Nghiên Cứu Lịch Sử

Trần Thanh Ái

Kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt – Nhật 1973-2023

Năm 1511 người Bồ Đào Nha chiếm Malacca làm bàn đạp để tiến về vùng Viễn Đông, với đích ngắm là Trung Hoa và Nhật Bản. Đó là hai đất nước đã được người phương Tây biết đến từ mấy thế kỷ trước qua những ghi chép của các nhà du hành, đặc biệt là Marco Polo, người thành phố Venice (Ý) đã từng phục vụ cho Kublai Khan (Hốt Tất Liệt) trong một thời gian dài hơn 20 năm. Và chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Malacca, họ tỏa đi các nơi để thăm dò thực địa: ngay trong năm 1511 họ cho thuyền đi Xiêm, Molucco, và năm 1513 ngược lên phía Bắc đến vùng biển Đông của Việt Nam để tìm đường đến Trung Hoa và Nhật Bản.

  1. Tiếng lành đồn xa…

Những ghi chép của Marco Polo trong quyển Những kỳ quan thế giới đã kích thích cao độ óc tò mò và tính phiêu lưu của người châu Âu trong một thời gian dài, đến độ người ta đã chuyền cho nhau nhiều bản chép tay (thời ấy chưa có kỹ thuật in ấn), rồi dịch ra nhiều ngôn ngữ cổ ở châu Âu. Cũng chính vì thế mà thông tin chứa đựng trong các bản chép tay ấy đã bị sai lệch đi rất nhiều, khiến ngày nay người ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác minh các địa danh và sự việc. Về nước Nhật Bản, mà tên gọi được thể hiện bằng nhiều dạng chính tả khác nhau như Chipango, Zipango, Sipangu…, người ta có thể đọc được những chi tiết như sau:

“Sypangu là một hòn đảo ở hướng mặt trời mọc, nằm giữa biển khơi, rất xa đất liền đến 1.500 dặm, và là một hòn đảo rất lớn. Người dân ở đó trắng trẻo, và có nếp sống văn minh. Họ theo tục lệ bái thần giáo và không lệ thuộc vào nước nào; đất nước họ có rất nhiều vàng; ít có thương nhân tới lui vì ở xa đất liền. Đó là lý do khiến đất nước họ đầy vàng” (Pauthier G., 1865, tr. 538-539)

Theo các nhà nghiên cứu, Marco Polo chưa hề đặt chân lên đất Nhật, nhưng những điều ông kể lại có sức lôi cuốn mãnh liệt, và đã in đậm vào trí não của nhiều người trong nhiều thế kỷ, nhất là các nhà du hành thời khám phá. Năm 1425, hoàng tử Bồ Đào Nha Pedro đã mang từ Venice về quyển sách của Marco Polo cùng với một tấm bản đồ hàng hải, khiến em mình là hoàng tử Dom Henrique (1394-1460) với biệt danh “O Navegador” tức “Nhà Hàng hải” (tài liệu tiếng Anh viết là Henry “The Navigator”), vốn đã mang hoài bão chinh phục trùng dương, lại càng thêm nung nấu ý tưởng thám hiểm thế giới. Tháng 8 năm 1492 khi chỉ huy đoàn thuyền ba chiếc đi về hướng Tây, C. Colombus cũng đã xác định một trong những mục tiêu của đoàn là khám phá đất nước Nhật Bản mà ông đọc được thông tin trong sách của Marco Polo, nhưng đã vô tình tìm ra châu Mỹ vào tháng 10 cùng năm. Sự kiện này đã thôi thúc các nhà thám hiểm châu Âu chạy đua trong cuộc khám phá phương Đông bằng cách đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, và gần 6 năm sau Vasco da Gama người Bồ Đào Nha đã làm được việc đó.

Trong tác phẩm Suma Oriental được viết từ năm 1512 đến 1515 và được xuất bản lần đầu vào năm 1944, Tomé Pires đã ghi lại những điều mắt thấy hoặc tai nghe về những vùng đất nằm dọc theo hải trình từ Malacca ngược lên phía Bắc. Và dù đến năm 1516 mới đặt chân đến Quảng Đông, nhưng ông cũng đã ghi chép được nhiều thông tin về các nước Đông Bắc Á, trong đó có đoạn nói về quần đảo Lưu Cầu(1) (nguyên văn là Lequeos hoặc Lequjos, ngày nay là Ryukyu, lúc ấy chưa thuộc Nhật Bản) và quần đảo Nhật Bản mà ông gọi là Jampom hoặc Jampon. Nói về quần đảo Lưu Cầu, Pires cho biết như sau:

