KHỔNG TỬ – NGƯỜI SÁNG LẬP NHO GIÁO

Khổng Tử (551 tr. CN – 479 tr.CN) tên là Khâu, tự là Trọng Ni 仲尼, người ấp Trâu 郰邑, làng Xương Bình 昌平, nước Lỗ 鲁 (nay thuộc huyện Khúc Phụ 曲阜, tỉnh Sơn Đông 山东). Ông tổ ba đời là Khổng Phòng Thúc, nguyên là người nước Tống, dòng dõi quý tộc bị sa sút, sau dời sang nước Lỗ. Cha là Thúc Lương Ngột làm quan võ tại ấp Trâu, trước lấy vợ họ Thị, sinh được chín người con gái. Ông lấy người vợ lẽ, sinh được một người con trai bị què chân, tên là Mạnh Bì. Ngoài 70 tuổi mới lấy Nhan thị – Nhan Trưng Tại (nhưng lại bị coi là “dã hợp” 野合), và sinh ra Khổng Tử. Ông mất năm Khổng Tử lên ba tuổi. Năm 15 tuổi, Khổng Tử đã dốc lòng vào việc học. Năm 17 tuổi, được quan đại phu nước Lỗ là Mạnh Ly Tử rất quý trọng, khen là người hiếu lễ và thông đạt. Năm 19 tuổi thành gia thất, sinh được người con trai đặt tên là Lý (Bá Ngư). Khi đó, ông làm chức ủy lại coi việc đong lường thóc ở kho (được khen là “liệu lượng bình, cối kê đương” 料量平,會计當), rồi làm Tư chức lại trông nom việc chăn nuôi gia súc phục vụ việc cúng tế (cũng được khen là “ngưu dương tráng thuật” 牛羊壯述). Tuy trẻ tuổi nhưng ngài đã nổi tiếng là tài giỏi. Quan đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ cho hai người con trai là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo học lễ. Không bao lâu Khổng Tử rời nước Lỗ đi du thuyết ba nước Tề, Tống, Vệ, nhưng không được trọng dụng, ông lại trở về nước Lỗ.(*)

Vào năm 525 tr.CN, Khổng Tử sang Lạc ấp, kinh đô nhà Chu, hỏi lễ Lão Tử và hỏi nhạc Tràng Hoằng. Năm 516, nước Lỗ có loạn, Khổng Tử sang Tề. Vua Tề Cảnh Công muốn trọng dụng ngài, định cấp cho ruộng tại Ni Khê, nhưng bị quan đại phu là Yến Anh ngăn trở. Năm sau, Khổng Tử trở về Lỗ. Lúc này, quan đại phu Quý Bình Tử đã chết. Con là Quý Hoàn Tử nối nghiệp, chuyên quyền làm nhiều điều trái đạo, Khổng Tử không chịu ra làm quan mà ở nhà dạy học. Học trò đến theo học ông ngày một đông. Năm 500 tr.CN, vua Lỗ Định Công phong cho Khổng Tử làm quan Tể tại Trung Đô (nay là huyện Vân Thượng, tỉnh Sơn Đông). Năm đó, ông đã 51 tuổi. Một năm sau, ông được thăng làm quan Tư không, rồi lại thăng làm quan Đại Tư khấu. Với chức Đại Tư khấu, quyền tể tướng Khổng Tử hạ lệnh giết đại phu Thiếu Chính Mão, người đi đầu của Pháp gia, vì tội ngụy biện, gây rối.

Sau ba tháng Khổng Tử cầm quyền, nước Lỗ thịnh trị, hình pháp không phải dùng đến, trai gái không hỗn loạn, người đi ngoài đường thấy của rơi không nhặt. Sợ nước Lỗ hùng cường, vua Tề dùng kế ly gián, sai đem 80 gái đẹp giỏi múa hát sang dâng cho vua Lỗ. Vua Lỗ nghe lời đại phu Quý Tôn Tử, mê tửu sắc, đàn hát, trễ nải, bỏ bê việc triều đình. Khổng Tử thấy vậy bèn từ chức, rời nước Lỗ chu du liệt quốc (năm 496 tr.CN).

Khổng Tử là người sáng lập ra trường phái Nho gia vào cuối thời Xuân thu. Đó là thời đại “vương đạo suy vi”, “bá đạo” nổi lên, trật tự lễ nghĩa nhà Chu đảo lộn, đạo lý nhân luân suy đồi. Suốt đời vì mong muốn cải biến xã hội, giáo hóa đạo đức con người, cứu thiên hạ, Khổng Khâu đã quên mình bôn ba khắp nơi du thuyết các nước chư hầu để thực hiện rộng rãi chủ trương nhân trị, khôi phục chế độ tông pháp nhà Chu đã suy vong. Đầu tiên, ông qua nước Vệ. Không bao lâu lại qua nước Trần. Khi qua đất Khuông thuộc nước Vệ, ông bị người Khuông vây hãm, vì tưởng lầm ông là Dương Hổ, một kẻ tàn bạo ngược đãi người Khuông. Từ Khuông, ông đi đất Bồ, sau đó lại trở về Vệ. Sau Khổng Tử lại sang nước Tống, bị quan Tư mã Hoàn Khôi mưu sát, ông bèn đi Trịnh. Rồi đến Trần, ba năm sau về Vệ. Vua Vệ Linh Công không dùng, ông lại về Trần, sang Sái, Sở, rồi lại về Vệ. Năm 484 tr.CN, khi đã 68 tuổi, Khổng Tử trở về quê hương mình là nước Lỗ, sau mười ba năm trời chu du, truyền bá học thuyết của mình nhưng không được vua các nước chư hầu trọng dụng; ông mở trường dạy học, san định Kinh Thi 詩經, Kinh Thư 書經, hiệu đính Lễ 禮經, Nhạc 樂經, giải thích Kinh Dịch 易經, trước tác Xuân thu 春秋經. Môn đệ của ông chép lại những lời ông dạy và những lời ông đối đáp với vua các nước chư hầu làm thành bộ Luận ngữ 論語. Ông hệ thống hoá những tri thức, tư tưởng đời trước và quan điểm của ông thành học thuyết triết học chính trị – đạo đức nổi tiếng, gọi là Nho giáo. Khổng Tử mất vào năm thứ 16 đời Lỗ Ai Công, tức năm 479 tr.CN.

