Cần bỏ bệnh cố chấp

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video người cố chấp là người như thế nào

Bớt cố chấp, xã hội bớt rối ren

Cố chấp, hai từ ấy chẳng khó hiểu gì cả, tra từ điển hoặc Google nửa giây ra ngay định nghĩa. Còn thì chẳng cần từ điển hay Google, bước chân vào nhà, bước chân ra phố, câu dễ nghe thấy vô cùng mỗi khi có một đụng độ to nhỏ bất kỳ, là thôi đừng chấp nhau.

Vấn đề ở chỗ, người ta biết thế nào là chấp và khuyên nhau đừng chấp, nhưng rốt cuộc, buông chấp đi mà sống cho lành lại chẳng mấy ai làm được. Đừng chấp nhau, để đừng cãi nhau. Đừng chấp nhau, để tha thứ cho nhau. Đừng chấp nhau, để lòng không bất an chỉ vì một cái nhếch mép. Chấp ấy, là chấp nhặt thôi. Nặng hơn, đừng chấp nhau để đừng đánh nhau. Đừng chấp nhau để đừng tiêu diệt nhau. Chiến tranh giữa hai nhà hàng xóm hoặc chiến tranh giữa hai quốc gia, nổ ra cũng bởi nguyên nhân không thể ngừng chấp nhau, cấp độ chấp cao đến đâu, mức độ bất hòa xảy ra đến đấy.

Chấp, và khăng khăng chấp đến mức gọi là cố chấp, không thể chỉ coi là một tính xấu trong muôn vàn tính xấu khác của loài người. Rất nhiều loại tính xấu đem đến những điều khó chịu trong cuộc sống. Nhưng cố chấp thì đem đến sự bất ổn nặng nề. Bởi cố chấp mang lại định kiến và mặc cảm, mang lại sự tự tôn quá mức cũng như sự thiếu tự tin quá thể.

Mấy lời diễn giải trên này nói chung là lý thuyết. Cách đây ít lâu, tôi gặp một phụ nữ với một xấp đơn kiện. Cô ấy kiện một người thân trong gia đình vì có hành động sai trái với mình. Anh trai cô ấy trong cuộc ẩu đả do bất hòa thường xuyên với cô đã nổi điên đánh cô gãy vài chiếc răng. Cô đem việc đó ra chính quyền địa phương, đi bác sĩ giám định thương tật…, nhưng chỉ nhận được những lời khuyên là việc này nhỏ lắm, mức độ thương tật không đáng kể, người một nhà nên về hòa giải.

Bố mẹ cô, như mọi bố mẹ trên đời và ở đất nước coi con trai là đáng quý hơn con gái, nói rằng xảy ra xô xát cô cũng có trách nhiệm, có lửa thì mới có khói, họ đề nghị cô dừng kiện, nếu cô tiếp tục làm quá lên bố mẹ cô sẽ từ bỏ cô. Và thế là, coi như không có bố mẹ lẫn chính quyền, người phụ nữ đó quay lưng lại với tất cả, mang xấp đơn của mình đến những cơ quan công quyền cao hơn. Cô muốn người anh trai của mình phải chịu trách nhiệm về hành vi đánh cô trước pháp luật.

Cụ thể nữa cô muốn anh trai cô vào tù vì tội đánh người gây thương tích. Những chiếc răng gẫy do kiện tụng phải giữ nguyên hiện trạng mà không đến nha sĩ sửa lại. Hơn một năm trời, cô để mặt xấu, bỏ công việc, thuê nhà trọ để ở và vẫn đi kiện khắp nơi. Kiện mãi vẫn không có hồi âm. “Tôi đòi công lý!”, cô nói rất lạnh lùng. Nhưng công lý lảng tránh cô. Một ngày cơ quan chấp pháp cấp phường với quận có cả hàng trăm vụ phải xử lý to hơn vụ anh em đánh nhau gẫy răng. Nỗi uất hận vì thế cộng dồn theo thời gian. Trước mắt tôi là một phụ nữ hoàn toàn bất hạnh, biến cuộc đời mình trở thành ngục tù của chính mình với nỗi căm giận ngút ngàn. Tôi không thể nói với cô rằng cô đã sai hay đã đúng. Chính tôi cũng phân vân bởi kết luận đúng sai trong chuyện này. Người anh chắc chắn đã sai, nhưng cô, cô có đúng không? “Em có buông chấp được không?”.