“Lưu Cầu được gọi là Guores, họ còn được biết qua nhiều tên khác. Lequios là tên chính. Nhà vua là người ngoại đạo, và dân của ngài cũng vậy. Ông là một chư hầu của vua Trung Hoa. Hòn đảo của ông rất rộng và có nhiều người sinh sống; họ có nhiều thuyền nhỏ đóng theo kiểu của họ; họ có ba bốn thuyền to thường xuyên buôn bán với Trung Hoa. Họ buôn bán với Trung Hoa và Malacca, và lúc thì chung với người Trung Hoa, lúc thì họ làm riêng cho họ. Ở Trung Hoa họ buôn bán tại cảng Foquem (Phúc Kiến) là vùng đất của Trung Hoa, gần Quảng Đông, cách một ngày một đêm đi thuyền. Người Mã Lai nói với người Malacca là không có sự khác biệt nào giữa người Bồ Đào Nha và người Lưu Cầu, trừ chuyện người Bồ Đào Nha thì mua phụ nữ, còn người Lưu Cầu thì không.” (Pires T., 1944, tr. 128-130)

Về Nhật Bản, ông chỉ nhận được một ít thông tin thu thập được từ người Trung Hoa, là nước này rộng hơn Lưu Cầu; nhà vua thì quyền lực hơn và hùng mạnh hơn, và không quen việc giao thương, kể cả các thần dân của ông ta. Ông ta là một vì vua ngoại đạo, một chư hầu của vua Trung Hoa. Họ không thường mua bán với Trung Hoa vì phải băng qua biển quá xa mà họ lại không có thuyền đi biển, và cũng không giỏi đi biển. Người Lưu Cầu đến Nhật mất bảy hoặc tám ngày và mang hàng hóa đến đó để đổi lấy vàng và đồng (Pires T. 1944, tr. 131).

  1. Người Bồ Đào Nha đến Nhật Bản

Mặc dù đã đặt chân lên Quảng Châu vào năm 1513, nhưng phải đến ba chục năm sau người Bồ Đào Nha mới có cơ hội đặt chân lên đất Nhật. Nhà nghiên cứu người Nhật Igawa Kenji cho biết rằng có đến 25 tài liệu cổ bằng các thứ tiếng Nhật, Trung Hoa, Triều Tiên, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý có đoạn nói về cuộc gặp gỡ đầu tiên của người Bồ Đào Nha trên đất Nhật. Trong số các tài liệu đó có 18 tài liệu được viết vào thế kỷ XVI và XVII, 5 tài liệu vào thế kỷ XVIII và XIX, 2 tài liệu không xác định được niên đại (Igawa Kenji 2012, tr. 78-79). Đáng kể nhất là tài liệu Teppōki (鉄炮記 Thiết pháo ký) do Nanpo Bunshi (南浦文之, 1555-1620) biên soạn năm 1606, và ghi chép của Antonio Galvano vào những năm 1550, và được xuất bản năm 1563, về hoạt động của người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong vùng Viễn Đông. Các tài liệu này ghi lại cuộc gặp gỡ lịch sử ấy từ các góc độ khác nhau, nên có nhiều chi tiết bổ sung cho nhau, và có cả những chi tiết mâu thuẩn nhau. Nếu Teppōki cho chúng ta cái nhìn của người bản địa khi một chiếc thuyền của người Namban 南蛮, tức những người đến từ các đảo phía Nam vùng Đông Nam Á, tấp vào bờ biển Nishinomura với đầy đủ thông tin về giờ giấc, ngày tháng, còn tài liệu của Galvano lại cung cấp cho người đọc một số chi tiết liên quan đến tình hình lúc khởi hành. Được biết, Galvano đã từng làm toàn quyền nhiều năm trên đảo Ternate thuộc quần đảo Maluku do Bồ Đào Nha kiểm soát, nên ông có điều kiện nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động của các thuyền Bồ Đào Nha. Tổng hợp các tài liệu này, chúng ta sẽ có được bức tranh tổng quát đầy đủ hơn.

