Người lao động nghỉ việc có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Có phải lúc nào nghỉ việc cũng không được hưởng BHYT? Để được nghỉ việc vẫn được hưởng BHYT thì làm cách nào? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

(1) Người lao động nghỉ việc có còn được hưởng bảo hiểm y tế không?

Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, sau khi nghỉ việc, dừng đóng BHXH, BHYT thì thẻ BHYT của người lao động được cấp tại doanh nghiệp sẽ hết giá trị sử dụng tại tháng doanh nghiệp báo giảm lao động ngừng đóng BHXH, BHYT. Ngoại trừ một số trường hợp sau đây:

Căn cứ Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về quyền của người lao động như sau:

Người lao động nghỉ việc vẫn được hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau:

– Đang hưởng lương hưu.

– Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.ua

– Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

– Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

Xem và tải Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày

https://cdn.thuvienphapluat.vn//uploads/danluatfile/2023/11/03/danh-muc.docx

Do đó, để đảm bảo được hưởng các quyền lợi về BHYT khi đi khám chữa bệnh sau nghỉ việc, người lao động cần tiếp tục tham gia BHYT. Theo đó, NLĐ có thể thực hiện một trong các phương án sau đây:

Phương án 1: Tham gia BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình

Căn cứ Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 148) được tham gia BHYT theo hộ gia đình).

Do đó, NLĐ sau khi nghỉ việc có thể liên hệ với các cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), đại lý thu BHXH, BHYT để làm thủ tục tham gia BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình. Mức đóng BHYT tự nguyện theo hộ gia đình cụ thể như sau:

– Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng).

– Người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất.

– Người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất.

– Người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất.

– Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Người lao động nghỉ việc có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Phương án 2: Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Tại Điều 51 Luật Việc làm 2013 quy định:

– Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

– Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì NLĐ sẽ được cơ quan BHXH đóng BHYT và cấp thẻ BHYT theo quy định tại Điều 23 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (hiện quy định này đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 11 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP).

Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ sẽ không được hưởng BHYT. Khi đó, NLĐ có thể tham giao BHYT tự nguyện theo hình thức hộ gia đình như phương án 1 để tiếp tục hưởng chế độ BHYT khi đi KCB.

(2) Trình tự thủ tục, hồ sơ cấp thẻ BHYT

Trình tự thực hiện thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế được thực hiện như sau:

Bước 1: Đối với người tham gia bảo hiểm y tế lần đầu ghi Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm y tế và danh sách thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (đối với người tham gia theo hộ gia đình).

– Bước 2: Người tham gia nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội và chờ ký (vào ô người nộp hồ sơ) trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ bảo hiểm y tế.

– Bước 3: Cán bộ bộ phận một cửa cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện kiểm tra, nhận Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm y tế; ghi Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tổ chức bảo hiểm y tế phải chuyển thẻ bảo hiểm y tế cho cơ quan, tổ chức quản lý đối tượng hoặc cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Thành phần hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế, bao gồm:

1. Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT (của tổ chức, cá nhân đối với người tham gia BHYT) do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành và Danh sách đối tượng tham gia BHYT của tổ chức, cá nhân lập theo Mẫu số 2 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

2. Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình và Danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT lập theo Mẫu số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

(3) Quy trình, thủ tục cấp thẻ BHYT hộ gia đình online

Bước 1: Đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam (tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn).

Trường hợp cá nhân chưa có tài khoản thì thực hiện Đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công BHXH.

Bước 2: Người tham gia thực hiện kê khai đầy đủ, chính xác các trường thông tin theo Mẫu 01-TK trên Cổng Dịch vụ công cho cá nhân hoặc các thành viên của hộ gia đình tham gia BHYT trong cùng một lần kê khai và chịu trách nhiệm với nội dung kê khai.

Bước 3: Hệ thống phần mềm tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin người tham gia kê khai. Cụ thể:

– Đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo/hộ nghèo đa chiều/hộ NLNDN:

Xác định nơi cư trú (cấp tỉnh, cấp huyện), xác thực thông tin từng thành viên kê khai trong cùng hộ gia đình với CSDL quốc gia về dân cư, xác định đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng với dữ liệu người thuộc hộ cận nghèo/hộ nghèo đa chiều/hộ NLNDN do cơ quan BHXH theo dõi và xác định chính xác số tiền phải đóng để người tham gia nộp tiền trực tuyến.

Trường hợp xác định nơi cư trú chưa đúng hoặc thành viên kê khai không cùng hộ gia đình hoặc không thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, hệ thống phần mềm hiển thị thông báo cho người tham gia biết về địa chỉ cư trú chưa đúng hoặc không cùng hộ gia đình với CSDL quốc gia;

Hoặc thông tin chưa đúng với danh sách thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng để liên hệ với cơ quan Công an, cơ quan phê duyệt danh sách người thuộc hộ nghèo đa chiều/người thuộc hộ cận nghèo/người thuộc hộ NLNDN hướng dẫn, điều chỉnh, sau đó thực hiện lại Bước 2 hoặc có thể đăng ký tham gia BHYT tại các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc tại cơ quan BHXH.

– Đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình:

Phần mềm xác định nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú (cấp tỉnh, cấp huyện), xác thực thông tin của chủ hộ, các thành viên hộ gia đình cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú với CSDL quốc gia về Dân cư, xác định thứ tự tham gia BHYT của từng thành viên được giảm trừ mức đóng trong CSDL BHXH Việt Nam và xác định chính xác số tiền phải đóng để người tham gia nộp tiền trực tuyến.

Trường hợp xác định nơi cư trú hoặc xác thực thông tin của chủ hộ chưa đóng đúng hoặc các thành viên không cùng đăng ký thường trú/tạm trú với CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống phần mềm hiển thị thông báo cho người tham gia biết về địa chỉ cư trú;

Hoặc thông tin chủ hộ chưa đúng hoặc các thành viên không cùng đăng ký thường trú/tạm trú với CSDL quốc gia về dân cư để liên hệ với cơ quan Công an hướng dẫn, điều chỉnh, sau đó thực hiện lại Bước 2 hoặc có thể đăng ký tham gia BHYT tại các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc tại cơ quan BHXH.

Bước 4: Người tham gia thực hiện nộp tiền trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công, nhận Biên lai thu tiền điện tử, nhận thông báo thời hạn trả thẻ BHYT hoặc thời hạn thẻ BHYT tiếp tục được sử dụng ngay khi giao dịch thành công.

Bước 5: Người tham gia nhận thẻ BHYT bản điện tử hoặc thẻ BHYT bản giấy theo phương thức đã đăng ký.