Câu trả lời là không, cô không buông cho đến khi anh cô phải chịu trách nhiệm về việc đánh cô. Một trường hợp cố chấp điển hình. Nhưng anh cô từ chối xin lỗi cô, bố mẹ cô bênh vực con trai, và chính quyền coi là chuyện nhỏ nên để gia đình tự xử lý. Mỗi cách ứng xử như vậy đều là cố chấp, đều là khăng khăng mình buộc lấy mình, chẳng cần nghĩ đến người khác…Chuyện như vậy, nỗi căm hận như vậy, được nuôi lớn bằng sự cố chấp, có thể sẽ bùng vỡ như những trái bom hẹn giờ và một tội ác có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nhìn kỹ hơn một chút, đấy chính là cách ứng xử phổ biến trong xã hội chúng ta. Cố chấp là một thuộc tính của con người, đâu trên thế giới cũng thế. Nhưng khăng khăng đến mức cực đoan thì những đất nước coi trọng đạo Khổng, coi trọng Nho giáo kiểu “quân tử nhất ngôn”, “một lời nói một đọi máu” nói ra một lời là không thay đổi, phát ngôn dày đặc định kiến (mà Việt Nam là một), thì tính cố chấp nặng nề hơn. Cố chấp trong đời sống đã là quá tệ, còn có những lĩnh vực mà cố chấp tai hại hơn rất nhiều.

Chẳng hạn, lịch sử luôn được nhìn theo bên thắng cuộc, những sai và những xấu in hằn trong lòng mỗi đứa trẻ từ lúc bắt đầu đi học có khi bắt nguồn bởi sự cố chấp của người soạn sách sử. Có thể đem ra một ví dụ, một câu như “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân…”, chẳng hề có xuất xứ, dạng vè dân gian, không một tư liệu gốc nào ghi nhận là đã được viết trên lá cờ khởi nghĩa của Trương Định, suốt một thời gian hơn nửa thế kỷ được đem ra như bằng chứng kết tội một người yêu nước là cụ Phan Thanh Giản. Cố chấp đi liền vô minh, mà vô minh thì hậu quả khôn lường.

Buông bỏ, thôi chấp niệm, như trong Phật dạy, hay bớt cố chấp để tâm được an lành, sống nhẹ nhàng, xã hội bớt rối ren… Thì cứ mong được thế. Mà muốn thế, có mỗi một cách thôi là nâng cao dân trí mỗi ngày.

Phạm Hà

“Tại sao cậu lại nghĩ như thế nhỉ?”

“Tại sao cậu lại nghĩ như thế nhỉ?”. Đó không phải là một câu hỏi yêu cầu một lý giải cho một quan điểm mà chủ thể cảm thấy hơi khó tiếp nhận. Ở xã hội Việt Nam hôm nay, nó là một câu thách thức, với hàm ý: “Cậu có một suy nghĩ thật quái gở. Cậu phải nghĩ giống như chúng tôi đang nghĩ”.

Ở thời đại thông tin đa chiều đến mức hỗn loạn như hôm nay, việc phân biệt giữa “dữ kiện” với “ngụỵ tạo” (fact vs fake); giữa “rác thông tin” với “sự thật” (trash vs truth) là một đòi hỏi cấp thiết ở mọi quốc gia. Đặc biệt, với những công cụ hỗ trợ có khả năng giúp người dùng “biên tập” được một dữ kiện, một sự thật để biến nó thành một dữ kiện và sự thật kiểu khác, phù hợp với một dạng “khẩu vị” nhất định, sự phức tạp trong lựa chọn niềm tin càng lớn hơn. Xu hướng chung, người ta thích tin vào điều người ta muốn tin hơn là điều đáng tin. Và chính yếu tố này càng củng cố hơn tập quán xấu của người Việt hiện đại là cố chấp, khăng khăng chỉ cho mình mới là chân lý và đóng sập cánh cửa nhận thức đối với mọi luồng quan điểm không phù hợp với niềm tin của mình.

