dâng có thể làm gia tăng đáng kể diện tích ngập ở ĐBSCL đặc biệt là các vùng ngập nông, vùng ven biển. Tuy nhiên cũng nhận thấy rằng có thể dùng hệ thống đê bao và lợi dụng thủy triều thấp để tiêu thoát nước. Theo giải pháp này, nghiên cứu giả thiết vùng dự án Nam Măng Thít được bao với qui mô nhỏ, dựa trên điều kiện tự nhiên các hệ thống kênh trục chính kết hợp với việc cải tiến hệ thống công trình đảm bảo đóng mở chủ động khi cần và vận hành hệ thống đảm bảo giữ mực nước ổn định ở mức 0,5m.

IMAGE606

H. 3.1: NBD30, độ sâu ngập

IMAGE607

H. 3.2: NBD50, độ sâu ngập

IMAGE608

H. 3.3: NBD1m, độ sâu ngập

Kết quả mô phỏng mức ngập sâu theo các kịch bản biến đổi khí hậu – nước biển dâng 0,3m, 0,5m và 1m như Hình 3.1 đến 3.3 cho thấy, các vùng ven biển nếu không có đê bao và cống kiểm soát bảo vệ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước biển dâng. Vùng mô phỏng thử nghiệm Nam Măng Thít với vận hành điều tiết của các công trình có thể giảm được các tác động này.

Như vậy, có thể thấy rằng, có thể điều tiết mực nước ở vùng dự án Nam Măng Thít nói riêng hay vùng ảnh hưởng của thủy triều ven biển để đáp ứng được yêu cầu chống ngập do nước biển dâng nếu hệ thống đê bao và các công trình (cống có cửa tự động) được cải tạo, nâng cấp.

IV. Kết luận và kiến nghị

Trên cơ sở các kết quả đánh giá tác động có thể do biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến thay đổi ngập lũ và triều ở ĐBSCL cũng như các kết quả mô phỏng về các giải pháp thích ứng với ngập lũ và triều trong bối cảnh biến đổi khí hậu, một số kết luận và kiến nghị được rút ra:

– Tác động có thể do biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến ĐBSCL là rất nghiêm trọng, cần phải có những giải pháp thích ứng và có chương trình kế hoạch hành động kịp thời, với bước đi thích hợp để giảm thiểu các tác động, duy trì bảo vệ sự phát triển bền vững trên đồng bằng;

– Giải pháp đê bao qui mô nhỏ, bao tiểu vùng, với cao trình đê thấp đáp ứng những trận lũ nhỏ là cần thiết, vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ lại không làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong các vùng bảo vệ do nước được thay đổi thường xuyên không bị nước tù, nước đọng. Kết hợp với bơm tiêu động để chủ động tiêu thoát trong thời kì đỉnh lũ những năm lũ lớn, tuy nhiên bơm tiêu động lực phải tiêu ra ngoài vùng dự án;

– Tùy theo điều kiện tự nhiên, đặc thù địa lý và cơ sở hạ tầng hiện hữu, các tiểu vùng cần được liên kết bảo vệ ở cấp cao hơn, đê bao vòng ngoài, để bảo vệ cho cả vùng khi gặp lũ lớn hay lũ kết hợp với nước biển dâng. Quản lý và vận hành hệ thống sẽ ít phúc tạp hơn, giảm kinh phí đầu tư;

– Đối với vùng ven biển, vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu nơi có ảnh hưởng thủy triều có thể thay đổi kết cấu công trình đảm bảo vận hành chủ động để giảm ảnh hưởng của ngập do triều, điều tiết mực nước và giảm sự gia tăng xâm nhập mặn do nước mặn tập hậu vào vùng này do nước bị tiêu đi quá mức ở vùng khác. Liên kết vùng để chủ động kiểm soát lũ, mặn và cấp nước.

V. Tài liệu tham khảo

[1] Bộ TN&MT, 2008, Kịch bản quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam;

[2] Nguyễn Quang Kim và cộng sự, 2009, Đánh giá thay đổi thủy văn dòng chảy xuống hạ lưu theo các kịch bản phát triển ở thượng lưu, Tạp chí thủy văn và Môi trường;

[3] Nguyễn Quang Kim và cộng sự, 2010,Thay đổi diễn biến xâm nhập mặn Ở ĐBSCL theo các kịch bản phát triển ở thượng lưu, báo cáo hội đập lớn năm 2010;

[4] Tô Quang Toản và cộng sự, 2009, Thay đổi diễn biến ngập lụt ở Tp Cần Thơ theo các kịch bản biến đổi khí hậu, Mạng lưới các thành phố châu á có khả năng chống chịu với BĐKH;

[5] Tô Quang Toản và cộng sự, 2010, Thay đổi diễn biến ngập do triều biển dâng ở ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu, báo cáo diễn đàn lũ sông Mê Công năm 2010;

[6] Lê Mạnh Hùng và cộng sự, Giải pháp thủy lợi phục vụ chương trình phát triển lương thực ở ĐBSCL trong điều kiện Biến đổi khí hậu, báo cáo hội thảo ‘Chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giải pháp và chính sách’ tháng 5/2009;

[7] Tăng Đức Thắng và cộng sự, Định hướng và giải pháp thủy lợi phục vụ phát triển KT-XH ở ĐBSCL trong điều kiện Biến đổi khí hậu, Báo cáo tham luận hội thảo Diễn đàn kinh tế vùng ĐBSCL tháng 4/2010;

[8] Quyết định số 1590/ QĐ-TTG ngày 9/10/2009, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam.

[9] Bộ NN&PTNT, 10/2009, Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2020.

Tác giả: ThS. NCS. Tô Quang Toản, PGS.TS. Tăng Đức Thắng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Tạp chí KH&CN Thủy lợi