Trong quan điểm về thế giới, xuất phát từ tư tưởng của Kinh Dịch, Khổng Tử cho rằng, vạn vật trong vũ trụ luôn sinh thành, biến hóa không ngừng theo đạo của nó. Sự vận động, biến đổi ấy của vạn vật bắt nguồn từ mối liên hệ, tương tác giữa hai cực “âm” và “dương” trong một thể thống nhất gọi là “Thái cực”. Cái lực vô hình, mạnh mẽ giữ cho âm – dương, trời – đất “tương thôi”, “trung hòa” để vạn vật sinh hóa không ngừng ấy, Khổng Tử gọi là “đạo” 道, là “thiên lý” 天理. “Trung là cái gốc lớn của thiên hạ, hòa là đạo thông đạt của thiên hạ. Đạt tới đạo trung hòa thì trời đất sẽ yên ổn. Trật tự, vạn vật sẽ sinh sản, nảy nở thuận chiều – 中也者, 下之大本也; 和也者,天下之達道也. 致中和, 天地位焉, 萬物生焉 – Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã; hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật sinh yên “(Trung dung, 1). Do cái gốc ấy mà “Trời có nói gì đâu! Bốn mùa vận hành, vạn vật sinh hóa mãi, Trời có nói gì đâu ! – 天何言哉! 四時行焉, 萬物生焉, 何言哉!”(Luận ngữ, Dương hóa, 18), “cũng như dòng nước chảy, mọi vật đều trôi đi, ngày đêm không ngừng, không nghỉ – 逝者如斯夫;不舍晝 夜 – Thệ giả như tư phù; bất xả trú dạ” (Luận ngữ, Tử Hãn, 16).

Nhưng vì “đạo” hay “thiên lý” là huyền vi, sâu kín, mầu nhiệm, mạnh mẽ, lưu hành khắp vũ trụ, định phép sống cho vạn vật, con người ta không thể cưỡng lại được, nên Khổng Tử gọi đó là “Thiên mệnh” 天命; và vì thế ông cho trời có ý chí, làm chủ tể vũ trụ để chi phối mọi sự biến hóa của vạn vật cho hợp lẽ điều hòa. Khổng Tử nói: “Đạo của ta thi hành ra được cũng do mệnh trời, mà bị bỏ phế vong cũng là do mệnh trời. Công Bá Liêu làm sao cải được mệnh trời – Đạo chi tương hành dã dư, mạng dã. Đạo chi tương phế dã dư, mạng dã. Công Bá Liêu kỳ như mạng hà? 道之將行也輿, 命也;道之將廢也輿, 命也. 公伯寮其如命何” (Luận ngữ, Hiến vấn, 38).

Do tin có “Thiên mệnh”, nên Khổng Tử coi việc hiểu biết mệnh trời là một điều kiện tất yếu để trở thành con người hoàn thiện. Ông viết: “Không biết mệnh trời thì không lấy gì làm quân tử – Bất tri mạng, vô dĩ vi quân tử dã – 不知命, 無以為君子也” (Luận ngữ, Nghiêu viết, 3). Đã tin có mệnh, biết mệnh, thì phải sợ mệnh và thuận mệnh. Đó là cái đức của người quân tử. Khổng Tử nói: “Người quân tử có ba điều sợ: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời thánh nhân – Quân tử hữu tam úy: úy Thiên mạng, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn – 君子有三畏: 畏天命, 畏大人, 畏聖人之言” (Luận ngữ, Quý thị, 8). Do quan niệm như vậy, nên Khổng Tử tin vào số mệnh và ông đã nói: “Sống chết có mệnh, giàu sang do ở trời – Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên – 死生有命, 富貴在天” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 5).

Tuy nhiên, Khổng Tử lại không tán thành quan điểm cho rằng con người cứ nhắm mắt dựa vào “Thiên mệnh”. Ông luôn yêu cầu con người phải chú trọng vào sự nỗ lực học tập, làm việc tận tâm, tận lực, còn việc thành bại như thế nào, lúc đó mới là tại ý trời.

Khổng Tử cũng tin có quỷ thần và cho rằng, quỷ thần là do khí thiêng trong trời đất tạo thành, tuy mắt ta không nhìn thấy, tai ta không nghe thấy… nhưng “dường như lưu động trên đầu ta, ở bên phải ta, bên trái ta, đâu đâu cũng có” (Trung dung, 16). Song ông lại cho rằng quỷ thần không có tác dụng chi phối đời sống con người. Ông phê phán mê tín sùng bái quỷ thần, kêu gọi mọi người hãy chú trọng vào việc làm của mình, bởi vì: “Đạo thờ người chưa biết thì sao biết được đạo quỷ thần… Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết? – Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ?… Vị tri sinh, yên tri tử ? – 未能事人,焉能事鬼… 未知生, 焉知死” (Luận ngữ, Tiên tấn, 11). Theo ông, trí thông minh, khôn ngoan của con người đối lập với mê tín quỷ thần. Ông dạy con người tin vào quỷ thần, nhưng đừng sùng bái quỷ thần – “kính quỷ thần, nhi viễn chi; khả vị tri hỹ – 敬鬼神,而遠之,可謂知矣” (Luận ngữ, Ung dã, 20).

Như vậy, trong quan điểm về thế giới, tư tưởng của Khổng Tử luôn có những tính chất mâu thuẫn. Khi chống lại chủ nghĩa thần bí, tôn giáo đương thời, ông thừa nhận sự vật, hiện tượng trong tự nhiên luôn vận động, biến hóa không phụ thuộc vào mệnh lệnh của trời. Đó là yếu tố duy vật chất phác và tư tưởng biện chứng tự phát – một bước tiến so với quan điểm duy tâm, thần bí, tôn giáo phổ biến thời Thương, Chu. Nhưng mặt khác, ông lại cho rằng, trời có ý chí và có thể chi phối vận mệnh của con người, đó lại là một bước lùi trong tư tưởng triết học của ông. Cũng như thế, một mặt, Khổng Tử tuyên truyền sức mạnh của quỷ thần, nhưng mặt khác, ông lại nhấn mạnh vai trò hoạt động của con người trong đời sống. Thực chất những mâu thuẫn trong tư tưởng, tâm trạng và thái độ của Khổng Tử là phản ánh những mâu thuẫn của đời sống hiện thực. Xu thế phát triển của lịch sử xã hội đã giúp cho Khổng Tử có những quan điểm tiến bộ, thoát ly chủ nghĩa thần bí, tôn giáo, đặt vấn đề con người lên hàng đầu để giải quyết. Nhưng do hiện trạng xã hội và hạn chế của lợi ích giai cấp, Khổng Tử hoang mang, dao động và quay lại với chủ nghĩa duy tâm, tuyên truyền cho sức mạnh của trời, thần thánh hóa quyền lực của thế lực cầm quyền trên mặt đất, nhằm duy trì trật tự xã hội theo lễ nghĩa nhà Chu.

Cùng với quan điểm về vũ trụ và con người, học thuyết về luân lý, đạo đức, chính trị – xã hội là một trong những vấn đề cốt lõi và là thể thống nhất hữu cơ trong triết học của Khổng Tử trên tư tưởng “Thiên nhân tương đồng”. Những nguyên lý đạo đức căn bản nhất trong học thuyết đạo đức của Khổng Tử là: nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng, hiếu, kính đễ… cùng với một hệ thống quan điểm về chính trị – xã hội như “nhân trị”, “chính danh”, “thượng hiền”, “quân tử”, “tiểu nhân” của ông. Trong những phạm trù đạo đức ấy của Khổng Tử, chữ “nhân” được ông đề cập với ý nghĩa sâu rộng nhất. Các phạm trù đạo đức trong triết học Khổng Tử như những vòng tròn đồng tâm, mà nhân như là tâm điểm. Nó được coi là nguyên lý đạo đức cơ bản quy định bản tính con người và những quan hệ giữa người với người từ trong gia tộc đến xã hội. Nó liên quan đến các phạm trù đạo đức, chính trị khác như một hệ thống triết lý chặt chẽ, nhất quán, tạo thành bản sắc riêng trong triết lý nhân sinh của ông.