Theo Galvano, năm 1542 có ba người Bồ Đào Nha tên là Antonio da Mota, Francisco Zeimoto và Antonio Pexoto đã đào ngũ khỏi đơn vị của thuyền trưởng Diogo de Freitas và trốn trên chiếc thuyền Trung Hoa đang đậu ở Xiêm chuẩn bị khởi hành đi Liampo, một bến cảng ở vùng bờ biển Đông Bắc Trung Hoa, ngày nay là Ningbo. Trên đường đi, họ bị một cơn bão lớn đánh dạt về phía Đông rồi mấy ngày sau tấp vào một hòn đảo nằm ở vĩ độ 320, nơi được gọi là Japões. Theo Galvano dường như đó chính là quần đảo Zipangris mà Marco Polo đã nói đến về sự giàu có của nó (Galvano A., 1865, tr. 229-230). Sau đó, Galvano không có thông tin nào về những gì xảy ra sau đó trên hòn đảo này. Và tài liệu của người Nhật đã cho biết phần kế tiếp.

Sách Teppōki có đoạn ghi chép về sự việc đã xảy ra ở bờ biển Nishinomura để báo cáo lên lãnh chúa Tanegashima Hisatoki. Nhưng Teppōki không ghi chép nhiều về những người ngoại quốc này, mà chủ yếu nói về sự xuất hiện của một loại vũ khí mới đã khiến tình hình nội bộ nước Nhật thay đổi nhanh chóng, dẫn đến việc thống nhất đất nước về một mối. Sách ghi rằng ngày thứ 25 tháng thứ 8 năm Tenbun 天文 thứ 12 (nhằm ngày 23 tháng 9 năm 1543), một số thương nhân người seinanban [西南蛮 Tây Nam Man] đặt chân lên đất Nhật, sau một cơn bão khiến thuyền họ bị trôi dạt vào bờ. Họ có diện mạo kỳ lạ, và nói một thứ ngôn ngữ chẳng ai hiểu. Họ không ăn bằng đũa mà dùng các ngón tay. Họ thường biểu lộ cảm xúc một cách thái quá và không biết viết chữ. Những thương nhân này thường đi lại khắp nơi, và đổi chác những thứ họ có để lấy những thứ họ cần (Lidin O. G. 2004, tr. 37). Nhờ một người đi trên thuyền tên Gohō (tức Wu-feng 五峰) giỏi chữ Hán nên họ bút đàm trên bãi cát và biết được ít nhiều thông tin về những người đắm tàu này.

“Trong số thương nhân này có hai người chỉ huy, một người tên là Murashukusha và người kia là Kirishita da Môta. Họ sở hữu một vật dài khoảng 2 hay 3 shaku [尺 xích, mỗi xích khoảng 0,3 mét]. Vật này có hình dáng như chiếc gậy, bên trong có một ống thông, và được làm bằng vật liệu nặng. Dù là bên trong của nó rỗng, nhưng một đầu của nó bị bịt kín. Ở đó có một khe hở, nơi người ta áp mồi lửa vào. Hình dáng của nó không giống với bất cứ vật dụng nào. Khi sử dụng, người ta để một ít myōyaku [妙薬 diệu dược, tức thuốc súng] vào cùng với một viên chì nhỏ. Trước tiên, một tấm bia nhỏ màu trắng được dựng lên trên một ụ đất. Khi khai hỏa, người sử dụng ôm chặt vũ khí bằng một tay, lưng thẳng ra, và ngắm bằng một mắt. Ngay sau khi lửa thoát ra từ miệng súng, viên đạn đập thẳng vào tấm bia. Súng nổ giống như tia chớp, và phát ra âm thanh như tiếng sấm rền. Những người đứng xem phải bịt tai lại” (Lidin O. G. 2004, tr.37-38).

nguoi chau au nao da viet cuon nhat ky dau tien

Hình 2. Người Bồ Đào Nha biểu diễn bắn súng hỏa mai cho người Nhật xem năm 1543 (tranh của Hokusai 1817. Public Domain)

Súng hỏa mai của người Bồ Đào Nha đến Nhật đúng vào lúc nước này đang có cuộc nội chiến, khiến nó được đón tiếp nồng hậu. Các lãnh chúa nhanh chóng nhận ra sự ưu việt của loại vũ khí mới này, bèn cho sản xuất đại trà, và chỉ trong vòng mười năm họ đã có một số lượng lớn vũ khí này để trang bị cho binh lính. Sau đó, vào năm 1570, người Nhật chính thức mở cửa cảng Nagasaki cho tàu thuyền Bồ Đào Nha đến buôn bán (Mínguez V. & Rodríguez I. 2009, tr. 198). Nhưng việc giao thương với Bồ Đào Nha cũng chỉ kéo dài đến năm 1639 thì Mạc phủ siết chặt lệnh tỏa quốc (Sakoku 鎖国) cấm tất cả tàu thuyền của người Nhật cũng như nước ngoài ra vào nước Nhật, trừ Hà Lan và Trung Hoa.