Trong các hoạt động kinh tế xã hội, sự cố chấp cũng bộc lộ rất rõ, nhất là khi các chủ thể nhận thấy đã tồn tại một mô thức thành công nào đó mà họ tin rằng nó là chuẩn mực. Đơn cử một chuyện rất đơn giản là đợt bùng nổ “bún đậu mắm tôm” ở TP. Hồ Chí Minh cách đây vài năm. Một người thành công sẽ tạo ra cả ngàn người học theo bất chấp một thực tế: số lượng lớn dễ dẫn tới bão hòa nhu cầu. Cơ bản, tất cả đều nhìn vào hình mẫu đã thành công, và cho rằng đi theo con đường ấy mới là chuẩn mực. Họ không chấp nhận phản biện, không tự phản biện. Có thể nói, không tồn tại một tư duy mở, dám lắng nghe những khác biệt để tự nghiệm ra một hướng đi, một quyết sách tốt hơn cho mình.

Có một khác biệt rất lớn giữa người Việt so với người nước ngoài mà chúng ta có thể dễ nhận ra là cách thưởng thức âm nhạc. Người nước ngoài cũng như người Việt, ai cũng có một thể loại âm nhạc mà họ ưa thích nhất. Nhưng người nước ngoài khác người Việt ở chỗ, nếu nghe một thể loại âm nhạc khác với thể loại họ ưa thích, họ không chống lại nó. Thậm chí, nếu nó bắt tai, họ sẵn sàng cởi mở đón nhận, nhún nhảy theo nó với sự thích thú. Còn người Việt, khi đã yêu nhạc rock thì mọi thứ âm nhạc khác đều… không phải là âm nhạc; đã yêu nhạc quê hương thì mọi thứ âm nhạc khác đều dở tệ… Người Việt khép mình trong công thức cố chấp ấy và do đó, khi cần tiếp nhận cái mới, cái khác, việc họ không có thói quen sẵn sàng mở lòng luôn dẫn tới việc họ chậm chạp trong việc nắm bắt các cơ hội thay đổi đời sống của mình một cách tích cực hơn.

Đặc biệt, trong các tranh luận mang tính lựa chọn đối kháng giữa A hoặc B, người Việt hiện đại không chấp nhận thái độ trung dung, khách quan. Họ mặc định cho rằng ai đã không bênh A thì chắc chắn họ phải là kẻ bênh B. Sự quy chụp vội vàng ấy đã khiến không ít các mối quan hệ đổ vỡ. Nó tạo ra một thái độ cực đoan một cách tiêu cực. Xã hội muốn phát triển, rất cần các cá nhân cực đoan tích cực theo hướng đã làm việc gì thì quyết liệt đi tới tận cùng. Nhưng nếu trong xã hội chỉ toàn những cá nhân cực đoan tiêu cực theo xu hướng cố chấp kiểu “nếu không tuân theo cái mà tôi cho là chân lý thì chắc chắn là bạn đang lầm đường lạc lối”, xã hội ấy sẽ không thể phát triển tốt bởi nó không có sinh quyển cho những ý tưởng mới lạ, những phát kiến mới lạ.

Thêm vào đó là xu hướng đổ tại. Khi không thuyết phục được một cá thể nào đó khác biệt với mình, người Việt có xu hướng biện minh cho sự thất bại trong thuyết phục bằng lối đổ tại cho đối tượng. Đã từng có rất nhiều người, sau khi tranh luận với người viết về một quan điểm nào đó, họ lập tức “vu vạ” rằng “thằng ấy nó là dư luận viên”. Tìm một nhân thân xấu cho người đối diện tranh luận với mình để nhằm hạ thấp họ và do đó nâng tính khả tín cho quan điểm của mình luôn là thói quen của nhiều người Việt hôm nay, mà đáng buồn thay, rất nhiều người trong số họ lại đang được xem là trí thức.

Xuất phát từ một xã hội có thiên hướng giáo dục khuôn mẫu, khuôn mẫu từ gia đình cho tới học đường, người Việt dường như đã bị đóng khung mình trong những công thức sống, công thức tư duy. Và khi họ tìm được một cộng đồng đồng điệu, họ có thêm chỗ dựa để cảm thấy được an toàn trong cộng đồng ấy, lấy nó làm điểm tựa để khẳng định mình mới là chân lý bất chấp dữ kiện, sự thật và phân tích khoa học.