Khổng Tử lấy chữ “nhân” 仁 làm nguyên lý đạo đức cơ bản trong triết học của mình, có thể lý giải bằng hai căn nguyên: Thứ nhất, về mặt lý luận, theo Khổng Tử, do sự chi phối của “thiên lý”, của “đạo” mà các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ luôn biến hóa không ngừng. Sự sinh thành, biến hóa ấy của vạn vật bao giờ cũng nhờ sự “trung hòa” giữa âm – dương, trời – đất… “Trung” là cái gốc lớn của thiên hạ, mọi vật đều do nơi đó mà nảy sinh, tiến hóa. “Hòa” là đạo thông đạt của thiên hạ, mọi vật đều nhờ đó mà thông hành (Trung dung, 1). Con người là kết quả bẩm thụ tinh khí của âm – dương, trời – đất mà sinh thành, tuân theo “thiên lý”, hợp với đạo “trung hòa” 中和; đạo sống của con người là phải “trung dung” 中庸, “trung thứ” 忠恕, nghĩa là sống đúng với mình và sống phải với người – đó chính là chữ “nhân”. Khổng Tử chọn chữ “nhân” là nguyên lý đạo đức cơ bản trong triết học của ông còn do nguyên nhân thứ hai, đó là do yêu cầu của thực tiễn lịch sử xã hội. Xã hội thời Xuân thu là thời kỳ đang trải qua những biến động lịch sử sâu sắc, nên yêu cầu lịch sử đặt ra là phải ổn định và cải biến xã hội đó. Khổng Tử đã chủ trương dùng nhân đức để giáo hóa con người, cải tạo xã hội, biến xã hội từ “vô đạo” thành “hữu đạo”. Nhưng, cũng chính trong quan điểm đó, Khổng Tử lại bộc lộ tính chất hai mặt trong học thuyết của mình.

Dùng “nhân” để giáo hóa con người, cải biến xã hội từ loạn thành trị là biểu hiện tính tích cực, tính nhân bản của Khổng Tử. Nhưng do chưa hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của các sự biến lịch sử và bị những quyền lợi giai cấp quy định, nên phương pháp giáo hóa con người và cải biến xã hội của ông chỉ dừng lại ở tính chất cải lương và duy tâm, chứ không phải bằng cách mạng hiện thực. Do vậy, dù tận tâm, đầy nhiệt huyết với chính trị, nhưng khi học thuyết và chủ trương của mình không đạt được kết quả, thì ông tỏ ra bi quan về lịch sử, tiếc nuối quá khứ… “Ta đã suy rồi, đã lâu rồi ta chẳng còn nằm mơ thấy Chu Công! – Thậm hỹ ngô suy dã! Cữu hỹ, ngô bất phục mộng kiến Chu Công – 甚矣吾衰也! 久矣,吾不 復夢見周公” (Luận ngữ, Thuật nhi, 5). Trong việc giáo dục đạo đức, nhân nghĩa cho con người, một mặt, Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại”, và đây chính là quan điểm, là ý hướng tiến bộ muốn vượt qua sự ràng buộc của đẳng cấp danh phận, là đóng góp hữu ích của ông vào việc hoàn thiện và làm phong phú kho tàng lý luận giáo dục đạo đức cho nhân loại. Đứng ở phương diện này, ông không chỉ là nhà lý luận, mà còn là nhà giáo dục lớn. Nhưng mặt khác, vì hạn chế của điều kiện lịch sử và sự ràng buộc của lợi ích giai cấp, ông lại khẳng định rằng, đức nhân chỉ có thể có được ở người “quân tử” – mẫu người lý tưởng, những kẻ có địa vị xã hội. Vì thế, Khổng Tử luôn phân biệt rõ sự đối lập giữa hai hạng người trong xã hội: “quân tử” và “tiểu nhân” cả về tri thức, đạo đức, nhân cách, thái độ, hành động ứng xử và địa vị xã hội… Ông khẳng định rằng, “Có thể có người quân tử bất nhân, nhưng chưa hề có người tiểu nhân có nhân – Quân tử nhi bất nhân giả, hữu hỹ phù! Vị hữu tiểu nhân nhi nhân giả dã – 君子而不仁者有矣夫! 未有小人而仁 者也” (Luận ngữ, Hiến vấn, 7).

Chữ “nhân” 仁 trong triết học Khổng Tử có ý nghĩa rất rộng, bao hàm nhiều mặt trong đời sống con người, có lúc trừu tượng, có lúc cụ thể, tùy theo trình độ, hoàn cảnh mà ông diễn đạt nội dung của nó một cách khác nhau. Nhan Uyên hỏi về nhân, Khổng Tử đáp: “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào mà mình khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hóa mà theo về đức nhân – 克己復禮為仁. 一日克己復禮天下歸仁焉 – Khắc kỷ, phục lễ vi nhân. Nhất nhật khắc kỷ, phục lễ, thiên hạ quy nhân yên” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1). Nhan Uyên hỏi tiếp về các điều mục cụ thể, Khổng Tử đáp: “Cái gì không hợp lễ thì đừng nhìn, cái gì không hợp lễ thì đừng nghe, cái gì không hợp lễ thì đừng nói, cái gì không hợp lễ thì đừng làm – Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động – 非禮勿視, 非禮勿聽, 非禮勿言, 非禮勿動” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1). Phàn Trì hỏi về nhân, Khổng Tử giảng giải: “Khi ở nhà thì giữ gìn cho khiêm cung, khi làm việc thì kính cẩn, khi giao tiếp với người thì trung thành. Dù đi tới các rợ Di, Dịch cũng không thể bỏ qua được ba cái đó – Cư xử cung, chấp sự kính, dữ nhân trung. Tuy chi Di Dịch, bất khả khí dã – 居處 恭, 執事敬, 與人忠. 雖之夷狄,不可棄也” (Luận ngữ, Tử Lộ, 19). Người có đức nhân còn là người làm được năm điều trong thiên hạ: “Cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung thì không khinh nhờn, khoan thì được lòng người, tín thì người tin cậy, mẫn thì có công, huệ thì đủ khiến được lòng người – Cung, khoan, tín, mẫn, huệ. Cung tắc bất vũ; khoan tắc bất đắc chúng; tín tắc nhân nhậm yên; mẫn tắc hữu công; huệ tắc túc dĩ sử nhân – 恭寬信敏惠. 恭則不侮; 寬則不得眾; 信則 人任焉; 敏則有功;惠則足以使人” (Luận ngữ, Dương hóa, 6). Nhân còn là biết “Thương người – ái nhân – 愛人” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 21) và biết ghét người: “Duy nhân giả năng háo nhân, năng ố nhân – 惟仁者能好人,能惡人” (Luận ngữ, Lý Nhân, 3). “Người quân tử, ghét kẻ bêu chuyện xấu của người, ghét kẻ bậc dưới mà gièm pha bậc trên, ghét kẻ có dũng lực mà không biết lễ phép, ghét kẻ quả cảm làm liều để đến chỗ bế tắc – ố xưng nhân chi ác giả, ố cư hạ lưu nhi sán thượng giả, ố dũng nhi vô lễ giả, ố quả cảm nhi trất giả – 惡稱人而之 惡者, 惡居下流而訕上者, 惡勇而無禮者, 惡果 敢而窒者” (Luận ngữ, Dương hóa, 23).

