Ngôn ngữ nào khó học nhất thế giới?

Nhiều người nói vui rằng để thành thạo một ngôn ngữ, đôi khi họ phải mất cả đời – Ảnh: GETTY IMAGES

Một trong những thách thức khi học ngoại ngữ là sự phức tạp của các quy tắc ngữ pháp giữa hai ngôn ngữ khác nhau.

Chẳng hạn, hãy nhìn vào cách chia động từ trong tiếng Anh và Tây Ban Nha. Trong tiếng Anh, một động từ có thể được chia thành vài ba dạng, chẳng hạn “walk” – “walks” – “walked” (nghĩa là đi), thì trong tiếng Tây Ban Nha lại nhiều hơn gấp bội như “hablo”, “hablas,” “hablamos”, “hablaron”… (nghĩa là nói).

Ngoài ngữ pháp, từ vựng cũng khá rắc rối. Không chỉ là những từ đơn lẻ, bạn còn phải đối mặt với những cách diễn đạt mang màu sắc khác biệt văn hóa như với thành ngữ, tục ngữ.

Trong tiếng Đức, cụm “Du hast Tomaten auf den Augen” dịch theo nghĩa đen là “Mắt bạn có quả cà chua”, nhưng nghĩa bóng được người Đức bản xứ dùng để chỉ người không nhìn thấy hoặc không nhận thấy một điều hiển nhiên.

Người học xuất phát từ một nền văn hóa khác khó lòng mà hiểu ngay nghĩa bóng từ nghĩa đen.

Sách học tiếng Hindi (Ấn Độ) – Ảnh: INDIA TIMES

Chưa hết, thử thách còn nằm ở hệ thống chữ viết, đặc biệt với những ngôn ngữ dùng chữ tượng hình. Điển hình, tiếng Hoa được thống kê có hơn 100.000 ký tự, mỗi ký tự có ý nghĩa và cách phát âm riêng.

Theo các chuyên gia, việc so sánh ngoại ngữ nào khó học hơn có thể chủ quan, vì phần lớn sẽ phụ thuộc nét tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa giữa quốc gia của bạn và quốc gia bạn muốn học tiếng. Tuy nhiên, khi thử quy về cùng một hệ quy chiếu thì chúng ta có thể phần nào đánh giá được mức độ khó học của các ngôn ngữ.

Tờ The Economist mới đây dựa vào dữ liệu ngôn ngữ mà Bộ Ngoại giao Mỹ dạy cho các nhà ngoại giao của mình (người Mỹ) để xem họ thường mất bao lâu mới sử dụng thành thạo được những ngôn ngữ này.

Những ngôn ngữ tốn 24 – 36 tuần

Trung bình mất khoảng 36 tuần để người Mỹ sử dụng thuần thục tiếng Đức – Ảnh: GETTY IMAGES

Kết quả, với tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, các nhà ngoại giao Mỹ mất từ 24 – 30 tuần học để thành thạo. Thời gian tương đối nhanh là vì có khá nhiều sự giống nhau giữa tiếng Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Anh. Không ít từ vựng tiếng Anh bị ảnh hưởng bởi tiếng Pháp, Tây Ban Nha và ngược lại.

Khó hơn một chút là tiếng Đức, mất khoảng 36 tuần. Tiếng Đức thường được coi là một trong những ngôn ngữ khó học nhất đối với người nói tiếng Anh do ngữ pháp và cấu trúc câu phức tạp.

Cũng mất 36 tuần như tiếng Đức là tiếng Indonesia. Dù ngữ pháp đơn giản và không có cách chia động từ phức tạp, nhưng vấn đề lại nằm ở vốn từ vựng phong phú và sự đa dạng của các phương ngữ.

Indonesia là một quần đảo rộng lớn với hơn 700 ngôn ngữ được sử dụng trên khắp các hòn đảo. Mặc dù tiếng Bahasa Indonesia là ngôn ngữ chính thức nhưng mỗi vùng có thể có tiếng địa phương và tiếng lóng riêng.

Những ngôn ngữ tốn 44 – 88 tuần

Một số ngôn ngữ tốn hơn 44 tuần để dùng thành thạo bao gồm tiếng Hindi của Ấn Độ, tiếng Hy Lạp, tiếng Tagalog của Philippines. Sự phức tạp ở những ngôn ngữ này nằm ở ngữ pháp và hệ thống chữ viết khác biệt với tiếng Anh.

Chẳng hạn, tiếng Tagalog sử dụng các phụ tố động từ để diễn đạt các trạng thái khác nhau của cùng một hành động. Động từ “luto” (nấu ăn) có thể trở thành “niluluto” (đang được nấu), “lulutuin” (sẽ nấu) hoặc “pinaluto” (đã nấu cho ai đó).

Tiếng Trung Quốc là một trong những ngôn ngữ khó học nhất với người Mỹ, mất tới 88 tuần để sử dụng thành thạo – Ảnh: GETTY IMAGES

Cuối cùng là nhóm các ngôn ngữ khó học nhất, mất đến 88 tuần để thuần thục. Trong nhóm này có tiếng Hoa, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ả Rập.

Khó khăn nằm ở hệ thống chữ viết khác biệt với những người nói tiếng Anh, hệ thống từ vựng khổng lồ, đa dạng phương ngữ.

Điển hình, trong khi tiếng Ả Rập tiêu chuẩn hiện đại (MSA) là ngôn ngữ viết và nói chính thức trên khắp thế giới Ả Rập, thì mỗi khu vực lại có các phương ngữ thông tục riêng và khác biệt đáng kể.

Một rắc rối khác là thanh điệu, nghĩa của một từ có thể thay đổi hoàn toàn dựa trên thanh điệu.

Ví dụ, cùng một âm “ma” nhưng với những thanh điệu khác nhau (“mā”, “mǎ”, “má”) sẽ có nghĩa rất khác nhau, như “mẹ”, “ngựa” hay “cây gai dầu”. Nhiều người nói tiếng Anh cảm thấy vô cùng vất vả để nghe và phân biệt được các thanh điệu này.