Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?

Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Bình luận về tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Điều luật quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm theo quy định tại Điều 8 BLHS phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trong Bộ luật không có quy định về năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ có quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 BLHS) và về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS).

Với cách quy định này, luật hình sự Việt Nam xác định người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người có năng lực trách nhiệm hình sự.

BLHS có 2 điều luật liên quan đến năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trong áp dụng, điều luật về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS) chỉ được kiểm tra có tính cá biệt khi có nghi ngờ chủ thể mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất năng lực nhận thức ý nghĩa xã hội của hành vi hoặc làm mất năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội.

Thông thường, khi áp dụng luật hình sự, chủ thể áp dụng chỉ cần kiểm tra tuổi chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội (theo Điều 12 BLHS).

Do vậy, có thể nói, Điều 12 BLHS quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự là điều luật quan trọng và trong trường hợp bình thường, có ý nghĩa quyết định trong việc xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của chủ thể. Việc kiểm tra tuổi chịu trách nhiệm hình sự là cần thiết trong mọi trường hợp.

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước và đồng thời là tuổi đảm bảo cho người bình thường có năng lực nhận thức ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi của xã hội.

Điều 12 BLHS xác định 2 độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, trong đó tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự là đủ 14 tuổi và tuổi chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ là từ đủ 16 tuổi trở lên. Độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 là độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa đầy đủ.

Khoản 1 của điều luật xác định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

Quy định này cần được hiểu, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội phạm được BLHS quy định, trừ một số tội mà Bộ luật đòi hỏi phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Tất cả các tội phạm này đều là tội phạm mà nạn nhận được quy định là người dưới 16 tuổi hoặc dưới 18 tuổi.

Việc quy định này là cần thiết, thể hiện rõ ràng ranh giới giữa người phạm tội và nạn nhân, trong đó người phạm tội có sự lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của nạn nhân về một số hành vi được quy định tại các điều 145, 146, 147, 325, 329 BLHS.(52)

Khoản 1 của điều luật tuy bổ sung nội dung “… trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.” nhưng về cơ bản vẫn giống như quy định trong BLHS năm 1999 vì đoạn bổ sung này chỉ làm rõ hơn nội dung của điều luật.

Về kỹ thuật lập pháp, đoạn quy định này chưa chính xác vì có thể hiểu đoạn bổ sung này như sau: Trong BLHS có những tội được quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều này là không đúng với ý định của nhà làm luật. Để thể hiện đúng ý định của nhà làm luật, đoạn được bổ sung này cần được diễn đạt: “… trừ những tội phạm mà Bộ luật này quy định chủ thể phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên”.

Theo tác giả, đoạn bổ sung này không cần thiết vì về lý thuyết, ai cũng biết, trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định cụ thể và quy định chung thì phải theo quy định cụ thể.

Theo đó, khoản 1 Điều 12 là quy định chung về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (đủ 16 tuổi trở lên) còn các điều luật được liệt kê trên là quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự riêng (đủ 18 tuổi trở lên) cho các tội được quy định tại các điều luật này.

Về thực tiễn, do lý thuyết đã rõ như vậy nên không có ai thắc mắc về Điều 12 BLHS năm 1999 vì “thiếu” đoạn bổ sung này.

Khoản 2 của Điều 12 xác định: Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 1 trong 28 điều luật đã được liệt kê.

Theo đó, khi đã xác định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong 28 tội phạm này, cần phải xác định tiếp, tội mà họ đã phạm thuộc khoản nào và khung hình phạt của khoản đó tương ứng với loại tội phạm nào theo quy định tại Điều 9 BLHS.

Chỉ khi tội phạm được thực hiện thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì họ mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Khi đã xác định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cưỡng dâm (Điều 143 BLHS), cần xác định tội phạm đã thực hiện thuộc khoản nào?

Chỉ khi tội cưỡng dâm đã thực hiện thuộc khoản 2 có mức cao nhất của khung hình phạt trên 7 năm tù (10 năm) tương ứng với loại tội phạm rất nghiêm trọng hoặc khoản 3 có mức cao nhất của khung hình phạt trên 15 năm tù (18 năm) tương ứng với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì họ mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

So với BLHS năm 1999, quy định của BLHS năm 2015 giới hạn phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của người trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi hẹp hơn. BLHS năm 1999 chỉ giới hạn theo loại tội phạm còn BLHS năm 2015 không chỉ giới hạn theo loại tội phạm mà còn giới hạn trong phạm vi một số tội phạm.

Về kỹ thuật lập pháp, khoản 2 của điều luật sử dụng phương pháp xác định nguyên tắc kết hợp với phương pháp liệt kê. Cụ thể:

– Điều luật xác định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự khi thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (phương pháp xác định nguyên tắc); và

– Điều luật xác định tội phạm rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng phải thuộc 28 điều luật được liệt kê (phương pháp liệt kê). Khác với cách quy định này, Điều 12 BLHS năm 1999 chỉ sử dụng phương pháp xác định nguyên tắc.

Với kỹ thuật lập pháp như vậy, đòi hỏi cơ quan xây dựng luật phải rất chú ý sự thống nhất giữa quy định tại khoản 2 của điều luật với quy định về các tội phạm cụ thể thuộc các tội phạm được liệt kê. Nếu không, sẽ có mâu thuẫn như đã xảy ra.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

+ 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

+ 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

+ 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

+ 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự mà người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự mà người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.