Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 03-3-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 03-3

Sự kiện trong nước

– Ngày 3-3-1951: Ngày thành lập Mặt trận Liên Việt bao gồm tất cả các đoàn thể nhân dân, tôn giáo, đảng phái, các nhân sĩ yêu nước nhằm thắt chặt khối Đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến cứu nước.

– Ngày 3-3-1951: Đảng Lao động Việt Nam chính thức ra mắt quốc dân, công khai lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc.

– Ngày 3-3-1955: Trung đoàn Không quân Việt Nam đầu tiên được thành lập, đánh dấu bước phát triển lên chính quy, hiện đại của quân đội ta.

ngay 3 3 la ngay gi cua bien phong

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Qdnd.vn

– Ngày 3-3-1959: Bộ đội Biên phòng được thành lập. Đây là lực lượng vũ trang có chức nǎng bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia khu vực biên giới. Bộ đội biên phòng đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Sự kiện quốc tế

– Ngày 3-3-1918: Đế quốc Đức, Đế quốc Áo-Hung và nước Nga Xô Viết ký kết Hòa ước Brest-Litovsk với kết quả là nước Nga rút khỏi Thế chiến thứ nhất.

– Ngày 3-3-1923: Số đầu tiên của tạp chí tin tức Time được xuất bản bởi người Mỹ Briton Hadden và Henry Luce.

– Ngày 3-3-1931: The Star-Spangled Banner, mới đầu bài thơ do Francis Scott Key viết sau khi quan sát Trận Baltimore trong chiến tranh 1812, chính thức trở thành quốc ca Hoa Kỳ.

Theo dấu chân Người

– Ngày 3-3-1951, tại “lễ ra mắt quốc dân” của Đảng Lao động Việt Nam, Bác nhấn mạnh rằng mục đích của Đảng “có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”; nhiệm vụ là “Kháng chiến thắng lợi, Kiến quốc thành công”; chính sách có thể đúc lại trong mấy chữ là làm cho nước Việt Nam ta “Độc lập-Thống nhất-Dân chủ-Phú cường”… “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”.

Cùng ngày, tham dự Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt, Bác tỏ niềm sung sướng khi thấy “rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai “trường xuân bất lão” và “chẳng những là toàn dân Việt Nam đại đoàn kết, mà toàn dân hai nước anh em là Cao Miên và Ai Lao cũng đi đến đại đoàn kết”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt viếng Đài liệt sĩ. (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

– Ngày 3-3-1952, trong bài “Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt” trên báo “Nhân Dân”, Bác biểu dương: Vì lòng yêu mến bộ đội, mà nhân dân nảy ra nhiều sáng kiến, để vượt mọi khó khăn. Vì lòng yêu mến nhân dân, mà bộ đội càng thêm dũng cảm khi ra trận diệt giặc. Vì lòng yêu mến lẫn nhau, mà nhân dân càng ra sức thi đua tăng gia sản xuất, bộ đội càng ra sức thi đua diệt giặc lập công… Chính vì tình đoàn kết ấy, mà kháng chiến nhất định thắng lợi hoàn toàn:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Quân dân đoàn kết, là đường thành công”.

– Ngày 3-3-1959, Bác Hồ thăm Đền tháp Borodudur nổi tiếng của Indonesia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno. (Ảnh tư liệu)

– Ngày 3-3-1960, dự họp Bộ Chính trị chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ III, Bác yêu cầu làm sao “tránh họp nhiều mà kết quả ít”. Còn trong bài viết “Nhiều” của loạt bài về chủ đề “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” trên báo “Nhân Dân”, Bác viết: “Dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân, để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao. Đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa – NXB: Chính trị quốc gia – Sự thật 2010; Hồ Chí Minh Toàn tập – NXB Chính trị quốc gia)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

– Ngày 3-3-1955, trên báo “Nhân Dân” đăng bài “Người cán bộ cách mạng” trong đó Bác xác định: Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ nữ toàn miền Bắc, năm 1956. Ảnh tư liệu

Đây là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của người cán bộ cách mạng. Người chỉ rõ những thắng lợi chúng ta đã giành được tuy rất to, nhưng mới chỉ là thắng lợi bước đầu trên đường đi lâu dài, gian khổ. Cho nên, chúng ta quyết không nên vì thắng mà kiêu, phải nhận thấy còn nhiều khó khăn để khắc phục, chứ không phải thấy khó khăn mà sợ hãi, nản chí. Người cán bộ cách mạng phải mạnh dạn, phải có quyết tâm, phải có chí khí tiến lên mãi, tiến lên không ngừng. Trong hoàn cảnh hòa bình, số đông cán bộ ta vẫn giữ vững truyền thống cách mạng tốt đẹp, cần cù chất phác, bền bỉ đấu tranh, làm tròn nhiệm vụ. Song, có một số cán bộ lầm tưởng hòa bình là thái bình, thờ ơ với đạo đức cách mạng, còn bởi tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trước đây chi phối mà không nhận rõ phải, trái, không giữ vững lập trường, phạm những sai lầm khuyết điểm.

Đối với người cán bộ cách mạng, để không ngừng tiến bộ, thì cần phải học tập lý luận, trau dồi đạo đức; nhận rõ điều gì là phải thì cố gắng làm, điều gì là trái thì kiên quyết tránh. Phải hiểu rằng bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gần gũi nhân dân, học tập nhân dân, vì gần gũi nhân dân sẽ cảm thông những khó khăn, gian khổ của nhân dân, thấy rõ những gương anh hùng của nhân dân, giúp ta củng cố lập trường, trau dồi tư tưởng. Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình. Mỗi người cán bộ bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho như thế mới là thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam còn luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ để góp phần quan trọng tới việc hoàn thành nhiệm vụ, tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội. Nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và đạo đức của người cán bộ cách mạng trong giai đoạn mới để quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện thật sự khoa học, công tâm, theo một quy trình dân chủ, trong đó chú trọng việc xây dựng cán bộ chủ trì các cấp, đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành có trình độ chuyên môn giỏi, thật sự kiên định vững vàng, tin cậy về bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ, năng động, sáng tạo, có kiến thức cơ bản trong điều hành tổ chức, giải quyết mọi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 6 ra ngày 3-3-1951 đăng lời dạy của Bác khi tới thăm các đơn vị chiến thắng. Bài viết có đoạn: “Người nhắc nhở các chiến sĩ: Bộ đội ta là một bộ đội của nhân dân. Từ nhân dân mà ra, lại vì nhân dân chiến đấu nên được nhân dân yêu mến, giúp đỡ. Vậy bộ đội ở đâu cũng phải luôn luôn tỏ lòng kính trọng nhân dân, thương yêu giúp đỡ dân. Do sự giúp đỡ đó mà đoàn kết được với nhân dân. Có đoàn kết được với nhân dân thì chiến đấu mới thắng lợi”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng ngày 3-3-1951.

Cũng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1766 ra ngày 3-3-1966 đã đăng bài viết Bác Hồ tặng bằng khen gia đình hai cụ Ngô Thọ Lạn và Nguyễn Thị Vi đã nêu gương “Cả nhà quyết tâm chống Mỹ”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân đăng ngày 3-3-1966.

ĐẶNG CƯỜNG (Tổng hợp)