Lý giải về sự khác nhau của các tài liệu về năm đến Nhật của người Bồ Đào Nha, C.R. Boxer đồng ý với nhận xét của hai nhà nghiên cứu người Đức Haas và Schurhammer khi họ cho rằng năm 1542 có lẽ là năm mà người Bồ Đào Nha đặt chân đến quần đảo Ryukyu lúc ấy chưa thuộc Nhật Bản, còn năm 1543 là năm họ đặt chân đến Tanegashima (Boxer C.R. 1974, tr. 27). Tuy nhiên cách giải thích này chưa có dữ liệu nào chứng minh được, và cũng vấp phải vài câu hỏi chưa có trả lời.

Ngoài ra, một sự khác biệt tuy nhỏ nhưng cũng có ý nghĩa về tính chân thực của sự việc: tại sao tài liệu của phương Tây thì nói là trên thuyền có 3 người Bồ Đào Nha với tên họ rõ ràng, còn Teppōki chỉ nói đến 2 người với tên khá khớp với tài liệu phương Tây? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ người thứ ba đã bỏ mạng trên đường trước khi thuyền tấp vào đảo, điều ấy thường xảy ra trên các tuyến hải hành nhiều ngày.

  1. Những nhà truyền giáo Dòng Tên

Sau mấy năm đi truyền giáo ở quần đảo Moluccas, tháng 1 năm 1548 Francis Xavier (1506-1552) trở về Goa để nhận nhiệm vụ mới. Sau đó ông được cử đi làm sứ thần của Tòa Thánh ở Nhật Bản. Ngày 15 tháng 4 năm 1549 ông đến Malacca để chuẩn bị chuyến đi, và bốn tháng sau, ngày 15 tháng 8, Francis Xavier cùng với hai nhà truyền giáo dòng Tên, ba giáo dân tân tòng và hai người giúp việc đến cảng Kagoshima trên đảo Kyushu. Ngày 29 tháng 9, ông được lãnh chúa vùng Satsuma tiếp đón niềm nở vì ông được xem là sứ giả của vua Bồ Đào Nha. Trong một bức thư đề ngày 5 tháng 11 cùng năm, Francis Xavier đã có những nhận xét về người Nhật như sau: “Qua kinh nghiệm mà chúng tôi có được về đất nước Nhật Bản, tôi có thể thông tin cho các vị như sau: thứ nhất, dân chúng mà chúng tôi đã gặp cho đến nay thì đều là những người tốt nhất đã từng gặp, và đối với tôi có vẻ như chúng tôi sẽ không bao giờ tìm thấy trong số những người ngoại đạo một sắc dân nào sánh bằng người Nhật. Họ là một dân tộc có nhiều tập quán rất tốt, nói chung là tốt, và không xảo quyệt; họ là những người trọng danh dự, và họ quý trọng danh dự hơn mọi thứ khác trên thế gian. Nhìn chung họ là một dân tộc nghèo, nhưng cái nghèo của họ (…) không được coi là điều xấu hổ” (Boxer C.R. 1967, tr. 37).

Nhưng năm sau đó, lãnh chúa này ra lệnh cấm dân chúng theo đạo Thiên Chúa. Năm 1550, Xavier chuyển đến Yamaguchi và được lãnh chúa vùng này cho phép giảng đạo. Ông truyền giáo ở Nhật hơn hai năm rưỡi thì trở về Ấn Độ vì đã có thêm tu sĩ dòng Tên đến thay thế.

Năm 1556, được sự chấp thuận của lãnh chúa vùng Funai, sư huynh Luis de Almeida sau khi gia nhập Dòng Tên, đã dùng một phần gia sản của mình để xây dựng một viện mồ côi và một bệnh viện Tây y đầu tiên ở Funai (nay là Ōita) theo kiểu châu Âu, có thể chứa hàng trăm bệnh nhân.