Người có đức nhân, theo Khổng Tử, phải là người “trước làm những điều khó, sau đó mới nghĩ tới thu hoạch kết quả – Nhân giả tiên nan, nhi hậu hoạch; khả vị nhân hỹ – 仁者先難,而后獲, 可謂 仁矣” (Luận ngữ, Ung dã, 20). Người “nhân” không xa rời “nhân” dù chỉ trước sau một bữa ăn, vì nhân đâu phải xa, bởi bản tính của con người là thiện. Nhưng vì con người quen thói đời, mê vật dục nên thấy nhân xa mình đó thôi.

Như vậy, “nhân” là đức tính hoàn thiện, là cái gốc của đạo đức con người, nên “nhân” chính là đạo làm người. Đạo làm người hết sức phức tạp, phong phú, nhưng theo Khổng Tử, chung quy lại chỉ là những điều sống đối với mình và đối với người; là “Xuất môn như kiến đại tân; sử dân như thừa đại tế; kỷ sở bất dục vật thi ư nhân – 出門如見大賓, 使民如承大祭, 己所不欲勿施於人 – Khi ra khỏi nhà phải giữ nghiêm trang như tiếp khách quý, khi sai khiến dân kính cẩn như thi hành tế lễ lớn; cái gì mình không muốn thì không nên thi hành cho người” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 2); là “Người nhân đức hễ mình muốn lập thân thì cũng giúp người lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người thành đạt – 夫仁者己欲立而立人, 己欲達而達人 – Phù, nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân; kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (Luận ngữ, Ung dã, 28). Đó chính là “trung thứ”.

Chính Khổng Tử đã nói: “Đạo ta do nơi một lẽ mà thông suốt tất cả – Ngô đạo nhất dĩ quán chi”, “đó là một chữ “trung thứ” mà thôi – Phu tử chi đạo: Trung thứ nhi dĩ hỹ – 夫子之道:忠恕 而以矣” (Luận Ngữ, Lý nhân, 15). “Trung” 忠 là hết lòng hết dạ, thành tâm thật ý, cho nên gồm chữ trung 中 trên chữ tâm 心 ; “thứ” 恕 là suy lòng mình ra lòng người, thương mình như thương người, việc gì mình không muốn chớ đem cho người, cho nên có chữ như 如 ở trên chữ tâm 心. Người có đức nhân là người “văn” và “chất” hoàn mỹ: “Người nào chất phác thật thà thái quá mà kém phần văn vẻ thì thành ra quê mùa thô kệch. Người nào mà văn vẻ trau chuốt thái quá mà kém phần chất phác thì giống như quan sử. Có văn và chất hoàn mỹ thì mới thành người quân tử – 質勝文則野,文勝質則史,文質彬彬然後君子- Chất thắng văn, tắc dã; văn thắng chất tắc sử; văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử” (Luận ngữ, Ung dã, 16).

Đức “nhân”, theo Khổng Tử, có thể yên lặng, vững chãi như núi, bao nhiêu đức tính khác đều bởi đó mà sinh ra (Ung dã, 11). “剛,毅, 木,訥近仁 – Cương, nghị, mộc, nột cận nhân – Người có phẩm chất cứng cỏi, can đảm, chất phác, thật thà, ít ăn ít nói thì gần với đức nhân” (Luận ngữ, Tử Lộ, 27). Còn những kẻ “Ăn nói kéo léo, trau chuốt nhan sắc, hình thức là ít đức nhân – Xảo ngôn, lịnh sắc, tiển hỹ nhân – 巧言,令色,鮮矣仁” (Luận ngữ, Học nhi, 3). Người muốn đạt đức “nhân”, theo Khổng Tử phải là người có “trí” 智 và “dũng” 勇. Có thể có người “trí” mà không có “nhân”, nhưng không thể là người “nhân” mà thiếu “trí”. Khi “Phàn Trì hỏi Khổng Tử về trí, Khổng Tử đáp: “Trí là biết người”. Phàn Trì chưa hiểu, Khổng Tử giải thích rằng: “Cử người chính trực, bỏ kẻ cong vạy, có thể khiến cho kẻ cong vạy hóa ra chính trực – Phàn Trì vấn trí. Tử viết: “Cử trực, thố chư uổng, năng sử uổng giả trực – 樊遲問智,子曰: 知人,樊遲未達子曰: 舉直 醋枉能使枉者直” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 21). Phàn Trì hỏi về trí, ở một chỗ khác, Khổng Tử nói: “Vụ dân chi nghĩa; kính quỷ thần nhi viễn chi; khả vị trí hỹ – 務民之義; 敬鬼神而遠之,可謂智矣” (Luận ngữ, Ung dã, 20). Nhờ có trí, con người mới có sự sáng suốt, minh mẫn để hiểu biết được đạo lý, xét đoán được sự việc, phân biệt được phải trái, thiện ác, để trau dồi đạo đức và hành động hợp với “thiên lý”. Nếu không có trí sáng suốt thì chẳng những không giúp được người, mà còn bị mê hoặc bởi những đều vô lý, làm hại đến thân mình nữa. Nhưng vì tin theo “Thiên mệnh”, nên trong quan niệm về “trí”, một mặt, Khổng Tử tin rằng “con người sinh ra tự nhiên biết được đạo lý, là hạng người cao thượng” (Luận ngữ, Quý thị, 9); mặt khác, ông lại quan niệm trí không phải ngẫu nhiên mà có; nó chỉ được hình thành khi người ta trải qua quá trình học tập, tu dưỡng. Nếu không học thì dù có thiện tâm, nhân đức, trung tín đến đâu cũng bị cái ngu muội, phóng đãng, phản loạn… che mờ. Trong Luận ngữ, thiên Dương hóa, tiết 8, Khổng Tử viết: “Háo nhân bất háo học, kỳ tế dã ngu. Háo trí bất háo học, kỳ tế dã đãng. Háo tín bất háo học, kỳ tế dã tặc. Háo trực bất háo học, kỳ tế dã giảo. Háo dũng bất háo học, kỳ tế dã loạn. Háo cương bất háo học, kỳ tế dã cuồng – 好仁不好學, 其蔽也愚. 好智不好學, 其蔽 也蕩. 好信不好學, 其蔽也賊. 好直不好學, 其蔽也绞. 好勇不好學, 其蔽也亂. 好剛 不好學, 其蔽也狂”. Người quân tử học “để chí vào cái đạo lý, giữ gìn lấy cái đức hạnh, tựa vào nhân, chơi lục nghệ – Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ – 志於道,據於德,依於仁,游於蓺” (Luận ngữ, Thuật nhi, 6). Mục đích cao nhất của học, theo Khổng Tử, không chỉ để biết đạo, “khắc kỷ phục lễ vi nhân”, mà để ra làm quan, tham gia vào việc chính trị quốc gia. “Người có tri thức như có của quý mà ôm giấu, để cho nước nhà rối loạn, không phải là người nhân” (Luận ngữ, Dương hóa, 1). Đối với Khổng Tử, việc dạy học chủ yếu là dạy kẻ cầm quyền trị dân “đủ lễ, nghĩa, tín… khiến dân từ bốn phương sẽ đưa con đến phục dịch mình…” chứ không phải học nghề “cày cấy”. “Phàn Trì xin Khổng Tử dạy nghề làm ruộng. Ngài đáp rằng: “Ta chẳng như lão nông phu rành việc cày cấy”. Phàn Trì xin học cách trồng cây. Ngài đáp: “Ta chẳng như lão làm vườn quen nghề trồng trọt”. Khi Phàn Trì đi rồi, Khổng Tử nói: “Gã Phàn Tu tiểu nhân lắm thay! Nếu người trên hiểu lễ, thì dân chẳng dám bỏ niềm cung kính. Nếu người trên hiếu nghĩa, thì dân chẳng có gì mà không phục. Nếu bề trên hiếu tín, thì dân chẳng dám sai ngoa trong tình giao ước. Làm được như vậy thì dân bốn phương xa sẽ đai con đến phục dịch mình. Cần chi phải học nghề cày cấy?” (Luận ngữ, Tử Lộ, 4). Ông cho lao động chân tay là nghề tầm thường và ông cũng giận dữ bỏ đi khi vua Linh Công nước Vệ hỏi Khổng Tử về binh đao, chiến trận. Luận ngữ, thiên Vệ Linh Công, tiết 1 viết: “Vua Linh Công nước Vệ hỏi ông về chiến trận, Khổng Tử đáp rằng: “Việc sắp đặt mâm bàn chén bát đựng đồ cúng tế nơi nhà tông miếu thì tôi thường có nghe qua. Còn việc quân binh chiến phạt, tôi chưa từng học”. Sáng hôm sau, ngài bỏ ra đi”. Theo Khổng Tử, học phải cố gắng nỗ lực không mệt mỏi. “Kẻ nào không cố công tìm hiểu ta chẳng dạy cho, kẻ nào không bộc lộ được tư tưởng của mình, ta chẳng khai sáng cho, kẻ nào ta bày một mà không biết hai ta chẳng dạy nữa – Bất phẫn, bất khải; bất phỉ, bất phát. Cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã 不僨, 不 啟;不悱, 不發. 舉壹隅,不以三隅反,則不復也” (Luận ngữ, Thuật nhi, 8).