Tuy nhiên, có một tín hiệu có thể nói là khá tích cực là giới trẻ hiện nay, ở vào độ tuổi khoảng từ 15-18, bắt đầu có xu thế cởi mở hơn nhiều. Chúng sẵn sàng thể hiện mình khác biệt đám đông. Chúng sẵn sàng đón nhận cái khác biệt nếu như cái khác biệt ấy có sức hút với chúng thực sự. Chúng cũng rõ ràng và rành mạch hơn trong việc lựa chọn các tham số để suy xét một vấn đề. Quan trọng nhất với chúng là chúng phải cảm thấy thích, cảm thấy thoải mái, cảm thấy đồng cảm và không bị gò bó. Chỉ có điều, giới trẻ thường hay vội, với kinh nghiệm sống và kiến thức chưa nhiều. Nếu chúng được tạo cơ hội để trải nghiệm, được dìu dắt bằng kiến thức (chứ không phải bằng định kiến cố chấp của thế hệ đi trước), chúng sẽ đủ sức tạo ra một diện mạo mới tích cực hơn rất nhiều cho xã hội Việt Nam trong tương lai.

Muốn tín hiệu tích cực ấy trở thành hiện thực ở tương lai gần, quay trở lại vấn đề cũ, vẫn rất cần chính thế hệ chúng ta, những người là cha, anh chúng, phải bỏ cái cố chấp của mình để không áp đặt chúng phải lớn lên như thế nào, suy nghĩ thế nào, sống thế nào. Đời của chúng, chúng phải được sống nó theo cách của mình, cho dù cách ấy với chúng ta là hơi “lập dị”.

Hà Quang Minh

Quần thể trí thức

Con người là một sinh vật sống theo quần thể. Nhưng sự phát triển của xã hội loài người lại đòi hỏi những tư duy độc lập – những bộ não dám nghĩ khác và nghĩ mới.

Năm 2017, các học giả ở Đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ làm một nghiên cứu trên các thanh niên Việt Nam trở về nước làm việc sau một thời gian học đại học và cao học ở Mỹ. Họ bị “sốc văn hóa” khi quay về quê hương – dù đã dành phần lớn thời gian trưởng thành tại Việt Nam, chỉ trải qua mấy năm ở Mỹ.

“Sốc văn hóa” thường chỉ để nói về hiện tượng một người bước sang một nền văn hóa hoàn toàn mới, phải hứng chịu trải nghiệm hoàn toàn xa lạ từ một cộng đồng mới; còn “sốc văn hóa ngược” là nói về việc người ta sốc khi quay về chính nơi mình đã trưởng thành mà vẫn sốc.

Vậy họ trải qua điều gì? Những vấn đề rất quen mà lạ: họ phải tham gia vào một môi trường làm việc mà các mối giao thiệp quan trọng hơn hiệu suất công việc; họ chịu đựng một áp lực phi thường về việc “phải thành đạt” – thậm chí từ cha mẹ và bạn bè (điều không có ở văn hóa Mỹ); những cô gái nhận ra rằng họ quay trở về một môi trường mà bất bình đẳng giới tính vẫn nặng nề…

Đó là những điều mà hẳn độc giả đều có thể tưởng tượng được. Nhưng trong nghiên cứu của Đại học Nebraska-Lincoln năm 2017, có một biểu hiện “sốc văn hóa ngược” đáng chú ý. Đó là áp lực so sánh ngang hàng. Một đối tượng nghiên cứu khẳng định rằng ngay cả việc cô không biết đi xe máy – vốn chưa bao giờ là một vấn đề tại Mỹ – cũng trở thành một áp lực tại Việt Nam khi so sánh với chúng bạn. Nhiều người khác cùng trải qua cảm giác nặng nề khi bạn bè mình, trong thời gian họ đi nước ngoài học, đã thăng tiến trong công việc và tạo ra áp lực so sánh.

“Con nhà người ta” là một đặc sản của nền văn hóa Á Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tại một số nền văn hóa, người ta có thể khuyến khích nhau nghĩ khác so với đám đông. Tại Việt Nam, nghĩ và sống khác so với đám đông có thể là một cái tội. “Tội” theo nghĩa đen, tức là người ta có thể chịu đựng sự lên án. Trong nghiên cứu của Mỹ, các cựu du học sinh chịu “sốc văn hóa ngược” khi họ bị chỉ trích vì không chịu làm nhà nước, không chịu lấy chồng sau tuổi 30. Và tất nhiên, họ có thể bị lên án vì bất kỳ dấu hiệu “khác người” nào. Bạn có thể tự kể ra các ví dụ.