  1. Người Tây Ban Nha

Ngay từ năm 1571 khi chiếm đóng Manila, người Tây Ban Nha đã bắt đầu có mối quan hệ với thương nhân người Nhật thường tới lui đó để buôn bán. Nhưng người Tây Ban Nha đầu tiên đến Nhật Bản là một giáo sĩ thoát nạn chìm thuyền khi đi làm nhiệm vụ ngoại giao cho toàn quyền Manila (Francis Xavier tuy gốc là người Tây Ban Nha nhưng hoạt động dưới sự bảo trợ của Bồ Đào Nha). Nguyên là vào năm 1578, khi vua trẻ của Bồ Đào Nha là Sebastian chết đột ngột và người kế vị là chú của ông là Henry I qua đời hai năm sau đó, cả hai đều không có người kế vị thì vua Tây Ban Nha Felip II được quyền giữ luôn ngai vàng Bồ Đào Nha. Thế là toàn quyền Manila cử một tu sĩ dòng Tên người Tây Ban Nha là Alonso Sanchez dẫn đoàn đi trấn an người Bồ Đào Nha ở Ma Cao, trên đường về thuyền bị chìm, chỉ có Juan Pobre sống sót và tấp vào Hirado (Bernard H. 1938, tr. 111). Tuy nhiên phải đến năm Tensho 天正 12 (tức năm 1584) thì chiếc thuyền Tây Ban Nha đầu tiên mới chính thức cập bến Hirado, và được thống sứ Matsuura Hōin 松浦法印 tiếp đón niềm nở, với hy vọng thắt chặt quan hệ hữu nghị với người Tây Ban Nha ở Philippines (Iwao S. & al. 1978, tr. 179). Việc này đã khiến Bồ Đào Nha phẩn nộ, vì Tây Ban Nha đã không tuân thủ những thỏa thuận đã đạt được dưới sự chuẩn thuận của Giáo hoàng Gregory XIII trong tông sắc (Papal Bull) năm 1575, theo đó Nhật Bản trực thuộc giáo khu Ma Cao, và Bồ Đào Nha với tư cách là nước bảo trợ, được hưởng độc quyền trong việc buôn bán. Thế là Bồ Đào Nha tìm cách ngăn cản những nỗ lực của hai phía có liên quan để bảo vệ thế độc quyền của họ. Việc Mạc phủ tịch thu chiếc thuyền San Felipe của Tây Ban Nha bị chìm gần đảo Shikoku vào ngày 19 tháng 10 năm 1596 là một bước ngoặc lịch sử: trong khi thương lượng thì viên hoa tiêu trưởng của thuyền nói năng huyên thuyên khiến người Nhật hiểu rằng chiến thuật hành động của người Tây Ban Nha là các giáo sĩ thâm nhập trước và quân đội theo sau, như ở châu Mỹ và Philippines (Boxer C.R. 1967, tr. 417). Thế là cơn thịnh nộ ập xuống, và ngày 5 tháng 2 năm 1597 theo lệnh của Mạc phủ, 26 nhà truyền giáo và tu sĩ bị đóng đinh trên thập tự. Vụ hành hình này vừa khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng cực độ, và đến năm 1624 thì chấm dứt mọi giao dịch; mặt khác, nó cũng mở màn một giai đoạn giết hại giáo dân và các nhà truyền giáo kéo dài đến năm 1639.

  1. Người Hà Lan

Ngày 27 tháng 6 năm 1598, chiếc thuyền De Liefde (có nghĩa là Love, đôi khi được dịch là Charity) rời cảng Rotterdam trong một đoàn thương thuyền gồm 5 chiếc đi về vùng Viễn Đông. Vì con đường vòng qua mũi Hảo Vọng để đến Ấn Độ dương đã bị người Bồ Đào Nha khống chế, nên họ phải đi về phía Nam Mỹ để qua eo biển Magellan. Sau khi qua eo biển thì thuyền của họ lạc nhau, rồi lại đụng độ với dân bản xứ ở Chilê, khiến 2 viên thuyền trưởng của De Liefde và Hoop phải bỏ mạng. Thế là họ quyết định đi khỏi vùng biển ấy và đi về hướng Nhật Bản để bán số hàng len nỉ thay vì đến vùng xứ nóng ở quần đảo Molucca như dự tính. Sau một cơn bão, thuyền Hoop đã bị nhấn chìm, còn thuyền De Liefde thì bị thiệt hại nghiêm trọng, cả thủy thủ đoàn chỉ còn 24 người sống sót và bị mắc cạn ngoài khơi Bungo, nay là Usuki, thuộc quần đảo Kyushu vào tháng 4 năm 1600 (Veith I, 1945, tr. 7). Theo tường thuật của W. Adams, các nhà truyền giáo và người Bồ Đào Nha đang có mặt ở Bungo tố cáo với lãnh chúa ở đó rằng họ là cướp biển, và suýt chút nữa là họ đã bị xử tử (Rundall T. 1850, tr. 25).