Khổng Tử luôn khuyên mọi người học “phải nghe nhiều rồi chọn điều hay mà theo, thấy nhiều để xét cho rõ cái hay, cái dở mà nhớ lấy, đó là điều quan trọng để trở thành trí giả – Đa văn, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi; đa kiến nhi chí chi; tri chi thứ dã – 多聞, 擇其善者而從之;多見而 致之,知之次也” (Luận ngữ, Thuật nhi, 27). Ông nói: “Trầm mặc suy nghĩ đạo lý để ghi nhớ trong lòng, học mà không biết chán, dạy người mà không biết mỏi – Mặc nhi chí chi, học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện – 默而識之 學而不厭誨人不倦” (Luận ngữ, Thuật nhi, 2). Ông chủ trương “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ – 縕而 知新可以為師矣” (Luận ngữ, Vi chính, tiết 11), “Tam nhân hành tất hữu ngã sư yên – 三人行必有我 師焉” (Luận ngữ, Thuật nhi, 21). Ông khuyên học trò không được vị kỷ tư dục, võ đoán, cố chấp trong việc học: “Vô ý, vô cố, vô tất, vô ngã – 無意,無故, 無必,無我” (Luận ngữ, Tử Hãn, 4). Khổng Tử thường dạy học trò về thi, thư, lễ, nhạc – “Tử sở nhã ngôn dã, thi, thư lễ nhạc, nhai nhã ngôn dã – 子所雅言也,詩,書, 禮,樂皆 雅言也” (Luận ngữ, Thuật nhi, 17) và “bốn môn văn, hạnh, trung, tín – 子以 四教:文,倖,忠,信 – Tử dĩ tứ giáo: văn, hạnh, trung, tín” (Luận ngữ, Thuật nhi, 24). Ông không dạy người về những vấn đề như quái dị, dũng lực, phản loạn và mê tín quỷ thần – Tử bất ngứ quái, lực, loạn, thần – 子不語怪,力,亂,神” (Luận ngữ, Thuật nhi, 20). Là một nhà giáo dục lớn, là người đầu tiên mở trường dạy học trong lịch sử Trung Hoa, Khổng Tử chủ trương “hữu giáo vô loại – 有教無類” (Luận ngữ, Vệ Linh Công, 30), nhưng ông lại quan niệm có bậc “thượng trí” và kẻ “hạ ngu”. Ông nói: “Người sinh ra đã biết là bậc trên; người học mới biết là bậc dưới; người khốn mới học là hạng dưới nữa; người khốn mà không học là kẻ bậc thấp – Sinh nhi tri chi giả, thượng dã. Học nhi tri chi giả, thứ dã. Khốn nhi học chi, hựu kỳ thứ dã. Khốn nhi bất học, dân tư vi hạ hỹ 生而知之者, 上也. 學而 知之者, 次也. 困而學之又其次也. 困而 不學民斯為下矣” (Luận ngữ, Quý thị, 9). Ông nói: “Từ người bậc trung trở lên, mới dạy đạo lý cao siêu. Từ người bậc trung trở xuống chớ nên giảng dạy đạo lý cao siêu – Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngứ thượng dã. Trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngứ thượng dã – 中人以上, 可以語上也.中人以下,不可以語上也” (Luận ngữ, Ung dã, 19). Thậm chí, Khổng Tử còn nói: “Đối với dân, việc gì cần làm thì cứ sai khiến người ta làm, không nên giảng giải vì dân không có khả năng hiểu được nghĩa lý sâu xa – Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi – 民可使由之, 不可使知之” (Luận ngữ, Thái Bá, 10). Sở dĩ Khổng Tử chủ trương như vậy, vì ông cho rằng: “Người ta sinh ra bản tính đều giống nhau, nhưng vì nhiễm thói quen và do hoàn cảnh nên họ thành ra khác nhau. Chỉ trừ có bậc thượng trí và hạ ngu là không thay đổi nết của mình – Tính tương cận dã, tập tương viễn dã. Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di – 性相近習相遠也.唯上智 與下愚不移” (Luận ngữ, Dương hóa, 2).