Người viết từng là một sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội. 27,5 điểm ba môn. Một trường có tỷ lệ chọi cao và tất nhiên, nhiều triển vọng việc làm. Và bạn, một người Việt Nam, có thể cùng tôi tưởng tượng về năm 2007 đó, khi tôi, còn 2 năm nữa ra trường, tuyên bố muốn bỏ học để theo đuổi nghề viết lách. Bạn hãy tưởng tượng về những cuộc trò chuyện trong gia đình, về những lời gièm pha của xã hội và những chỉ trích mà một thanh niên dám nghĩ thế phải chịu đựng. Tôi không cần kể ra ở đây: bạn tự tưởng tượng được mức độ.

Vấn đề của cái “phổ văn hóa Việt Nam” – thứ đã tạo ra cú sốc ngược dành cho các trí thức từ xa về – là nó không ủng hộ cho tư duy độc lập.

Xã hội phát triển thực tế là nhờ cái mới. Cái mới là cái chưa từng tồn tại. Cái chưa từng tồn tại được tạo ra bởi một lối suy nghĩ khác với đám đông, thậm chí là việc tìm kiếm các tri thức chưa từng được biết đến.

Những vĩ nhân ghi danh vào lịch sử nhân loại nhờ việc nói rằng Trái đất xoay quanh Mặt trời, khẳng định rằng Trái đất quay quanh trục của chính nó, hay tuyên bố mình có thể đưa giọng nói con người vào một cái máy… đều là những thứ từng bị nhạo báng, thậm chí bị phỉ nhổ vì khác người. Nếu họ đã sống mà nhìn vào “con nhà người ta”, sống mà phụ thuộc vào cảm xúc và suy nghĩ của cộng đồng, nhân loại đã không có ngày hôm nay.

Việc chúng ta sống mà phụ thuộc vào cảm xúc của đám đông, tạo ra một sức ỳ cho cá nhân và cho cả xã hội. Thói quen này liệu có liên quan gì đến việc Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới? Có phải là những trí thức Việt Nam dành quá nhiều thời gian để giao đãi, để nói chuyện phiếm, để hòa nhập, để là-một-phần-của-đám-đông; thay vì họ dành thời gian đó để trở thành một-nhân-tố-chưa-từng-có?

Thói quen này liệu có liên quan gì đến những cuộc luận chiến dài đến cả thập kỷ trên mạng? Quốc gia thì tranh luận mãi cái gì là “quốc hoa” rồi bỏ cuộc; các địa phương thì mất cả thập niên không thể thiết kế được cái logo hiện đại; đến trang phục của các cô người mẫu trên sân khấu mãi cũng không biết thế nào là không “phản cảm”. Việc chấp nhận những cái mới và khác biệt có vẻ như rất nhọc nhằn ở nhiều lĩnh vực. Cho dù đó là tiền đề cơ bản của sự phát triển.

Ngày nay, ở Việt Nam, do tâm lý “sợ khác người”, ta có thể chứng kiến những nan đề không cách nào giải quyết nổi: giáo dục được kêu gọi đổi mới – những phương pháp giáo dục mới lạ, chưa từng được biết đến, ngay khi đưa ra sẽ bị gièm pha đến… mất tích.

Xã hội Việt Nam không chỉ dành những cú sốc cho các du học sinh trở về. Nó có thể dành cho bất kỳ ai “dám” suy nghĩ độc lập những cú sốc. Phổ văn hóa này thử thách và sẵn sàng tiêu diệt những người cực đoan, muốn theo đuổi điều họ tin tưởng.

Và cậu sinh viên Đại học Kiến trúc năm xưa, với cái quyết định bỏ học đầy quyết liệt, sau 15 năm theo nghề viết, lấy vợ, sinh con, xây nhà, gây dựng chỗ đứng, giờ cũng đi uống bia tuần ba lần, tham gia vào những cuộc nói chuyện không đầu không cuối trên bàn nhậu, và xuất hiện ở đủ loại tranh luận trên mạng, vì một nỗi sợ rất cơ bản: nỗi sợ không còn là một phần của đám đông, không phải là một phần của quần thể trí thức. Sau rất nhiều cú sốc, anh ta đã học được rằng “khác người” đáng sợ thế nào.

Anh ta không còn là chàng thanh niên cực đoan của 15 năm trước nữa. Sự cực đoan đó có thể đã tạo ra những tác phẩm – nhưng anh ta sẽ không bao giờ biết đến chúng.

Đức Hoàng