3 1

Hình 3. Chiếc De Liefde được phục dựng đang neo tại công viên chủ đề Huis Ten Bosch tại Nagasaki (Public Domain)

Trong số những người sống sót có thuyền trưởng Jacob Jansz Quaeckernaeck, Melchior van Santvoort, Jan Joosten và viên hoa tiêu trưởng người Anh tên là William Adams. Năm 1604, Quaeckernaeck và van Santvoort được phép tháp tùng cùng một châu ấn thuyền đi Patani, mang theo một bức thư mời công ty VOC Hà Lan đến Nhật buôn bán. Năm 1609 van Santvoort trở về Nhật cùng với Jacques Specx trên hai con thuyền Griffioen và Roode Leeuw met Pijlen đầy hàng hóa cặp bến ngày 2 tháng 7 năm 1609 (Hyma A. 1953, tr. 149), và quyết định thành lập thương điếm ở Hirado. Sự kiện này mở ra một kỷ nguyên giao thương độc quyền của Hà Lan với Nhật mặc dù chính sách tỏa quốc kéo dài hơn hai thế kỷ, nhờ vào chủ trương tách rời việc truyền bá đạo Tin Lành ra khỏi việc buôn bán của họ.

Jan Joosten cũng không trở về Hà Lan, ông ở lại lập nghiệp trên đất Nhật, và được Tokugawa Ieyasu cấp châu ấn trạng để buôn bán với nước ngoài. Sau đó ông trở thành trung gian giữa công ty Đông Ấn Hà Lan VOC tại Hirado và Mạc phủ. Ông được phong làm samurai, và được cấp nhà cửa ở Edo. Năm 1623, ông đã chết chìm trong vùng biển Đông khi đang trên đường trở về Nhật sau một chuyến đi đến Xiêm.

4 1

Hình 4. Giấy phép cấp cho Công ty Đông Ấn Hà Lan buôn bán tại Nhật ngày 24 tháng 8 năm 1609 (Public Domain)

Trong một thời gian dài, Hà Lan đã trở thành cánh cửa duy nhất nhìn ra phương Tây giúp người Nhật tiếp nhận những thành tựu khoa học phương Tây. Chính vì thế mà ra đời thuật ngữ rangaku (蘭學 Lan học) tức Tây học, mà hoạt động nổi bật nhất của trào lưu này là việc dịch ra tiếng Nhật nhiều sách thuộc nhiều chuyên ngành khoa học kỹ thuật khác nhau, giúp họ không bị lạc hậu trong thời tỏa quốc.

  1. Người Anh

Như đã nói bên trên, trong vụ con thuyền De Liefde của Hà Lan cặp bến Nhật năm 1600 trong số những người sống sót có viên hoa tiêu trưởng người Anh tên là William Adams. Ông được Tokugawa Ieyasu tra hỏi nhiều lần, và nhờ ở kiến thức về hàng hải và kỹ thuật đóng thuyền của ông mà Mạc phủ chẳng những không xử tử ông theo kiến nghị của các nhà truyền giáo và người Bồ Đào Nha (Rundall T. 1850, tr. 25), mà còn trọng dụng ông, vì thấy rằng đây là cơ hội vô cùng hiếm hoi giúp nước Nhật xây dựng đội thuyền hiện đại theo kiểu phương Tây, và tiến tới làm chủ Thái Bình Dương.

5 1

Hình 5. Thuyền De Liefde cặp bến năm 1600. Tranh đặt trong công viên ở đảo Kuroshima. Trong hình W. Adams đội nón xanh, còn J. Jooten mặc áo đỏ. (Public Domain)

Năm 1604, Tokugawa Ieyasu yêu cầu W. Adams giúp Mukai Shogen đóng chiếc thuyền đầu tiên theo kiểu phương Tây với tải trọng 80 tấn, để thăm dò bờ biển Nhật Bản. Năm 1607, Mạc phủ cho đóng thêm một chiếc 120 tấn được đặt tên là San Buena Ventura.