Với Khổng Tử, người muốn đạt “nhân” chỉ có “trí” thôi chưa đủ, mà cần phải có dũng 勇 nữa. Ông nói: “Kẻ có đức nhân tất có dũng khí, nhưng người có đức dũng chưa chắc đã có nhân – Nhân giả tất hữu dũng, dũng giả bất tất hữu nhân – 仁者必有 勇,勇者不必有仁” (Luận ngữ, Hiến vấn, 5). Người có dũng, theo Khổng Tử, không phải là kẻ ỷ vào sức mạnh, vì lợi mà suy nghĩ và hành động bất chấp đạo lý. Người nhân có dũng phải là người “có thể tỏ rõ ý kiến của mình một cách cao minh, có thể hành động một cách thanh cao” khi vận nước loạn lạc, khi người đời gặp phải hoạn nạn (Luận ngữ, Hiến vấn, 4). Người nhân có dũng mới tự chủ được mình, mới quả cảm xả thân vì nhân nghĩa, “lập nhân” và “đạt nhân”. “Bất nhân giả bất khả dĩ cữu xử ước, bất khả dĩ trường xử lạc. Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân – 不仁者不可以久處約,不可 以長處樂.仁者安仁,知者利仁” (Luận ngữ, Lý nhân, 2). Hơn thế, “bậc chí sĩ, người nhân có dũng sẽ sẵn sàng vì nhân mà sát thân, chứ không phải giữ mạng sống của mình mà hại nhân – Chí sĩ nhân nhân vô cầu sinh dĩ hại nhân; hữu sát thân dĩ thành nhân – 志士仁 人無 求生以害仁,有殺身以成仁” (Luận ngữ, Vệ Linh Công, 8).

Trong quan điểm về chính trị – xã hội, Khổng Tử cho rằng, nếu thịnh đức của trời đất vạn vật là trung hòa, là chí thiện, thì cái gốc của con người là trung thứ, là “nhân”, nhờ đó mà dân tốt, nước yên, thiên hạ bình trị. Nhưng trong xã hội thời Khổng Tử, người ta sống không theo đạo lý con người nữa; trật tự lễ nghĩa xáo trộn luân lý, đạo đức suy đồi, vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con; nhân, nghĩa, lễ, trí, trung, tín, hiếu, thành, kính… lu mờ, đảo lộn. Chính Tề Cảnh Công đã than rằng: “Nghĩ như vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, dẫu ta có lúa đầy kho, có chắc ngồi yên mà ăn được chăng? – 善哉! 信如君不君, 臣不臣, 父不父, 子不子; 雖有粟吾得而食諸? Thiện tai! Tín như quân bất quân, thần bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử; tuy hữu túc ngô đắc nhi thực chư?” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 11). Để cải biến xã hội đó, Khổng Tử đã đưa ra học thuyết “nhân trị” và “chính danh định phận” 正名 定分” – đó là hoài bão, ý nguyện kinh bang tế thế, gần như suốt đời của ông. Dẫu cho người đời chê cười là người “biết việc chẳng làm được mà vẫn làm”, cho đến cuối đời, khi đã gắng hết sức mà không thành công, ông phải ngửa mặt lên trời cao mà an ủi mình “đó là mệnh trời”.

Trung thành với nguyên lý đạo đức cơ bản trong triết học của mình, Khổng Tử phản đối việc nhà cầm quyền dùng pháp chế, hình phạt trị dân mà chủ trương “nhân trị”. Vì ông cho rằng: “Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sĩ thả cách” (Luận ngữ, Vi Chính, 3). Nguyên nhân khiến cho xã hội loạn lạc, theo Khổng Tử, là do “danh, thực” rối loạn, xã hội đã xa rời đạo lý nhân nghĩa. Muốn ổn định trật tự xã hội, Khổng Tử chủ trương phải giáo hóa đạo đức và thực hiện chủ nghĩa “chính danh, định phận”. Quý Khương Tử hỏi về việc chính trị, Khổng Tử đáp rằng: “Chữ chính 政 (cai trị) do chữ chính 正 (ngay thẳng) mà ra: Cai trị tức là làm cho dân trở nên ngay thẳng, đúng đắn. Nay đại phu tự mình ngay thẳng, đúng đắn, thì còn ai dám không ngay thẳng, đúng đắn? – Chính giả chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính – 政者正也.子帥以正, 孰敢不正” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 16). Quý Khương tử hỏi tiếp Không Tử về cách cai trị, rằng: “Tôi muốn ra lệnh giết những kẻ vô đạo, để từ đó có đạo, ngài nghĩ có nên chăng? Khổng Tử trả lời: “Ông muốn cai trị, cần gì phải dùng sự chém giết? Nếu ông tự làm điều thiện, thì dân sẽ trở nên thiện mà thôi – 如殺無道以就有道,何如?孔子對曰:子爲政焉用殺, 子欲善而民善矣” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 18). Theo Khổng Tử, mỗi vật, mỗi người sinh ra đều có một địa vị, công dụng nhất định, tức một “thực” 實 nhất định. ứng với mỗi địa vị, công dụng đó của nó là một “danh” 名 nhất định. Vật nào, người nào trong thực tại đều có danh hợp với nó, đó là chính danh 正名. Nếu danh không hợp với thực, là loạn danh 亂名.

Chính danh thì người nào có địa vị, bổn phận chính đáng của người ấy, trên dưới, vua tôi, cha con trật tự phân minh; “Vua lấy lễ mà khiến tôi, tôi lấy trung mà thờ vua – Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung – 君使臣以禮, 臣事君以忠” (Luận ngữ, Bát dật, 19). “Vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con – Quân nhân, thần thần, phụ phụ, tử tử – 君君,臣臣, 父父,子子” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 11). Đó là một nước lễ nghĩa hưng khởi, nhân đức long thịnh, danh phận chính định.

Khi Tử Lộ hỏi về việc chính trị, Khổng Tử nói muốn trị nước, trước tiên, tất phải chính danh – “Vệ quân đãi tử nhi vi chính, tử tương hề tiên?” Tử viết: ““Tất dã chính danh hồ” – 衛君待子而 为政,子將奚先?子曰: 必也正名乎 – “Nếu vua nước Vệ mời thầy về làm chính trị, thầy sẽ làm gì trước tiên?” Khổng Tử đáp: “Ắt phải chính danh”“ ( Luận ngữ, Tử Lộ, 3), vì nếu “Danh không chính thì lời nói tất không thuận, lời nói không thuận thì sự việc không thành; việc không thành tất lễ nhạc không hưng thịnh; lễ nhạc không hưng thịnh, tất hình phạt không đúng; hình phạt không đúng, tất dân không có chỗ nhờ cậy. Cho nên nhà cầm quyền xưng danh thì phải đúng với phận với nghĩa; đã xưng đúng với danh phận thì phải tùy theo đó mà làm – Danh bất chính, tắc ngôn bất thuận; ngôn bất thuận, tắc sự bất thành; sự bất thành, tắc lễ nhạc bất hưng; lễ nhạc bất hưng, tắc hình phạt bất trúng; hình phạt bất trúng, tắc dân vô sở thố thủ túc 名不正,則言不順; 言不順,則事不成;事不成則禮樂不興,禮樂不興則刑罰不中;刑罰不中則民無所措手足…” (Luận ngữ, Tử Lộ, 3). Theo học thuyết “chính danh”, Khổng Tử đã chia xã hội thành những mối quan hệ cơ bản, trong đó mỗi quan hệ gọi là một “luân”. Trong xã hội, theo Khổng Tử, có những mối quan hệ chính như: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè. Đặc biệt, trong luân lý, đạo đức và xã hội, Khổng Tử luôn nhấn mạnh đến quan hệ vua tôi và cha con.