Năm 1608 W. Adams được Tokugawa Ieyasu cử sang Philippines làm sứ giả tháo gỡ vướng mắc trong việc giao thương mà hai nước đang gặp phải từ phía Bồ Đào Nha. Nguyên do là từ 1604, Uraga Minato thuộc vùng Kanto được dùng như nơi trao đổi thương mại hàng năm với người Tây Ban Nha, vì nó thuận lợi cho các thuyền đến từ Philippines, và hơn nữa, là vì nó nằm xa tầm mắt của người Bồ Đào Nha. Cần nhắc lại là giữa người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha luôn xảy ra nhiều vụ tranh chấp, nhất là về địa bàn buôn bán và truyền giáo mà hiệp ước Tordesillas năm 1494 đã quy định, theo đó Trung Hoa và Nhật Bản không nằm trong vùng được phân chia cho Tây Ban Nha. Thế là vào tháng 5 năm 1606, Felipe III, vua của cả hai vương quốc này ra lệnh cho toàn quyền Tây Ban Nha ở Philippines đình chỉ mọi hoạt động thương mại của họ với Nhật Bản. Để hóa giải lệnh này, hai bên bèn tương kế tựu kế: theo sáng kiến của phía nhà cầm quyền Philippines, năm 1608 Mạc phủ cử W. Adams làm sứ giả sang Philippines, và cuối cùng đi đến thỏa thuận là các tù binh Nhật Bản bị bắt giữ trong các cuộc xung đột ở Philippines trước đó sẽ được thả, và đồng thời chính quyền Uraga cấm dân chúng có các hành động thù địch chống lại người Tây Ban Nha (Suzuki H. 2017, tr. 508-510).

Ngày 22 tháng 10 năm 1610, lần đầu tiên W. Adams viết thư về nước Anh với địa chỉ rất tổng quát, gần giống với một thư ngỏ: “Gửi các bạn bè chưa quen biết và đồng hương: mong rằng với cách tốt nhất thư này hoặc bản sao của thư này có thể đến tay của một hay nhiều người quen của tôi ở Limehouse hay ở đâu đó, ở Kent ở Gillingham, gần Rochester” (Rundall T. 1850, tr. 1). Bức thư này đã được chép ra thành nhiều bản khi đến thương điếm của Công ty Đông Ấn Anh ở Banten, và thế là năm 1613 J. Saris đã cặp bến Hirado để tìm đồng hương, mang theo thư của vua James đệ Nhất gửi Tokugawa Ieyasu xin giao thương, dẫn đến việc thành lập một thương điếm của người Anh ở Nhật Bản (Trần Thanh Ái, 2022). Tuy nhiên việc mua bán của người Anh ở Nhật không suôn sẻ như người Hà Lan, và đến năm 1623 họ đã phải đóng cửa.

6

Hình 6. Thư của vua Anh James Đệ Nhất gửi Tokugawa Ieyasu năm 1613 (Public Domain)

Vì đã đóng góp rất nhiều việc cho nước Nhật nên W. Adams rất được kính trọng. Ông được gọi bằng nhiều tên thân thiết như Anjin sama (按針様 Án Châm Dạng) và Miura Anjin (三浦按針Tam Phổ Án Châm), được phong là samurai thuộc hạng hatamoto (旗本 Kỳ Bản) và được cấp cho một thái ấp gần Uraga (Suzuki H. 2017, tr. 512).

Kết luận

Thời đại khám phá là thời đại mà nhân loại xít lại gần nhau hơn; các dân tộc đến với nhau với nhiều bản sắc văn hóa văn minh đa dạng, và từ đó cũng sinh ra vô vàn những xung đột, chết chóc và kể cả chiến tranh hủy diệt quy mô lớn. Nhưng trên tất cả, đó là sự cộng hưởng giữa phương Tây và phương Đông để tạo ra thế giới ngày nay; sự cộng hưởng ấy diễn ra trong quá trình tương tác tự nhiên giữa các dân tộc tiếp xúc với nhau, không gì cưỡng lại được, cũng không ai phủ nhận được, kể cả những người có tư tưởng sô-vanh. Vì thế khi nghiên cứu các vấn đề lịch sử cũng cần phải chấp nhận định đề là các dân tộc xít lại gần nhau là việc tất yếu, và sự đa dạng văn hóa và văn minh của các dân tộc là cần thiết cho sự phát triển. Vấn đề then chốt luôn mang tính thời sự là cách ứng xử như thế nào của người trong cuộc trước những “cú sốc văn hóa” để có thể hạn chế những tác hại không thể tránh khỏi, đồng thời tiếp nhận tốt nhất những tinh hoa của nhau.

Sự xuất hiện tàu thuyền phương Tây đã mở mắt cho người Nhật về nhiều phương diện, nhất là về một thế giới quan mới mẻ, khác xa với nền văn minh Trung Hoa ngự trị nhiều ngàn năm trong vùng. Trong tình thế ấy, người Nhật đã tỏ ra vô cùng nhạy bén với cái mới; họ nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật phương Tây trong việc chế tạo vũ khí, trong kỹ thuật đóng tàu, trong khoa học hàng hải, trong y khoa…, và khôn khéo tận dụng chất xám của những người phương Tây để hiện đại hóa đất nước. Một câu hỏi thường được nêu ra là: nếu Mạc phủ không áp dụng chính sách tỏa quốc kéo dài hơn hai thế kỷ, từ 1639 đến 1853, mà tiếp tục mở rộng cửa giao thương với phương Tây như ban đầu thì bây giờ họ sẽ ra sao? Dĩ nhiên là lịch sử không có chữ “nếu”, và cũng không ai có thể trả lời chính xác về những hệ quả phát sinh từ giả định bắt đầu bằng chữ “nếu” ấy. Tuy nhiên, khi hỏi như thế, người ta muốn nói rằng dù áp dụng chính sách tỏa quốc hơn hai thế kỷ nhưng chỉ cần mấy thập niên sau đó, người Nhật cũng đã trở thành cường quốc trong khu vực và nhanh chóng bắt kịp các nước công nghiệp phương Tây. Chắc chắn rằng những bài học từ nước Nhật vẫn luôn có ích cho những dân tộc không cam chịu thân phận của quốc gia nhược tiểu để phấn đấu vươn lên.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

Bernard H., 1938. Les débuts des relations diplomatiques entre le Japon et les Espagnols des Iles Philippines (1571-1594). Tạp chí Monumenta Nipponica, Vol. 1, No. 1 (Tháng Giêng 1938).

Boxer C. R. 1967. The Christian Century in Japan 1549-1650. Berkeley & Los Angeles: University of California Press.

Galvano A. 1862. Discoveries of the World. London: The Hakluyt Society.

Hyma A. 1953. A History of the Dutch in the Far East. Michigan: George Wahr Publishing Co.

Igawa Kenji 2012. The Encounter between Europe and Japan. Tạp chí Acta Asiatica, Tokyo.

Iwao S. & al. 1978. Dictionnaire historique du Japon, Vol. 4. Tokyo: Maison franco-japonaise.

Lidin O. G., 2004. Tanegashima – The Arrival of Europe in Japan. Copenhagen: Nias Press.

Mínguez, V. & Rodríguez, I. 2009. Japan in the Spanish Empire Circulation of Works of Art and Imaginings of Cipango in Metropolitan Spain and the American Viceroyalties. Bulletin of Portuguese – Japanese Studies, vol. 18-19.

Pauthier G., 1865. Le livre de Marco Polo, Citoyen de Venise, Conseiller privé et Commissaire imperial de Khoubilaï-Khaân, Deuxième Partie. Paris: Librairie de Firmin Didot Frères, Fils et Cie.

Pires T. 1944. Suma Oriental (Armando Cortesão dịch sang tiếng Anh), Vol. 1. London: The Hacluyt Society.

Rundall T. 1850 (Ed.). Memorials of the Empire of Japon: in the XVI and XVII Centuries. New York: Burt Franklin, Publisher.

Suzuki H. 2017. Uraga Port between Manila and Acapulco. Kỷ yếu Proceedings of the 3rd Asia-Pacific Regional Conference on Underwater Cultural Heritage (27 tháng 11 – 2 tháng 12 năm 2017), các chủ biên: Brian Fahy, Sila Tripati, Veronica Walker-Vadillo, Bill Jeffery, Jun Kimura. Hong Kong.

Trần Thanh Ái, 2022. Người Anh đầu tiên đến Đại Việt. Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 2 và tháng 3 năm 2022.

Veith I. 1945. Englishman or Samurai: The Story of Will Adams. Tạp chí The Far Eastern Quarterly, Vol. 5, No. 1 (Tháng 11/1945).

Ghi chú:

(1) Từ năm 1609, Lưu Cầu thuộc về Nhật Bản. Từ điển của A. de Rhodes chuyển ngữ hai địa danh Lưu Cầu [lơu càu, lư càu] và Nhật Bản [nhệt bỏn, nhịt bổn] giống như nhau, sang tiếng Bồ Đào Nha là Iapão và tiếng latinh là Iaponia. [Rhode A. de 1651, cột 426 và 554]. Điều đó có nghĩa là thời ấy người Việt xem người Lưu Cầu là người Nhật.