Đối với quan hệ vua tôi, Khổng Tử chống việc duy trì ngôi vua theo huyết thống và chủ trương “thượng hiền” không phân biệt đẳng cấp xuất thân của người ấy. Trong việc chính trị, vua phải biết trọng dụng người hiền đức, tài cán và rộng lượng với những kẻ cộng sự. Trọng Cung hỏi về việc cai trị, Khổng Tử nói: “Trước hết nên phân phát công việc cho vị hữu tư, những ai phạm lỗi nhỏ thì tha cho họ, và phải cử dùng người hiền tài – 先有司赦小過舉賢才 – Tiên hữu tư, xá tiểu quá, cử hiền tài” (Luận ngữ, Tử Lộ, 2), “vua phải tự mình làm thiện, phải làm trước thiên hạ để nêu gương và phải chịu khó lo liệu giúp đỡ dân – 子路問政.子曰:先之 勞之. 請益.曰: 無倦 – Tử Lộ vấn chính. Tử viết: “Tiên chi, lao chi”. Thỉnh ích. Viết: “Vô quyện” (Luận ngữ, Tử Lộ, 1); và “chớ lo mình không có chức vị; chỉ lo mình chẳng đủ tài đức để đảm nhận chức vị ấy mà thôi – 不患無位患所以立 – Bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập.” (Luận ngữ, Lý nhân, 14). Ông còn nói: “Nhà cầm quyền nếu biết dùng lễ nhượng trong việc trị nước, thì cai trị có khó gì. Còn như chẳng biết dùng lễ nhượng trong cai trị đất nước, thì làm sao mà có lễ cho được – 能以讓爲國乎, 何有. 不能 以禮讓爲國, 如禮何 – Năng dĩ lễ nhượng vi quốc hồ, hà hữu. Bất năng dĩ lễ nhượng vi quốc, như lễ hà ?” (Luận ngữ, Lý nhân, 13).

Theo Khổng Tử, để xây dựng một xã hội thịnh trị, nhà cầm quyền cần phải xây dựng và phát triển tốt ba lĩnh vực căn bản của xã hội: “Tử Cống hỏi về cách cai trị. Khổng Tử đáp rằng: “Nhà cầm quyền cần phải thực hiện ba điều: Lương thực cho đầy đủ, binh lực cho mạnh, và phải được lòng tin của dân”. Tử Cống hỏi tiếp: “Trong ba điều ấy, bất đắc dĩ mà phải bỏ bớt một điều, thì bỏ điều nào trước? Khổng Tử đáp: “Bỏ binh lực”. Tử Cống hỏi tiếp rằng: “Còn lại hai điều, bất đắc dĩ phải bỏ đi một điều, thì phải bỏ điều nào trước? Đáp: “Bỏ lương thực. Bởi vì từ xưa đến nay, nếu thiếu lương thực thì xảy ra nạn chết đói, chứ dân mà không tin nhà cầm quyền thì nhà nước sẽ phải sụp đổ – Tử Cống vấn chính. Tử viết: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hỹ”. Tử Cống viết: “Tất bất đắc dĩ nhi khử, ư tư tam giả, hà tiên?” Viết: “Khử binh”. Tử Cống viết: “Tất bất đắc dĩ nhi khử, ư tư nhị giả, hà tiên? Viết: “Khử thực. Tự cổ giai hữu tử; dân vô tín bất lập” – 子貢問政. 子曰: 足食, 足兵, 民信之矣.子貢曰:必不得已而去,於斯三者, 何先?曰:去兵.子貢曰:必不得已而去於斯二者,何先?曰:去食.自古皆有死,民無信不立” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 7). Về thực chất, theo Khổng Tử, “túc thực” chính là phát triển kinh tế; “túc binh” chính là phát triển quân sự; và “dân tín” chính là xây dựng chế độ chính trị tốt đẹp, được lòng dân. Quan điểm ấy đã thể hiện một nhãn quan chính trị khá sâu sắc của Khổng Tử. Theo ông, một xã hội muốn phát triển hài hoà, bền vững thì phải kết hợp chặt chẽ tất cả các lĩnh vực trên, trong đó chế độ chính trị – xã hội là quan trọng nhất. Không những thế, cùng với việc phát triển kinh tế, quân sự, chính trị, theo Khổng Tử, nhà vua còn phải lo giáo hóa cho dân. “Một lần Nhiễm Hữu đánh xe đưa Khổng Tử qua nước Vệ, Ngài khen rằng: “Dân nước Vệ đông thay!”. Nhiễm Hữu hỏi: “Dân đã đông, còn phải là gì cho họ nhờ?”. Đáp: “Phải giúp cho họ giàu có”. Hỏi: “Họ đã giàu có rồi, phải làm gì nữa cho họ nhờ?”. Đáp: “Phải giáo hóa họ” – 子適衛, 冉有僕. 子曰: “庶矣哉”冉有曰:“旣庶矣,又何加焉?”曰: “富之”曰:“旣富矣,又何加焉”曰: “教之” – Tử thích Vệ, Nhiễm hữu bộc. Tử viết: “Thứ hỹ tai!” Nhiễm Hữu viết: “Ký thứ hỹ, hựu hà gia yên?” Viết: “Phú chi”. Viết: “ký phú hỹ, Hựu hà gia yên?” Viết: “Giáo chi.”“(Luận ngữ, Tử Lộ, 9).

Nếu “việc chính trị, vua cai trị nước nhà mà biết đem cái đức của mình bổ hóa ra, thì mọi người đều phục theo. Tuy như ngôi sao Bắc Đẩu ở một chỗ mà có mọi vì sao chầu theo” (Luận ngữ, Vi chính, 1). Ngược lại, dân và bề tôi đối với vua phải như đối với cha mẹ mình, phải tỏ lòng “trung” của mình đối với vua. Ấy là “chính danh”, là “phục lễ vi nhân”.

Về đạo cha con, Khổng Tử cho rằng, con đối với cha phải lấy chữ “hiếu” làm đầu và cha đối với con phải lấy lòng “từ ái” làm trọng. Đạo hiếu, theo Khổng Tử, là: “Làm con chớ nên trái ngược” (Luận ngữ, Vi Chính, 5). “Khi cha mẹ còn sống phải phụng sự cho có lễ; khi cha mẹ chết đi, phải chôn cất cho có lễ; khi cúng tế phải giữ đúng lễ” (Luận ngữ, Vi Chính, 5)… Trong đạo hiếu của con với cha mẹ, dù rất nhiều mặt, nhưng cốt lõi phải ở “tâm thành kính”. “Đời nay hễ thấy ai nuôi được cha mẹ thì người ta khen là có hiếu. Nhưng loài thú vật như chó ngựa người ta cũng nuôi được vậy. Cho nên, nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật đâu – Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính, hà dĩ biệt hồ? – 今之孝者,是 謂能養. 至於犬馬,皆能有養.不敬,何以別乎?” (Luận ngữ, Vi chính, 7).

Trong việc trị nước cũng như học đạo, tu thân, sửa mình để đạt được đức “nhân”, “lễ” được Khổng Tử rất mực chú trọng. Lễ ở đây là những quy phạm, nguyên tắc đạo đức của nhà Chu. Ông cho rằng, do vua không giữ đúng đạo vua, cha không giữ đúng đạo cha, con không giữ đúng đạo con… nên thiên hạ “vô đạo”. Phải dùng lễ để khôi phục lại trật tự, phép tắc, luân lý xã hội, khiến cho mọi người trở về với “đạo”, với “nhân” và trở thành “chính danh”. Lễ ở Khổng Tử là những phong tục, tập quán, những phép tắc, chuẩn mực, nề nếp, lễ nghi trong hành vi của con người và theo nghĩa rộng, có thể được hiểu là điển chương chế độ, thể chế pháp luật quy định trật tự xã hội của một thời đại, như: sinh, tử, tang, hôn, tế lễ, triều sính, luật lệ, hình pháp… Theo Khổng Tử, “lễ chi dụng, hoà vi quý – 禮之用, 和爲貴” (Luận ngữ, Học nhi, 12), và lễ quan hệ với nhân rất mật thiết. Nhân là chất, là nội dung, lễ là hình thức biểu hiện của nhân. Nhân là “cái nền tơ lụa trắng tốt mà trên đó người ta mới vẽ nên những bức tranh đẹp – 繪事 後素” (Luận ngữ, Bát dật, 8). Ông khuyên người ta “chớ nên xem điều trái lễ, chớ nghe điều trái lễ, chớ nói điều trái lễ và chớ làm điều trái lễ – 非禮勿 視,非禮勿聽,非禮勿言,非禮勿動” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1); khi đó con người sẽ đạt được “nhân”, xã hội sẽ ổn định, vua sẽ huệ tôi sẽ trung, cha sẽ từ con sẽ hiếu, anh em sẽ kính đễ, chồng tình nghĩa vợ thuận tòng, tất cả đều “chính danh định phận”.

Cùng với lễ, Khổng Tử cho rằng, nhạc, thi, thư cũng là phương tiện để giáo hóa con người, góp phần ổn định và phát triển xã hội. Nhạc chính trực, trang nghiêm, hòa nhã có tác dụng di dưỡng tính tình, cảm hóa lòng người, hướng “tâm” người ta tới cái “chân, thiện, mỹ” do cảm ứng trong tâm ta với sự hài hòa của âm nhạc. Do vậy, Khổng Tử nói: “Hưng khởi là nhờ thi, tạo lập là nhờ lễ, thành đạt là nhờ nhạc – 興於詩, 立於禮,成於樂” (Luận ngữ, Thái Bá, 9). Tuy nhiên, nếu không có “nhân” mà dùng lễ, nhạc thì chỉ là thứ hư văn, hình thức, sáo rỗng mà thôi.

Trong tư tưởng về chính trị, dựa trên học thuyết nhân trị và chủ nghĩa chính danh, Khổng Tử phân biệt xã hội ra làm hai lớp người: quân tử và tiểu nhân. Quân tử chỉ những người tôn quý trong xã hội; tiểu nhân chỉ những người thấp hèn trong xã hội. Quân tử là mẫu người lý tưởng mà Khổng Tử khát khao xây dựng, là rường cột để xây dựng xã hội lý tưởng. Quân tử khác với tiểu nhân không chỉ về địa vị xã hội mà còn khác nhau về trình độ nhận thức, phẩm chất đạo đức, thái độ ứng xử. Khổng Tử viết: “Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ khiến – 君子學 道則爱人小人學道則易使也 – Quân tử học đạo tắc ái nhân, tiểu nhân học đạo tắc dị sử dã” (Luận ngữ, Dương Hóa, 4); “Quân tử đạt đạo lý cao minh, còn tiểu nhân chỉ đạt bậc thấp – 君子上達小人 下達” (Luận ngữ, Hiến Vấn, 24); “Quân tử thư thái mà không kiêu căng, tiểu nhân kiêu căng mà chẳng thư thái – 君子泰而不驕小人驕而不泰 – Quân tử thái nhi bất kiêu, tiểu nhân kiêu nhi bất thái.” (Luận ngữ, Tử Lộ, 26); “Bậc quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân thì cầu ở người – 君子求諸己, 小人求諸人 – Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân.” (Luận ngữ, Vệ Linh Công, 20); “Quân tử khi giao tiếp thì hoà với người, nhưng chẳng đồng; tiểu nhân đồng nhưng không hoà với mọi người – 君子和而不同小人同 而不和 – Quân tử hoà nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hoà” (Luận ngữ, Tử Lộ, 23); “Quân tử bao giờ trong bụng cũng lồng lộng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng lo ngay ngáy – 君子坦蕩蕩, 小人長戚戚 – Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích” (Luận ngữ, Thuật nhi, 36); “Đức của quân tử như gió, đức của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi qua thì cỏ rạp xuống – 君子之德風, 小人之德草, 草上之風必偃.” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 18);… Chung quy lại, theo Khổng Tử, người quân tử phải đạt được chín điều sau đây: “Người quân tử có chín điều lo nghĩ: 1. Khi nhìn thì lo cho sáng tỏ, 2. Khi nghe thì lo cho rõ ràng, 3. Sắc mặt thì lo giữ cho ôn hòa, 4. Tướng mạo thì lo giữ cho khiêm cung, 5. Nói ra thì lo giữ sự trung thực, 6. Làm việc thì lo trọng sự kính cẩn, 7. Có điều gì nghi hoặc thì lo mà hỏi han, 8. Khi giận dữ thì nghĩ đến sự hoạn nạn có thể xảy ra, 9. Khi thấy mối lợi thì nghĩ đến điều nghĩa – Quân tử hữu cửu tư; thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nạn, kiến đắc tư nghĩa – 君子有九思: 視思明,聽思聰,色思溫,貌思恭, 言思中,事思敬,疑思問,忿思難,見得思義.” (Luận ngữ, Quý Thị, 10).

Như vậy, có thể nói, trong triết học Khổng Tử, các phạm trù “nhân”, “lễ”, “trí”, “dũng”, “chính danh định phận”… có nội dung hết sức phong phú, thống nhất với nhau và luôn thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm cố gắng giải đáp những vấn đề đặt ra của lịch sử và đây, có lẽ, là thành quả kết tinh rực rỡ nhất trong triết lý nhân sinh của ông. Song, do hạn chế bởi điều kiện lịch sử và lợi ích giai cấp, học thuyết triết học của Khổng Tử luôn chứa đựng những mâu thuẫn, giằng co, đan xen giữa những yếu tố duy vật, vô thần với những yếu tố duy tâm, giữa những tư tưởng tiến bộ với những yếu tố bảo thủ, phản ánh tâm trạng bị giằng xé của ông trước biến chuyển của thời cuộc. Tính không nhất quán ấy của ông đã là cơ sở để các thế hệ sau khai thác, xuyên tạc theo khuynh hướng khác nhau. Nhưng dù sao, ông cũng xứng đáng với lòng suy tôn của nhân dân Trung Quốc khi họ gọi ông là “vạn thế sư biểu – 萬世師俵”. q